Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Truyên tháng Tư : CHẾ PHÒN - phan ni tấn


Hôm nay là ngày giỗ của A Phòn, vợ của cựu hạ sĩ nhất E. Tư E thuộc Chiến Đoàn 3 Lôi Hổ Ban Mê Thuột. 
Nếu còn sống đến nay A Phòn vừa đúng 75 tuổi đời; dáng người đẫy đà, phốp pháp nhưng rắn rỏi và lanh lợi, đặc biệt lớn hơn đức ông chồng những mười lăm tuổi. Duyên nợ ở đời đôi khi như hai chiếc lá từ hai nơi xa xăm theo gió thổi giạt về, chao đảo, cọ quẹt, xoắn xuýt, cuốn hút lấy nhau mà nên nghĩa vợ chồng. Thuở ấy… Thực ra là năm 1969, tình cờ vừa gặp nhau trong buổi chợ phiên, cả Tư E lẫn A Phòn đều bị tiếng sét ái tình đánh cho bổ nghiêng bổ ngửa, nện cho bò lê bò càng. Gặp nhau hôm trước hôm sau đã hẹn hò, tháng sau anh cưới chị liền tay. Nhưng thời buổi loạn ly, Tư E cưới vợ xong là đi. Hạ sĩ nhất E đi ra mặt trận cùng cấp chỉ huy và đồng đội với nhiệm vụ xâm nhập vào lòng địch từ vỹ tuyến 17 trở ra nhằm thu thập tin tức tình báo. Tư E chuyên hoạt động biệt kích nhảy toán từ mật khu này qua chiến khu khác, nhiều năm liền không chết. Hạ sĩ nhất E không chết mà chết người gái nhỏ hậu phương.
<!>
 Ngày 10 tháng 3/1975, Việt Cộng tấn công thị xã Ban Mê Thuột, gieo biết bao đau thương tang tóc cho đồng bào vô tội. Giữa khuya, T.54 lăn bánh vào thành phố. Tiếng xe tăng đại bác gầm rú, tiếng súng lục, súng liên thanh, B40, tiếng lựu đạn, tiếng hò hét man rợ, tiếng người chạy rầm rập, nườm nượp, lúp xúp, ngược xuôi. Những đám cháy như những bàn tay của quỷ bùng lên từ lò luyện ngục dẫn lửa đi khắp mọi nhà, đốt cháy cả màn đêm. Đêm lạnh lùng. Đêm man di mọi rợ. Không khí đêm sặc mùi khói lửa và mùi máu tanh tràn đi, ập tới rúng động cả trời đất, méo xệch cả lương tri, chảo đảo những bóng người chạy loạn. Ở gần khu vực nhà thờ xóm Phú Yên Caritas, anh tài xế xe tải giục người cuối cùng lên xe xong cài tấm bạt lại hối hả lái đi như cố chạy thoát ra khỏi vùng giao tranh, hướng về miền duyên hải. Trên đường đi trời đổ mưa, chừng nửa giờ thì tạnh. Mặt trời chiều đỏ ối lại hiện ra sau màn khói dầy đặc của đám cháy như cố giương mắt nhìn đoàn người chạy loạn cùng xe cộ đang đâm đầu nhủi về miền biển ngược chiều hoàng hôn.

 Khi xe tới Phước An, một quận nhỏ nằm ở phía Đông Bắc thị xã Ban Mê Thuột, mới thấy chiến cuộc ở đây cũng diễn ra ác liệt. Người chết, nhà cháy, tiếng súng giao tranh át cả tiếng than khóc của dân tình. Trên một dốc đồi thoai thoải, chiếc Chinook vừa hạ cánh nhằm di tản dân chúng ra khỏi vùng lửa đạn không ngờ dân chúng lại gồng gánh, bồng bế, dắt díu nhau nhào vô lòng trực thăng chật cứng, nặng đến nỗi phi công không thể cất cánh lên được, đuổi cách mấy cũng không ai nhúc nhích. Đúng lúc đó Việt Cộng lại pháo kích. Lính cũng như dân la hét, nhốn nháo như vỡ chợ, ùn ùn chen nhau nhảy ra khỏi lòng trực thăng hớt hải bỏ của chạy lấy người. Một lần nữa người ta lại thấy sức mạnh của viên đạn bắn thẳng vào đám đông. Viên đạn đồng vô tri ghim vào đầu, vào cổ, vào ngực, vào bụng vật con người ngã nghiêng, ngã ngửa, ngã dụi xuống đất. Có người chết không kịp ngáp, có người bị thương bật lên tiếng khóc than rền rĩ, có người kêu to đau đớn vang trời. Cùng lúc đó, bố con A Phòn trong tiệm thực phẩm vắng chủ hốt hoảng đâm đầu chạy ra xe thì xe vừa chạy đi. Hai bố con gào to, rượt theo, hối hả ngoắc tay kêu tài xế dừng lại. Trên xe, mẹ và em gái của A Phòn cũng cuống cuồng la chãi bãi, quýnh quáng nhoài mình xuống cố nắm lấy tay hai bố con đang chìa tới, nhủi đầu chạy theo, trong khi bà con trên xe đập rầm rầm kêu xe dừng lại, nhưng vô ích. Xe vẫn chạy, người bị bỏ lại hơ hải chạy theo, hai cánh tay đưa lên ngoắc nguẩy, chới với, hụt hẫng, đúng lúc trái pháo vô tri lao vụt tới nổ long trời lỡ đất, hất tung hai con người lên không, tưa tướt, oặt oẹo, lộn lẹo mấy vòng rồi rơi phịch xuống đất. Chứng kiến tận mắt thảm cảnh bất hạnh của hai bố con A Phòn, bà con trên xe đều kinh hoàng, ngồi chết trân. Họ im bặt trong nỗi tê dại, trừ một người đàn bà chấp chới gượng dậy kêu rú lên "ối giời ơi!" rồi rũ xuống sàn xe, ngất lịm. 

Một năm sau từ trại tù binh trở về, vừa bước vô nhà nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, Tư E giựt mình khựng lại, nỗi xúc động bóp nghẹt trái tim anh. Trên bàn thờ ông bà có thêm hai tấm ảnh của A Phòn vợ anh và bố vợ anh. Lúc Tư E bị bắt làm tù binh bên kia cầu Hiền Lương anh đâu còn biết gì tình hình phía Việt Nam Cộng Hòa. Đến lúc được thả Tư E không thể nào ngờ ngày trở về lại là ngày biệt ly. Tấm ảnh của vợ và của bố vợ còn mới quá, như mới vừa rửa trông nổi bật so với những tấm hình trắng đen của ông bà tổ tiên đã phôi phai. Đứng giữa căn nhà thiếu ánh sáng, mùi nhang khói vật vờ, u uẩn càng tăng thêm vẻ thê lương ảm đạm. Vừa nhác thấy Tư E cả hai mẹ con đều giựt mình, mở to cặp mắt ngơ ngác, sững sờ. Rồi như không còn chịu đựng nổi nữa, cả hai đều bưng mặt bật khóc lên nức nở nghẹn ngào. Chỉ một năm thôi, bà già đã gầy rộc đi. Hai cái chết cùng một lúc không định sẵn, đột ngột, khổ sở hẳn đã làm cho hai mẹ con bà mãi mãi ngậm một nỗi mất mát vô bờ. Nhìn Sùi Hy, em gái của A Phòn, Tư E càng bồi hồi. Hai chị em sinh đôi đã chẳng là hai sinh thể hữu tình yêu thương nhau, không thể rứt ruột lìa nhau cho đến chết đó sao. Nụ cười đằm thắm, vẻ dịu dàng ngày nào thay vào đó là những giằn vặt, khổ não làm cho Sùi Hy xanh xao, phờ phạc đến suy tàn. Ngay cả giọng nói cũng nằng nặng, buồn buồn. Sùi Hy kể: Chệt và chế Phòn em bị Việt Cộng pháo kích chết trước mắt em và Má làm cả tháng trời Má như người mất hồn. Mặc dù vậy, Má vẫn tin hai người còn sống ở đâu đó, nhất định không chịu lập bàn vong.

 Ban Mê Thuột mất, Nha Trang cũng bị Việt Cộng chiếm, người ta bỏ chạy vô Sài Gòn thì Má và em tìm đường ngược lên Ban Mê Thuột. Thấy nhà cửa không bị hư hại, thất thoát gì, Má lại chạy về Phước An tìm kiếm tung tích Chệt và chế Phòn; cứ chạy đi chạy về hụt hơi vẫn vô phương tìm kiếm. Nhưng mà anh Tư ơi. Chế Phòn em chết linh lắm. Linh tới độ cả xóm ai thấy cũng sợ. Một hôm, Má đang ngồi thiu thỉu trước hiên nhà, đột nhiên một người đàn ông có vẻ như ở dưới quê lên xăm xăm bước tới trước mặt má rồi ngồi thụp xuống ôm mặt khóc rưng rưng. Bà con hiếu kỳ bu tới coi đông nghẹt. Sợ có chuyện gì, em vội chạy ra chưa kịp hỏi thì ông ta mếu máo bưng miệng tự thú. Trời ơi! Thì ra ông ta là người đã chôn Chệt và chế Phòn em ở Phước An lần đó. Anh Tư thấy có linh không? Nếu không phải chính chế em nhập hồn vào ông ta, bắt ông ta đích thân tới tận nhà khai báo thì làm sao ổng biết nhà mình ở đâu ra mà tìm. Ông già khóc lóc ra vẻ hối hận lắm, song ổng chưa kể dứt sự tình đã bị bà con hối thúc dẫn Má con em xuống Phước An, tới ngay chỗ ổng chôn xác Chệt và chế Phòn. Vì chôn cạn, chôn qua loa nên chỉ vài nhát xẻng đã lộ ra mặt người chết. Dù đang bị phân rửa nhưng em vẫn nhận ra chế và Chệt, còn Má thì ngất xỉu ngay tại chỗ. Anh Tư à. Suốt đời em vẫn nhớ hoài gương mặt chế Phòn em lúc đó phủ đầy bùn đất và máu, tay vẫn ôm bình nước. Nhưng không hiểu sao lúc đó em có linh cảm tuy thân xác đang phân hủy nhưng linh hồn chế và Chệt vẫn tươi rói nhìn xuống Má và em. "Tui thấy cô Hai bị thương nặng máu me đầy mình nhưng còn sống, sợ xe cán nên tui kéo hai người vô trong lề. Lúc đó ông Ba đã chết rồi". Ông ta còn tình thiệt khai: "Cô Hai ra dấu khát nước tui chạy đi kiếm nước, khi mang tới thì cô Hai đã chết. Thương tình tui đặt bình nước vào tay cô Hai rồi đào lỗ chôn hai người chung một huyệt". Nói đoạn ông già run rẩy móc trong túi áo vết nhăn nheo bạt phếch ra đưa cho Má đồng hồ đeo tay, cặp bông tai và cà rá. Xuyên qua con mắt đẫm lệ, thoáng nhận ra di vật của chế Phòn Má òa lên khóc ngất rồi lịm đi 

(Chú thích của người viết) Hai chị em sinh đôi Hồng Sùi Phòn và Hồng Sùi Hy là chị bà con cô cậu của Hồng Kỳ Sủng, bạn tôi. Tôi chơi thân với Sủng từ thời đi học cho tới khi đi lính về Sủng mới giới thiệu chế Phòn với tôi. Thật ra, chế Phòn dạy học ở Vũng Tàu sau đổi trường dạy lên Ban Mê Thuột ở nhà bố mẹ Sủng tôi mới gặp. Chế Phòn còn có tên là Hảo. Khi Sủng giới thiệu tôi với chế Hảo thì chị ú ớ cả thẹn, vì tôi tên Hòa. Hòa- Hảo, thật trùng hợp bất ngờ và thật xứng tên. Nhưng tôi và Sủng là lính tác chiến cả năm mới về phép môt lần nên Hòa tôi không buộc được duyên với Hảo. Đầu năm 1969, chế Phòn đi lấy chồng thì cuối năm tôi được tin Sủng tử trận ở Pleime, Pleiku, lúc đó tôi đang đóng chốt phòng ngự ở một cứ điểm phía Tây sông Pôkô, thuộc tỉnh Kontum. 

Con người từ khi sinh ra ông trời đã định sẵn mỗi người một hướng đi rõ rệt, thường thì đi đến nơi chia lìa. Năm 1969, trung sĩ nhất Hồng Kỳ Sủng chết mất xác trong một trận đánh ở Pleime, tỉnh Pleiku. Chế Phòn và ông bố chết thảm ở Phước An tháng 3, 1975. Năm 2000, vì mất chồng mất con, mẹ chế Phòn bị trầm cảm cho đến chết. Bố, mẹ, chị đều mất, Hồng Sùi Hy sầu đời vào chùa xuống tóc quy y tam bảo, sau tu tại gia. Cuối năm 1979 tôi vượt biên, định cư ở Canada đến nay. Tính ra gần 40 năm tôi chưa trở về quê nhà lần nào nên không biết gì về Tư E, chồng của chế Phòn. Sự tình trên đây tôi kể ra để nhớ lại tháng Tư của đất nước mình thê thảm như vậy đó.

Phan Ni Tấn

Không có nhận xét nào: