Bôn ba khắp nơi làm đủ nghề, trải qua biết bao thăng trầm, rồi mới đến với nghề thu gom rác như một cái “duyên” từ kiếp trước.
Ông làm công việc gom rác tại các nhà dân ở quận 5. Tuy nghề gom rác lương ba cọc ba đồng nhưng ông Thơm vẫn gắn bó đến tận bây giờ, vì ông luôn nghĩ “mình không làm thì ai làm.”
Cứ thế, ông rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của khu vực ông đảm nhiệm để thu gom từng túi rác làm đẹp cho đời. Cho đến khi thành lập Nghiệp Đoàn Vệ Sinh Dân Lập quận 5, thì ông được bầu làm chủ tịch nghiệp đoàn, đảm nhiệm công việc giám sát.
Ngoài lúc làm việc, hết giờ làm hay ngày nghỉ, ông Thơm cùng với chiếc xe “già” của mình rong ruổi khắp thành phố Sài Gòn để cứu thương di động, kiêm luôn xe cứu hỏa.
Ý tưởng “độ” lại chiếc xe già của ông cũng rất tình cờ. Một lần đi gom rác, ông bất cẩn nên bị thương ở chân, máu chảy rất nhiều nhưng không được ai giúp đỡ. Lúc ấy, vì không có bông băng nên ông tự lấy vải quần băng bó lại.
Ông Thơm kể: “Tôi tự hỏi tại sao mình không gắn một cái thùng trên xe rồi bỏ bông băng, thuốc đỏ, thuốc đau đầu… mang theo để phòng khi có ai gặp nạn mình sẽ sơ cứu giúp họ.”
Từ việc “độ” xe máy cũ thành tủ thuốc di động, ông tiếp tục gắn thêm hai rổ sắt bên hông xe rồi cả đèn, còi báo động bỏ hai bình chữa cháy mini nào. Cũng nhờ hai bình chữa cháy này, ông đã dập được nhiều vụ cháy nhỏ giúp người dân khắp nơi.
Ông Thơm kể: “Mới tuần rồi, tôi gặp một thanh niên say xỉn ngã xe xuống đường, mặt mày đầy máu. Tôi liền chạy đến sơ cứu rồi chở anh ta đi bệnh viện, cũng may không sao.”
Giúp người nhưng ông Thơm không mong nhận được đền đáp. Từng có nhiều người đến trả ơn bằng tiền nhưng ông không nhận, chỉ ngỏ ý cho ông xin vài lọ thuốc, bông băng, thuốc đỏ… để ông tiếp tục giúp người khác, thế là đủ.
Bản tính nghĩa hiệp là vậy, hễ thấy chuyện bất bình, ông liền ra tay tương trợ. Không những chế xe cứu thương giúp người, ông còn liều lĩnh tham gia bắt cướp trên đường. Không vũ khí, không võ thuật gì, ông chỉ “nhắm mắt, nhắm mũi” cản đường tháo chạy của bọn cướp, rồi tri hô và cùng người dân vây bắt.
“Trước giờ tôi sơ cứu giúp người thì nhiều, còn bắt cướp thì chỉ mới hai vụ thôi. Mấy vụ giật giỏ xách, dây chuyền… không thấy thì thôi, thấy là coi như tên cướp xong phim,” ông Thơm dí dỏm đùa.
Hơn 10 năm giúp người, nhưng mỗi khi ra đường, ông Thơm lại canh cánh một nỗi lo. Ông lo lại thấy người gặp nạn. Ông nói: “Tôi muốn giúp người nhưng có ai muốn ngày nào ra đường cũng gặp người khác bị tai nạn đâu.” (Tr.N)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét