1.
Sao ta có thể đắm mình thương vay những dòng phiên âm “Hoàng-Hạc Lâu” không trọn giai điệu quốc hồn? Một chút gì chăng là từ tiếng HẠC mơ màng thoảng bay qua vần lục-bát man mác se lòng người… Chao ôi, cái hạc lấp lánh ửng vàng sớm tinh sương thoáng hiện ngang trời thoắt tắt dần trên nền nắng xế, để lại bao quạnh quẽ dưới chân vọng gác Hoàng-Hạc dãi dầu! Bối cảnh hắt hiu chốn ấy người đây chợt gợn lên ấn tượng bâng khuâng, bấy chầy từng trầm lắng trong tâm khảm khách tha phương.<!>
Hoàng-Hạc Gác Cũ Quê Nhà Ta Đâu?
Ánh dương trần nhạt nhòa chốn cũ,
Đăm đăm sầu thi phú ngừng tuôn.
Ngẩn ngơ dạo bước hiên buồn,
Chàng thơ nén chặt nguồn cơn quặn lòng.
“Duyên trăm năm còn trong bào ảnh,
“Người nỡ chia xa mảnh tình chung.
“Vội đi về chốn vô cùng,
“Bỏ ta lê gót hư không gác này!
Lầu cô quạnh lất lây trong nắng,
Tháng ngày qua ngả bóng đìu hiu.
Thoảng đưa trong cõi tịch liêu,
Vàng ươm cánh hạc kêu chiều thiết tha…
"Hạc ơi hạc đưa ta về với,
"Tìm lại nàng vẹn nỗi hoài mong.
Vô biên chốn ấy trùng phùng,
Mái còn trơ mãi chàng không tái hồi.
Mờ dáng hạc xa rời cõi tạm,
Mây thành trôi tản mạn cuối trời.
Xôn xao sóng dậy nghìn khơi,
Niềm riêng lữ thứ khôn nguôi tấc lòng.
Lầu vẫn còn hòa cùng năm tháng,
Gác đấy đây rõi bóng tà dương.
Hỡi ơi lối cũ dặm trường,
Cô liêu lắm nhẽ luyến thương ngập hồn!
Ráng chiều lịm dần trong ảm đạm,
Tít mù cao đôi bạn vấn vương.
Hán-Dương Anh-Vũ khói sương,
Lung linh bóng nước trăm đường nhớ quê…
(Phóng tác Tiểu-Bình)
Hoàng Hạc Lâu
(Phiên âm quốc ngữ)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng-Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán-Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh-Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Nguyên tác Thôi-Hiệu)
Dịch nôm
Người xưa đã cưỡi hạc vàng đi
Đất này chỉ còn lầu Hạc Vàng
Hạc vàng một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng lờ lững trên không
Trời tạnh sông in hình cây đất Hán Dương
Cỏ thơm tràn lan bãi Anh Vũ
Đến tối quê ta là xứ nào?
Khói sóng trên sông để cho người buồn
Diễn nôm
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng-Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán-Dương sông tạnh cây bầy,
Bãi xa Anh-Vũ xanh dầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Tản-Đà)
Xòe hẳn bàn tay rồi gập ngón cái cùng hai ngón giữa và đeo nhẫn lại, sẽ tượng hình con hạc giấy Origami quen thuộc cô gái Nhật đang miệt mài xếp nếp. Cô cho hạc bay với đầu đuôi dựng đứng cả lên sau khi gấp mỏ nó chìa ra thấp hơn. Tư thế hào hùng như phi đội Thần-Phong của loài chim trời ấy thật ra là dứt khoát phóng thẳng lừ đầu cổ về phía trước. - Cô ơi, làm ơn hẵng bẻ quặt cho các cái xoải dài theo thân chim, để đường bay thêm cao thêm xa vời!
Tục truyền Bồng-Lai, Phương-Trượng và Doanh-Châu là ba cảnh giới có tiên ở quanh năm trên thế gian; trong khi cánh chim thì vẫn như hướng về cõi vô biên trên khung trời mờ nhạt. Chim không về đấy còn về đâu nữa? Nếu dùng dằng chưa vội lại với quần tiên, cùng lắm cánh hạc tót vời cũng hạ mình đáp thẳng đôi chân cà kheo lên lưng cậu rùa lù khù mà đường hoàng thính pháp văn kinh, hoặc giả chợp mắt một chốc nơi chính điện đền chùa. Còn không thì cấm sao được chim ung dung ngước mỏ ngưỡng thiên, ngẫm đôi điều thanh nghị về văn học sự tại Văn-Miếu đế kinh?
Mà sao lại có lũ chim sếu khệnh khạng đội lốt hạc mà không biết thân biết phận vậy nhỉ? Bọn ma bùn tối tăm này cả ngày chỉ cứ bì bõm sục mỏ vào bờ bụi toét toe; những mong mò mẫm mẩu giun mảnh ốc đen đủi hay con nhái bén lanh chanh cho thỏa thèm khát tầm thường nhất đời.
Nghĩ càng thấy kỳ. Nghịch lý đâu ra lắm vấy? Hay là đời thì phải thế; cho nên thiên đường địa ngục mới đổ dồn lên mình kiếp chim lênh khênh? - Không đấy. Mà sắc cũng là đây.
Tình yêu thoạt trông như hạt soàn óng ánh, nhưng soi gần biết đâu chỉ là giọt nước mọng chực rơi? Có những thực thể để yêu biểu hiện dưới bản sắc nhập nhằng mà loài người cố kết lấy một; để rồi nhất định cho đấy là tuyệt. Phải chăng cánh hạc đong đưa ven trời quyết không thể bào hao (giống) như sự nghiệp lầm than của chúng sếu lam lũ mò cua bắt ốc?
Cho dẫu tra đi tra lại trang sinh-vật-học thì người thị thành vẫn khó lòng phân biệt rành rọt đám hươu - nai hay cò - hạc nhởn nhơ trong tấm sơn mài "Tùng Lộc" hoặc "Tùng Cúc Song Hạc". Cũng xin cảm ơn người cho ta được ngắm mãn nhãn bầy bạch hạc nhởn nhơ trong lô hình digital chụp công phu. Dưới chân trời mới, người ta còn có thể rõ hơn ấy là hiện thân của lũ cò tuyết (snowy egret) nữa...
Vậy thời bạch hạc hay cò tuyết? Hạc hay sếu? Hầu như tất tất vẫn là cánh hạc muôn đời nơi cảm nhận thường tình. Kể cũng không sai khi gộp hạc và sếu làm một thực thể chen vai giữa chíu chít chim trời.
"Nhất điểu nhì ngư tam xà tứ tượng" chỉ là ý niệm bất cân đối về kích thước loài vật theo Trung-Hoa ngày trước. Tuy thế hạc vẫn là giống chim tranh to với hàng đà-điểu. Chúng có tầm vóc đáng kể ở loài lông vũ; trong sắc xám, nâu, trắng toát, hoặc pha đen ở thân, cổ, và chòm đuôi hay đầu cánh. Nhiều loại đo từ mỏ giở xuống móng đến mét rưỡi. Cánh dang lắm khi quá hai mét là thường. Ối con nặng hàng dăm bẩy hoặc mươi ký có thừa.
Đấy là giống chim ăn tạp linh động theo môi trường đang ở: từ ngũ cốc, củ, trái, chồi cỏ cây cho đến côn trùng, bò sát, gặm nhấm nhỏ, hoặc các loài thủy sinh (cá nhỏ), lưỡng thê (ếch nhái) hoặc giáp xác (bọ cạp ốc tôm). Nghĩa là tài thánh chúng cũng không thể mãn đời lượn lờ trên non Bồng nước Nhược chơi vơi mà hưởng khói hương chay tịnh suông tình.
Vô số loài chim lội nước ngoài thiên nhiên, bao gồm các giống thiên di với đủ mặt nhà cò- hạc, vẫn thường định kỳ từ Bắc phương giá lạnh tụ về xây tổ ấm ven bờ đất hoang vu, bên đồng lầm tại miền đồng lúa quê ta cũng như ở các vùng nhiệt đới tứ xứ.
Và chả còn gì giấu được dưới ánh dương trong kỷ nguyên hiện đại. Tại những cõi phàm bao la vừa kể, HẠC với SẾU gần xa tuy hai chẳng qua là một giống (crane); trong khi bàng hệ quấn lấy chúng gồm chi chít những con tương cận như thể cò, diệc, vạc hoặc bồ-nông, v.v…
Trong quần thể từng đôi hạc (sếu) ăn ở rất mực keo sơn; đến nỗi phối ngẫu mất trước thì kẻ kia cũng muốn đi theo luôn cho vẹn nghĩa. Suốt đời phu phụ hạc sống cực kỳ hạnh phúc. Nhiều loại ưa thủ thỉ thành tiếng như ru nhau. Chúng cùng múa cùng cho nhau thưởng thức, cùng chia sẻ miếng ăn thật nhỏ, cùng gầy tổ và ấp mỗi lứa ra độc một mụn con lẽo đẽo theo chân.
Rồi ra song thân nuôi dậy con từng ly từng tí, từ cách ăn đến lối múa điêu luyện không hề đơn sai. Lời yêu khắng khít càng được thể hiện nồng nàn qua khía cạnh nhục dục lứa đôi. Họ triền miên trao tình giăng gió bên gối chăn kề cận đến hơi thở cuối cùng; nghĩa là hạc trống chớ hề loạn mối dương cương như bao khách lưng chừng đời chợt nguội mối tơ lòng.
Vậy chứ căn cứ vào đâu nhà thuốc cao đơn hoàn tán luyện thành các viên “Tam Tinh Hải-Cẩu Bổ Thận Hoàn” vân vân? Không làm thanh tâm minh mục lợi tiểu thì thôi, cớ sao "bổ thận" lại chăm chăm xoáy vào chỗ ỉu (xìu) trong chuyện mây mưa? Phải chăng bào-chế-sư họ đoan chắc công lực chó bể đực về môn ấy thâm hậu khiếp lắm; cho nên mới nhắm bộ phận loài này vào việc đỡ đần cho oan khiên của các người đang ngẩn ngơ ủ dột?
Mới hay quý thầy chuyên môn suy luận hão về bản lĩnh yêu từ động vật tận đâu đâu... Nói dại chứ không may mà tin hạc đực phục vụ nương tử quá cừ hé đến tai vì vua Tầu nào ngày xưa, dám chắc nghìn cánh hạc kia sẽ hết còn lấy một mống. Chết chết! Thánh chỉ mà hạ xuống cho dược phòng ngự chế viên gỉ viên gi như cái kiểu “Hồng-đầu-hạc bổ thận hoàn"… thì đến chim tiên cũng phải tuyệt tự sớm.
Người người còn khát khao được sống thật lâu theo niềm tin tương truyền dưới chín tầng giời Trung-Hoa lồng lộng. Từ thánh địa Đạo gia (Lão giáo) siêu nhiên, lòng cầu sinh đã khiến bao thế hệ mê mẩn về tuổi hạc nghìn năm. Thế nhưng động đến khoa học, thì nhân định "thọ tỷ Nam san" không hơn chi ảo tưởng vô thường!
Vỏn vẹn hăm nhăm năm ngoài hoang dã, hoặc cùng lắm xấp xỉ tròn nửa bách tuế trong chuồng thú, thì đời hạc nào cũng phải qua đi. Thọ này chửa chắc trội hơn chung thân giam hãm bà vẹt gan lì tướng quân. Hàng nửa thế kỷ điềm nhiên trôi, nhưng cái sà con gắn lên vành cung treo tại góc nhà vẫn lắc lư đều theo bấy nhiêu bước quặp. Đầu dù trụi nhũi lông mà mụ vẫn tiếp tục sàng xê qua lại nheo nhéo. Vẹt ơi là vẹt.
Về phía Tây phương, nhờ tinh thần thực nghiệm hòa cùng ý thức thẳng thắn và công bình của hậu duệ các thế hệ thực dân, mà giới chức thẩm quyền có thể đếm xỉa tách bạch từng loại hạc nào không nguy cơ tuyệt chủng; hầu cho công chúng thêm cơ hội mó vào đám súng trường ế của con buôn.
Là của hiếm hoi nên mấy đời khách bình dân dòm được thịt thà hạc đóng gói như hươu nai đông lạnh trong siêu thị? Theo kinh nghiệm cá nhân, dân thợ săn cho rằng thịt hạc không những dồi dào về lượng mà còn đã miệng hơn bất kỳ thứ chim nào họ từng sơi qua. Miếng ăn quá khẩu thành tàn. Thơm ngon do không thấy mà tin, hay biết đâu chừng lại tanh ngoéo quá hơi hướm thủy sinh mà lũ chim từng lò dò ăn tươi nuốt sống hàng ngày?
Hơn nữa, bảo sơi thịt hạc được trường thọ và cường dương, thì đạo Giáo (Lão) tất giũ phắt tay áo dà (nhuộm nâu) khinh bỉ mà quay ngoắt mặt đi. Sát-sinh lại còn dâm-dục ư? Đôi Sa-Tăng chúng mi làm sao có chỗ vái trước lò cừ của Thái-Thượng Lão-Quân?
Lại nói thêm về Vạn-Vật học, họ nhà hạc (sếu) bao gồm hàng chục ngành. Có loại ở ì một vùng Bắc cực đông giá bất kỳ. Loại khác sống theo chu kỳ ấm lạnh đến nỗi chẳng rõ đâu mới chính là nhà; do vậy đôi khi chúng còn được gọi theo tên xứ sở lai đáo nương thân. Sinh nở nuôi con từ xuân sang hạ tại phía Bắc hàn đới (như vùng Siberia...) Vào thu ít lâu đa số chúng lại lục tục vỗ cánh xuôi Nam, xuống những miền ấm cúng cho qua mùa rét mướt. Lứa trứng hai quả được cả đôi tận tình thay nhau ấp thường chỉ đậu mỗi một con. Ấy là mối lo mất giống đáng kể -- nhất là ở loài hạc (sếu) da đầu đỏ Ấn-Độ (Sarus crane).
Hiện nay toàn cõi Hoa lục chỉ còn ngót nghìn chim hạc Nhật-Bản chỏm đầu đỏ (Red-crowned Japanese cranes) đẹp mê ly; đông hơn tổng số chim này ở Nhật, Cao-Ly và vùng Đông-Nam Á. Ngày nay tham lận mấy Trung-Cộng cũng đành chịu, không giành nổi hình ảnh trên làm quốc-huy. Lý do là danh tính tính kiêu sa ấy vốn nằm sẵn trong sổ bộ quốc tế về biểu tượng nước Nhật từ lâu rồi.
2.
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng (gan mề…) nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con!
(Ca dao - Ru Con)
Ai bảo cứ phải chia ngang rẽ dọc thành bấy nhiêu chủng loại như Tây học lắm điều? Giống chim cổ mỏ dài ngoằng và chân thì như ống sậy, trống mái ngó bộ chả khác gì nhau vụt bay trắng góc đồng, vẫn là cái CÒ thân thuộc đấy thôi. Herons... tất tất là cò, vóc dáng chỉ đáng đàn em nhà sếu trong bộ lông trắng, xam xám nâu, đen, hoặc vá. Tầm tiểu hơn là bọn egrets, thường trắng toát với bờm lông mã đỏm dáng gắn trên đầu cổ…
Việc gọi tên tiếng ta cho những con lội nước thuộc họ nhà cò-diệc khá lôi thôi, thậm chí còn mâu thuẫn tùy địa phương, và hầu như không đồng nhất thông qua danh từ khoa học chuyên môn. Lý do khó đó chính là tùy thuộc vào ngôn ngữ ở mỗi miền đất nước ta, thêm nhiều phân biệt nơi này nơi khác về hình hài và sinh thái của từng chủng loại nhỏ. Vả lại, cho đến nay ngành khảo sát Vạn-Vật học của nước nhà chưa được phát triển hoàn thiện. (Nhất là trong phạm vi khác hơn trang khảo cứu chuyên biệt nơi đây, thì tên chim không thể được định danh một cách đồng nhất).
Trâu ta ăn cỏ đồng ta. Ta hình như cứ thương thương trâu hơn con bò kéo xe thế nào ấy. Và đàn cò trắng phau phau từ đồng nội bay lả là la vào câu Cò-Lả lại càng thân ta hơn hết thẩy mầu cò gộp lại.
Cò đồng ta (great white egrets/ herons) đứng dẩu mỏ mà đo có khi cao ngót thước tây và nặng hàng kí. Lúa đâu no cò. Cho nên dù bầu diều căng mấy cu cậu vẫn bình thân như trời trồng trên đồng lúa; để rồi bất đồ phóng mỏ như cái lao, gắp ngay được chú cào cào lơ đễnh hay cái cá choai choai nào hớ hênh nộp mạng. Luẩn quẩn quanh khu kiếm ăn của cò còn phải kể thêm ít mạng bé con con nhà DIỆC (bitterns), mỏ dài mà cổ thì ngắn ngủn chẳng ra vẻ cò kiếc gì cả.
Người mình thích nhân cách hóa tên ít loại cò thành tĩnh từ, và chỉ chờ có dịp là gán lên nhau cho bõ... Gầy (ốm) như con cò ma (cattle egret), là loại cò lẻo khoẻo lèo khoèo hết hơi, nặng chỉ vài trăm grams với lông mã ở cổ, thường quanh quẩn bầu bạn với tụi thú to xác. Gầy như cò hương cũng là ấn tượng không mấy bình thường. Thứ cò này cao lêu nghêu trong bộ lông xám xanh kém bắt mắt. “Mệt lử cò bợ (squacco heron)”, con ấy bé tẹo mầu vàng nâu; thêm bờm lông dưới đầu nom chả khác anh chàng nghiện (ghiền) suốt ngày so vai rụt cổ.
Lan man tí nữa, thì VẠC cũng thể loài cò nhỏ, áng chừng trên nửa kí. Đầu, cánh xám xịt đen và thân bụng chúng thường trắng hoặc xám tuyền. Có vô số loại vạc kiếm ăn ban đêm (như con black-crowned night). Chẳng hiểu vì sao "tiếng vạc kêu sương" nghe thơ mộng cải lương là thế, mà âm "quạp, quạp" nhát gừng tiếng một gọi nhau đi đêm của chúng lại cộc lốc đến chán mớ đời!
Đặc sắc nhất ở các giống cò vừa kể là khi bay đầu cổ chúng khiêm nhường thụt lại thành hình chữ S; ra tuồng nhẫn nhục mang thân bèo dạt. Trong khi đó vươn thẳng cổ đầy hào khí phải kể đến nhà sếu (hạc), cũng như các con cò quăm (ibises) mỏ thì quằm quặp, cò mỏ thìa/muỗng (spoonbills) xúc tép như máy, hay cò Tây (storks) kềnh càng...
Cò nhạn Tây (white storks) -- Chữ "Tây" ám chỉ thứ gì to xác, và "nhạn" là sắc trắng muốt của chim muông-- cao quá thước Tây (mét). Với hàng ba bốn kilô gói tròn trong đôi cánh dang suýt soát hai thước, nó nặng đồng cân chỉ thua mỗi mình cụ sếu.
Hình ảnh bà cả cò đường bệ quắp cái địu hài nhi vào mỏ là biểu tượng khai sinh theo truyền thuyết phương Tây. “Là bà stork trên ống khói thả con xuống cho bố mẹ đấy”, lời mẹ đáp bừa thắc mắc đầu đời về sản dục thế mà em thơ tôi vẫn tin. Vậy thời cò Tây cũng thể bà Mụ Cả phù hộ đầy năm cho con nhà ta chứ gì?
Lại còn gã cò quăm thập thò ngoài đồng, vác cái mỏ khoằm khoằm khó ưa của thằng cha vũ phu câng câng cái mặt không biết xấu hổ - Giời ơi, nó chỉ khỏe nết đè người ta ra mà nện là cấm có ai bằng.
Này! Này!
Con cò là con cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối chẳng ai cho nằm.
(Ca dao)
B-G
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét