Một mặt bằng trên đường Phan Xích Long phải đóng cửa, cho thuê lại mặt bằng Sau hai tháng ảnh hưởng dịch virus Corona. Nhiều chủ kinh doanh rơi vào cảnh điêu đứng. Hàng loạt cửa hàng ở TP.HCM đã phải đóng cửa, sang nhượng mặt bằng. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ khoảng 40-50% so với thời điếm dịch bệnh chưa xảy ra. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống cũng giảm khoảng từ 20-30% vào ngày thường, trong khi cuối tuần giảm đến khoảng 50%.Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TPHCM) lâu nay được xem là phố ẩm thực sôi động ở khu vực trung tâm thành phố với nhiều thương hiệu lớn, nổi tiếng nay lâm vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Hàng loạt cửa hàng, mặt bằng, quán sá đóng cửa, sang tiệm, cho thuê lại… Thậm chí, có những cửa hàng chỉ mới khai trương vài tháng chưa kịp thu hồi vốn nay cũng phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ.
<!>
Quán cà phê Doha Coffee tại số 223 Phan Xích Long dù mới khai trương vào tháng 9/2019 cũng treo biển ngừng hoạt động và cho thuê mặt bằng. Cạnh đó, hệ thống cà phê Terra Coffee & Tea cũng đóng cửa, trả mặt bằng dù mới khai trương vào tháng 7/2019.
Hàng loạt cửa hàng kinh doanh trên đường Trần Quang Khải (quận 1) phải đóng cửa vì kinh doanh quá ế ẩm
Chúng tôi gọi đến số điện thoại dán trước một cửa hàng trên đường Phan Xích Long, người rao cho thuê chào mời: “Do tôi chuyển loại hình kinh doanh và rất cần vốn nên muốn cho thuê lại mặt bằng này với giá 100 triệu đồng/tháng (diện tích 144 m2). Nếu anh cọc 3 tháng tôi giảm ngay 15% giá thuê mặt bằng tháng đầu”.
Cách đó khoảng 1km là đường Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM) cũng không khác. Con đường sầm uất này chưa bao giờ lâm vào cảnh mặt bằng phải rao cho thuê lại nhiều như vậy. Có những đoạn treo bảng cho thuê liên tiếp cả chục mặt bằng. Trong khi khu vực này trước đây người thuê rất khó tìm được một mặt bằng trống. Giá thuê mặt bằng đường này trước đây có diện tích khoảng 100m2, luôn vượt 100 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 80 - 90 triệu đồng/tháng, vẫn không có người thuê.
Các mặt bằng kinh doanh trên đường Hai Bà Trưng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự
Trên đường Pasteur, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên (chủ quán trà sữa số 194 Pasteur, phường 6, quận 3), chị than: “Tôi thuê mặt bằng này được ba tháng, giá 32 triệu đồng/tháng, bỏ gần 200 triệu để trang trí sửa sang lại. Giờ không ngờ tình hình ra nông nỗi này, càng bán càng lỗ, không bán thì “chết”, sang mặt bằng thì không ai thuê. Tôi xin chủ nhà giảm giá thuê nhưng họ nói còn đang suy nghĩ”.
Cạnh đó, là quán cơm của chị Nguyễn Thanh Hà. Gặp chúng tôi, chị Hà lắc đầu ngao ngán: “Giờ mở mắt ra là mất ngay 1 triệu đồng tiền thuê mặt bằng mà mỗi ngày bán không được con số này, trong khi còn tiền nhân viên, điện, nước... Vừa rồi tôi mở kinh doanh thêm các mặt hàng thực phẩm, tạp hóa nhưng cũng chẳng thêm được bao nhiêu”.
Rất nhiều cửa hàng trên các tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, 3, 10 như: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, 3 tháng 2… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Cần tương trợ nhau để cùng vượt khó
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh: “Tôi chưa bao giờ thấy mặt bằng cho thuê trống nhiều như hiện nay. Chẳng hạn đường Trần Quang Khải (quận 1), chỉ một đoạn ngắn mà có khoảng 30 mặt bằng treo bảng cho thuê. Nhiều nơi giảm giá 20%-30% so với trước. Rõ ràng đây là giai đoạn rất khó khăn của người kinh doanh bán lẻ”.
Theo tôi, với tình hình hiện tại, các cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai cùng thiệt hại nặng".
Kinh doanh ế ẩm, hàng ngàn tiểu thương xin giảm thuế
Hàng ngàn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5, TPHCM) vừa ký đơn gửi UBND quận 5, Chi cục Thuế quận 5, Công an quận 5, Ban quản lý chợ An Đông... xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch COVID-19.
Trong đơn, tiểu thương xin các cấp lãnh đạo quận 5 xem xét giảm 50% thuế hàng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2/2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.
Các hộ kinh doanh tại đây cho biết, do dịch COVID-19 người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng.
Dưới đây là những hình ảnh hàng loạt hàng quán, cửa hàng kinh doanh ở khắp các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố phải đóng cửa, cho thuê lại mặt bằng.
Trên "con đường triệu đô" Đồng Khởi (quận 1), một số cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm và shop thời trang đang treo biển cho thuê lại mặt bằng. Một số cửa hàng khác treo biển "giảm giá 50%" nhưng vẫn ế ẩm.
Căn nhà mặt tiền 3 lầu trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng đóng cửa im lìm cả tháng nay. Một số người dân chung quanh cho biết, từ sau tết đến nay chưa thấy người thuê mới đến mở cửa.
Một cửa hàng bán nữ trang cao cấp và một cửa hàng tiện ích liền kề nhau trên đường Mạc Thị Bưởi, sát đường đi bộ Nguyễn Huệ cũng không có "động tĩnh" gì từ nhiều tháng nay. Mặt tiền các cửa hàng này hiện đang được một số bảo vệ tận dụng làm bãi giữ xe.
Một tòa nhà trên đường Nguyễn Du dán biển cho thuê mặt bằng. Được biết khu vực này giá cho thuê luôn ở mức vài ngàn USD/tháng.
"Phố thời trang" Nguyễn Trãi đoạn gần với nút giao ngã 6 Phù Đổng (quận 1) vốn luôn sầm uất cũng xuất hiện nhiều căn nhà đóng cửa, treo biển cho thuê.
Hai tiệm thức uống kề bên nhau trên "con đường ẩm thực" Phan Xích Long đã đóng cửa. Trước đây những tiệm thức uống này thường rất đông khách về đêm.
Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đang gặp tình trạng khó khăn. Đa số cho biết do chịu tác động của dịch COVID-19 khiến hoạt động buôn bán giảm mạnh.
Cửa hàng ẩm thực Hàn Quốc đã đóng cửa và được treo biển cho thuê nhà.
Nhiều mặt bằng kinh doanh trên những tuyến đường sầm uất nhất ở TPHCM từng được khách thuê săn đón bỗng lâm vào tình cảnh bỏ không do dịch COVID-19
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét