Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

NỖI BUỒN TÔ THỊ - phan ni tấn

Sau cơn nhập đồng rung lắc dữ dội, cuối cùng Trịnh Đãm buông Ngọc Tình ra, ngã vật xuống giường. Hai người nhắm mắt, nằm xoãi tay xoãi chân, thở hổn hển. Một lúc sau Ngọc Tình chống tay ngồi dậy bới lại mái tóc mỉm cười nhìn Trịnh Đãm. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng ngủ, Đãm trông thật mệt mỏi, mau chóng chìm vào giấc ngủ. Khi chạm nhẹ vào vết đạn đã lành trên ngực Đãm, Ngọc Tình cố nén tiếng thở dài. Dường như trong cơ thể rắn chắc của người đàn ông đầy nhục cảm và đầy sức sống này ẩn chứa một linh hồn bí ẩn nào đó luôn độ trì cho anh, giúp anh sống sót sau mỗi trận đánh. Nhiều năm băng mình trong hòn tên mũi đạn, mình đầy thương tích đã nhào nặn Trịnh Đãm thành một bóng ma chai lì ngoài trận mạc. Ngày nay sự tồn tại của anh được pha trộn giữa vũ khí, cát bụi, nỗi buồn và thần may mắn. <!>
Đêm vừa buông xuống. Ngoài trời màn mưa bụi rơi nghiêng trong ánh điện vàng vọt của ngọn đèn đường hắt cái lạnh xuyên qua màn cửa sổ. Nhưng bên trong Ngọc Tình vẫn cảm thấy hạnh phúc, bình thản nhìn Đãm ngủ say sưa. Trên gương mặt sạm nắng phong trần của người ngã ngựa, đôi môi nứt nẻ vẫn đọng nụ cười hồn nhiên như một đứa bé thỏa mãn sau khi được quà. Không như những lần trước kia, xong việc Đãm đều nằm ôm ấp Ngọc Tình, vuốt ve, thì thầm bên tai những lời lẽ dịu dàng, mật ngọt. Nhưng vì đây là đêm cuối cùng nên họ như dòng điện hai chiều không ngừng va chạm nhau ào ạt, mãnh liệt đến mê đắm. Ở bên Đãm, càng thương anh nhiều hơn, Ngọc Tình càng cảm nhận được giá trị tồn tại của bản thân mình. 
Tờ mờ sáng hôm sau, Ngọc Tình thức dậy lặng lẽ ra bến xe trở về Sài Gòn. Lúc tỉnh giấc, Trịnh Đãm không thấy Ngọc Tình, anh buồn bã nhìn quanh, lòng trĩu nặng. Căn phòng trọ từ hai hôm nay vẫn còn vương vất mùi hương của đàn bà, thứ mùi của quần áo, của mái tóc mượt mà, của da thịt nồng nàn đã đọng lại, đã thẩm thấu nhiều năm mà Đãm đã quen hơi. Nghĩ tới người bạn đời tưởng không bao giờ gặp lại, Trịnh Đãm thở dài, loạng choạng bước ra khỏi nhà trọ, âm thầm trở vô lại trại tù.

* * *
Lý Ngọc Tình và Trịnh Đãm gặp nhau, yêu nhau từ thời trung học. Ngọc Tình, cô gái sông Hương núi Ngự, theo học trường Couvent des Oiseaux; còn Trịnh Đãm ở miệt U minh, là nam sinh trường La san Tabert. Cuộc gặp gỡ tình cờ trong một buổi dạ tiệc tại nhà bạn bè như cái nghiệp đã buộc họ cuốn hút lấy một nửa mảnh đời của nhau để làm cho tròn cuộc tình duyên đã hứa hẹn từ một kiếp xa xưa nào đó. Lúc Ngọc Tình thi đậu vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn, sinh viên quân y năm thứ ba Trịnh Đãm về cưới Ngọc Tình. Tốt nghiệp bác sĩ, Ngọc Tình làm việc ở bệnh viện Vì Dân thì Trung úy Trịnh Đãm thuộc Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân Ban Mê Thuột đang chiến đấu trên Vùng II Chiến Thuật với tư cách bác sĩ quân y.
Đất nước ngày càng lún sâu vào cơn binh lửa, người hậu phương, kẻ địa đầu giới tuyến khiến cho Trịnh Đãm và Ngọc Tình gặp nhiều trắc trở. Cho đến lúc Ban Mê Thuột thất thủ vào ngày 10-3-1975 mở đầu một loạt biến cố nước mất nhà tan, tình phu thê của họ bị chia cắt bởi chiến tranh.

Từ đó, miền Nam nước Việt xuất hiện vô số hình ảnh những nàng Tô Thị. Sau chiến tranh, thân phận Tô Thị là những người đàn bà bên này vĩ tuyến đã trải qua nhiều nỗi truân chuyên, bất hạnh. Tuy nhiên, bằng một tâm hồn cao cả, thủy chung họ đã chịu đựng khổ đau, lặn lội đường xa, gian nan cách trở đi tìm chồng trong các trại tù Cộng sản trải dài từ Nam ra Bắc. Trong số đó có bác sĩ Lý Ngọc Tình. Mặc dù được giữ lại bệnh viện làm việc, song mỗi khi có dịp Ngọc Tình đều theo phái đoàn Từ Thiện của Y Bác Sĩ lên Ban Mê Thuột chữa bệnh, cấp thuốc, phát quà cho những bệnh nhân nghèo với hy vọng tìm kiếm tung tích Trịnh Đãm, nhưng vô vọng.
Hai năm sau, cuối năm 1977, sau một ngày cùng các đồng nghiệp chữa bệnh, cấp thuốc cho đồng bào thiểu số ở quận Buôn Hô, cách thị trấn Ban Mê Thuột khoảng 40 cây số, bác sĩ Lý Ngọc Tình đang thu dọn thuốc men, đồ đạc thì một người đàn ông Thượng tới gần ngập ngừng chào hỏi: "Chào Bác sĩ…". Ngọc Tình ngước lên mỉm cười: "Dạ, chào ông. Ông cần chi?". Người đàn ông thấp giọng nói ngay: "Thưa, tôi là Y Ksor, đệ tử của ông thầy Đậm". Thấy Ngọc Tình ngơ ngác, tỏ ý không hiểu, ông tiếp luôn: "Dạ, chúng tôi quen gọi bác sĩ Trịnh Đãm là ông thầy Đậm ".
Ngọc Tình vốn trầm tĩnh, dịu dàng là đức tính của một lương y. Nhưng vừa nghe có người nhắc đến tên chồng mình, Ngọc Tình đã rúng động, mặt biến sắc. Tuy nhiên, cô vội trấn tĩnh, lấy lại vẻ bình thản ngay. Ngọc Tình đưa mắt nhìn người đàn ông lạ mặt, lộ vẻ hoài nghi. Làm sao ông ta biết được mình là gì của bác sĩ Trịnh Đãm? Hay là trước kia mình từng tới Buôn Hô thăm Trịnh Đãm đóng quân ở đó nên ông ta nhớ mặt? Dù sao sống dưới chế độ Cộng sản, nhất là chế độ mới, nó bắt con người ta phải thủ thế, phải sống giả dối, phải hết sức cảnh giác trước một lời nói, một nụ cười, một ánh mắt. Thấy Ngọc Tình nhìn mình đầy vẻ nghi ngại, ông ta trầm giọng nói nhỏ: "ông Thầy hiện ở trong trại cải tạo Buôn Ma Thuột". Nói xong ông bỏ đi ngay.

* * *
Nằm trong tù "cải tạo" trên cao nguyên Darlac đã gần ba năm trôi qua Trung úy Trịnh Đãm vẫn nhớ hoài trận đánh giữa Cộng sản Bắc Việt và phía Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc Việt Cộng tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột ngày 10-3-1975, vì không có phương tiện quân vận, lực lượng Tiểu đoàn 96 Biệt Động Quân của Trịnh Đãm từ Buôn Hô được điều động chạy bộ hơn 40km về giải cứu Ban Mê Thuột. Tuy nhiên lực lượng quân phòng thủ Ban Mê Thuột dù chiến đấu rất dũng cảm cũng không đủ sức đảo ngược được tình thế, lần lượt tan hàng dưới sức tấn công của ba Trung đoàn Cộng quân đông gấp 10 lần so với quân phòng vệ. Lúc Liên đoàn 21 BĐQ rút về Phước An, Trung đoàn 45/SĐ23 do số binh sĩ đào ngũ quá nhiều phải bỏ Phước An buộc Tiểu đoàn 96 BĐQ lui về Chư Cuk, dọc đường Trung úy quân y Trịnh Đãm bị bắt.

Trong những ngày đầu tiên Trung úy Đãm bị nhốt vào phòng kín (trước kia là Quân lao Ban Mê Thuột), hai chân anh bị cùm. Trong phòng giam tối om như mực, dù mạnh mẽ đến mấy Trung úy Đãm vẫn cháng váng, cảm thấy bất an. Không biết gia đình anh ở miệt U Minh ra sao? Và Ngọc Tình hẳn cũng lo sợ cho số phận của anh đến mức nào. Một tuần sau Trịnh Đãm được tháo cùm đưa xuống phòng giam lớn. Ban ngày cùng các tù phạm tự kiểm điểm, học tập cải tạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa, ban đêm bị lùa vào phòng giam khóa chặt cửa ngoài. 
Một hôm ban quản giáo xuống chỉ thị cần bốn người thợ mộc và bốn thợ nề để sửa chữa, tu bổ trại giam, bác sĩ Trịnh Đãm xung phong ngay vào toán thợ mộc dù anh chẳng biết gì về nghề này. Sáng hôm sau ba tên cảnh vệ cầm súng AK đưa hai toán thợ xuất trại mua sắm đồ nghề, vật dụng xong trở vô trại bắt tay làm việc ngay. Có lẽ nhờ vậy, ngày tháng vô tình trôi qua, ai bị bắt vô tù, ai được thả, ai bị chuyển trại, ai đi lao động trên rừng trên rú, riêng toán thợ mộc, thợ nề vẫn làm việc tại trại.

Khoảng một năm sau, kỷ luật trại giam có phần nới lỏng hơn, mọi người tự do đi lại trong trại, được phép viết thư về cho gia đình vô thăm nuôi, đặc biệt mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật tù phạm được đi "ủng hộ", chiều vô lại trại. Đi "ủng hộ" nghĩa là "trên" cần những vật dụng gì thì tù phạm được phép về mua những thứ ấy mang vô, như kềm, búa, lưỡi cưa, cái bào, cái bay, xi-măng, gạch, cát, đinh v.v… Riêng Trịnh Đãm quê ở tuốt miệt Hòn Đất (cái nôi của nền văn hóa Ốc Eo) khỉ ho cò gáy, đã hai lần biên thư về cho gia đình và Ngọc Tình ở Sài Gòn nhưng cả hai đều không thấy hồi âm, ở Ban Mê Thuột thì không quen ai, cả năm chẳng có ma nào vô thăm nên cuối tuần anh lang thang ngoài phố chán lại sớm đâm đầu vô tù.
Năm tháng vẫn lạnh lùng trôi qua. Cả hai toán thợ mộc và thợ nề, vì giảm dần việc làm, có người may mắn được thả, có người âm thầm chuyển trại vô Méwal hoặc đi Củng Sơn, Phú Yên. Còn thợ vịn như Trịnh Đãm sớm "đánh hơi" đã mau mắn chuyển nghề làm phụ tá cho anh Liên Tổ trưởng trại chuyên lo việc sổ sách hồ sơ tù chính trị lẫntù hình sự.
Ở tù riết, từ cán bộ tới cảnh vệ đều nhẵn mặt ông trung úy quân y Trịnh Đãm. Có lần Trịnh Đãm lang thang ngoài chợ gặp người bạn tù cũ kéo về nhà nhậu quắc cần câu, sáng bưng đầu vô trại cũng chẳng ma nào hạch hỏi. Thời gian này, hàng loạt người Thượng bị bắt vô tù ghép vào tội danh Fulro phản động, âm mưu chống phá chế độ. Tuy nhiên, họ bị bắt ngày trước,vài ngày sau được thả về hay bị đưa đi đâu không ai biết. 
Tháng Giêng 1978, toàn trại lại lao xao chờ đón cái Tết thứ ba trong niềm vui lẫn nỗi buồn. Trịnh Đãm đang chơi cờ tướng giải sầu với các bạn tù trong miếu cô hồn, chợt anh Huyên cán bộ trại xuống vỗ vai anh, nói: "Anh Đãm. Có người vào thăm nuôi". Thoạt nghe, Trinh Đãm không tin vào tai mình, tưởng cán bộ nói giỡn, tới lúc bước ra khu vực thăm nuôi, Trịnh Đãm chợt khựng lại, gần như anh không tin vào mắt mình. Dưới ánh nắng chiều, trước mặt anh là Ngọc Tình, người bạn đời đang đứng đó nhìn anh bằng đôi mắt đẫm lệ. Trinh Đãm vô cùng ngạc nhiên lẫn xúc động, cảm nhận được ngay vợ anh hẳn đã cam chịu trăm bề gian khổ mới có thể tìm ra anh trong hoàn cảnh oái ăm này. Người ta nói đường đời chẳng bao giờ phẳng phiu, nó phải gập ghềnh, nó phải khúc khuỷu, quanh co, như Ngọc Tình, người vợ thủy chung đã phải trải qua gần ba năm trời với biết bao nhọc nhằn, khốn khó, với biết bao thúc đẩy, lo toan, Ngọc Tình mới tìm ra được Trịnh Đãm. Dù vậy, sau gần ba năm gián đoạn, dù có chút mệt mỏi, Ngọc Tình trông vẫn khoẻ mạnh. Cách phục sức vẫn đơn sơ, giản dị, mái tóc mượt mà vẫn óng lên sức sống. Xưa nay các cô gái Huế vẫn thích để tóc thề, nhưng lần này Ngọc Tình búi tóc để lộ cái đẹp trong sáng, thùy mị, có chút hoài cổ. Đặc biệt, đôi mắt biết cười, dù đang khóc, vẫn sáng dịu dàng, đôn hậu.

Từ lúc gặp nhau, Ngọc Tình vẫn không ngừng thổn thức, mắt lệ chan hòa. Dù thương vợ, Đãm cũng không dám ôm vợ vào lòng. Khu vực thăm nuôi trong trại tù này là khoảng sân trống, lộ thiên, không có bàn, không có ghế ngồi. Cuối tuần rất đông thân nhân vô thăm nuôi tù, họ đứng hoặc ngồi chòm hỗm tùy thích, nhưng hôm nay là ngày thường, một biệt lệ nên chỉ có hai người.
Chiều đang xuống dần. Những chuyện vui, buồn, tốt, xấu, hận thù, đố kỵ chỉ cần mươi mười phút hai vợ chồng đã có thể hiểu được những gì xẩy ra trong quãng thời gian cách biệt nhau, nhất là Ngọc Tình được biết cuối tuần Trịnh Đãm có thể ở qua đêm ngoài phố. Lúc ra về, Ngọc Tình còn thì thầm nhắc lại địa chỉ nhà trọ để ngày mai Trịnh Đãm tìm tới.

Trưa thứ bảy ngày hôm sau, như thường lệ, toàn trại được nghỉ ngơi, Trịnh Đãm lại la cà ngoài phố. Ngang qua rạp hát Lô Đô cũ, anh rẽ vô chợ cá, luồn qua chợ Đê tới căn nhà trọ Ngọc Tình thuê gần đình Lạc Giao. Trịnh Đãm đã trải qua một đêm với người vợ thủy chung trong căn nhà đó. Phòng tuy nhỏ nhưng ấm cúng là không gian của riêng hai trái tim đồng cảm. Sau một thời gian dài cách biệt, gặp lại nhau, cả hai người như hai con thú háo hức chồm lên, ập tới, vồ vập nhau, cuốn hút nhau, cho nhau tất cả. Sáng Chủ nhật ngày hôm sau Ngọc Tình trở về Sài Gòn, Trịnh Đãm mới trở vô lại nhà tù. Lần trở vô này, anh lặng lẽ mang theo trong đầu kế hoạch trốn trại của Ngọc Tình vạch ra cho anh tối hôm qua.
Đúng nửa tháng sau, Trịnh Đãm lại xuất trại vào trưa thứ bảy. Theo đúng kế hoạch, từ Câu lạc bộ Sĩ quan Biên Thùy cũ Trịnh Đãm băng qua đường Thống Nhất đi về hướng sân banh rề rề tới chiếc xe vận tải nhỏđang đậu trước cửa tiệm gạo Mộc Hương. Trịnh Đãm tự nhiên mở cửa xe vừa leo lên thì tài xế rồ máy chạy ngay. Vừa qua khỏi cột đèn ba ngọn, anh tài khá đứng tuổi đưa giấy tùy thân cho Trịnh Đãm. Đọc trong giấy cái tên Lê Tuất, cô vợ yêu quí tự đặt cho ông chồng, Trịnh Đãm bật cười. Sau mỗi cuộc đổi đời, có người sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, cũng có người vì gia đình như Ngọc Tình, cảm nhận được tâm trạng của chồng. Suốt trên đường đi, theo quốc lộ 21 về Sài Gòn, trời mưa tầm tã vô tình giúp họ dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát. Hơn nữa, anh tài xế cho biết thời buổi này bộ đội chỉ xét hàng buôn lậu chớ ít khi xét người.
Xe chạy suốt đêm tới tờ mờ sáng thì tới Sài Gòn. Anh tài xế vừa thả Trịnh Đãm xuống chợ Kim Biên trên đường Vạn Tượng, Chợ Lớn thì có người tới chở anh xuống bến Hàm Tử. Dưới ghe, Ngọc Tình đang dang rộng đôi tay đón người ngã ngựa vừa thoát khỏi ngục tù.
Ba giờ sáng Chủ Nhật ngày hôm sau, ông chủ ghe, bạn thân cũng là bệnh nhân của bác sĩ Lý Ngọc Tình, đích thân chở hai vợ chồng Trịnh Đãm ra bến xe Xa Cảng Miền Tây mua vé đi thẳng về Rạch Giá vượt biên.
* * *
Ba mươi tám năm sau.
Mùa hè năm 2018, bác sĩ Lý Ngọc Tình từ kinh đô ánh sáng Paris du lịch qua Canada, ghé thăm thác Niagara Falls. Đây là lần thứ hai bà đến đây. Lần trước, cách đây năm năm, bà đến cùng ông chồng Trịnh Đãm của bà, lúc ông còn tại thế.
Buổi tối đứng lặng lẽ trên lầu khách sạn Hilton nhìn xuống vành thác Horseshoe, bà Ngọc Tình nghe lòng mình dâng lên từng đợt sóng cảm hoài. Ngày xưa, hồi trẻ, cha mẹ mất sớm, em của mẹ ở làng Trùi ngoài Huế thương tình đem bà về Sài Gòn nuôi cho ăn học nên người. Niềm vui có khi đi đôi với nỗi buồn. Lúc tốt nghiệp bác sĩ bà lên xe hoa về nhà chồng không bao lâu nghĩa mẫu của bà thất lộc. Duyên nghiệp của bác sĩ Lý Ngọc Tình, từ hồi trẻ đến tuổi về chiều vui ít, buồn nhiều, là hình ảnh đúng nghĩa của một người đàn bà cô đơn, dù thành công trên đường đời.

Bác sĩ Lý Ngọc Tình đứng lặng rất lâu và chợt nhận ra sự im lặng đã làm bà nhớ tới nhiều kỷ niệm ngày xưa. Bà nhớ nhà. Bà nhớ cha mẹ, nhớ nghĩa mẫu tình thâm. Bà nhớ Trịnh Đãm, cả một đoạn đời trôi nổi cùng bà hiện về trong tâm tưởng. Bà càng lặng lẽ càng chìm sâu trong nỗi nhớ. Thậm chí bà còn nhớ cả bóng trăng lu như con mắt của trời cao ngại ngùng, bịn rịn, luyến tiếc nhìn con tàu đưa người lìa xa quê cha đất tổ.
Bác sĩ Lý Ngọc Tình đi ngủ rất trễ, vừa quay lưng rời khỏi cửa sổ bà chợt thấm thía khi nghĩ tới hình ảnh nàng Tô Thị lên núi chờ chồng đi chinh chiến miền xa. Đó là vẻ đẹp lung linh trong trang cổ tích nước nhà, là cái đẹp của hình ảnh văn học mang nỗi buồn hóa đá.


Phan Ni Tấn

Không có nhận xét nào: