Đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam
Tin nữ danh ca Thái Thanh qua đời tôi biết được trễ đúng một ngày. Chị mất tại miền Nam California ngày 17 tháng 3, 2020, hưởng thọ 86 tuổi.- 86 tuổi phải được coi là thọ nhưng khi đã mang cái danh hiệu “vượt thời gian”, tôi nghĩ có lẽ nhiều người cũng có cảm tưởng giống như tôi: Thái Thanh đã qua đời, từ nay nghe lại những bài hát của chị sẽ không còn là cảm giác của một thì hiện tại mà là một thời gian đã qua, đã là quá khứ của cuộc đời mình. Mỗi người trong đời sẽ có một vài kỷ niệm gắn liền với một bản nhạc, một giọng hát, một khung cảnh, một thời điểm nào đó khiến ta nhớ hoài không quên. Với tôi, đó là trời chiều Saigon của một ngày của năm 1969 lần đầu tiên khi tôi được nghe giọng hát Thái Thanh và Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy. Hôm đó, tôi mới vào trường Dược, bà chị kế tôi thì sắp sửa lên đường sang Pháp du học. Hai chị em hẹn nhau sau giờ học của tôi sẽ gặp nhau tại Crystal Palace để chị tôi mua vài món đồ cần thiết cho con gái trước khi chị lên đường.<!>
Từ trường Dược ở đường Cường Để tôi đi xe xích lô lên… trung tâm Saigon mà thời đó với tôi vẫn là một khám phá... vô tận của một đứa trẻ chưa trưởng thành. Trời hôm đó, tôi còn nhớ, Saigon đang chuyển mưa, loại thời tiết của:
Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương.
Cái bước chân đầu tiên vừa chạm xuống lề đường bỗng khựng lại, một cảm giác lạnh chạy dọc theo sống lưng khi từ một quán nhạc bên trong phát ra tiếng hát Thái Thanh và Kỷ Vật Cho Em:
Em hỏi anh, em hỏi anh bao trở lại,
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime
hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả
Anh trở về có khi là bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền, chai đá.
Những câu hát của một thời chiến tranh, của khăn tang, của những vùng chiến trận nhưng lúc đó, trong tâm trí của một thiếu nữ nhỏ tuổi thì đó là đất nước, là hình ảnh hào hùng của một người tình tưởng tượng, một người có thể đã ngồi trong những chiếc xe GMC chuyển quân đi ngang qua thành phố, những tiếng huýt sáo và những câu bông đùa dành cho những cô gái nhỏ học trò dựng xe nép vào lề đường để tránh. Còn nhớ, tôi đã đứng lặng bên lề đường, nghe cho hết bản nhạc và sau đó đi vào quán nhạc bên trong để hỏi mua bản nhạc này. Không phải là mua DVD hay CD hay ngay cả Cassette mà chỉ là mua bản nhạc này in trên giấy. Buổi chiều “shopping” của hai chị em hôm đó đã không còn rộn rã như mọi khi nhưng đã trở thành một kỷ niệm của hai chị em khi nhớ về Saigon. Đúng như câu thơ của người tình một thời:
Lời ru nào níu được
Lúc những cánh me xanh
Bay mềm con lộ nhớ!
Sau này, khi đã được quen với danh ca Thái Thanh, khi nghe tôi kể những bài hát tôi thích nghe chị hát, từ Kỷ Vật Cho Em, Đường Chiều Lá Rụng, Hoa Rụng Bên Sông, Đêm Màu Hồng hay Bóng Mát của Phạm Thế Mỹ, chị cười và bảo tôi là “vớ vẩn” vì sao mà … cô giống chị thế, chị cũng thích những bài hát đó.
Định mệnh kỳ lạ khiến một cô gái nhỏ là tôi lại được quen biết trong vòng thân mật với nhiều tên tuổi văn nghệ của Việt Nam Tự Do trước 1975. Thời của phòng trà Đêm Màu Hồng, thời rực rỡ không chỉ của Ban Thăng Long hay của danh ca Thái Thanh mà đó cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của âm nhạc Việt Nam. Mỗi lần nhạc sĩ Phạm Duy có một bản nhạc mới, chúng tôi thường được các anh gọi đến đó để nghe danh ca Thái Thanh hát ra mắt lần đầu. Với tôi, là đi từ ngạc nhiên này qua khám phá khác. Như cách cầm ly rượu ngất ngưởng của nhà văn Mai Thảo khi đứng lên, tiến gần đến sân khấu phê bình sau khi nghe. Như cách ôm đàn đệm mà như không đệm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vì ly rượu lúc nào cũng ở bên cạnh. Nhưng rực rỡ nhất, kiêu kỳ nhất vẫn là hình ảnh của danh ca Thái Thanh trên sân khấu.
Thời đó, chị “ăn khách” đến nỗi phòng trà nổi tiếng nào ở Saigon cũng phải có sự góp mặt của danh ca Thái Thanh. Tôi vẫn nghĩ cho đến hôm nay không một nghệ sĩ trình diễn nào “chế ngự” được sân khấu như chị Thái Thanh. Chị cao lớn hơn một phụ nữ Việt Nam bình thường, dáng dấp đó, ánh mắt đó, giọng hát đó như một tác phẩm kiện toàn của nghệ thuật trình diễn. Có một lần mà bây giờ khi cố nhớ lại tôi không biết tại sao đêm hôm đó, tôi vừa nghe chị hát “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương ở nhà hàng Queen Bee của ca sĩ Khánh Ly, mà vẫn trở lại Đêm Màu Hồng để nghe chị trình bày một bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên: Thà Là Giọt Mưa, một thi sĩ chưa ai biết tên. Ở Queen Bee, danh ca Thái Thanh mặc áo dài lụa mầu nâu non, quần trắng, đeo chuỗi hạt trai màu trắng. Ở Đêm Màu Hồng, chị mặc áo dài lụa xanh lá mạ, rất dễ thương, rất … thiếu nữ. Những màu áo này sau đó đã trở thành những màu áo “mốt” của nữ sinh viên Saigon thời đó, màu nâu, màu dưa cải, màu xanh lá mạ, màu vàng nghệ, màu tím than của một Ngàn Thu Áo Tím.
Nhưng trong buổi trình diễn đầu tiên của Nghìn Trùng Xa Cách, danh ca Thái Thanh thật lộng lẫy, thật nền nã trong bộ áo dài nhung đen mà chị đã đùa khi đứng trên sân khấu: màu áo này có vẻ không hợp với bản nhạc này vì nhạc sĩ Phạm Duy dù … nghìn trùng xa cách nhưng chuyện tình nào của anh thì hình như cũng … buồn ít hơn vui thì cuộc đời của anh không thể là màu đen. Sau đó, chị cho biết thêm tuy anh Duy có vẻ dễ dãi nhưng khi hát nhạc của anh thì không như thế. Mỗi chữ của anh là một chọn lựa cẩn thận, hát sai một chữ cũng không được. Đó là lý do mà mỗi khi nghe một ca sĩ “thời nay” tự tiện biến cải lời ca theo sự suy nghĩ nông nạn đời thường, tôi đều ngậm ngùi đau xót cho văn hóa Việt Nam. Thiếu đi sự cẩn trọng và trau chuốt đó, nghe nhạc ngày xưa được trình diễn lại bởi ca sĩ ngày nay cứ như đi giầy trong đó bị lọt vào những hạt sạn. Viết đến đây tôi chợt nhớ một bài hát khác thật tuyệt vời qua tiếng hát Thái Thanh:
Tóc mai sợi ngắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.
Cuộc đời của một danh ca sắc nước hương trời thì không thể không đi kèm theo những “mảnh tình vác vai” hay là những mảnh “tình riêng” nhưng rất chung dưới mắt người đời khi cố “vá” lại cuộc đời nhiều bi lụy của mình. Nhưng điều đáng quý là khi đã đi qua, họ đối với nhau thật trang trọng, thật lịch sự, thật trang nhã. Những tin đồn về những xích mích, những đòn ghen, những cãi vã thì không ai nhìn thấy nhưng mấy mươi năm qua, tôi chưa hề nghe bất cứ “người cũ” nào của danh ca Thái Thanh nói về chị mà không có vẻ kính trọng. Những nghệ sĩ đàn em đi sau chị cũng thế. Chị không thân thiện với họ đến mức “bù khú” như tình nghệ sĩ thường tình nhưng cũng không bao giờ chèn ép đàn em mà ngược lại, lúc nào cũng nâng đỡ, cũng khuyến khích.
Nhưng có những đức tính của danh ca Thái Thanh mà chúng tôi, những phụ nữ Việt Nam khi được tiếp xúc thân cận với chị không thể không ghi nhận đó là sự thanh lịch của phụ nữ xưa Hà Nội và ngôn ngữ nền nã rất lịch sự của chị khi giao tiếp. Nhưng bên cạnh không thể không ghi nhận tinh thần trào phúng rất duyên dáng, rất dễ thương của chị. Chị Thái Thanh có khả năng bắt chước nét mặt và ngôn ngữ của người khác rất giống. Có lần tại phòng trà Đêm Màu Hồng, trước khi chị lên săn khấu để hát bản nhạc cùng tên do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, chị hỏi thi sĩ là cụm từ “tóc vàng, sợi nhỏ” trong bài thơ chắc là do thi sĩ tự tưởng tượng vì “chàng” chưa bao giờ ra khỏi nước. Nét mặt của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đêm đó thật khó coi và nét mặt này sau đó được danh ca Thái Thanh “nhái lại” nhiều lần và lần nào chúng tôi cũng phải nhận xét là không thể giống hơn được. Chị Thái Xuân, Giám đốc Trung Tâm Băng Nhạc Diễm Xưa cũng đã ghi nhận về những “ưu điểm” này của danh ca Thái Thanh. Khi chị bắt chước nét mặt của các cháu của chị thì không thể nào không cười cho được. Ngày sinh nhật của chị Thái Xuân, chị Thái Thanh gọi điện thoại nhưng thay vì chúc mừng, chị lại hỏi: “sinh nhật đứa nào đó” khiến bây giờ khi nhớ về chị, tôi và chị Thái Xuân không thể không cười, ngay cả hôm nay chị đã là… người đi qua đời tôi của triệu người dân Việt.
Từ khi danh ca Thái Thanh sang Hoa Kỳ, tôi lại có nhiều dịp gặp chị hơn ở đời thường. Thời gian đầu khi chị mới định cư ở Hoa Kỳ, chị vào khoảng 50 tuổi. Bỏ qua cái sự nghiệp và tên tuổi lẫy lừng của một danh ca, chị Thái Thanh quả là một bà mẹ Việt Nam tận tụy, yêu thương các con. Tôi có đến thăm chị một lần khi chị còn ở trong một Condo gần khu chợ ABC thì phải, chị nấu ăn, săn sóc cậu con trai út tật nguyền với sự kiên nhẫn vô bờ của một bà mẹ Việt Nam. Sau này, thỉnh thoảng chị lại ghé qua tòa soạn Saigon Nhỏ lấy báo và khen tôi viết tùy bút rất hay. Nhất là một bài tùy bút tôi viết về các mẹ già Việt Nam nơi xứ người mà cuối cùng chỉ còn lại bên mình những cọng rau quế, rau răm là điều thân thuộc của quê nhà. Điều mà tôi cũng như chị Thái Xuân đến hôm nay vẫn còn nuối tiếc là cái dự định thực hiện một quyển Hồi Ký về cuộc đời của danh ca Thái Thanh đã không thành. Có nhiều lý do khiến những người muốn đóng góp đã không làm được cho đến khi chị Thái Thanh bị tai biến mạch máu não vào năm 2000 và sau đó, trí nhớ của chị phai nhạt dần.
Điều khiến tôi mất ngủ từ khi nhận được tin danh ca Thái Thanh qua đời cho đến lúc này, hai ngày sau đó là những suy nghĩ nồng nàn hạnh phúc khi nhớ đến khoảng thời gian dài từ khi được quen biết chị cho đến hôm nay. Những kỷ niệm không phải với chị mà là với những bản nhạc do chị hát đã hiện diện trong đời sống của tôi. Hình như trong những kỷ niệm đó, không có đớn đau, khổ ải, túng hụt, chiến tranh, mà chỉ có những nụ cười. Ở đâu đó là những câu thơ, những nét nhạc, những tách cà phê và nhất là trong đó còn có những cuộc tình đã qua với những người hiện nay không còn có mặt trên cõi đời này!
Làm sao để được trông thấy nhau? Hay là bây giờ, chúng tôi chỉ còn có thể gặp lại nhau trong giấc mộng? Hay … là qua giọng hát của Thái Thanh? Nhà văn Mai Thảo tặng cho chị Thái Thanh danh hiệu “tiếng hát vượt thời gian”. Nhưng với nhiều người trong đó có tôi, tiếng hát của chị đã vượt qua lằn ranh chia đôi đất nước, con người và nhiều thế hệ để trở thành một giọng hát duy nhất tiêu biểu cho âm nhạc Việt Nam. Bao nhiêu năm nữa, chúng ta mới có lại được một giọng hát như thế? Hay như thi sĩ Tiên Điền Nguyễn Du đã tự hỏi: Ba trăm năm nữa, sẽ còn ai khóc Tố Như - thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Điều tôi tiếc nhất cho các bạn trẻ văn nghệ thế hệ sau tôi không bao giờ có được chính là những buổi họp mặt văn nghệ, những giai thoại về văn chương “dễ thương” thời trước 1975 hay sau 1975 khi các tên tuổi lớn của Việt Nam tự do bắt đầu đời sống lưu vong nơi xứ người. Thời đó, không có Internet, không có phương tiện truyền thông nên không thể ghi nhận được những điều mà tôi và những người đồng thời đã được nghe, đã được học từ những đàn anh đi trước. Người ta thường nói về văn chương của Mai Thảo nhưng mấy ai biết về tài bình thơ, bình văn của nhà văn Mai Thảo? Mấy ai được nghe nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói về thơ phổ nhạc? Và nhất là mấy ai biết được trong đời thường, họ đã quí nhau, đã thương yêu, đã quí trọng tài năng của nhau như thế nào. Trong số những bài nhạc mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê trước 1975 có một bài ít được phổ biến là bài Khi Cuộc Tình Đã Chết. Bài này đã được danh ca Thái Thanh thâu âm trước 1975.
Một đêm bình thơ tại nhà của nhạc sĩ Trần Duy Đức, khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương chưa vượt biên được sang Hoa Kỳ, bổng dưng anh Mai Thảo nhắc đến anh Phạm Đình Chương và bản nhạc này. Anh Mai Thảo bảo anh Phạm Đình Chương bị ám ảnh về bài thơ này của thi sĩ Du Tử Lê. Có một lần hai ông đi ăn đêm với nhau mà ông Chương cứ ứ ừ đánh nhạc bằng miệng câu: khi cuộc tình đã chết khiến ông Mai Thảo cáu sườn: Nó chưa chết mà cậu cứ ư ư như vậy thì trước sau gì chắc nó cũng chết. Sau này, sau khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương sang Hoa Kỳ, trong một buổi họp bạn khác, nhạc sĩ Phạm Đình Chương xác nhận đó là một bài thơ phổ nhạc ông phải mất vài tháng mới hoàn tất tuy ông rất thích nhưng có thể vì khó hát và vì ngôn từ không hợp cho một buổi trình diễn đại chúng nên không được phổ biến như nhiều bản nhạc khác của ông. Với riêng cá nhân tôi, đó lại là một kỷ niệm riêng, rất riêng khi… một cuộc tình đã chết. Nhưng không ai có thể hát hay hơn chị Thái Thanh hai bài nhạc phổ thơ Du Tử Lê, một do nhạc sĩ Phạm Đình Chương là Khi Cuộc Tình Đã Chết, một do nhạc sĩ Phạm Duy, Tình Sầu Du Tử Lê:
Ta như sương cao mà người như hoa sâu
Dối gian nhàu nát nụ hôn đầu
Tình đi từng bước trên đầu gió
Gieo xuống đời nhau ôi từng hạt thương đau
Hôm nay, chúng tôi, những người bạn cũ gọi cho nhau để kể cho nhau nghe những kỷ niệm của danh ca Thái Thanh mà chúng tôi có được. Tin giờ chót cho hay vì nạn dịch Coronavirus, tang lễ của danh ca Thái Thanh sẽ được tổ chức trong vòng quyến thuộc mà thôi. Làm sao có thể nghĩ ngày cuối cùng của người danh ca số 1 của Việt Nam lại là một ngày quạnh quẽ, cô liêu như thế này: không có ai viếng xác, không thánh lễ nhà thờ, bạn bè cũ không được một lần nhìn lại, để ít ra nhớ lại nụ cười, tiếng hát của thiên thu. Tất cả chấm dứt nữa chừng như một tiếng đàn tự dưng im bặt? Có lý nào như thế?
Chợt nhớ đến bài ca “định mệnh” Đường Chiều Lá Rụng:
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu...
Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy,
tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai.
Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người
giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối...
Trong Hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy viết bài Đường Chiều Lá Rụng là bài hát duy nhất ông viết về cái chết vì ông là một người nhiệt tình sống, nhiệt tình yêu. Nhưng trong bản nhạc này, ông viết:
“Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình”.
Nhưng làm sao lại có thể nghĩ “người vừa nằm xuống” chỉ như một “chiếc lá vàng rơi, như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối” khi người đó lại là danh ca Thái Thanh?
Từ khi "mon men ... đả động tới cái chết" cả năm mươi năm trước, viết nên tuyệt tác này dành cho tha nhân, chắc chắn nhạc sĩ Phạm Duy không bao giờ có thể nghĩ rằng với tuyệt tác này ông đã như một nhà tiên tri, ông đã viết một ca khúc tiễn đưa người em út trong gia đình, người cùng với ông tạo dựng ra một giòng nhạc chưa từng có trong kho tàng văn hóa của quê hương, của dân tộc, của âm nhạc Việt Nam từ giã cõi đời này trong âm thầm, cô liêu? Bao nhiêu năm, vài chục, hay vài trăm năm sau, chúng ta sẽ có lại được những thiên tài như thế này? Cũng như khi Beethoven, khi Chopin, khi Schubert qua đời, đã ba trăm năm dư, vẫn không có được một giòng nhạc thay thế “thứ” mà đời nay gọi là nhạc cổ điển Tây Phương mặc dù ngày nay, con người đã có thể chinh phục mặt trăng, đã có mạng lưới toàn cầu liên kết cả nhân loại với nhau trong nháy mắt nhưng lại không hề biết hàng xóm của mình là ai?
Chị Thái Xuân nói với tôi về tinh thần làm việc hòa đồng, dễ chịu khi được làm việc với danh ca Thái Thanh. Chị Thái Xuân là người thực hiện hầu hết những sự kiện văn nghệ của danh ca Thái Thanh từ khi chị ra hải ngoại vào năm 1985. Chị Thái Thanh rất thích những hòa âm của nhạc sĩ Duy Cường và rất hãnh diện về thiên tư âm nhạc của các con, các cháu. Ca sĩ Ý Lan, ca sĩ Quỳnh Hương đều là những người con ngoan, đã chăm sóc mẹ thật chu đáo trong những ngày cuối đời. Do đó, tôi không nghĩ danh ca Thái Thanh đã cô đơn khi lìa khỏi cuộc đời này.
Hàng đứng từ trái: Hoài Trung, Hoài Bắc, Phạm Đình Sỹ, ông Thăng. Hàng ngồi từ trái: Phạm Duy, Thái Hằng, Kiều Hạnh, Thái Thanh
Nghĩ như vậy thôi, nhưng tôi không thể không buồn vì nỗi cô đơn ghê gớm của một đời người phải lìa xa xứ mẹ, “sống ở một nơi không còn gì là quen thuộc” như lời chị Thái Thanh đã than với tôi. Lời hát, giọng ca vẫn còn quanh quẩn đâu đây, có lý nào người lại ra đi vĩnh viễn? Cứ như là chị giận, chị đang đi xa. Đi chơi vài ngày rồi lại trở về. Và nếu có dịp, chúng ta lại gặp nhau? Như một buổi chiều chị ghé qua tòa soạn Saigon Nhỏ trước đây. Trời mưa, chị sắn quần lên cao để tránh nước. Ký giả Nguyên Huy mở cửa cho chị, khen, chân chị trắng và đẹp quá. Chị cười to, sảng khoái: chân thì ăn thua gì, nhiều thứ còn đẹp hơn chứ lị? Cả tòa soạn được một trận cười nhớ đời. Chị ghé qua như mang lại sinh khí cho những thời khắc bận rộn khó tránh của nghiệp báo. Làm sao có thể nghĩ được rằng tiếng cười đó bây giờ đã nằm trong một cỗ quan tài, sự kết hợp tuyệt vời nhất của nghệ thuật trình diễn Việt Nam rồi cũng sẽ đi vào lòng đất.
Ngày hôm nay, tôi tự cho tôi một điều “xa xỉ” là sẽ không làm gì cả, chỉ để ngồi nhớ đến một tên tuổi của Việt Nam Tư Do mà tôi có hân hạnh được quen biết trong một khoảng thời gian dài. Đời sống xứ người bận rộn, những việc không đâu nhưng lại chiếm hết thì giờ của một đời người. Tôi tự nhủ, ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ nhớ đến chị Thái Thanh, như một người tôi vẫn có thể bắt tay, ôm chầm lấy và cười rũ, cười vui với những câu nói dí dỏm, thông minh nhưng vẫn không kém phần nền nã, cao sang. Người mà tôi có thể nói với, về một bản nhạc vừa được nghe như một hiện hữu trong đời sống này, trong cuộc đời này.
Vì ngày mai, sau khi thắp hương tiễn chị lên đường, tôi cũng sẽ như mọi người Việt Nam sẽ chỉ còn lại một giọng ca, một thiên tài âm nhạc Thái Thanh trong tâm tưởng. Nỗi đau làm sao nguôi?
HOÀNG DƯỢC THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét