Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Để một mình em dạo phố lang thang
Quán vắng quanh đây nụ hôn quá nồng nàn
Em bước vội để che lòng trống vắng
Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Để chuyện tình em đợi đến si mê
Những lúc xa nhau là tiếng sóng gần kề
Không dỗi hờn xót xa làm ướt mi
<!>
Tình yêu chỉ đẹp phút hẹn thề
Tình yêu sẽ buồn khi bước vào vòng đam mê
Tình như trái mộng chín rung rinh trên đầu cành
Tình như nắng lụa hoa mộng mơ
Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Tình chỉ đẹp khi còn dở dang thôi
Những cánh thư yêu đừng nên kết vội vàng
Những cánh buồm đừng nên dừng bến đỗ
Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Cuộc đời buồn khi tình đã lên ngôi
Có biết bao nhiêu tình say đắm tuyệt vời
Đều dở đang như tình mình thế thôi
Tác phẩm Anh Cứ Hẹn được nhạc sỹ Anh Bằng phổ theo bài thơ Ngập Ngừng của nhà thơ Hồ Dzếnh. Bài thơ này nằm trong tập thơ Quê Ngoại xuất bản năm 1943. Nguyên văn bài thơ như sau :
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…
Chính nhờ vào ý tưởng mới lạ, độc đáo của bài thơ, nên thi phẩm này đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thi ca, và được phổ biến rộng rãi qua nhiều thế hệ.
Không chỉ xuất hiện trong thi ca, không khí bàng bạc tính chất lãng mạn và thi vị của Ngập Ngừng còn lan tỏa sang cả lĩnh vực âm nhạc, với những nhạc phẩm phổ nhạc, lấy ý hoặc từ ngữ từ những câu trong bài thơ như: “Chuyện hẹn hò” của Trần Thiện Thanh, “Ngập Ngừng” (Em Cứ Hẹn) của Hoàng Thanh Tâm, “Anh cứ hẹn” của Anh Bằng hay “Ngập ngừng” của Minh Duy càng giúp cho tác phẩm của nhà thơ Hồ Dzếnh đi sâu hơn vào lòng người thưởng ngoạn nghệ thuật, hay thế giới thơ của Hồ Dzếnh nói riêng.
Nhật Hà Tổng Hợp Nhiều Nguồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét