“Những cái đầu” của hệ thống giáo dục Việt Nam, chính xác hơn là nền giáo dục XHCN của một nước Việt Nam cộng sản, vốn dĩ đã chẳng ra thể thống gì. Không có gì đáng làm hơn là việc chặt béng những cái đầu như vậy. Một trong những cái đầu của hệ thống giáo dục mục rữa ấy vừa đề nghị bỏ đi khái niệm “tiên học lễ” của truyền thống giáo dục Việt Nam có từ thời “tiền cộng sản”. Học sinh Việt Nam Cộng Hòa chẳng ai không nhớ câu “Tiên học lễ, Hậu học văn”. Đời này qua đời kia, cho dù có những giai đoạn không phải lúc nào “Tiên học lễ, Hậu học văn” cũng được thực hành nghiêm cẩn nhưng bất luận ra sao thì “Tiên học lễ, Hậu học văn” cũng là một nhắc nhở quý giá và đáng khắc tâm đối với các thế hệ học trò.
Ấy thế mà, tại hội thảo về giáo dục với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21 Tháng Mười Một, ông giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất rằng nên vất quách cái câu cổ lỗ “Tiên học lễ, Hậu học văn”, để mà “xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”; để “khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
Cứ làm như từ hồi có câu “Tiên học lễ, Hậu học văn” thì nền giáo dục Việt Nam trở nên sa đọa lắm vậy; làm như rằng từ hồi đi theo “Tiên học lễ” thì giáo dục Việt Nam trở nên bị vướng víu lực cản nên không thể ngóc đầu lên nổi! Không biết chính xác từ lúc nào hàng chữ “Tiên học lễ, Hậu học văn” được sơn trên tường trong các học đường miền Nam trước 1975 nhưng có điều chắc chắn rằng giáo dục miền Nam trước 1975 – không bị ám bởi những khẩu hiệu chính trị như “5 điều bác Hồ dạy” – đã phát triển và để lại một di sản khổng lồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Thêm – đang đòi “bớt” “Tiên học lễ” ra khỏi học đường – viện lẽ rằng “trọng Lễ” là một nguyên lý cơ bản trong triết lý giáo dục thời phong kiến, rằng không phải ngẫu nhiên mà trong chính quyền phong kiến, Bộ quản lý toàn diện các hoạt động văn hóa, giáo dục, ngoại giao được đặt tên là “Bộ Lễ” và đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau Bộ Lại quản lý về nội vụ, rằng chữ Lễ theo Hán Nho là phải “biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên”… (dẫn lại từ Dân Trí).
Ừa thì cũ quá thì bỏ, lỗi thời quá thì dẹp, lạc hậu quá thì vất. Nhưng cớ sao giáo sư Thêm không đòi “bớt” đi cái thứ “văn hóa” vừa cũ, vừa lỗi thời, vừa lạc hậu, thậm chí ngu muội vì không có cơ sở khoa học nào chứng minh rằng nó đúng hoặc “ưu việt” cả: đó là cái thứ “văn hóa” “Học và làm theo lời Bác”. Thử hỏi, ông Thêm có thể chứng minh xác đáng rằng từ hồi kêu gào “học theo lời Bác” thì giáo dục Việt Nam đạt được gì; từ hồi noi theo “5 điều bác Hồ dạy” thì đạo đức học đường Việt Nam “thăng hoa” như thế nào; từ hồi Bác soi sáng và Đảng dẫn đường, thay vì “trọng Lễ”, thì giáo dục có bớt bát nháo chút nào không; và nếu không “trọng Lễ” thì đám quan lại thời nay có cam đảm và dũng khí để không “phục tùng người trên”?
Một số hình ảnh học trò miền Nam xưa (nguồn: nhacxua.vn)
Chưa bao giờ mà không khí chính trị đất nước và cái gọi là “nghị trường” hiện nay lại mang màu sắc đặc sệt mùi phong kiến như bây giờ; chưa bao giờ “văn hóa” xu nịnh phát triển mạnh như hiện nay; chưa bao giờ mà cảnh khúm núm khoanh tay của kẻ dưới đối với “người trên”, giữa một anh quan phường với quan tỉnh, giữa một anh hiệu trưởng với một quan chức giáo dục cấp cao, lại phổ biến như hiện tại. Những thứ ấy có phải là hậu quả tất yếu do “Tiên học lễ” tạo ra? Thưa với Thêm, chính vì “học Lễ” không đúng mực, đúng cách và vì “Lễ” đã bị xói mòn nên mới sinh ra tình trạng nhiễu nhương suy thoái đạo đức và hiện tượng tự hạ thấp nhân phẩm như vậy! Thủ phạm “gốc” của hiện tượng bạo lực học đường kinh khủng đến đau nhói nhân tâm, với những người nào còn biết chua xót trước thực trạng giáo dục nước nhà, là ở đâu và từ đâu? Là từ cái bảng “Tiên học lễ” hay cái khẩu hiệu “5 điều Bác dạy”?
Giáo sư Thêm còn nói, chỉ khi bỏ “Tiên học lễ” thì mới có thể “đề cao dân chủ trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện, khai phóng, khuyến khích sáng tạo trong giáo dục con người” (theo Dân Trí). Giáo sư Thêm thật là người biết đùa. Với một nền giáo dục hoàn toàn mất phương hướng và không hề được đặt trên nền tảng triết lý nào như nền giáo dục XHCN mà có thể nói đến “phản biện, khai phóng, sáng tạo” thì chẳng có gì mỉa mai hơn. Để “khuyến khích phản biện và khai phóng”, giáo dục Việt Nam cần điều căn bản nhất là bệ phóng dân chủ; và phải là một thứ dân chủ đích thực đến mức mà một hiệu trưởng hoặc một giáo viên có thể tự do tháo bảng “Tiên học lễ” nếu thấy cần, có toàn quyền gỡ bảng “5 điều Bác dạy” mà chẳng hề sợ hoặc kiêng ai; và có dũng khí cầm micro nói dõng dạc trước các em học sinh, rằng từ nay trường chúng ta không phải là “mái trường XHCN” gì cả mà đơn giản chỉ là một ngôi trường thuần túy giáo dục và khai phóng tự do tư duy.
Là tác giả quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam, quyển sách được ông Trần Mạnh Hảo và ông Cao Tự Thanh chỉ ra rằng đây là một sản phẩm xào nấu từ những nghiên cứu của giáo sư Kim Định trước 1975, giáo sư Thêm cũng nói rằng, xã hội truyền thống Việt Nam là “xã hội âm tính”, ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, khép kín, với thói cào bằng, đố kỵ và thói dựa dẫm ỷ lại (dẫn từ Dân Trí). Thật ra học đường và đường hướng giáo dục hiện nay đang rất “động”, “động” từ những phong trào đoàn thể, “động” từ những thi đua thành tích, “động” từ những hoạt động của các đội “cờ đỏ” ra oai với bạn học, “động” từ những thay đổi xoành xoạch trong sách giáo khoa, “động” từ những màn hối lộ tham ô chấn động… Toàn cảnh, giáo dục XHCN Việt Nam đang rất “động”, chỉ có cải cách quyết liệt và thay đổi lột xác chương trình giáo dục là bất động.
“Giáo-dục-con-người” – bốn chữ này lớn vô cùng, quan trọng vô cùng, và khẩn thiết vô cùng, đối với tương lai nước nhà. Đằng sau nó là một hệ thống tư duy và triết lý giáo dục. Hỗ trợ nó là một hệ thống chính trị tử tế. Song hành với nó là những người làm giáo dục có lương tâm. Giáo-dục-con-người khó vô cùng tận. Và đi với nó, trong bất kỳ hoàn cảnh và xã hội nào, kể cả ở các nước phương Tây, là chữ “tâm”, chữ “thiện”, và chữ “lễ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét