Sự kiện trực tuyến được Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) dự kiến tổ chức vào ngày 4/11 nhưng trường đã huỷ bỏ buổi bàn luận được lên kế hoạch là mở đầu cho một chuỗi các buổi trò chuyện với nhiều diễn giả được mời.
Chia sẻ thông tin về sự kiện này hôm 30/10 trên trang Facebook cá nhân, Tiến sỹ Vũ Minh Hoàng, hiện đang giảng dạy tại FUV, viết rằng “rất hân hạnh được cùng Đại sứ Ted Osius bàn luận về cuốn sách mới của ông!” nhưng phần thông tin về buổi trò chuyện này đã không còn truy cập được nữa.
Trả lời yêu cầu bình luận của VOA qua email, FUV cho biết lý do huỷ buổi nói chuyện với cựu ĐS Osius, người từng là phó chủ tịch của đại học này sau khi từ chức đại sứ vào cuối năm 2017, là “vì một số lí do kĩ thuật không lường trước.” Trường cho biết họ đã thông báo gửi diễn giả và những người đăng ký tham dự sự kiện cũng như “cân nhắc thời điểm phù hợp trong tương lai.”
Tuy nhiên không có bất cứ một thông báo công khai nào của FUV trên trang web cũng như trang Facebook chính thức của trường về việc huỷ bỏ này. Thông báo trên trang web của trường mặc dù vẫn hiện ra khi tìm kiếm trên Google nhưng đường link sẽ dẫn tới trang chủ của FUV.
TS Hoàng nói với VOA rằng ông lấy làm “tiếc” vì buổi trò chuyện với ĐS Osius bị huỷ bỏ nhưng cho biết FUV “có rất nhiều sự kiện và vì nhiều lý do không phải sự kiện nào cũng chạy được.” Trong khi đó, nói với BBC, ĐS Osius cho biết ông “thất vọng về sự việc” và cho rằng “có vẻ như ai đó không thích nội dung cuốn sách.”
Cuốn sách bằng tiếng Anh mới ra mắt của ĐS Osius, “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là không thể: Quá trình hoà giải của Mỹ với Việt Nam) là những câu chuyện hậu trường về các nỗ lực xây dựng lòng tin và hoà giải giữa hai cựu thù Mỹ và Việt Nam.
Tuy nhiên, theo một phóng viên trong nước, các báo ở Việt Nam “bị cấm” đưa tin về cuốn sách này. Phóng viên muốn ẩn danh này cho biết rằng chỉ đạo được đưa ra từ ban tuyên giáo Trung ương, nơi đưa ra quan điểm và đường lối tuyên truyền của Đảng cho báo chí.
Tương tự, một tổng biên tập ở Việt Nam nói với Nhật báo Người Việt rằng các báo trong nước được lệnh “không khai thác sách của cựu ĐS Osius” vì dù có “nhiều điểm tích cực như hoà giải Việt-Mỹ” nhưng còn có “một số điểm chưa phù hợp.”
Một trong những câu chuyện được kể trong cuốn sách mới của ĐS Osius, người có nhiệm kỳ đại sứ ở Hà Nội từ 2014-2017, là những gì xảy ra sau cánh gà của cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 5/2017 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trước khi diễn ra cuộc gặp có sự tham dự của phóng viên và nhà báo, ông Trump đã không biết mình sẽ gặp ai và trêu đùa về tên của ông Phúc với một từ có nghĩa thô tục trong tiếng Anh.
Trả lời phỏng vấn VOA ngay khi cuốn sách có mặt trên các kệ sách ở Mỹ hôm 15/10, ĐS Osius, người có gần 30 làm ngoại giao ở Việt Nam, nói rằng “có thể có một số phần trong cuốn sách gây rắc rối cho một số người nào đó trong chính phủ.” Tuy nhiên ông cho rằng “các quan chức chính phủ, những người có thể không thích một số phần trong cuốn sách,” sẽ hiểu được rằng ông viết nó “từ tình yêu của mình với đất nước.” Ông cho biết ông đã “nói ra sự thật một cách đầy đủ nhất có thể” với khả năng và kiến thức tốt nhất của ông.
Ngoài ông Phúc, các lãnh đạo Đảng Cộng sản như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và nhiều quan chức cấp cao khác trong chính phủ Việt Nam được nhắc đến trong cuốn hồi ký này. Tuy nhiên, ĐS Osius cho rằng ông “không thấy sự nhạy cảm lớn nào từ phía chính phủ Việt Nam” đối với việc ông nói ra sự thật, và rằng ông “không giương cú đấm nhắm vào ai” và “không nhắm vào nhân quyền.”
Cựu ĐS Osius từng có buổi thuyết giảng với các sinh viên cao học tại FUV vào cuối tháng 9 vừa qua, trong đó ông kể lại một nội dung của cuốn sách mới và trả lời các câu hỏi từ sinh viên về “phong cách lãnh đạo thích ứng, chấp nhận rủi ro, vấn đề Trung Quốc và thương mại.”
FUV, thành lập năm 2016 với phần lớn vốn nước ngoài, được xây dựng theo mô hình dựa trên nền tảng truyền thống giáo dục đại học của Mỹ về tranh luận cởi mở, nghiên cứu về phân tích phản biện, nhưng đồng thời vẫn dựa trên những di sản và truyền thống văn hoá phong phú của Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của FUV là “minh bạch và công bằng”, theo Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID nơi tài trợ cho trường gần 12 triệu USD từ năm 2017. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, FUV được kỳ vọng như là một nền tảng tuyệt hảo cho việc phát triển vốn nhân lực mạnh mẽ trong khu vực.
ĐS Osius, người được trao huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam vào năm 2018, cho biết rằng ông sẽ ra mắt cuốn sách bằng tiếng Việt vào năm tới và hy vọng không có sự kiểm duyệt nào từ chính quyền đối với phiên bản này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét