Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Luận Cổ Tri Quốc Mệnh... - GS.Lê Đình Thông

                         [ GS Lê Đình Thông - GS Vũ Quốc Thúc - LS Lê Trọng Quát ]
Trong sách Luận ngữ (thiên Vi chính), Khổng Tử cho rằng:
‘‘ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (五十而知天命):
năm mươi tuổi có thể biết được mệnh trời.
Người xưa coi ‘‘thất thập’’ là hiếm hoi :
‘‘Nhân sinh thất thập cổ lai hi’’ (人生七十古来稀),
vì vậy sách Luận Ngữ mới chép rằng :
‘‘Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ’’ (七十而從心欲不踰矩) :
đến 70 tuổi trong tâm có muốn điều gì cũng không ra ngoài quy tắc (bất du cửu = không vượt ra ngoài quy tắc).
<!>
Thời gian Thụ Nhân là bách niên, thầy Vũ Quốc Thúc vượt xa thất thập, năm nay 96 tuổi. Cổ nhân có câu :
Lộ diêu tri mã lực 路遙知馬力,
Sự cửu kiến nhân tâm 事久見人心

(Đường dài mới biết sức ngựa,
việc lâu ngày mới thấy lòng người).

Dòng sử Việt dài dằng dặc, có biết bao nhiêu việc lâu ngày, sách vở gọi là biến cố lịch sử (événements historiques), thể hiện qua nhân tâm. Sách vở thánh hiền nói : Ngũ thập tri thiên mệnh. Thầy Thúc hơn ngũ thập tới 40 năm. Tôi chắp nối chữ nho, thuật lại buổi tương phùng ngày 05/08 : cửu thập luận cổ tri quốc mệnh : 九十論知國命.
Ngày 03/08 dương lịch, chị Đặng Kim Ngọc bên Úc đưa lên diễn đàn TN1-2 hai câu sấm Trạng Trình. Hai hôm sau, tôi đem hai câu thơ này vấn ý thầy :
Bỉnh chúc vô minh quang tận diệt 炳燭無明光盡滅
Trọng ngân bạc phúc sản tiêu vong 重銀薄福産消亡

Ngọn đèn mà tối tăm thì ánh sáng mất hết
Xem nặng tiền bạc mà nhẹ phước đức thì tài sản sẽ mất hết.

Diễn nghĩa :
Trần Đại Quang sẽ bị tận diệt
Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc và chế độ cộng sản sẽ tiêu vong.
* Trở lại với sấm Trạng Trình.
Dân gian quen gọi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) (阮 秉 謙) là Trạng Trình, vì cụ thi đậu trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), lại được phong tước Trình Quốc Công (程國公). Không những Trạng Trình tiên đoán nhiều sự việc ứng nghiệm, mà ngay cả quốc hiệu Việt Nam (越南) cũng được cụ sử dụng trước vua Gia Long mấy thế kỷ, qua bốn câu thơ :
- Việt Nam khởi tổ xây nền
- Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh
- Thùy thị phương danh trọng Việt Nam
- Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam

Bốn câu thơ trên cho thấy tính khả tín (crédibilité) câu sấm Trạng Trình. Để trả lời câu hỏi của tôi, Thầy Thúc chậm rãi đọc lại bài thơ Cự Ngao Đái Sơn (巨鰲戴山), như muốn hòa chung cùng vận nước :
Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh, 
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
Trước cước trào vô quyển địa thanh.
Vạn lý Đông minh quy bả ác, 
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành.

Nguyên bản chữ Hán :
碧浸仙山徹底清
巨鰲戴得玉壺生
到頭石有補天力
著腳潮無卷地聲
萬里東溟歸把握
億年南極奠隆平
我今欲展扶危力
挽卻關河舊帝城

Xin tạm dịch như sau :
Kim quy đội dải sơn hà
Nước biếc non xanh lắng biển sâu
Tinh túy kết lại tận ngọc châu
Tung tăng ngẩng đầu nâng trời đất
Lội xuống thềm hoang sóng bạc đầu
Biển Đông thu tóm bàn tay nắm
Trời Nam ổn định đến ngàn thu
Kim quy cứu khốn phò nguy biến
Chủ quyền giành lại sẽ bền lâu. 

(bản dịch : Lê Đình Thông)

Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã lấy địa lý chính trị biển Đông để diễn giải câu sấm Trạng Trình.
Tương lai Biển Đông liên hệ mật thiết đến vận nước. Thầy Thúc đọc thêm bài sấm sau đây bàn về tương lai đất nước :
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ động đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân Dậu niên lai kiến thái bình
龍尾蛇頭起戰爭
杆戈處處動刀兵
馬啼羊腳英雄盡
申酉年來見太平

Cụ Trạng Trình và thầy Vũ Quốc Thúc đều bước qua ngưỡng tuổi 90. Câu thơ ‘‘Thân Dậu niên lai kiến thái bình’’ của đất nước còn là ‘‘Thân Dậu niên lai kiến bách niên’’ của giáo sư Vũ Quốc Thúc.
Lời Cuối (跋文):
Như lệ thường, tôi gửi bài tường thuật để xin Thầy hiệu chính. Thầy gửi cho tôi điện thư dưới đây. Nếu lời văn là chính con người (le style, c’est l’homme même) như câu nói của Buffon, thầy mượn thơ cụ Trạng để nhắn nhủ các môn sinh của thầy. Tôi xin chép lại nguyên văn điện thư, diễn tả trọn vẹn tấm lòng kẻ sĩ đối với đại cuộc.
“Cám ơn anh đã tường thuật buổi hội ngộ lịch sử của chúng ta. Không thể mà cũng không muốn thêm bớt chi. Một điều lạ lủng: từ sáng hôm nay tôi sực nhớ bài sấm của cụ Trạng Trình mà tôi đã học thuộc lòng từ 80 năm. Tôi đang suy tư về bài thơ ấy thì nhận được email của anh về sấm trạng. Bài thơ ấy chắc anh cũng đã đọc rồi. Xin ghi lại như sau:
Non sông nào phải buổi bình thời:
Thù đánh nhau chi khéo nực cười!
Cá chậu chim lồng ai khiến đuổi ?
Núi xương sông huyết thảm đầy vơi
"Ngựa phi chắc có hồi quay cổ
"Thú dữ nên phòng lúc cắn người
Ngán ngẩm sự đời chi nói nữa !
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi...

Thân mến,
Paris, tiết Đại thử (canicule)

GS.Lê Đình Thông
---------------

Không có nhận xét nào: