Con đường ban đêm dưới cổng vòm vào khu phố Tàu tại Manila, Philippines, ngày 3/5/2018. (Ảnh: Carlo Gauco/Bloomberg qua Getty Images)
Nhân dịp có một Đại biểu Quốc hội phát biểu so sánh rằng đặc khu kinh tế cho Trung Cộng thuê thì có khác gì các khu phố Tàu (Chinatown) mà thành phố lớn nào trên thế giới cũng có (*), tôi xin đưa ra 5 khác biệt lớn của hai hình thức dân cư nói trên để phản bác lại ý kiến này.<!>
1. Về chính trị:
Những khu phố Tàu có mặt hầu hết khắp nơi trong các thành phố lớn trên thế giới, là nơi người Hoa di dân sang để sống tại đất nước đó. Người Hoa ở các khu phố Tàu phần lớn là những người dân tị nạn chính trị và họ ra đi vì không công nhận sự tồn tại của chính thể đang cai trị tại quê hương họ.
Còn dân của các đặc khu kinh tế cho Trung Cộng thuê là do Đảng Cộng Sản Tàu đưa sang và cài cắm vào đó với mục đích biến đặc khu đó thành đất của Đảng Cộng Sản Trung Cộng về lâu về dài. Cả bộ máy hành chính của đặc khu cũng được đưa từ Trung Cộng sang. Mỗi đặc khu là một đất nước Trung Cộng thu nhỏ về mặt chính trị và hành chính.
2. Về quy mô và vị trí:
Các khu phố Tàu tại các thành phố lớn thường có quy mô nhỏ, chỉ vài con đường. Khu Chợ Lớn được xem là Chinatown lớn nhất thế giới và lâu đời nhất cũng chỉ có quy mô vài quận.
Một đặc khu kinh tế thì quy mô hoàn toàn khác hẳn, rộng lớn hơn rất nhiều, diện tích ít nhất cũng bằng một thành phố nhỏ.
Các khu phố Tàu không hề có ranh giới biệt lập với khu dân cư bản địa, vì nó là một phần của thành phố bản địa, ra vào không cần phải xuất trình giấy tờ đặc biệt cũng không phải nhất thiết là người Hoa mới vào được.
Các đặc khu kinh tế Trung Cộng tuy nằm trên đất Việt Nam nhưng lại tách biệt hoàn toàn, người Việt Nam nếu không có giấy tờ đặc biệt cũng không được vào.
3. Về tư cách công dân:
Dân cư khu phố Tàu qua nhiều thế hệ hòa nhập với dân địa phương và trở thành một phần của cộng đồng nơi đó.. Họ nhập tịch của quốc gia sở tại, nếu lập gia đình với người bản địa hoặc với người đồng hương thì con cái của họ vẫn mang quốc tịch nước sở tại chứ không mang quốc tịch Trung Cộng. Con cái họ lớn lên đi học nền giáo dục địa phương, nói tiếng địa phương song song với tiếng Hoa.
Dân cư đặc khu kinh tế Trung Cộng mang quốc tịch Tàu, nếu có lấy vợ người bản địa thì con cái họ vẫn mang quốc tịch Trung Hoa. Họ học chương trình giáo dục Tàu và không cần phải học tiếng địa phương của nước sở tại.
Chợ Bình Tây nằm ở khu phố Tàu ở TP.HCM, ngày 6/1/2013. (Ảnh: Munshi Ahmed/Bloomberg qua Getty Images)
4. Về việc chấp hành pháp luật:
Dân cư khu phố Tàu chịu sự chế tài của pháp luật nước sở tại và thực hiện quyền lợi cũng như nghĩa vụ của công dân nước sở tại. Họ làm việc, đóng thuế cho nhà nước sở tại và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cộng đồng.
Dân cư đặc khu kinh tế Trung Cộng tuân theo pháp luật Trung Cộng, thực hiện nghĩa vụ công dân với Trung Cộng nhưng lại được hưởng nhiều ưu đãi về mặt quyền lợi kinh tế mà ngay cả doanh nghiệp bản địa cũng không được hưởng. Họ làm việc, đóng thuế cho quốc gia của họ và khai thác tài nguyên nước sở tại góp phần làm giàu cho Trung Cộng.
5. Về quân sự:
Ở các khu phố Tàu, việc thành lập quân đội hay lực lượng cảnh sát riêng là điều không thể xảy ra vì chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ mọi thứ trong khi những đặc khu kinh tế, nơi tách biệt hoàn toàn với nước sở tại và chính quyền địa phương không có quyền hành kiểm soát mọi hoạt động bên trong, việc thành lập một căn cứ quân sự hay xây nhà máy sản xuất vũ khí là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu có xảy ra xung đột giữa dân địa phương và dân trong đặc khu, Đảng Cộng Sản Trung Cộng hoàn toàn có thể đưa quân đội sang với cớ là bảo vệ công dân nước mình. Lúc đó trong đánh ra ngoài đánh vào thành thế gọng kìm coi như ta không thế nào trở tay kịp.
Theo Facebook Huỳnh Chí Viễn
(*) Trong cuộc phỏng vấn trên Nhadautu.vn (9/5/2018), trả lời câu hỏi: “Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?”, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt luận điểm: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?…”
Xem thêm:
Một vài suy nghĩ về đặc khu
Nguyễn Tiến Tường •
1. Tương quan
Người ta nói đến đặc khu với hình tượng Thẩm Quyến và Thượng Hải mà ngó lơ con số của Ngân hàng Thế giới (WB): 50% đặc khu trên toàn thế giới thất bại thảm hại. Đặc khu, là một canh bạc 5-5. Và, có vẻ như nó đã lỗi thời so với thời điểm Thẩm Quyến từ một làng chài thành thiên đường, thập niên 80 của thế kỷ trước, thời tương quan kinh tế dĩ nhiên lạc hậu hơn.
Trong 5 yếu tố làm nên thành công một đặc khu: Vị trí chiếm số 1, chiến lược giữ vị trí số 2. Tức là kiến tạo giá trị lõi để khi nhắc đến, người ta biết giá trị của nó là gì. Ví dụ: Thẩm Quyến là một thung lũng công nghệ. Thượng Hải là thủ phủ tài chính.
Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, cho đến bây giờ chưa định hình được “giá trị lõi” đó. Tôi đọc báo 1 ngày, chưa thấy mỗi đặc khu sẽ mang một giá trị nhận diện gì. Ngoài những thứ chung chung như công nghệ cao, du lịch, casino.
Làm công nghệ cao thì không biết bắt đầu từ đâu cả. Ngay cả TP.HCM và HN cũng chưa thành công. Du lịch, thì có lẽ không cần đặc khu. Còn casino? Anh Nguyễn Duy Hưng ở SSI nói: Tôi chả thấy ở nơi đâu mà xây dựng giá trị của đặc khu dựa trên casino cả!
Yếu tố thứ 3 quyết định thành công của đặc khu: Chính sách và đột phá thể chế. Điều này, chưa hiển hiện ở cả ba khu vực, chỉ là những “ý định” chung chung chứ chưa định khung những luật lệ, quy định riêng cho đặc khu, và từng đặc khu.
Một sự thay đổi le lói ở Phú Quốc, Bí thư Nguyễn Thanh Nghị từng đề xuất thiết chế Trưởng đặc khu, thay cho chủ tịch và bí thư. Hợp nhất cả các đoàn thể. Đến nay, bặt vô âm tính. Đương nhiên nó vướng quá nhiều ở thực tế.
Để thấy rằng, việc hình thành các đặc khu có vẻ như chỉ đang luẩn quẩn trong ý chí cục bộ (hoặc toan tính) của vài người. Ba tòa cung điện mơ mộng, tổng vốn đầu tư 1.300.000.000.000.000 (1,3 triệu tỷ đồng) đang không có nền móng đủ chắc.
Vị trí của 3 đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc trên lãnh thổ quốc gia. (Đồ họa: vnexpress.net)
2. Thực trạng
Thực trạng chung của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là “sốt đất”. Đất tăng giá vài chục lần. Cơn sốt đất đang khiến 3 khu vực này quay cuồng. Mua 800 triệu, bán 18 tỷ. Nạn mua bán tràn lan phá vỡ quy hoạch.
Thực tế đó sẽ đặt nhà cầm quyền vào một thách thức lớn khi quyết tâm làm đặc khu: Đó là xung đột xã hội khi muốn có quỹ đất sạch.
Cơn sốt đất lan rộng trên phạm vi toàn quốc, đẩy giá trị bất động sản (BĐS) lên cao, đương nhiên là giá trị ảo. Dòng vốn chảy vào 3 “thiên đường BĐS này”, phần lớn từ giới lắm tiền nhiều của, khách phía Bắc chiếm phần đông.
Cơn sốt đất, như Phú Quốc chẳng hạn, có từ rất lâu trước khi công bố ý tưởng đặc khu. Nghĩa là có nhiều cá nhân, pháp nhân đã gom đất chờ sẵn. Gợn bóng dáng tham nhũng chính sách.
Nếu thông qua đặc khu, tức là tạo ra sự thiên lệch về đối tượng thụ hưởng chính sách và “bảo hộ” cho các thị trường đất đai tự phát.
3. Thuê đất 99 năm và… Trung Cộng
Như đã nói ở trên, quy hoạch “giá trị lõi” cho 3 đặc khu chưa hiển hiện. Làm sao xác định các đặc thù của từng đặc khu để xác định thời hạn giao đất phù hợp?
Đối với các vị trí nhạy cảm như Vân Đồn, Bắc Vân Phong mà giao đất 99 năm là “mạo hiểm”. Nhất là khi tiệm cận hoặc lọt vào “đường lưỡi bò” của Trung Cộng.
Vịnh Vân Phong chỉ cách Nha Trang 30km, khu vực cảng rộng lên tới 43.500 héc ta gấp 3 lần so với vịnh Cam Ranh. Đây là một vị trí chiến lược. Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Việt Nam ngăn không cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh.
Với thời hạn giao đất 99 năm, kịch bản con ngựa thành Troy không phải là không thể. Thực tế quản lý của Bouxite Tây Nguyên và Formosa đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Những cộng đồng người TC, đường phố tên Trung Cộng được hình thành.
Formosa thậm chí còn không cho quan chức địa phương vào kiểm tra, bên trong còn xây dựng cả công trình tôn giáo.
Thử tưởng tượng, người Trung Cộng, từ Hoàng Sa và một phần Trường Sa đi vào, có những “trạm trung chuyển” là 2 đặc khu với những cơ sở giao đất 99 năm thì sẽ như thế nào?
Chưa hết, vốn đầu tư của Trung Cộng vào bất động sản, nhất là phân khúc nghỉ dưỡng ven biển đang gia tăng. Cộng hưởng với dòng vốn tín dụng đổ vào các doanh nghiệp BĐS lập dự án ở các vị trí “nhạy cảm” trong thời gian gần đây. Nó là một dạng quyền lực mềm mà chẳng có ai giỏi bằng TC.
Tại Nha Trang, dài đến Đà Nẵng, tình trạng người Trung Cộng mua nhà đất, cư trú tràn lan trong một thời gian rất dài.
Nếu nghĩ về một kịch bản xâm chiếm quy mô kết hợp với du kích, có lẽ nhiều người sẽ nói tôi hoang tưởng. Nhưng những gì hiển hiện trước mắt và trải dài qua một thời đoạn, có lẽ cũng sẽ khiến không ít người chột dạ.
Thông qua đặc khu với những thực trạng như trên sẽ là một quyết định vội vã. Một nút bấm thông qua, chưa chắc đã biến những làng chài thành thiên đường. Nhưng nó có thể sẽ biến tương lai trở lại với quá khứ Giao Chỉ, với dã tâm vô giới hạn của chính quyền Trung Cộng..
Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường
(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết nội dung so với nguyên bản.
Xem thêm:
Phố Tàu (Chinatown)
Andy
Mar 1,2020
Sự ô trọc của hòn đảo
Mzung •
Đảo Phú Quốc nằm trong chính sách khu bảo tồn quốc gia dường như chỉ là danh xưng để thu hút khách du lịch. Để xây các khu resort nghỉ dưỡng bên bờ biển, chủ đầu tư cắt xẻ các con đường núi, cạo nham nhở các cánh rừng nguyên sinh dẫn xuống biển. Công trình đô thị mọc lên như nấm với bê tông, cốt thép, đường nhựa, xe ủi…
Một đoạn dài từ thị trấn Dương Đông đến Bãi Cạn, rừng xanh bị cắt xẻ, san ủi bởi VinGroup. Hòn đảo xanh mướt bỗng trở nên xôi thịt bởi các công trình công viên nước, căn hộ theo mốt phương tây lỗi thời y như các khu vui chơi giải trí trên núi Bà Nà. Vùng bờ sông ngập mặn nơi loài chim ăn trái Hornbills – hồng hoàng thường băng rừng ghé xuống ăn cây trái nay bị con đường nhựa và một khu căn hộ cao cấp lấn chiếm toàn bộ. Loài chim quý này bay xao xác, đậu bất an trên những cành cây vắt qua đường nhựa. Cạnh đó, hàng loạt cây rừng bị tập đoàn này đốt và đốn ngã.
Hôm trước mình ghé chợ Dương Đông, chạy vào con đường phía dưới thành cầu gặp cảnh người bán cò đập đầu, mổ thịt chúng và giao cho khách. Người bán hồn nhiên, người mua hí hửng. Thân cò gầy guộc toàn xương trơ ra dưới thứ nước thải chảy lênh láng trên vệ đường. Sau khi ngã giá, thuyết phục, mình mua lại tất cả 11 con cò mà anh ta có với giá 700 ngàn. Bảy con cò trắng bị nhốt trong lồng, hai con cò nâu khá đuối, một con cò đen mẹ kiệt sức và một con con bị gãy chân đang hấp hối. Lời khuyên của mình chỉ được anh ta gật gù tán thưởng yếu ớt chứ hiểu được nhẽ còn là câu chuyện của ngành giáo dục.
Cò bị cột lại để đem bán giết thịt.
Mình và bạn lao đi tìm chỗ để thả, bờ sông thì xa, thôi thì bờ biển cũng được, nhưng phải nhanh, phải gấp trước khi chúng nghẹt thở và đuối mà bỏ mạng. Chiều hôm đó hoàng hôn thả xuống mặt biển óng vàng đẹp như quê mình vẫn thế. Chỉ có bọn cò là chưa biết bay về hướng nào là nhà.
Sau khi tháo dây cột ở chân, chúng bị tụ máu nên tất cả chỉ đứng thật lâu ở trên cát, bay chao đảo lên những phiến đá tạm chờ sức lực quay lại trên đôi cánh. Dân chúng quanh đó tò mò ùa tới xem, chỉ trỏ, hỏi han, có cả doạ cho chúng sợ. Thả ở một nơi đông người giữa phố như vậy là con dao hai lưỡi. Một là chúng có thể bị bọn nhậu bẫy bắt lại, bị người ta săn đuổi như thú vui. Nhưng điều thứ hai sau đó sẽ là một hình ảnh tốt cho những người chưa biết. Một người lạ thả chim về trời có thể chỉ đơn giản khiến họ nghĩ rằng đó là phóng sinh nhưng có thể sẽ tốt cho bọn trẻ xung quanh đó. Mình vừa thả, vừa canh không cho ai làm chúng sợ, vừa chờ cho chúng đủ sức để bay đi lại có thể có thì giờ trò chuyện với bọn trẻ con, nói cho chúng biết về lòng trắc ẩn, về lý do tại sao có những giống loài tự nhiên như cò không phải để dùng làm thức ăn.
Chiều muộn hôm đó, bảy con cò bay được lên trời, nom chúng có vẻ đã lấy lại sức. Bốn con yếu nhất còn lại không còn sức để bay và không thể để chúng lại trên bờ biển lắm người hiếu kỳ. Mình ôm chúng chạy khắp thị trấn Dương Đông tìm nơi thả. Vậy mà cũng phải nửa tiếng sau mới thả chúng được ở bìa rừng nơi cách xa dân cư một đoạn. Hai con tập tễnh đi về phía rừng, một con cò con gãy chân hấp hối và con cò trắng nhỏ đã chết trên đường di chuyển. Chẳng có gì trên tay để chôn nó, mình buộc phải đắp bằng lá cây khô, những vỏ tre xung quanh đó.. Con cò mẹ đứng ở phía xa nhìn con của nó mãi không chịu đi.
Người ta nói “miếng ăn là miếng tồi tàn”, miếng ăn của tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup đã cạo trắng vùng rừng và biển, khiến đất nước tồi tàn đi từ ý thức đến hình ảnh; miếng ăn của người dân vô thức khiến mối dây khăng khít với thiên nhiên cũng tồi tàn tội nghiệp.
Chẳng mấy chốc nữa, con thú bỏ đi hết, rừng và biển cũng khô cạn như lòng người vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét