Mấy ngày gần đây, tình hình dịch Vũ Hán ở VN có diễn biến tương đối bất ngờ. Tuy nhiên, vì dữ liệu từ VN chưa được công bố đầy đủ như bên Tàu, nên rất khó xây dựng được những mô hình dự báo dịch tễ học. Cái note này chỉ là một nỗ lực sơ khởi để tìm hiểu tình hình dịch và dự báo rất thô về diễn biến trong tương lai ở Việt Nam. Diễn biến về số ca nhiễm Việt Nam ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Những ngày sau đó, có lát đát vài ca được ghi nhận thêm. Từ 14/2 đến 5/3 thì không có ca nào mới. Nhưng bắt đầu từ ngày 7/3 thì số ca tăng đột biến, nhưng giảm sau đó, và lại tăng nhẹ. Cho đến nay, VN đã có 61 ca dương tính cho SARS-Cov-2. Rất may mắn là chưa có ca tử vong.
<!>
Biểu đồ dịch tễ học dưới đây (Biểu đồ 1) thể hiện số ca hàng ngày trong thời gian từ 23/1 đến 16/3/2020. Biểu đồ 2 thể hiện số ca tích lũy theo thời gian. Biểu đồ này cho thấy có 2 giai đoạn bộc phát. Giai đoạn 1 từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 2; giai đoạn 2 từ ngày 6/3/2020 trở về sau.
Hình 1: Biểu đồ dịch tễ học (phần trên) thể hiện số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày, tính từ 2 ca đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Mỗi ô vuông là 1 ca. Biểu đồ phía dưới thể hiện số ca tích lũy theo từng ngày. Chúng ta thấy có 2 xu hướng tăn trưởng về số ca, với xu hướng hai (từ đầu tháng 3) tăng nhanh hơn thời gian đầu. Tính đến nay (16/3) Việt Nam đã ghi nhận 61 ca dương tính.
Mô phỏng số ca nhiễm và số ca bình phục
Với những dữ liệu đơn giản như thế, chúng ta có thể dự báo gì về tương lai? Câu trả lời là không nhiều. Một cách thực tế và nằm trong tầm tay nhà nghiên cứu trong điều kiện thiếu dữ liệu là ... mô hình hóa.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng mô hình dịch tễ học đơn giản nhứt: SIR (Hình 2). Như tên gọi, mô hình này mô phỏng số ca có nguy cơ nhiễm (S = susceptible); từ nguy cơ sang nhiễm (I = infected); và sau can thiệp thì sẽ đến tình trạng hồi phục (R = recovered). Tôi hay dịch (và vài bạn đồng nghiệp hay cười) là "Mô hình Nguy - Nhiễm - Phục".
Mô hình này có thể mô tả như đồ thị trong một bài giảng dưới đây. Đại khái rằng chúng ta có một quần thể có nguy cơ lây nhiễm (gọi là S); một số trong những người này sẽ bị nhiễm (I); và sau một thời gian họ sẽ bình phục (R).
Hình 2: Minh họa cho mô hình dịch tễ học SIR để dự báo diễn biến của dịch bệnh.
Không cần đi vào chi tiết kĩ thuật đằng sau của mô hình (mà các bạn có thể tham khảo tài liệu để hiểu) sợ làm loảng vấn đề, ở đây tôi chỉ nói qua về tham số và ý nghĩa của chúng. Xác suất đi từ trạng thái S đến I là beta, và từ I đến R là gamma. Vấn đề là xác định beta và gamma để mô phỏng.
Hóa ra, 2 tham số này có thể ước tính từ vài dữ liệu thực tế. Nếu gọi N là dân số Việt Nam (95 trên 97 triệu có nguy cơ nhiễm), P là xác suất nhiễm, thì beta có thể xấp xỉ bằng tích số của N và P. Tôi cho P = 0.05 (hơi bảo thủ). Còn gamma thì đơn giản hơn: 1/T. Trong mô hình này tôi đặt T = 5 ngày. Do đó, hệ số lây nhiễm R0 chỉ đơn giản là tỉ số của beta trên gamma. Từ đó, hệ số truyền nhiễm R0 là 2.5, tức tương đương với ước tính của WHO. OK, xem ra các giả định này khá gần thực tế.
Việt Nam đã có 61 người bị nhiễm. Dùng dữ liệu thực tế đó, tôi mô phỏng diễn biến của dịch Vũ Hán tại Việt Nam trong vòng 90 ngày tới. Kết quả có thể tóm tắt như sau (Hình 3):
• Dịch sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày 37 (đường màu đỏ) và sau đó sẽ suy giảm dần dần đến tháng thứ 3;
• Số ca hồi phục sẽ đạt 80% vào tháng thứ 2.
Hình 3: Kết quả mô phỏng diễn biến của dịch Vũ Hán ở Việt Nam. Trục hoành là thời gian, tính bằng ngày (từ lúc bộc phát). Trục tung là tỉ lệ (tính trên phần trăm dân số). Đường màu xanh dương thể hiện số ca có nguy cơ nhiễm (tức susceptible); đường màu đỏ là số ca bị nhiễm; và đường màu xanh lá cây là số ca bình phục.
Dự báo về diễn biển như trên có ích gì cho nhà chức trách? Phải nhấn mạnh một lần nữa là kết quả mô phỏng trên không chỉ phụ thuộc vào các giả định về xác suất lây nhiễm và số ca tiếp xúc, mà còn giả định về can thiệp nữa. Giả định là nếu nhà chức trách không làm gì thì tình hình sẽ như mô tả qua biểu đồ. Trong thực tế thì họ phải can thiệp. Biểu đồ trên cho thấy chiến lược can thiệp làm giãn phân bố số ca nhiễm theo thời gian có lẽ là thực tế nhứt và hữu hiệu nhứt.
Chiến lược kiểm soát dịch
Vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát dịch cho tốt. Nhìn chung, mỗi nước có một chiến lược kiểm soát dịch [1]. Chiến lược của họ thường dựa vào chứng cớ khoa học, nhưng một số nước thì làm theo kinh nghiệm thực tế trước đây. Nhìn sang các nước trong vùng tôi thấy Tàu là nước có những biện pháp rất hà khắc (mà có không ít người Việt ủng hộ). Nhưng trong các nước dân chủ thì các biện pháp hà khắc đó sẽ khó thực hiện, thậm chí không được nghĩ đến (nói như một chuyên gia Đài Loan nói).
(a) Hàn Quốc: chiến lược của họ là xét nghiệm ở qui mô cộng đồng để phát hiện dịch. Họ có những đội nhân viên lưu động lấy mẫu sinh phẩm và phân tích, với kết quả trong vòng vài giờ. Cách làm này giảm áp lực cho các bệnh viện. Nhà chức trách còn dùng hệ thống báo động những địa phương có dịch cho mỗi người dân qua hệ thống điện thoại di động. Qua 4 tuần can thiệp, với số xét nghiệm hơn 270,000 người, kết quả là số ca hàng ngày đã giảm từ 900 vài tuần trước xuống còn 76 vào ngày hôm qua.
(b) Úc: ở đây chúng tôi sắp vào mùa lạnh, nên nhà chức trách rất quan tâm vì sợ dịch có thể bùng phát. Chiến lược phòng chống dịch đã được bàn luận từ hai tháng trước khi dịch Vũ Hán đang ở đỉnh điểm. Nhà chức trách Úc áp dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc như triển khai làm việc từ nhà, họp qua mạng (thay vì trực tiếp), nhưng không đóng cửa trường học. Ngoài ra, Chính phủ Úc khuyến cáo hạn chế du lịch ra nước ngoài, và người nước ngoài vào Úc sau ngày 16/3 sẽ tự cách li 2 tuần. Úc không đóng cửa trường học [2] và không khuyến cáo đeo khẩu trang đại trà [3] như ở Nhật.
(c) Singapore, Đài Loan, và Hồng Kông có cách kiểm soát dịch tương đối giống nhau. Thoạt đầu, họ hạn chế du khách từ Tàu vào nước và đồng thời hạn chế công dân đi nước ngoài. Đối với cộng đồng, họ áp dụng biện pháp 'social distancing' (tức hạn chế tiếp xúc) như hạn chế họp hội, tự cách li, làm việc từ nhà (thay vì vào cơ quan), đóng cửa trường học, và tăng cường chiến dịch vệ sinh cá nhân. Ở Singapore với dân số 5.7 triệu cho đến nay chỉ có 187 ca, không có tử vong; Đài Loan (23.6 triệu dân) ghi nhận 50 ca, và 1 tử vong; và Hồng Kông (7.5 triệu dân) ghi nhận 131 ca chủ yếu là từ nước ngoài, trong đó 4 tử vong.
Biện pháp chống và kiểm soát dịch Vũ Hán ở một số nước Á châu và Úc.
Sự thành công kiểm soát dịch ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore cung cấp cho chúng ta nhiều bài học [1]. Sự thành công (hay thành công ban đầu) của các nước trên có 2 mẫu số chung: minh bạch thông tin và tận dụng công nghệ thông tin. Nhà chức trách công bố số ca nhiễm và địa điểm, nhưng bảo mật tuyệt đối cho bệnh nhân. Điều này có hiệu quả tốt là tạo sự tin tưởng ở người dân. Họ cũng sử dụng công nghệ thông tin và mạng để gởi đi những thông điệp phòng bệnh và khuyến cáo kịp thời đến từng gia đình và cá nhân, chớ không 'tuyên truyền' cộng đồng. Hồng Kông còn sử dụng siêu máy tính để tìm ra những trường hợp đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm nhanh.
Việt Nam và xét nghiệm cộng đồng
Còn Việt Nam thì sao? Tôi nghĩ còn quá sớm để biết Việt Nam kiểm soát dịch thành công hay không, vì số ca nhiễm còn tương đối thấp. Cũng có thể đó là thành công bước đầu.
Hôm kia, khi được hỏi, tôi nói rằng vấn đề tương đối nguy hiểm là những ca tiềm ẩn, mà chúng ta không biết được. Những gì chúng ta quan sát (61 ca đến nay) chỉ là bề mặt; còn nhiều ca tiềm ẩn mà chúng ta chưa biết hay chưa phát hiện. Kinh nghiệm bên Hàn Quốc cho thấy xét nghiệm càng nhiều thì số ca nhiễm cũng càng nhiều.
Tôi nghĩ Việt Nam nên làm xét nghiệm cộng đồng. Úc cũng đang lên kế hoạch xét nghiệm cộng đồng. Nhưng ở một bang (không nêu tên, dù ai cũng biết) đã làm xét nghiệm qua clinic đến 1600 người, và họ phát hiện 1 ca dương tính [4]. Nhưng có lẽ VN chưa hoàn thiện được kĩ thuật và cũng thiếu tài nguyên để làm xét nghiệm cộng đồng. (Mấy hôm trước họ nói là đã phát triển kit xét nghiệm rất tốt [5], nhưng hai hôm sau thì lại nhờ Hàn Quốc giúp đỡ!)
Trả lời trên BBC, tôi nói nếu tôi là nhà chức trách Việt Nam, tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một số địa điểm, lấy mẫu ngẫu nhiên theo độ tuổi, và làm xét nghiệm trên những người đó để tìm kháng thể liên quan đến SARS-Cov-2. Kinh nghiệm từ Đức, Ý, và Hàn Quốc cho thấy có những ca nhiễm tồn tại trong cộng đồng có liên quan một cách tiềm ẩn chưa được phát hiện, và những ca này có thể chẳng liên quan gì với những người đã bị nhiễm. Qua cách xét nghiệm ngẫu nhiên này, nhà chức trách sẽ dễ phát hiện thêm những ổ nhiễm mới và can thiệp kịp thời [6.
Chú thích:
[1] https://www.nature.com/articles/d41586-020-00760-8
[2] Chuyên gia giải thích tại sao không cần đeo khẩu trang đại trà:
https://www.facebook.com/watch/?v=218000772914341
[3] Thủ tướng Úc giải thích tại sao Úc không đóng cửa trường học:
https://www.facebook.com/watch/?v=530462094517493
[4] https://www.health.gov.au/news/deputy-chief-medical-officers-press-conference-about-covid-19-on-16-march
[5] VN còn tuyên bố đã xuất khẩu kit xét nghiệm sang Úc. Nhưng tôi sợ đó là “fake news” thôi, vì không có chứng cớ — bất cứ chứng cớ từ peer reviewed paper — nào cả.
[6] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51922994
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét