Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Mối tình Tàu-Việt qua truyện ngắn ‘Chiếc Áo Bà Ba In Hình Chữ Hỷ’ - Trần Doãn Nho/Người Việt



KENNEDALE, Texas (NV) – Lần đầu tiên tôi được biết Đoàn Xuân Thu qua một bài giới thiệu của nhà văn Lương Thư Trung về thơ của anh ở trang mạng “Thất Sơn Châu Đốc.” Tưởng anh làm thơ là chính, nhưng khi tìm đọc thêm về Đoàn Xuân Thu ở trang nhà của Hội Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi thấy anh làm thơ nhiều mà viết văn cũng nhiều, nhiều hơn hẳn thơ (*).Chiếc xe hủ tiếu của chú Phu, cha Muội. (Hình minh họa: Dân Huỳnh) Văn của anh đầy chất Nam Bộ, lạ, vui và tinh nghịch. Anh có biệt tài biến tất cả những câu chuyện đời, chuyện chính trị, chuyện văn chương hay những chuyện hết sức nghiêm túc, đứng đắn, thậm chí cả những chuyện buồn và rất buồn thành chuyện… trào phúng. Cái chất trào phúng đó có thể tìm ngay trong các tựa đề: “Anh Ba cà khịa,” “Dề cơm chấy,” Tình, tiền…té!,” “Cáo Chung hoặc Cáo Phó,” “Bốc phét,” “Bỏ đi tám” …
<!>
Bằng một giọng văn thật trộn giả, giả trộn thật, chuyện “người” pha lẫn truyện “mình,” anh chuyển cõi người ta đầy những ái ố ai bi lạc dục thành… nụ cười, một thứ cười trộn bi, trộn ố, trộn ái, trộn dục… trộn vân vân. Tinh nghịch mà sâu, vui mà thấm, cười mà khóc.

Một trong những bài viết – một truyện ngắn – đọng mãi trong tôi là “Chiếc Áo Bà Ba In Hình Chữ Hỷ.”

Câu chuyện dựng lại hình ảnh khá điển hình của cuộc đời một thanh niên miền Nam vào thời chinh chiến trước năm 1975: đi học, đi cua gái, đi lính, đi tù, đi buôn lậu kiếm sống, đi vượt biên… Truyện mở đầu tưng tưng tửng tửng, không cần loanh quanh rào đón:

“Mới đầu nghe ba em gọi, tôi tưởng tên em là Muỗi. Tôi ghẹo em: ‘Muỗi này! Đừng chích anh, đau lắm.’ Em trề môi, vẻ không bằng lòng: ‘Tên em là Muội. Muội là em. Em là Muội.’ À ra thế!”

Câu ghẹo đó bắt đầu cho một cuộc tình, như mọi cuộc tình trên thế gian, nhưng ở đây, có điều hơi khác: mối tình Hoa Việt, hay nói cho “dân dã” một chút, mối tình Tàu-Việt.

Có vẻ ngoài thông lệ: gái Tàu, trai Việt. Cô tên Muội. Cha Muội là chú Phu, người gốc Quảng Đông. Chú không giàu, chỉ “có chiếc xe hủ tiếu, bán điểm tâm dưới hai tàng me đại thụ, trên vỉa hè.” Còn chàng – nhân vật chính xưng “tôi” – cũng nghèo, vì gia đình đông con, mẹ “có quầy bán cơm tấm gần bên.” Xem như láng giềng. Năm ấy, chàng học Đệ Nhứt.

Hai người quen nhau vì đều ra phụ chạy bàn vào ngày Chủ Nhật. “Em giúp ba em. Tôi giúp má tôi.” Chàng tán tỉnh nàng, nhưng nàng sợ cha nàng không bằng lòng. Vì theo cha nàng: “Con trai Việt Nam làm biếng lắm, đi chơi tối ngày, không lo buôn bán. Không buôn bán lấy gì ăn. Không có gì ăn, làm sao lấy vợ. Nếu lấy được vợ làm sao nuôi vợ, nuôi con.” Mặc! Chàng tán riết, nàng xiêu lòng.

“Cuối năm đó tôi đậu Tú Tài hai. Hai năm xa Mỹ Tho, đi học Đại Học Cần Thơ, tôi không còn dịp gặp Muội mỗi sáng Chủ Nhựt, để nói chuyện tào lao bắc đế nữa.” Nhưng chàng hứa là khi tốt nghiệp xong, làm ông giáo, chàng sẽ hỏi cưới Muội. “Tôi sẽ có tiền nuôi Muội, để ba Muội không còn chê con trai Việt Nam làm biếng nữa. Tôi sẽ không còn ăn cơm tấm má nấu. Tôi sẽ ăn hủ tiếu Muội nấu, trừ cơm, trong những ngày mưa bán ế.”

Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi. “Tôi không chờ được Muội mà ngược lại Muội phải chờ tôi. Chờ tôi suốt cả một thời con gái.”

Mùa Hè năm 72 lửa đỏ. Các trận đánh lớn đồng loạt nổ ra ở Quảng Trị, Kon Tum, An Lộc. Tin chiến sự chiếm đầy mặt báo. Chàng tốt nghiệp, nhưng thay vì đi nhận nhiệm sở, thì phải nhập ngũ theo lệnh tổng động viên.

“Tôi rời trường Bộ Binh Thủ Đức, về Thủy Quân Lục Chiến. Sư đoàn là lực lượng tổng trừ bị, nên tôi lội khắp nơi: từ Cà Mâu, Chương Thiện, Bến Tre ra tận Thừa Thiên, Quảng Trị.” Chàng viết thư về bảo nàng chờ. Và nàng hứa chờ, “dẫu trời sập chăng đi nữa.” Nhưng rủi thay, trong một trận đụng độ lớn, chàng bị đạp phải mìn, bị thương. Nàng tới bệnh viện thăm.“Muội sợ tôi chết, Muội khóc. Khóc cho giấc mộng tôi muốn làm thầy giáo đi bán chữ nuôi Muội; Muội đi bán hủ tiếu cho tôi ăn trừ cơm những ngày mưa bán ế đã không thành.”

Trong cái rủi có cái may. Nhờ bị thương, trong lúc rời viện chờ giám định y khoa, hai người có dịp đi chơi với nhau. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời chàng.

“Tôi hỏi Muội: ‘Đẹp tiếng Quảng là gì?.’ Muội nói: ‘Hụ len. Còn yêu là ói.’ Vậy thì ‘Nị hụ len; ngọ ói nị.’ Muội mắc cỡ, ửng hồng đôi má.”
Chàng dẫn cô đi chợ, mua biếu tình nhân một xấp gấm Thượng Hải có in chữ Tàu.
“Tôi hỏi: ‘Chữ Tàu đó nghĩa là gì?’
Muội nói: ‘Đó là chữ hỉ. Hỉ là vui. Vải này dành cho người ta may áo cưới.’
Tôi hỏi: ‘Muội muốn màu gì?’
‘Màu đỏ hên lắm! Muội xin Trời, Phật cho anh đi đánh giặc bình an, hết giặc, về với Muội.’
Tôi nói: ‘Thôi! Đời anh xui quá xá rồi còn gì, muốn đi bán chữ mà cũng không được, mới đi lính có một năm đã bị thương rồi, hên đâu hỏng thấy.”
Nói vậy, nhưng chàng chọn vải áo màu xanh đọt chuối và may cho nàng một chiếc áo bà ba. Cặp tình nhân sung sướng chờ ngày hôn lễ.

Áo bà ba, Muội yêu. (Hình minh họa: Phát Trương/Unsplash)
Nhưng, lại một lần nữa, cuộc đời không chìu ý họ. Vết thương không đủ nặng để chàng có thể ở lại hậu cứ. Lành xong, chàng phải trở lại đơn vị, tiếp tục ra chiến trường đánh nhau với Cộng Sản cho đến ngày tan hàng.

Là sĩ quan của một đơn vị thiện chiến, chàng phải đi ở tù năm năm. Và khi trở về nhà thì “bèo nhèo như một chiếc áo rách.” Như mọi sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa khác, chàng ra khỏi nhà tù nhỏ, để vào một nhà tù lớn hơn. “Tôi chỉ có chữ, mà chữ bây giờ chẳng ai mua. Chế độ này không cần chữ. Lúc tôi lên trình diện, lão phó công an phường lẩm nhẩm đánh vần lịnh tha của tôi mà nước miếng tràn ra cả khóe miệng. Chế độ này cần lý lịch. Mà lý lịch tôi hạng 15, nghĩa là hạng bét, tận cùng đáy xã hội, thì tôi làm được gì bây giờ?”

Chàng tránh gặp lại Muội, người yêu cũ, không phải vì mặc cảm, mà “chỉ vì tôi không muốn mình trở thành gánh nặng cho Muội.” Chàng đi buôn lậu dầu dừa để kiếm sống.

Vào một buổi chiều, tình cờ chàng gặp lại cha nàng, chú Phu. Chàng chở chú về nhà, được đãi ăn hủ tiếu và uống rượu. “Tô hủ tiếu, chú Phu vừa mới nấu, cũng chịu cùng số phận tang thương theo vận nước, chỉ nước lèo, bánh và lèo tèo những lát thịt mỏng như tờ giấy quyến.”Ăn xong, trong cơn ngà ngà say, chú Phu vào nhà trong, lấy ra cái bọc ny lông, đưa cho chàng, nói: “Con Muội! Nó gởi cho nị. Con Muội! Hu hu! Nó chết rồi! Ngộ biết nó thương nị. Lúc nị đi ở tù, nó nói nó chờ nị được tha về, nó sẽ đi bán hủ tiếu nuôi nị. Nhưng có được đâu! Tụi nó đánh ăn tụi mình rồi lại giành ăn, đánh lẫn nhau. Thiệt hết biết! Hết Pol Pot, Bành Trướng Bắc Kinh, rồi Nạn Kiều.” Sợ bị đuổi về Trung Quốc, chú Phu cho nàng đi vượt biên. Đêm trước khi đi, nàng nhờ cha nàng giữ cái bọc ny lông để trao lại cho chàng.

“Tàu nó ra cửa được ba ngày đêm thì bơm nhớt bị hư, máy lột dên, trôi dạt. Ở hải phận quốc tế, tàu buôn qua lại nườm nượp mà không ai vớt. Ba tuần linh đinh trên biển, tuyệt vọng quá, mấy người đi trên tàu gom quần áo, giày dép lại, đốt. Cuối cùng có chiếc tàu buôn tội nghiệp dừng lại, thả thang dây xuống. Ba tuần trên biển, nị nghĩ coi, sức đâu nữa mà leo. Nó sút tay, rớt xuống biển. Chết chìm. Hu hu.”

Kể xong, “Chú Phu không còn nước mắt nữa để khóc, chú chỉ kêu hu hu, tiếng kêu của con thú bị một vết thương trí mạng, bị ví vào đường cùng, không lối thoát thân.”

Chàng mở cái bọc ny lông. Thì ra, đó là “chiếc áo bà ba hình chữ hỷ tôi may cho em ngày cũ. Muội ơi!”

“Chiếc Áo Bà Ba In Hình Chữ Hỷ” đơn giản, ghi lại một mối tình cũng đơn giản. Không có gì éo le gay cấn; không sướt mướt khóc than. Nhưng vẫn là tình lớn, lại là một mối tình đậm mùi thời đại. Riêng mà rất chung. Trước và sau 1975, đã có thể có hàng ngàn, thậm chí hàng vạn những mối tình dang dở như thế. Truyện này còn có một chi tiết ý nghĩa hơn: gái Tàu yêu trai Việt. Tuy tác giả, bằng giọng văn trào phúng cố hữu, không tìm cách “bi thảm hóa” cuộc tình, nhưng rốt cuộc, không tránh được nỗi bi ai.

“Muội ơi! Xác em giờ ở phương nào. Trôi vào đất Thái hay vào Nam Dương. Áo bà ba, Muội yêu, hòa biển tím. Tình còn đây trời đày ta mất nhau. Tôi không còn khóc được nữa, nước mắt tôi đã cạn lâu rồi. Miệng tôi méo xệch như mếu, mắt chớp chớp, mặt nhăn nhúm, giựt giựt. Muội ơi! Anh sẽ đem chiếc áo bà ba hình chữ hỷ của chúng mình theo, ra biển!” [qd]


Đoàn Xuân Thu sinh năm 1951, tại Mỹ Tho. Thuở nhỏ học trường Petrus Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn) và Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), sau vào Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, rồi dạy học, đi lính. Thân phụ anh là nhà văn Đoàn Hùng Việt, có tác phẩm đăng trên Tiếng Dội, Nhân Loại, Bông Lúa và là bạn thân của nhà văn Sơn Nam. Hiện cư ngụ ở Úc và cộng tác với nhiều báo và tạp chí hải ngoại.

Không có nhận xét nào: