Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Nàng Autumn Chung Thủy - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Đầu tháng Tám, sau khi anh Hán đi Gia Nã Đại và một số gia đình ở mấy căn lều kế cận lần lượt xuất trại đi định cư, tôi đâm ra lo quẩn lo quanh, đôi khi tự hỏi không biết cơ quan thiện nguyện Hội nghị Do thái Thế giới có làm mất hồ sơ bảo trợ gia đình mình hay không.  Ban đêm tôi thức khuya làm toán thầm lâu hơn và ban ngày hay ngồi trầm ngâm một mình trong lều.  Một hôm thằng Sang đi ra ngoài về, dắt theo một thiếu nữ trạc hăm lăm, hăm sáu tuổi, và gọi giật tôi ra khỏi vũng im lặng thường lệ,
            “Anh Ba Hoa nhớ chị Thu bạn học của tui ở Tuy Hòa không?”
            “À, Lệ Thu là một hoa khôi của trường trung học Nguyễn Huệ, làm sao không nhớ cho được?  Mới đó mà đã gần mười năm,” tôi gượng đứng dậy chào.
<!>
Tôi gặp Lệ Thu hè năm 1966, khi tôi về thăm nhà ở Tuy Hòa lần đầu tiên.  Thằng Sang lấy le với ông anh học đại học ở Sài gòn và lớn lối khoe các cô gái đẹp nhất Tuy Hòa đều học cùng lớp đệ nhị (lớp 11) với nó, cô nào nó cũng quen thân.  Một hôm nó dẫn tôi đến chơi nhà Lệ Thu, một căn nhà tranh khiêm tốn gần bờ ruộng trên đường Nguyễn Huệ.  Sau khi giới thiệu tôi và nàng, nó trổ tài ăn nói, mở máy nói huyên thuyên, và chọc cười một cách vô vị.  Người thiếu nữ thùy mị với mái tóc dài xõa ngang vai rất dè dặt, nói nhát gừng, và cố gắng không để lộ vẻ miễn cưỡng tiếp khách ra ngoài mặt.  Tôi gặp nàng lần đó rồi thôi.
Giọng Phú Yên trong và cao của Lệ Thu đượm vẻ buồn mênh mang,
            “Anh kêu tui bằng tên ‘Thu’ là được rồi, ‘Lệ Thu’ nghe buồn thúi ruột.”
            “Sao lạ vậy?  tôi tưởng tên ‘Lệ Thu’ đẹp tuyệt vời,” tôi ngạc nhiên.
            “Bộ anh không nghe nẫu hát ‘Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều, Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu’ sao na?” nàng cười buồn; “nẫu” là “đại danh từ dùng rộng rãi của vùng Phú Yên - Bình Định để chỉ người ấy, bọn họ, hay người ta.
            “Lầm to rồi Thu ơi!  Thực ra ‘lệ’ ở đây không phải là nước mắt mà là đẹp đẽ như trong ‘diễm lệ’ hay ‘tráng lệ.’  ‘Lệ thu’ là mùa thu đẹp đẽ, chứ nếu có ý nghĩa buồn bã như vậy thì ai mà dùng đặt tên con gái mình?  Trong danh từ Hán Việt, nếu muốn chỉ nước mắt mùa thu thì phải nói là ‘thu lệ’ chứ,” tôi được dịp giải thích.
            “Dzẫy na (vậy sao)?  Lâu nay tui cứ tưởng số phận tui hẩm hiu là do cái tên rầu rĩ đó,” nàng cười héo hắt thuật lại những gian truân nàng đã trải qua, và cùng tôi kết lại những biến cố của một ngày tháng Tư đau thương.

Lệ Thu là con đầu lòng của một gia đình có năm người con, cha là hạ sĩ quan quân đội Việt nam Cộng hòa (“VNCH”).  Ông tử trận ở Đồng Xuân thuộc tỉnh Phú Yên năm nàng học đệ tứ (lớp 9), nàng vừa đi học vừa đỡ đần mẹ buôn bán ngoài chợ để nuôi em.  Sau khi đậu Tú tài I, nàng bỏ học sang phi trường Đông Tác làm thông dịch viên trong căn cứ Không quân Hoa kỳ.  Nhờ tinh thần học hỏi và chịu khó làm việc (bao nhiêu giờ phụ trội cũng không từ), nàng trở thành phụ tá đắc lực và tín cẩn của vị tướng chỉ huy trưởng căn cứ.  Cô nhân viên dân sự Phạm thị Lệ Thu được kính nể gọi là “Miss Autumn T. Pham.”
Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Hoa kỳ rút quân và chuyển giao căn cứ Đông Tác cho VNCH, và vị tướng chỉ huy người Mỹ chuyển sang phía dân sự và đổi về Sài gòn làm việc.  Ông đề nghị Autumn đưa gia đình đi theo và tiếp tục làm việc dưới quyền ông ở văn phòng Tùy viên Quân sự (Defense Attaché’s Office hay DAO) thuộc tòa Đại sứ Hoa kỳ và nằm trong căn cứ Tân Sơn Nhứt, đề nghị mà nàng và bà mẹ hoan hỉ nhận lời.  Vì công việc, nàng thường xuyên đến tòa đại sứ trên đường Thống Nhất và quen thân với Mark McNealy và Douglas Bradford là hai chàng Thủy quân Lục chiến (“TQLC”) trong trung đội canh phòng.  Trung đội gồm khoảng 50 người; theo Hiệp định Paris, đó là số quân nhân tối đa mà Hoa kỳ có thể giữ tại Việt nam.
Vẻ đẹp đông phương thuần hậu và trong trắng của người thiếu nữ chưa từng biết hẹn hò yêu đương khiến Mark và Doug (tên tắt của Douglas) say đắm.  Hai chàng sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ ở tiểu bang Wisconsin phía bắc Hoa kỳ.  Ở nhà cạnh nhau, học cùng trường, tốt nghiệp trung học cùng một lúc, gia nhập TQLC cùng một ngày, và sang Việt nam cùng phục vụ trong trung đội canh phòng và ăn ngủ đi chơi đều có nhau.  Hai chàng đua nhau chinh phục quả tim của Autumn, nhưng không vì thế mà tình bạn của họ sứt mẻ.  Con tim của nàng chỉ có thể trao cho một người:  Kẻ may mắn là Mark.  Doug không những không phật lòng mà còn thương bạn và yêu mến người yêu của bạn nhiều hơn.  Ngày 13 tháng Tư năm 1975, tiểu đội 13 người của Mark được biệt phái vào canh gác khuôn viên DAO.
Khi Autumn nửa thẹn thùng nửa lo lắng báo cho Mark biết mình thọ thai, chàng sung sướng chạy ra tiệm vàng Kim Lợi trên đường Lê Thánh Tôn, dốc túi mua chiếc nhẫn kim cương cao giá nhất có thể mua được, và nhờ Doug thu xếp để mời Autumn đến “dự tiệc bất ngờ” ở Đại sảnh Marshall là khu trú quân TQLC tại biệt thự số 204 đường Hồng Thập Tự.  Tối ngày 23 tháng Tư, khi Autumn bước vào phòng, Mark quỳ một chân trước mặt nàng dâng nhẫn và cầu hôn giữa tiếng hoan hô của bạn đồng đội.
Ngày 24, tình hình trở nên nghiêm trọng, toán TQLC được lệnh bỏ Đại sảnh Marshall và trú đóng trong khu giải trí của tòa đại sứ.  Hôm sau, Mark đưa tiễn Autumn, mẹ và các em nàng, và một số thân nhân khác lên máy bay vận tải di tản sang căn cứ Không quân Clark ở Phi Luật Tân.  Không dè cuộc chia tay chớp nhoáng cũng là giây phút nhìn thấy nhau cuối cùng của hai kẻ vừa đính ước.
Ba giờ rưỡi sáng ngày 29, Việt Cộng bắt đầu pháo kích vào căn cứ Tân Sơn Nhứt, một quả hỏa tiển bắn trúng Trạm Gác Số 1 của khuôn viên DAO khiến hai quân nhân TQLC bị tử thương; họ là thương vong cuối cùng của Hoa kỳ trên đất Việt nam.  Mark là một trong hai người lính không may đó.
Mười giờ 51 phút sáng, chiến dịch Gió Thường Hay Thổi (Frequent Wind) khởi động.  Chiến dịch nhằm đưa ra khỏi Sài gòn các công dân Hoa kỳ, công dân các nước thứ ba như Đại Hàn và Nhật Bản, và người Việt thuộc các thành phần như nhân viên sở Mỹ, sĩ quan cao cấp, và viên chức chính phủ quan trọng.  Từ các chiến hạm của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ đậu ngoài khơi Vũng Tàu, các toán TQLC được đưa vào bố trí các vị trí chiến lược để bảo vệ an ninh cho cuộc di tản.  Đoàn trực thăng đón người đi bay ngợp trời Sài gòn.
Đài Phát thanh Quân đội Hoa kỳ liên tục phát mật hiệu “Hôm nay Sài gòn nóng 105 độ [Fahrenheit], và nhiệt độ càng lúc càng lên cao” và đánh bài “I'm Dreaming of a White Christmas” (Tôi mơ Giáng sinh tuyết trắng).  Xe buýt đón hành khách ở 28 điểm tập trung trong thành phố và theo bốn lộ trình khác nhau đưa họ vào khuôn viên DAO; từ đây, trực thăng chở họ ra chiến hạm.  Trực thăng cũng đón người tại 13 bãi đáp có sơn hình chiếc máy bay trên sân thượng của các ngôi nhà đã được chỉ định từ trước.
image.png                         image.png
Đến sáng ngày 29, có khoảng 10,000 người tụ tập chen lấn trước tòa đại sứ và 2,500 người đã vào được bên trong; tất cả đều thiết tha mong được ra đi.  Tuy nhiên, phải đợi đến khoảng bảy giờ tối, sau khi việc di tản ở DAO hoàn tất, đoàn trực thăng mới chuyển sang “bốc” người ở tòa đại sứ.  Cách mười phút là hai chiếc trực thăng đáp xuống bãi đậu xe và sân thượng.  Khoảng hai giờ sáng ngày 30, tòa đại sứ ước tính cần 19 chuyến nữa để di chuyển số người ở bên trong.  Mặc dù người bên ngoài liều lĩnh vượt tường nhảy vào càng lúc càng đông, Tổng thống Hoa kỳ ra lệnh chỉ đón thêm 19 chuyến nữa và Đại sứ Marteney phải ra đi.
Khi ông đại sứ lên chuyến trực thăng cuối cùng và phi công truyền đi tín hiệu “Hổ đã thoát ra,” ai nấy đều yên trí chiến dịch đã hoàn tất.  Nhưng thật ra còn khoảng 60 TQLC cố thủ trên sân thượng.  Không những họ phải nơm nớp đề phòng Việt Cộng tấn công mà còn phải ngăn chận không cho đám đông, những kẻ ở bước đường cùng khao khát được lên trực thăng, phá cửa xông lên.  Hai chiếc trực thăng quay trở lại đón TQLC, nhưng không đủ chỗ cho cả 60 người.  Tiểu đội mười một người của Doug ở lại, đợi gần một tiếng đồng hồ, và bắt đầu tuyệt vọng khi chiếc trực thăng vận tải được bốn trực thăng chiến đấu hộ tống hiện ra ở chân trời.  Doug là người cuối cùng lên trực thăng.  Nhìn xuống thành phố bốc khói bên dưới, chàng nói thầm, “Vĩnh biệt em yêu, Autumn!”
Cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất lịch sử đưa đi tổng cộng 6,968 người, gồm 1,373 người Mỹ và 5,595 người Việt và công dân các nước thứ ba.
* * *
Từ Phi Luật Tân, Lệ Thu được đưa sang căn cứ Không quân Andersen ở đảo Guam và sau cùng là Trại Pendleton.  Nàng viết thư cho Mark về địa chỉ FPO của đơn vị; FPO (Fleet Post Office) là khu bưu chính của Hải quân Hoa kỳ bao gồm cả TQLC, tương tự như KBC của quân đội VNCH.  Nhưng thư đi thì có mà thư về thì không, Mark biền biệt tăm hơi.  Nàng ốm nghén, buổi sáng ọ ọe nôn mửa, và suốt ngày nghiến răng chịu đựng tiếng bấc tiếng chì của bà mẹ.  Bà mắng nhiếc cô con gái không chịu giữ gìn trinh tiết để cho “thằng Sở Khanh” lợi dụng hưởng thụ thân xác chán chê rồi cao bay xa chạy.  Ngày nào bà cũng giục nàng đi phá thai, trục cái “của nợ” ra cho rảnh rang làm lại cuộc đời nơi đất khách quê người.
Dần dần, Lệ Thu thấy lời đay nghiến của mẹ là hợp lý và thiết thực.  Giữa tháng Bảy, nàng tới bệnh viện Hải quân thuộc Trại Pendleton xin “thực hiện thủ thuật.”  Bệnh viện chỉ có một bác sĩ sản/phụ khoa mà nhu cầu của đàn bà tỵ nạn thì cao nên y tá cho hẹn một tuần sau.  Ngày hôm trước cuộc hẹn bác sĩ, Doug bỗng xuất hiện – một mình.  Không thấy Mark, Lệ Thu đoán biết tự sự; nàng ôm chầm lấy Doug và khóc òa,
            “Mark mất rồi phải không?  Đáng lẽ tôi phải nghĩ đến chuyện bất hạnh này từ hai tháng trước . . .”
            “Autumn, em rán bình tĩnh.  Mark hy sinh vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, tôi rất tiếc.  Tôi vô cùng ân hận vì đã đinh ninh em kẹt lại ở Việt nam.  Thư em gửi cho Mark thì Quân bưu chuyển về nhà cha mẹ Mark là ông bà McNealy.  Ông bà quá đau đớn vì mất đứa con duy nhất và không hề mở thư ra xem.  Cho đến ngày hôm kia, tôi nghỉ phép về thăm nhà; khi đó mọi việc mới sáng tỏ.  Ông bà McNealy thành thật xin lỗi em và gia đình,” nước mắt ràn rụa trên mặt Doug.
            “Cám ơn anh.  Mark không còn, ông bà ấy và cả anh nữa đều không làm gì được cho tôi,” Lệ Thu chùi nước mắt.
            “Không, không, Autumn ơi!  Gia đình Bradford của tôi và gia đình McNealy, hai nhà xin em cho chúng tôi cơ hội đùm bọc em và gia đình.”
Nói đoạn Doug quỳ một chân, lấy hộp nhẫn trong túi ra, và nâng lên bằng cả hai tay,
            “Autumn Thu Pham, xin em ban cho tôi cái vinh dự lớn nhất đời là làm chồng em và cha của đứa bé trong bụng em.  Đây là chiếc nhẫn đính hôn của mẹ tôi.  Hai gia đình Bradford và McNealy sẽ xem con chúng mình là cháu chung.  Em biết là tôi lúc nào cũng yêu em mà.”
Lệ Thu rầu rầu hạ thấp giọng nói với tôi và thằng Sang,
            “Ngày mai gia đình tui đi Wisconsin định cư, và hai tuần nữa tụi tui làm đám cưới.  À, Sang ơi, từ nay sẽ không còn cái tên ‘Lệ Thu,’ dù là ‘mùa thu đẹp đẽ’ hay ‘nước mắt mùa thu,’ mà chỉ có Autumn T. McNealy thôi.”
            “Sao chị biến thành bà Mỹ dzàng nhanh quá dzậy?” thằng Sang cười cười.
            “Cha mẹ Mark muốn chính thức nhìn con tui là cháu nên xin nhận tui làm con nuôi.  Nhỏ Autumn này thành con gái và người thừa kế của ông bả, và mang họ McNealy.  Để sống mãi với tình yêu đối với Mark, tui sẽ giữ họ ảnh chớ hổng có lấy họ mới của chồng như đàn bà Mỹ khác.”
Người con gái Phú Yên chung thủy với người yêu đầu đời như châm ngôn “semper fidelis” của binh chủng TQLC của chàng.  Thường nói gọn là Semper Fi, thành ngữ La-tinh này có nghĩa là “bao giờ cũng trung thành.”  Phụ nữ như nàng dễ có mấy người!
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 8 tháng Giêng, 2020

Không có nhận xét nào: