Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Đám Cưới Ngoài Biển Khơi Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

image.png
Như thường lệ, tôi thức giấc vào khoảng bốn giờ sáng và uể oải nằm trên giường bố nghĩ đến một ngày vô vị trước mặt.  Quỳnh Châu thở nhẹ nhàng đều đặn trên chiếc giường bố bên cạnh.  Đêm vắng lặng, gió thổi rì rào trên các ngọn cỏ quanh lều.  Bỗng từ chiếc lều cách chúng tôi chừng vài chục thước, có tiếng đàn bà kêu cứu, “Có ai cứu con tôi, bớ người ta!”  Tôi chồm dậy mặc vội quần áo bước ra khỏi lều và chạy về phía có tiếng kêu, Quỳnh Châu theo sau bén gót.  Vạch tấm bạt cửa lều chui vào, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ khoảng hăm mốt, hăm hai tuổi.  Người chồng ẵm em bé chừng năm, sáu tháng trong lòng, cô vợ khóc rưng rức,
            “Cháu bị sốt nóng từ đầu hôm, cả đêm khóc không ngủ.  Đến giờ thì người nóng hừng hực, cháu hết khóc, nhưng không còn động đậy . . .”
            “Anh đi kêu xe cứu thương, em ở lại giúp anh chị ấy bình tĩnh,” tôi nói với Quỳnh Châu.
<!>
Ba chân bốn cẳng tôI chạy bay ra văn phòng bộ chỉ huy Trại 3 và trình bày vắn tắt trường hợp khẩn cấp với anh hạ sĩ quan trực.  Anh điềm đạm nhấc ống nói khỏi chiếc điện thoại màu đen và quay số.  Mười lăm phút sau xe cứu thương nhà binh xuất hiện; tôi được nhờ đi theo để thông dịch.  Không tới mười phút, xe tới bệnh viện Hải quân thuộc Trại Pendleton.  Đây là lần đầu tiên tôi đi xa ra khỏi khu vực lều trại, ngôi bệnh viện đồ sộ khiến tôi choáng mắt, và tôi ngửi thấy một mùi thơm đặc biệt khó quên.
Bác sĩ trực là một sĩ quan mặc quân phục Hải quân dưới chiếc áo choàng trắng.  Tôi thấy mặt ông khá quen nhưng còn ngờ ngợ nên không nói ra.  Chăm chú nghe cô vợ khai bệnh của con, ông khám nghiệm em bé và ra lệnh cho y tá cởi quần áo và dùng khăn thấm nước lạnh chườm lên trán và thân hình em để hạ thân nhiệt.  Tôi giật mình ngạc nhiên vì theo thói tục người Việt khi bị nóng sốt người ta mặc thêm áo quần cho khỏi bị lạnh.  Ông nói với hai vợ chồng,
            “Cháu bị sưng phổi và bị sốt lên đến 103 độ [Fahrenheit, tức là 39.5°C].  Cơn nguy hiểm đã qua, nhưng tôi muốn giữ cháu lại để quan sát.  Ông bà có thể ở trong bệnh viện với cháu.”
Nhìn bảng tên trên ngực áo choàng – Robert Steeler, tôi không còn nghi ngờ gì nữa:  Bác sĩ là anh Rob (một tên gọi tắt của “Robert”) tôi quen ở Nha Trang bảy năm trước.  Thấy bệnh nhân cấp cứu đứng chờ khá đông, tôi không dám làm mất thì giờ của anh nên lờ đi và dợm bước ra ngoài tìm xe buýt về trại.  Nhưng anh dịu dàng nắm vai tôi cười toe và nói bằng tiếng Việt bỏ dấu sai lung tung,
            “Èm Bà Hoa, tôi rật vùi mưng khi gắp lai èm ợ đây,” rồi anh đổi sang tiếng Anh, “Rất tiếc bây giờ tôi không có thì giờ để nói chuyện.  Để thứ Bảy tôi đưa Vân vào trại thăm em.”
Người anh Rob nói chắc hẳn là cô Tứ Vân.  Tôi gặp cô lần đầu tiên hè năm 1965, khi từ Ban Mê Thuột (“BMT”) xuống Nha Trang thi Tú tài II vì BMT tỉnh nhỏ không có hội đồng thi.  Cô là một trong hai giám thị coi thi phòng tôi, người kia là thầy Cự dạy Anh văn ở Quốc Học Huế.  Ngày học Quốc Học, tôi nghe nói thầy thù tôi vì học sinh đồn đãi tôi giỏi Anh văn hơn thầy ở chỗ thầy nói tiếng Anh giọng Huế Mỹ trơ mặt ra không hiểu.  Trong ba ngày thi viết, cô ra công che chở để tôi không bị thầy kiếm cớ thu bài và đuổi ra khỏi phòng thi nửa chừng.  Trong khi chờ kết quả thi viết (đậu mới được thi vấn đáp), đám con trai BMT đến tán dóc với các nữ sinh cùng lớp đang tạm trú tại ngôi biệt thự của người bà con của Kiếm; Kiếm người Huế là cô bạn thân nhất của tôi.  Không ngờ, tôi gặp cô giám thị tại đó.  Cô là “bà o” Tứ Vân của Kiếm, đi du học bên Mỹ về, dạy Anh văn ở trường Đồng Khánh Huế, và kỳ này vào Nha Trang chấm thi.  Ngày tôi vào thi vấn đáp, cô can thiệp để tôi thi Anh văn với cô, thay vì với thầy Cự mà bị đánh rớt cầm chắc trong tay.
Sau khi thi Tú tài II, tôi vào Sài gòn học, Kiếm lấy chồng và dọn về Nha Trang.  Ba năm sau, tôi nghỉ hè về chơi ở thành phố biển xanh cát trắng nắng vàng, tìm thăm Kiếm, và gặp lại cô Tứ Vân; cô ở chung nhà với vợ chồng Kiếm.  Năm trước, cô đổi vào dạy trường Nữ trung học Nha Trang (sau có tên mới Huyền Trân).  Kiếm nằm cữ sinh con đầu lòng, kiêng cữ theo tục lệ xưa của người Huế, và nằm trong phòng nói chuyện với tôi qua bức màn che kín.  Trong gần mười ngày ở Nha Trang, tôi theo cô đi chơi với anh Rob.  Anh là đại úy bác sĩ Hải quân phục vụ trong đoàn công tác hỗ trợ y tế cho Dân y viện Nha Trang trong chương trình hoạt động dân vận MILPHAP (Military Provincial Health Assistance Program) của quân đội Hoa kỳ.
Cô Tứ Vân và anh Rob học cùng trường ở Đại học Texas tại Arlington thuộc tiểu bang Texas.  Anh đi học do Hải quân tài trợ trong chương trình Đoàn Huấn luyện Sĩ quan Trừ bị (ROTC), mùa hè thụ huấn quân sự, và cam kết phục vụ quân đội khi ra trường.  Hai người trở nên thân thiết và gắn bó với nhau.  Học xong cô về nước, anh tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ, và trở thành sĩ quan Hải quân.  Anh tình nguyện sang Việt nam làm việc cho MILPHAP không ngoài mục đích được gần gũi người bạn lòng.  Anh tự học tiếng Việt, đọc và hiểu thông suốt, nhưng thiếu thực hành nên khi nói bỏ dấu sai khiến câu nói nghe rất buồn cười.  Tôi nhận ra họ yêu nhau bằng mối tình tuyệt vọng:  Gia đình cô nệ cổ không chấp nhận cô “làm me Mỹ,” và cô không thể cãi lời cha mẹ.
* * *
Trưa thứ Bảy, loa phóng thanh gọi tôi “trình diện” bộ chỉ huy để gặp khách đến thăm.  Mái tóc dài bồng bềnh của cô Tứ Vân vẫn như xưa; lòng vui mừng ngập tràn, tôi cầm tay cô,
            “O khi  cũng đẹp, chừ lại thêm đẹp đôi.  O qua đây hồi nào?”
            “O bà lo xo, người ta là o của con Kiếm chớ o chi của Ba Hoa?  Kêu bằng ‘chị’ đi – cho người ta trẻ ra một chút chớ,” cô nói nhanh và hay cười như ngày nào.
            “Dạ ‘chị’ thì ‘chị,’ sợ chi ai?  Đây là Quỳnh Châu mụ vợ dễ thương của em,’ tôi lây sự hồn nhiên của chị Tứ Vân.
Với giỏ thức ăn anh Rob khệ nệ mang theo, bốn chúng tôi ngồi dưới tàn cây ở đầu sân vận động ăn picnic.  Chị Tứ Vân buồn bã kể lại cuộc hành trình của chị,
            “Đầu tháng Tư Nha Trang thất thủ, chị chạy về Sài gòn ở nhà người bà con.  Gia đình chị kẹt lại ngoài miền Trung; có tin cha mẹ chị chạy từ Huế vô Đà Nẵng, nhưng không biết răng ông bà già không tới nơi.  Chị định tìm xe đò đi ra miền Trung coi hai người chết sống ra răng.”
            “Đang làm việc ở bệnh viện Hải quân, thấy tình hình Việt nam quá nguy ngập, tôi liền xin nghỉ phép 30 ngày để qua Việt nam đón Vân.  Sĩ quan Mỹ không được phép vào Sài gòn nếu không có sự vụ lệnh, nhưng tôi thà bị đưa ra tòa án quân sự hay kẹt lại bên đó còn hơn là vĩnh viễn không gặp nàng.  Ngày 24 tháng Tư, tôi đáp chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không Pan Am tới Tân Sơn Nhứt.  May mắn thay, tôi tìm được nàng,” anh Rob quả quyết; anh nói chuyện bằng tiếng Anh, trong khi ba người còn lại nói cười líu lo bằng tiếng Việt.
            “Câu hỏi đầu tiên của chị là, ‘Anh về đây làm chi?  Bộ muốn tự tử hả?’  Anh nói về đón chị và nếu chị không đi anh nhất định ở lại; Việt Cộng bắt, anh cũng chịu.  Chị hết nước nói, đành cuốn gói đi theo ông tướng gan cóc tía ni,” chị Tứ Vân tình tứ vịn tay anh.
            “Tôi mừng như được lên thiên đàng, đưa Vân vào tòa Đại sứ Hoa kỳ, xuất trình giấy tờ chứng minh làm việc cho MILPHAP, và xin di tản với vị hôn thê.  Viên chức kiểm soát không để ý đến giấy tờ cũ từ năm 1970 và hối hả đẩy chúng tôi lên sân thượng.  Hai đứa nhảy thót lên chiếc trực thăng đưa nhân viên tòa đại sứ ra chiến hạm USS Midway đang mở máy chờ sẵn.  Bay vù ra khỏi Việt nam.”
USS Midway là chiếc hàng không mẫu hạm có thủy thủ đoàn trên 4,100 người, có thể mang 120 phi cơ, và đã hai lần tham chiến tại Việt nam:  năm 1965, đậu ở ngoài khơi vịnh Bắc Việt làm cứ điểm cho phi cơ oanh tạc miền Bắc, và năm 1972, tham gia vào công tác gài mìn phong tỏa các hải cảng của miền Bắc.  Lần này, Midway trở lại cùng các chiến hạm khác của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ để tham dự chiến dịch Gió Thường Hay Thổi (Frequent Wind), chiến dịch di tản nhân sự Việt Mỹ và các quốc gia thứ ba ra khỏi Sài gòn trong hai ngày 29 và 30 tháng Tư.  Chị Tứ Vân bồi hồi,
            “Trên Midway, chị hồi hộp xem cảnh trực thăng Mỹ đi đi về về đổ người xuống liền liền và trực thăng do phi công Việt nam mình lái chở gia đình đáp xuống tới tấp.  Nhân vật quan trọng nhất lái trực thăng đáp xuống là ông Phó Kiền, ông mặc bộ đồ bay áo liền quần màu xám bạc bó sát người trông rất lịch sự và oai vệ.  Nhưng hùng tráng nhất và cảm động nhất là cuộc hạ cánh của một thiếu tá Không quân tên Xxxx Uông.”
image.png                        
Chiều ngày 29, Thiếu tá Uông lái chiếc phi cơ L-19 Bird Dog chở vợ và năm đứa con cất cánh từ Côn Sơn bay tới gần Midway.  Đó là loại phi cơ có cánh cố định hai chỗ ngồi dùng để liên lạc và thám thính; “Bird Dog” là chó dùng đi săn chim.  Thủy thủ Midway có ý định ra lệnh cho chiếc Bird Dog đáp xuống biển và chờ thuyền nhỏ đến cứu vì phi công Việt nam không được huấn luyện cách đáp xuống hàng không mẫu hạm và L-19 không có bộ phận giảm tốc độ gấp rúc khi hạ cánh; họ cố gắng liên lạc vô tuyến nhưng vô hiệu.  Chiếc Bird Dog bay quanh Midway hai vòng và thả giấy xuống, nhưng thư bị gió thổi bay xuống biển.  Vòng thứ ba, tờ giấy bao quanh khẩu súng lục bỏ trong bao súng rơi trúng boong tàu.  Tờ thư ghi,
Tôi có thể hạ cánh trên phi đạo của tàu, xin làm ơn di chuyển phi cơ trực thăng qua một bên. Tôi còn nhiên liệu bay thêm một tiếng đồng hồ nữa, xin hãy cứu tôi.  Thiếu tá Uông, vợ, và năm con.
Hạm trưởng Midway chấp nhận lời yêu cầu và ra lệnh dời những chiếc trực thăng chướng ngại để dọn đường cho Thiếu tá Uông hạ cánh.  Mọi thủy thủ trên tàu, bất kể cấp bậc, đều hăng hái xúm lại đẩy xuống biển mấy chục chiếc trực thăng đáng giá hàng chục triệu đô-la.  Chiếc Bird Dog hạ cánh an toàn, và gia đình Thiếu tá Uông bước ra phi cơ trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của mọi người.
Nhưng anh Rob cười nửa miệng,
            “Ai nói gì thì nói, tôi thấy biến cố quan trọng nhất trên Midway vẫn là đám cưới ngoài biển khơi của tụi này.”
            “Thì ra anh chị làm lễ cưới ngay trên tàu.  Chúc mừng anh chị,” tôi siết chặt tay anh.
            “Xuống Midway là hai đứa phải tách riêng.  Anh Rob là sĩ quan Hải quân phải ở trong khu phòng ngủ sĩ quan.  Chị là dân tỵ nạn ở khu dành cho cho lính, và khi đông người quá không đủ chỗ phải ngủ trên boong.  Tình trạng Ngưu lang Chức nữ không biết tới khi mô, anh bèn đề nghị hai đứa làm đám cưới, lấy nhau quách cho xong, để được gần nhau,” chị Tứ Vân cười e lệ.
Quỳnh Châu khen,
            “Anh chị giỏi thiệt!  Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng mà cũng tìm được cách để thành hôn.”
            “Khó khăn chi mô.  Chỉ cần được hạm trưởng chấp thuận và mục sư tuyên úy đồng ý hành lễ là xong.  Đám cưới trong nguyện đường, chị mang áo dài Việt nam, họ nhà gái là gia đình một anh phi công ở Nha Trang quen thân với chị, và nhẫn cô dâu thì mượn của bà vợ.  Họ nhà trai có cha anh Rob, chú rể mặc quân phục đại lễ Hải quân mượn của cha, và nhẫn chú rễ cũng mượn của ông.  Toàn mặc khín, đeo khín!” chị Tứ Vân sung sướng nắm tay anh.
            “Một tí connection, ‘tiềng Viết nàm nọi la còn ông chàu cha,’ cũng có ích lắm chứ bộ!  Ông già tôi là Đô đốc George P. Steeler giữ chức vụ then chốt của Đệ thất Hạm đội, ông bay trực thăng riêng từ soái hạm USS Oklahoma City tới dự lễ cưới,” nụ cười của anh nở tận mang tai; “connection” là quan hệ họ hàng, hay theo kiểu nói mỉa của người Việt là “con ông cháu cha”.
Nhìn anh Rob và chị Tứ Vân hạnh phúc bên nhau, tôi tưởng chừng như vừa đọc xong một truyện cổ tích.  Chuyện tình của hai người đẹp như một giấc mơ!
Nguyễn Ngọc Hoa

Không có nhận xét nào: