Bản quyền hình ảnhMARC MARTIN/GETTY IMAGES
Image caption
Tuổi trẻ đào hoa và hào hùng
Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống, sinh ngày 1/9 năm 1948 tại làng An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia nhập Không lực Việt Nam Cộng Hoà năm 1965 khi vừa tròn 17 tuổi, và tốt nghiệp khoá 65 A. Cấp bậc cuối cùng của ông trước khi rời quân ngũ là đại uý.
Tuy thế có bức thư của người anh ruột nói ông sinh năm 1946.
Hội trưởng Hội Không quân Việt Nam Cộng Hoà tại San Diego, ông Cù Thái Hòa, cho biết Lý Tống được đưa vào bệnh viện hôm 7/3 vì thở yếu.
Bác sĩ trực bệnh viện nói Lý Tống rơi vào trạng thái hôn mê hôm thứ Ba 19/3 và đang phải thở bằng máy.
Phải đọc bài tâm sự rất dài của ông Lê Xuân Nhuận, anh trai của Lý Tống, mọi người mới có thể hiểu phần nào về tuổi trẻ của ông, một sĩ quan không quân quả cảm, hào hùng.
Khi còn trong độ tuổi thanh niên, Lý Tống đã nhận thức về nghĩa vụ của chàng trai thời chiến, chỉ muốn tung hoành ngang dọc và kiên tâm theo đuổi lý tưởng chống cộng sản, không sợ hãi, không nản lòng trước mọi hoàn cảnh.
Gác bút nghiêng khi vừa tròn 18 tuổi, ông đi một vòng từ miền Trung ra đến tận vùng cao nguyên thăm anh ruột là ông Lê Xuân Nhuận, dự một bữa tiệc tại Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh Quảng Đức và có dịp gặp gỡ nhiều yếu nhân tại đây để chuyện trò, trước khi vào Sài Gòn xin gia nhập binh chủng Không quân, chính thức bước vào con đường binh nghiệp.
Ông Nhuận kể, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1973, Lý Tống thường ghé văn phòng Đặc Cảnh vùng II thăm người anh, mỗi lần đến là dắt theo một cô bạn gái mới.
Không chỉ nổi tiếng đào hoa, Lý Tống thường phóng xe hơi như bay, ít chịu dừng lại trạm kiểm soát quân cảnh, nên người anh của ông thường bị than phiền.
Trả lời thắc mắc của các cháu nhỏ gọi bằng chú rằng vì sao ông lái xe như bay, Lý Tống thản nhiên đáp rằng ông "đang bay."
Cũng theo lời kể của ông Lê Xuân Nhuận, Lý Tống chưa bao giờ quỳ gối khi bị bắt buộc trong thời gian bị giam cầm ở trại A-30. Trái lại, ông luôn dõng dạc thách thức "bắn đi" và không hề tỏ ra sợ hãi.
Bản quyền hình ảnhROBERT NICKELSBERG/GETTY IMAGES
Image caption
Tên tuổi của Lý Tống đi vào lịch sử của những tấm gương được người Việt hải ngoại một thời ghi nhận là một người 'chống Cộng kiêu hùng', luôn tìm cách tấn công vào hệ thống cộng sản ở bất cứ đâu, không chỉ ở Việt Nam.
Tạp chí Reader's Digest có bài viết về cuộc vượt ngục của Lý Tống với tựa đề "Ly Tong's The long trek to freedom." New York Times có bài "An old soldier still fights Vietnam War". Orange County Register có bài "Ly Tong is a hero, symbol, renegade", và còn nhiều bài khác nữa.
Bản quyền hình ảnhBBC, SCREENSHOT
Cũng không thiếu người cho Lý Tống là kẻ ngông cuồng, nhưng điều ai cũng đồng ý là không mấy ai quyết lòng theo đuổi lý tưởng chống Cộng đến cùng như ông.
Tháng 4 năm 1975, khi bộ đội Bắc Việt tiến vào miền Nam, Lý Tống không di tản, mà lái chiếc A-37 của biên đội Ó Đen dội bom khu vực đóng quân của bộ đội Bắc Việt. Phi cơ bị bắn rơi, Lý Tống bị ngồi tù 5 năm, giai đoạn đầu tiên ông bị giam cầm.
Tại đây, Lý Tống vượt ngục sang Campuchia, đến Thái Lan, và cuối cùng xin tị nạn chính trị tại Singapore. Ông sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1984, theo học bậc cao học tại trường đại học New Orleans, Florida.
Không yên phận của một người lính "rã hàng," Lý Tống tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu. Hình như ở ông lúc nào sục sôi nỗi căm thù chế độ cộng sản, chỉ muốn lật đổ họ bằng mọi cách.
Ba lần 'cướp máy bay'
Năm 1992, trong một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, Lý Tống uy hiếp phi công lái chiếc phi cơ A 310 bay vòng vòng không phận Sài Gòn để ông thả truyền đơn kêu gọi người dân Việt Nam nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền cộng sản. Sau đó, ông nhảy dù rơi xuống một ao rau muống. Lý Tống bị đưa ra toà kết án 20 năm tù về tội không tặc.
Tháng 9 năm 1998, nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích và trục xuất Lý Tống trở về Hoa Kỳ nhân một đợt đặc xá tù nhân.
Vẫn không chịu ngơi nghỉ, cũng trong năm đó, Lý Tống lái phi cơ đột nhập lãnh thổ Cuba để rải truyền đơn. Chưa dừng lại ở đây, trong ngày đầu năm mới, 1 tháng Giêng năm 2000, Lý Tống lái một chiếc phi cơ loại nhỏ cất cánh từ Florida bay sang La Habana để rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba nổi dậy lật đổ chính quyền cộng sản.
Khi quay trở về, Lý Tống bị Cục Di trú và Hải quan Hoa Kỳ bắt giữ để thẩm vấn.
Ông được phóng thích nhưng bị Cục Hàng không Dân dụng liên bang Hoa Kỳ FAA thu hồi bằng lái, mặc dù được người Cuba chống cộng sản coi như là anh hùng.
Bản quyền hình ảnhYVAN COHEN/GETTY IMAGES
Image caption
Chưa chịu dừng lại, 11 tháng sau, Lý Tống sang Thái Lan đánh cướp một chiếc phi cơ loại nhỏ bay sang Sài Gòn, vòng vòng trên không phận để thả xuống hơn 50,000 tờ truyền đơn kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy lật đổ chính quyền cộng sản. Khi phi cơ hạ cánh xuống phi trường của Thái Lan, ông bị bắt đưa ra toà kết án 7 năm tù, bản án thứ ba dành cho ông.
Lý Tống đã làm sôi động dư luận hải ngoại không ngớt tranh đấu để đưa ông ra khỏi nhà tù và tránh bị chính phủ Thái Lan dẫn độ về Việt Nam.
Cuộc tranh đấu trong đó có biện pháp tuyệt thực tại nhà tù Rayong tháng 3 năm 2006 cuối cùng đã đưa ông trở về Hoa Kỳ an toàn.
Tòa án Thái Lan từ chối yêu cầu dẫn độ Lý Tống về Việt Nam vì lý do ông không làm hại gì đến tình hình an ninh của Thái Lan.
Với tinh thần chiến đấu chống cộng sản đến cùng, ngày 24 tháng 8 năm 2008, Lý Tống lại thuê một chiếc phi cơ huấn luyện của Nam Hàn định lái đi rải truyền đơn trên không phận Bắc Hàn. Tuy nhiên, ông bị bắt tại phi trường Seoul trước khi hành động, không bị kết án vì chưa thực hiện hành vi.
Ngày 19 tháng 7 năm 2010, Lý Tống tranh đấu trực diện bằng cách tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mà ông cho là văn nô cộng sản. Lý Tống mặc váy, trét phấn thoa son giả dạng một phụ nữ tham dự chương trình trình diễn của ca sĩ họ Đàm tại San Jose.
Ông cầm bó hoa lên tặng và lợi dụng cơ hội này để xịt hơi cay vào mặt Đàm Vĩnh Hưng. Lý Tống bị bắt, ra toà ngày 21 tháng 7 năm 2012 bị kết án 6 tháng tù và 3 năm quản thúc về tội tấn công người khác, bản án thứ tư dành cho ông.
Lý Tống đã làm quá nhiều việc khó có người bình thường nào có thể làm được. Tin tưởng vào Thiên Chúa, công lý và nhiệm vụ chống cộng của chính mình, ông là một trong số ít nhân vật kiên quyết chống chủ nghĩa đó theo cách của mình, ở khắp nơi, từ Việt Nam, Cuba, đến Bắc Hàn.
Tôi xin trân trọng kính chào vĩnh biệt ông, người với tôi là một anh hùng bất khuất của quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bà Phụng Linh tức Võ Thị Hai, hiện cưngụ tại Nam California, Hoa Kỳ. Bà từng làm báo ở VN và tiếp tục cầm bút sau khi sang Mỹ định cư từ năm 2004.
Xem lại bài:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét