Trung Quốc nói rằng các trạm này cũng đóng vai trò trong việc theo dõi các thay đổi sinh thái và địa chấn trong các vùng then chốt ở Biển Đông.
Tuy nhiên, việc này được coi như bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thuộc địa hoá Biển Đông vào lúc cả thế giới đang lo phòng chống đại dịch Covid-19, theo một số nhà quan sát.
Là chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Tích hợp Đảo và Đá ngầm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và đặt trên Đá Vành khăn kể từ 2018, hai trạm nghiên cứu mới có các hệ thống theo dõi nhằm phục vụ các dự án bảo tồn, theo Tân Hoa Xã.
Tuy nhiên, các địa điểm xây cất mới đây đều nằm trong vùng biển đang có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines và Đài Loan.
Đá Chữ Thập có tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu, còn Philippines gọi llaf Kagitingan; còn Đá Su Bi có tên tiếng Anh là Subi Reef, Bắc Kinh gọi là Chử Bích Tiêu và Manila gọi là Zamora, là các địa điểm đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát những nơi này kể từ 1988, sau khi chiếm từ tay Việt Nam.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã bồi đắp những nơi này cùng một số bãi đá, đảo nhỏ khác ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo, điều được các nước khác cho là để nhằm biến những nơi này thành tiền đồn quân sự chiến lược trên biển.
Hồi năm 2018, Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận, đã phân tích các ảnh chụp Đá Su Bi và phát hiện ra rằng một lượng lớn các tòa nhà, các sân tập, thiết bị radar và cả các sân chơi bóng rổ đã được xây dựng trong thời gian từ 2014 tới nay.
Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập cũng có các cơ sở hạ tầng tương tự, như vị trí đặt tên lửa, đường băng, các nhà kho lớn và nhiều loại thiết bị khác phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của nước khác.
Các cơ sở quân sự đó cũng được cho là nơi đặt các thiết bị liên lạc, xây cất bãi đáp máy bay và đặt bệ phóng tên lửa của Trung Quốc.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh được trang tin Global Nation Inquirer của Philippines trích lời, nói việc Trung Quốc xây cất hai trạm nghiên cứu mới vào thời điểm này là một bước tiến quan trọng.
"Một số người cho rằng đại dịch virus corona đang diễn ra sẽ làm Bắc Kinh bớt chú ý tới những tranh chấp trên biển," ông Koh nói. "Sự thực là không hề như vậy. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng tác chiến."
"Dùng những thứ được cho là 'khoa học phục vụ đời sống dân sự' này để xác quyết các tuyên bố chủ quyền là một cách thức hoạt động mà chúng ta có thể dễ lơ là bỏ qua," ông Koh nhận xét.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ trong việc xác quyết chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp các phản đối quốc tế.
Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, coi đây như bước đi của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành một sức mạnh quan trọng trên thế giới.
Hoa Kỳ đã tăng hiện diện của mình tại Biển Đông trong những năm gần đây, và hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Quân đội Mỹ cũng tăng các hoạt động mà Hoa Kỳ gọi là nhằm "thực thi quyền tự do đi lại trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế", với việc nhiều lần đưa tàu chiến vào sát phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Đá Su Bi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập.
Gần đây nhất, hải quân Mỹ đã đưa nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới Đà Nẵng trong 5 ngày, 5-9/3/2020, trong dịp 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét