Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Vĩnh biệt Thái Thanh, huyền thoại của nền ca nhạc Việt nam - VOA

 Danh ca Thái Thanh, nổi tiếng với nhạc phầm Ngày Xưa Hoàng Thị. Ảnh của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại tp HCM

Danh ca Thái Thanh, nổi tiếng với nhạc phầm Ngày Xưa Hoàng Thị. Ảnh của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại tp HCM
Danh ca Thái Thanh, “tiếng hát vượt thời gian”, qua đời ngày 17/3/2020 tại Quận Cam, bang California, Hoa Kỳ, nơi bà định cư từ năm 1985 sau khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Sự ra đi cua bà, ở tuổi 86, là một sự mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, để lại nhiều tiếc thương cho những người yêu nhạc thuộc nhiều thế hệ cả ở trong và ngoài nước.
<!>
Thân thế và sự nghiệp
Tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, Thái Thanh sinh năm 1934 tại Hà Nội.
Xuất thân từ một gia đình gồm nhiều nghệ sĩ lừng danh trong làng âm nhạc Việt Nam, là em gái của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ca sĩ Thái Hằng- vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, Thái Thanh nổi tiếng từ khi bắt đầu đi hát vào năm 16 tuổi.
Bà di cư vào Nam vào năm 1951 cùng với gia đình chị Thái Hằng và anh rể Phạm Duy, và trở thành một trong những ca sĩ lừng danh của miền Nam trước năm 1975.
Năm 1956, Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh ở Sài Gòn. Hai vợ chồng ly dị vào năm 1965 sau khi đã có 5 con, 3 gái và hai trai.
Những ca khúc nổi tiếng
Tiếng hát của Thái Thanh gắn liền với nhạc của Phạm Duy. Từ nhạc quê hương tới tình ca, trường ca, nhạc của Phạm Duy đã cất cánh với giọng ca và lối trình diễn độc đáo của Thái Thanh.
Nhũng bản nhạc đã đi vào lòng người gồm có: Nửa hồn thương đau, Áo anh sứt chỉ đường tà, Bà mẹ Gio Linh, Đôi mắt người Sơn Tây, Kỷ vật cho em, Tình ca, Tình Hoài Hương, Quê nghèo, Kỷ niệm, Cỏ hồng… Ngoài nhạc Phạm Duy. Thái Thanh còn được biết đến qua các nhạc phẩm của Văn Cao như Suối mơ, Buồn tàn thu, Bến Xuân..., và những bài như Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu... của Đặng Thế Phong.
Những nhạc phẩm đó phát đi thường xuyên trên làn sóng của đài phát thanh và truyền hình Sài-gòn đã đưa người nghệ sĩ lên đỉnh cao danh vọng.
Những năm cuối đời
Hai cô con gái nối gót mẹ theo đuổi con đường nghệ thuật là ca sĩ Ý Lan và ca sĩ Quỳnh Hương, hai cô con gái hiếu thảo đã cùng gia đình chăm sóc cho mẹ trong những năm cuối đời.
Bà KL, từng là hàng xóm của Ý Lan ở Quận Cam, California, cho VOA-Việt ngữ biết rằng trong nhiều năm từ khi Thái Thanh dọn về ở với Ý Lan, bà đã nhiều lần được gặp Thái Thanh khi hàng ngày, nữ danh ca một thời vang bóng được người nhà dẫn đi dạo quanh khu phố để thư giãn và ngắm hoa.
Người hàng xóm kể rằng có lần gặp Thái Thanh được phu quân của ca sĩ Quỳnh Hương dẫn đi dạo, và hai người vừa đi bộ vừa nghe nhạc…Thái Thanh, nhưng những năm sau cùng Thái Thanh ít khi xuất hiện hơn do tuổi cao và sức yếu.
Báo Thanh Niên dẫn lời ca sĩ Quỳnh Hương cho biết Thái Thanh đã 3 lần bị đột quỵ và lần nào cũng sau sự ra đi của những người thân yêu.
Thái Thanh, thần tượng của nhiều thế hệ yêu nhạc
Rời Hà Nội từ lúc 17 tuổi, nhưng giữa lòng Sài-gòn, Thái Thanh dường như không bao giờ mất đi cái phong cách của người con gái Hà Thành xưa, với lối trang điểm nhẹ nhàng và trang phục trang nhã.
Từng sinh sống ở Sài-gòn, thủ đô của miền Nam thời Thái Thanh đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nguyên Tổng Biên tập báo Thanh niên Nguyễn Công Khế mô tả giọng ca của Thái Thanh “mượt mà như nhung lụa”, giọng ca “làm cho những người Việt yêu thêm đất nước mình”, khi ông chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự ra đi của giọng ca mà thế hệ ông “không một ai có thể lãng quên”.
Trong những lần tâm sự với giới hâm mộ, Ý Lan, từng nói rằng đối với Ý Lan, “Thái Thanh vừa là mẹ, vừa là thầy lại vừa là thần tượng.”
Nghệ sĩ Nam Lộc thương tiếc Thái Thanh
Trao đổi với VOA vào chiều ngày 18/3, một nghệ sĩ quen biết gia đình Thái Thanh từ thời ở Sài-Gòn, Nam Lộc, nói:
“Đây có lẽ là một niềm thương nhớ chung cho tất cả những ai yêu âm nhạc và đặc biệt cho anh chị em nghệ sĩ chúng tôi, một người đàn chị đáng quý từ tài năng cho đến đức tính, chúng tôi đã mất đi một nghệ sĩ gương mẫu.”
Nam Lộc nói ông may mắn được Thái Thanh chọn hát nhạc phẩm đầu tay của ông viết chung với nhạc sĩ Tùng Giang, bài “Anh đã quên mùa thu”, bài hát giờ đã trở thành “bài hát kỷ niệm”.
Cover of Album Anh đã quên mùa thu
Cover of Album Anh đã quên mùa thu
“Sáng hôm nay nghe lại, lòng rất là bồi hồi nhưng cạnh đó là niềm hãnh diện lớn lao vì được một trong những ca sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam hát bài ca nhỏ bé của mình,”
Từ khi sang định cư bên Mỹ, Nam Lộc nói Thái Thanh xuất hiện có chừng mực, chỉ xuất hiện khi nào cần xuất hiện, đúng hoàn cảnh và đúng vị trí, chứ không nhận lời mời để xuất hiện ‘rộng rãi’. Nam Lộc nói điều đó khiến ông càng kính phục người nghệ sĩ đi trước, luôn luôn đặt nghệ thuật lên trên hết, trên tư lợi cho cá nhân hay gia đình.
Đi hát từ năm 14 tuổi, Thái Thanh là thần tượng của nhiều thế hệ người yêu âm nhạc từ Bắc chí Nam. Với giọng ca “không có đối thủ” và phong cách biểu diễn lôi cuốn, người nghệ sĩ này dường như đã vượt ra khỏi các rào cản ý thức hệ, vùng miền, để thật sự trở thành một biểu tượng của âm nhạc và văn hóa Việt Nam.

Không có nhận xét nào: