Tất cả những chuyện đó đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của tất cả chúng ta, nhất là những người sống trong tâm trạng lo lắng và bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder - OCD). Vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ sức khỏe tâm thần của chúng ta?Rất dễ hiểu là trong tình cảnh này, hầu như tất cả mọi người đều quan tâm đến những tin tức liên quan dến đại dịch. Nhưng với nhiều người, những thông tin dồn dập như vậy có thể làm các vấn đề sức khỏe tâm thần mà họ đang dối diện trở nên tồi tệ hơn.Những người sử dụng mạng xã hội đặc biệt hoan nghênh Tổ chức Y tế Thế giới khi đưa ra lời khuyên về cách bảo vệ sức khỏe tâm thần của chúng ta trong đợt bùng phát virus corona.
<!>
Như Nicky Lidbetter thuộc Anxiety UK - một tổ chức nhân đạo trợ giúp những người gặp nỗi lo lắng - giải thích, sự lo âu quá mức trước một tình huống không thể kiểm soát và không chắc chắn là đặc điểm chung của chứng rối loạn lo âu. Bởi vậy, có thể thấy rằng, tại thời điểm này, những người mắc chứng lo âu đang đối mặt với nhiều thách thức nhất.
Rosie Weatherley, phát ngôn viên của tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần cho biết: "Rất nhiều lo âu bắt nguồn từ những lo lắng về những điều mà ta chưa biết và đang trong tâm trạng đón đợi một điều gì đó xảy ra - virus corona chính là một điều như vậy, nhưng ở quy mô rất lớn".
Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ sức khỏe tâm thần của chúng ta?
Hạn chế đọc tin và cẩn trọng với những gì đọc được
Đọc quá nhiều tin về virus corona đã khiến Nick - cha của hai đứa con nhỏ đến từ Kent - hoảng loạn. Nick vốn đang sống trong tình trạng đầy lo âu.
"Khi lo lắng, suy nghĩ của tôi có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và tôi bắt đầu nghĩ về những hậu quả thảm khốc sẽ xảy đến", anh nói. Nick rất lo lắng về cha mẹ và những người cao niên khác mà anh biết.
"Thông thường, khi chịu đựng điều gì đó, tôi có thể tránh xa tình huống đó. Nhưng lần này lại vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi", anh nói.
Ngưng đọc tin tức trên web và phương tiện truyền thông xã hội một thời gian dài đã giúp Nick trở nên bình tâm hơn. Anh cũng đã tìm được số điện thoại của các đường dây tư vấn hỗ trợ rất hữu ích, do các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần như Anxiety UK điều hành.
• Hạn chế thời gian đọc hoặc xem những tin tức mà chúng không khiến ta cảm thấy tốt hơn lên. Có lẽ, bạn chỉ nên đặt một thời điểm cụ thể nhất định trong ngày để xem tin tức
• Có rất nhiều thông tin sai lệch. Hãy tiếp nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như các trang web của chính phủ và cơ quan y tế quốc gia
Ngưng truy cập mạng xã hội, tắt các thông báo cập nhật
Alison, 24 tuổi, đến từ Manchester, sống trong tâm trạng lo âu về tình hình sức khỏe của mình và luôn thấy có nhu cầu được cập nhật thông tin về vấn đề này. Cô cũng biết rằng, mạng xã hội có thể là một nguồn kích hoạt cho tâm trạng ấy.
"Một tháng trước, tôi đã nhấp vào hashtag và nhìn thấy những thuyết âm mưu rác rưởi, chưa được kiểm chứng. Chúng khiến tôi thực sự lo lắng. Tôi thấy tuyệt vọng và đã khóc", cô nói.
Bây giờ, cô đã cẩn trọng hơn khi cài đặt tài khoản mạng xã hội của mình, tránh nhấp vào hashtags 'coronavirus'. Cô cũng cố gắng hết sức để có những khoảng thời gian không truy cập vào mạng xã hội, thay vào đó là xem truyền hình hay đọc sách.
• Tắt các từ khóa có thể được kích hoạt trên Twitter; hủy theo dõi hoặc bỏ nhận thông báo về việc cập nhật
• Tắt âm báo từ các nhóm WhatsApp, ẩn các bài đăng và nguồn cấp dữ liệu trên Facebook nếu thấy nó quá nhiều
Rửa tay - nhưng không quá mức
Tổ chức OCD Action nhận thấy rằng, gần đây đã có sự gia tăng số lượng các đề nghị được hỗ trợ từ những người vốn có ám ảnh sợ hãi, tập trung vào đại dịch virus corona.
Với những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế và một số dạng lo âu khác, việc thường xuyên được yêu cầu rửa tay có thể khiến họ đặc biệt khó chịu.
Đối với bà Lily Bailey, tác giả của 'Because We Are Bad' - cuốn sách nói về việc sống chung với rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) - nỗi sợ bị nhiễm bẩn là một khía cạnh trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế của bà. Bà nói rằng, những lời khuyên về rửa tay có thể kích hoạt nỗi lo lắng với những ai đã hồi phục từ chứng này.
"Điều đó thực sự khó khăn vì bây giờ, tôi phải thực hiện một số hành vi mà tôi đã cố tránh xa", bà Bailey nói. "Tôi muốn nghe theo lời khuyên cứng nhắc như vậy, nhưng điều đó thật khó, bởi đối với tôi, xà phòng và chất khử trùng là những thứ gì đó giống như bị nghiện."
Tổ chức từ thiện OCD cho biết, vấn đề cần chú ý là chức năng của hành động, chẳng như việc rửa tay được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định được đề xuất, nhằm giảm nguy cơ lây lan virus; hay được tiến hành chỉ như một thứ nghi thức để cảm thấy an tâm hơn mà thôi.
Bailey chỉ ra rằng, với nhiều người mắc OCD, việc có thể ra khỏi nhà đồng nghĩa với việc họ đã cảm thấy tốt hơn lên. Vì vậy, việc phải tự cách ly cũng có thể là một thách thức khác.
"Nếu chúng tôi bị buộc phải ở trong nhà, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian và sự nhàm chán có thể làm cho OCD trở nên tồi tệ hơn", bà nói.
Kết nối và làm điều gì đó mới mẻ
Ngày càng có nhiều người phải tự cách ly. Bởi vậy, giờ có thể là thời điểm tốt để bảo đảm rằng bạn có số điện thoại và địa chỉ email của những người mà bạn quan tâm, quen biết.
"Hãy kiểm tra chúng thường xuyên để cảm thấy được kết nối với những người xung quanh," Weatherley nói.
Nếu bạn phải tự cách ly, hãy cân bằng giữa việc duy trì những thói quen, với việc bảo đảm rằng mỗi ngày qua đi, bạn lại làm được điều gì đó mới mẻ hơn.
Điều đó có thể thực sự sẽ khiến bạn cảm thấy như mình vừa có hai tuần làm việc hiệu quả.
Bạn có thể tạo ra danh sách những việc cần làm và làm theo đó; hay bỏ thời gian đọc một cuốn sách mà bạn muốn đọc.
Hãy đừng để mình bị kiệt sức
Dịch sẽ còn tiếp diễn trong hàng tuần hay hàng tháng nữa, nên điều quan trọng là hãy sống chậm lại.
Và bất cứ lúc nào có thể, hãy đến với thiên nhiên và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Hãy tập thể dục, ăn uống điều độ và uống nước.
Để đối phó với sự lo âu và sợ hãi, Anxiety UK đề nghị mọi người thực hành kỹ thuật mà họ gọi là "Apple" - từ tạo thành từ chữ cái đầu tiên của các từ sau:
• Acknowledge (Công nhận): Để ý và ghi nhận mỗi khi có sự hoang mang xuất hiện trong tâm trí bạn.
• Pause (Tạm dừng): Không phản ứng như bình thường. Đừng phản ứng gì cả. Chỉ tạm dừng và thở.
• Pull back (Kéo lại): Hãy tự nói với bản thân rằng, đây chỉ là nỗi lo âu mà thôi. Lo lắng như vậy là không ích lợi gì và không cần thiết. Đó chỉ là một ý nghĩ hay cảm giác. Đừng tin vào tất cả những gì bạn nghĩ. Và suy nghĩ không đồng nghĩa với việc điều đó thực sự điều hiện hữu.
• Let go (Buông bỏ): Hãy buông bỏ những suy nghĩ hoặc cảm giác. Nó sẽ đi qua. Bạn không cần phải phản ứng lại với chúng. Bạn có thể tưởng tượng như chúng đang bay đi như bong bóng hoặc trôi qua như đám mây.
• Explore(Khám phá): Khám phá hiện tại trong từng phút giây, bởi ngay trong thời khắc hiện tại, tất cả đều ổn. Hãy chú ý đến hơi thở và cảm giác của hơi thở của bạn. Hãy nhìn mặt đất dưới chân, hãy nhìn ra xung quanh và chú ý đến những gì bạn thấy, những thanh âm bạn nghe, những gì bạn có thể chạm vào, hay những gì bạn ngửi thấy. Hiện tại. Sau đó, chuyển sự tập trung chú ý của bạn sang thứ khác - như những gì bạn cần làm, những gì bạn đang làm - trước khi để cho sự lo lắng xâm chiếm tâm trí bạn. Tỉnh thức trong phút giây hiện tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét