Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Tin Thế giới - Bắc Kinh trấn an Bruxelles trước thượng đỉnh Trung - Âu - Thanh Hà

media
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T), thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (P) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tại Đại Lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 16/07/2018.REUTERS/Thomas Peter/File Photo
Hai tuần lễ sau chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 08/04/2019 đến lượt thủ tướng Lý Khắc Cường công du châu Âu, chuẩn bị dự thượng đỉnh Bắc Kinh - Bruxelles và cuộc họp giữa Trung Quốc với nhóm 16 nước Trung và Đông Âu tại Croatia. Theo thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh, ngành ngoại giao Trung Quốc đang dành ưu tiên cho Liên Âu.
<!>
"Tăng cường các chuyến viếng thăm để trấn an, rõ ràng là Trung Quốc và châu Âu không muốn rời xa nhau vào đầu mùa xuân năm nay. Châu Âu là điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm của thủ tướng Trung Quốc. Chuyến viếng thăm kéo dài năm ngày lần này nhằm thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc với Lục Địa Già.
Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Siêu tuyên bố : Chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường cùng chọn đến châu Âu trong chuyến xuất ngoại đầu tiên năm 2019. Đây là dấu hiệu cho thấy tầm mức quan trọng của châu Âu đối với Trung Quốc. Ngành ngoại giao Trung Quốc mở đầu năm mới với một loạt các chuyến viếng thăm châu Âu với hy vọng xây dựng một môi trường thuận lợi về mặt kinh tế với châu lục này (…) Đặc biệt là trong lĩnh vực 5G, Trung Quốc hy vọng Liên Hiệp Châu Âu sẽ không áp đặt những giới hạn nhắm vào một quốc gia.
Ngoài cuộc đọ sức với Mỹ quanh việc triển khai mạng 5G của tập đoàn Hoa Vi, tại Bruxelles, ông Lý Khắc Cường còn phải trình bày rõ ràng về vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hội nhập giữa các nước châu Âu.
Việc các tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào nhiều cơ sở hạ tầng của châu Âu, dự án Con Đường Tơ Lụa Mới vừa được hai nước trong Liên Âu là Ý và Luxembourg hưởng ứng gây lo ngại cho nhiều đối tác trong khối.
Báo cáo của Ủy Ban Châu Âu hôm 12/03/2019 đã xem Trung Quốc là một đối tác, nhưng đồng thời là một đối thủ cạnh tranh về mặt kinh tế và là một mối đe dọa lớn". 

Brexit: Bìa hộ chiếu mới của Anh Quốc không còn ghi dòng chữ LHCA


Hộ chiếu cũ của Anh Quốc và cờ Liên Hiệp Châu Âu.REUTERS/Francois Lenoir
Trong lúc chính quyền Anh và đối lập tiếp tục thảo luận rất chật vật về một kế hoạch Brexit, mà theo thủ tướng Theresa May cần đến nhiều « thỏa hiệp » giữa hai bên, Luân Đôn đã bắt đầu cấp những hộ chiếu trên bìa không còn ghi dòng chữ « European Union » (Liên Hiệp Châu Âu). Đây là một thay đổi đầy biểu tượng nhưng không phải ai cũng tán đồng.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Murielle Delcroix tường thuật :
Peter và cô bạn đã rất ngạc nhiên. Cách đây vài ngày, họ đã nhận hai hộ chiếu mới, vẫn là một màu đỏ Bordeaux, nhưng một cái có ghi « European Union », còn cái kia thì không. Hai người đã gởi đơn xin đổi hộ chiếu cùng ngày, trong lúc mà thời hạn Brexit ban đầu vẫn là 29/03/2019.
Để giải thích điều kỳ lạ này, bộ Nội Vụ Anh nói rõ là hộ chiếu mới đưa ra lưu hành vào ngày 30/03/2019, còn những hộ chiếu cũ sẽ tiếp tục được cấp một thời gian nữa cho đến khi nào hết lượng tồn trữ.
Giống như Brexit, việc bỏ đi dòng chữ này đã làm dấy lên những phản ứng nhạy cảm và rất khác nhau trên các mạng xã hội. Những người đã bỏ phiếu rời Liên Hiệp Châu Âu đã rất vui mừng, họ có cảm giác tìm lại được bản sắc Anh của mình. Họ nôn nóng chờ đợi từ đây đến cuối năm, những hộ chiếu màu xanh lơ như các hộ chiếu cũ, trước khi Anh Quốc vào Liên Hiệp.
Ngược lại, những người chống Brexit cảm thấy rụng rời. Họ đánh giá là không nên thay đổi hộ chiếu khi mà Anh Quốc vẫn còn trong Liên Hiệp Châu Âu. Một người đã viết trên mạng : Hộ chiếu mới của tôi vẫn còn chữ EU, như thế càng tốt. Tôi nghĩ là chúng ta sẽ còn thảo luận về Brexit cho đến lúc hộ chiếu này hết hạn vào năm 2029 ».

Chiến sự tại Libya : Nga, Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế


Thành viên lực lượng Quân đội Quốc gia Libya, do tướng Khalifa Haftar chỉ huy, tại Benghazi chuẩn bị tiến về Tripoli, ngày 07/04/2019.REUTERS/Esam Omran Al-Fetori
Chiến sự bùng lên tại Libya từ giữa tuần qua. Bốn ngày kể từ khi tư lệnh quân đội quốc gia Libya ANL, tướng Haftar, đưa quân tiến về thủ đô Tripoli, tính đến sáng 08/04/2019 đã có hơn 30 người thiệt mạng. Mỹ đòi các bên “ngừng ngay lập tức các cuộc xung đột”. Nga kêu gọi tránh gây thêm "đổ máu".
Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế". Cách nay hai ngày, Matxcơva đã khẳng định không hỗ trợ đội quân của tướng Haftar dưới "bất kỳ hình thức nào". Năm 2017, ông này từng được ngoại trưởng Serguei Lavrov tiếp tại thủ đô Liên Bang Nga.
Trong cuộc họp kín tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Libya vào chiều 07/04, đại sứ Nga đã dùng quyền phủ quyết chống lại việc kêu gọi tư lệnh quân đội quốc gia ANL, hiện kiểm soát miền đông Libya, ngừng tiến về thủ đô Tripoli. Matxcơva đề nghị cộng đồng quốc tế nên "kêu gọi tất cả các bên" hưu chiến, trong đó có cả lực lượng quân đội của chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, GNA.
GNA được cộng đồng quốc tế công nhận và chính phủ này trong tay ông Fayez al Sarraij.
Chủ Nhật 07/04/2019 bị xem là một ngày thảm khốc : lực lượng của tướng Khalifa Haftar tiếp tục tiến về Tripoli, nã pháo vào một căn cứ quân sự ở cách thủ đô Libya khoảng 10 cây số. Quân đội chính phủ GNA phản công. Ít nhất 35 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, hầu hết là thường dân. Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, chiến sự trong bốn này vừa qua khiến 2.800 thường dân Libya phải sơ tán.
Về phía Hoa Kỳ, thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ kêu gọi lực lượng của tướng Haftar ngưng ngay lập tức chiến dịch tây tiến. Lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Libya chiều 07/04 kêu gọi ngưng bắn trong vài giờ để cứu trợ nạn nhân bị và đưa thường dân ra khỏi khu vực có giao tranh. Nhưng theo lời phát ngôn viên của phái bộ Liên Hiệp Quốc, ông Jean Alam, không bên nào hưởng ứng lời kêu gọi nói trên. Nhân viên y tế không vào được bên trong vùng đang xảy ra xung đột ở phía nam thủ đô Libya.
Chiến sự bùng nổ tại Libya trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc dự trù tổ chức hội nghị giải quyết khủng hoảng chính trị Libya trong ba ngày từ 14 đến 16/04/2019.

Diệt chủng ở Rwanda : TT Pháp muốn có ngày tưởng niệm nạn nhân Tutsi

Tổng thống Rwanda Paul Kagame và phu nhân Jeannette đến lễ tưởng niệm nạn nhân người Tutsi trong vụ diệt chủng năm 1994, ngày 07/04/2019.REUTERS/Baz Ratner
Ngày 07/04/2019, điện Elysée ra thông cáo cho biết tổng thống Emmanuel Macron mong muốn là ngày 07/04 được chọn là ngày tưởng niệm các nạn nhân Tutsi trong vụ diệt chủng ở Rwanda.
Nguyên thủ Pháp bày tỏ mong muốn này trong bối cảnh chính quyền Rwanda đòi hỏi Pháp phải lên tiếng xin lỗi và nhận một phần trách nhiệm trong vụ thảm sát sắc tộc Tutsi Rwanda cách nay 25 năm.
Từ hôm 07/04, Rwanda bắt đầu tiến hành một loạt các hoạt động tưởng niệm khoảng 800 ngàn nạn nhân là người Tutsi bị giết hại trong vụ diệt chủng năm 1994. Trong một phần tư thế kỷ qua, quan hệ giữa hai nước luôn luôn căng thẳng, Paris và Kigali vẫn tranh cãi về vai trò và trách nhiệm của quân đội Pháp trong vụ thảm sát năm 1994.
Ngày 05/04, tổng thống Pháp đã cho thành lập một tiểu ban bao gồm các chuyên gia và sử gia, chịu trách nhiệm nghiên cứu các tư liệu của Pháp nhằm làm rõ vai trò của Pháp tại Rwanda trong giai đoạn 1990-1994.
Theo đặc phái viên RFI tại Kagali, Christophe Boisbouvier, từ một phần tư thế kỷ qua, Rwanda vẫn đang chờ đợi các cường quốc lên tiếng xin lỗi để xẩy ra vụ diệt chủng này :
« 25 năm sau khi lực lượng Mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc phải rút lui một cách thảm hại, Rwada vẫn đang chờ đợi những lời xin lỗi từ phía các cường quốc. Những lời xin lỗi như phát biểu thủ tướng Bỉ Charles Michel, ngày hôm qua (07/04), tại Kigali : Vâng, cần phải nói thẳng. Vụ thảm sát này là một thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành động phạm tội ác chống nhân loại. Một loạt các khinh suất, bất lực, một loạt các sai trái và lỗi lầm đã dẫn đến việc xẩy ra thảm họa diệt chủng.
Rwanda cũng đang chờ đợi các nước châu Âu và Bắc Mỹ thể hiện quyết tâm chính trị, cho bắt giữ những kẻ phạm tội ác diệt chủng đang ẩn náu ở đó, hoặc nhập quốc tịch nước khác để trốn tránh trách nhiệm. Jean-Damascène Bizimana, tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Đấu tranh Chống nạn Diệt chủng ở Rwanda, tố cáo : Điều rõ ràng có thể nhận thấy là 25 năm sau vụ diệt chủng, vẫn có những quốc gia từ chối xét xử những kẻ phạm tội ác diệt chủng hoặc từ chối dẫn độ với lập luận rằng những kẻ này đã mang quốc tịch nước khác. Điều này không có sức thuyết phục.
Trong số những quốc gia bị chỉ trích, có nước Pháp, nơi mà chỉ có 3 kẻ phạm tội bị xét xử và kết án tù ».

Hàn Quốc : Tổng thống chỉ định tân bộ trưởng bộ Thống Nhất


Ông Kim Yeon Chul, tân bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, phát biểu trong buổi bổ nhiệm tại Quốc Hội ở Seoul, ngày 26/03/2019.REUTERS/Kim Hong-Ji
Hai ngày trước chuyến công du Hoa Kỳ nhằm khởi động lại đàm phán về hạt nhân Bắc Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chính thức chỉ định ông Kim Yeon Chul vào chức vụ bộ trưởng Thống Nhất. Nhân vật này chủ trương bãi bỏ lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 08/04/2019, tân bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc tuyên bố nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng nhằm đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Có nhiều tiếng nói chỉ trích tổng thống Moon Jae In chỉ định ông Kim Yeon Chul vào chức vụ này, bởi tân bộ trưởng Thống Nhất Hàn Quốc từng nhiều lần bày tỏ tỏ lập trường bị cho là quá "mềm mỏng" và "thân thiện" với Bắc Triều Tiên.
Theo phân tích của hãng tin Pháp AFP, việc Seoul đề cử ông Kim Yeon Chul lên đứng đầu bộ Thống Nhất là một dấu hiệu cho thấy có một sự khác biệt giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên. Đặc biệt là việc thay đổi nhân sự nói trên diễn ra hai ngày trước khi tổng thống Hàn Quốc sang Mỹ. Ông Moon Jae In sẽ đàm phán với tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy trở lại đối thoại với Bình Nhưỡng sau thất bại tại thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên ở Hà Nội hồi cuối tháng 02/2019.
Seoul theo đuổi mục đích phát triển kinh tế với Bình Nhưỡng, đặc biệt là khởi động lại khu công nghiệp Kaesong và mở lại các chương trình du lịch ở núi Kim Cương.
Donald Trump lại khẳng định có quan hệ « rất tốt » với Kim Jong Un
Ngày 06/04/2019, tổng thống Mỹ nhắc lại rằng quan hệ của ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫn « rất tốt », mặc dù hai bên đã không đạt được thỏa thuận nào nhân cuộc gặp vào tháng Hai vừa qua ở Hà Nội.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ông Trump đã tuyên bố như trên trong bài phát biểu tại cuộc họp mặt mùa xuân của Liên Minh người Do Thái trong đảng Cộng Hòa, tổ chức tại thành phố Las Vegas.
Đối với ông Trump, dù chưa biết những gì sẽ xẩy ra, nhưng ông « hy vọng hai bên sẽ có thể làm một cái gì đó ».

Không có nhận xét nào: