Sự tự ti trở thành chướng ngại tâm lý thường thấy ở trẻ. Do tự ti nên trẻ hay sợ sệt, nhạy cảm, thiếu tự tin, khiếm khuyết về tính cách. Thế nhưng, nguyên nhân trẻ tự ti thông thường lại là do cha mẹ gây nên. Lời nói của cha mẹ là sự tổn thương trực tiếp nhất với trẻ
“Sao con ngốc vậy? Dạy bao nhiêu lần rồi mà cũng không nhớ!”
“Chưa có thấy đứa trẻ nào không biết nghe lời như con!”
“Sao con làm việc gì cũng không nên hồn thế?...”
<!>
“Nhìn bạn bè con kia kìa, các bạn học giỏi thế, sao con lại kém thông minh vậy?”
“Con chậm hiểu quá, hết cách với con rồi”
“Con thật là phiền quá đi! Có thể yên lặng được không vậy?”
v.v…
Chúng ta hãy cùng xem xét lại, có phải là nhiều bậc cha mẹ rất thường hay nói với con trẻ những câu như thế này không? Đôi khi chúng ta không hề nghĩ đến hậu quả mà nói những lời nặng nề với trẻ, cũng không hề biết được một lời nói ra sẽ gây tổn thương cho trẻ đến nhường nào.
Nội tâm của trẻ rất yếu mềm, non nớt – khi mà trẻ vẫn chưa có khả năng đối mặt với “giông bão cuộc đời” mà trong gia đình đã phải chịu sự đả kích – thì sẽ bị tổn thương đến chừng nào. Con trẻ không biết mỗi ngày cha mẹ đều bận rộn nhiều công việc, trẻ chỉ biết rằng cha mẹ trông thật chán nản, thất vọng khi nói mình phiền, mình không giỏi mà thôi. Từ đó về sau, trẻ sẽ cảm thấy bản thân thật sự rất ngốc, là một đứa trẻ chuyên gây phiền phức, bởi vì cha mẹ đã nói như thế.
Cha mẹ là người mà con cái tin tưởng, trẻ sẽ tiếp nhận tất cả thông tin từ cha mẹ một cách vô điều kiện, bao gồm cả mặt tiêu cực. Những đứa trẻ thường phải chịu những lời nói thô bạo sẽ nghi ngờ khả năng và giá trị của bản thân chúng, sẽ không ngừng phủ định chính mình, “Cha mẹ đều cảm thấy mình không ra gì, sao mình có thể làm tốt được đây?”. Lâu dần trẻ sẽ không còn tự tin nữa, giống như một con chim bị hoảng sợ, bồn chồn lo lắng, trở nên vô cùng tự ti.
Có nhiều khi lời nói thô bạo của cha mẹ còn gây tổn thương nặng nề cho trẻ hơn là đánh trẻ.
(Ảnh: Internet)
Tự ti gây nhiều hậu quả cho trẻ
Tự ti là một sự khiếm khuyết về mặt tính cách, đặc biệt là đối với trẻ em, tâm lý tự ti sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về cả thể chất và tinh thần của trẻ, gây bất lợi đối với sự trưởng thành của trẻ và tác động đến tương lai của trẻ.
Trẻ em nên có một tuổi thơ hạnh phúc, lớn lên vui vẻ không phải lo nghĩ, thế nhưng một khi đã có tâm lý tự ti thì trẻ sẽ thường buồn rầu, phiền muộn không có nguyên do, không dám giao tiếp với người khác, thậm chí sợ hãi cả bạn bè, xem con người như “những kẻ hung dữ”.
Bởi vì trẻ tự cảm thấy mình không có gì tốt, thế nên chỉ có thể một mình trốn trong góc, ngưỡng mộ người khác, mong muốn được có bạn bè nhưng lại thường hay nghĩ: “Tại sao mình làm gì cũng không tốt, làm thế nào để người ta thích mình đây, ai mà muốn chơi với kẻ ngốc như mình chứ?”.
(Ảnh: shutterstock.com)
Nếu trẻ có sự đánh giá sai lệch về bản thân ngay từ nhỏ thì sẽ luôn cho rằng mình là người tệ nhất. Ngoại hình thì xấu, ăn mặc không đẹp, học cũng không giỏi… Những đứa trẻ tự ti thích thu mình lại, không dám tiếp xúc với người hay sự việc mới bởi trẻ lo lắng mình bị đánh giá, sợ hãi bị những người xung quanh cười nhạo, chê bai.
Sau khi lớn lên, sự tự ti sẽ khiến trẻ không dám một mình đối diện với cuộc sống, không dám ngẩng cao đầu trước người khác, không dám nắm bắt khi cơ hội đến. Trẻ sẽ luôn giữ cái tôi của mình, sống lúc nào cũng dè chừng, buồn khổ.
Không thể xem nhẹ tâm lý tự ti của trẻ, làm cha mẹ, ai cũng đều hy vọng con mình sống tốt, từng bước đi đều thành công, đều hết lòng lo lắng cho con trẻ, chỉ muốn con ngày càng giỏi giang hơn. Vì thế một khi phát hiện trẻ xuất hiện vấn đề tự ti thì cha mẹ phải kịp thời hỗ trợ trẻ vượt qua việc tự phủ định chính mình.
Giúp trẻ thoát khỏi tự ti
Muốn trẻ thoát khỏi tự ti, trở nên tự tin hơn thì cha mẹ cần làm những việc sau đây:
1. Bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ
Sách là người bạn kiên nhẫn nhất và khiến chúng ta vui vẻ. Đọc sách giúp trẻ tìm được sự an ủi từ những trang sách và giúp trẻ được “khai sáng”, tìm được chính mình, nhìn thế giới bằng một góc độ mới, không còn sợ phải đối mặt, trở nên dũng cảm và tự tin hơn.
(Ảnh: Internet)
2. Giúp trẻ thừa nhận bản thân
Để giúp trẻ thừa nhận bản thân, bước đầu tiên là phải nói với trẻ rằng cần biết chấp nhận chính mình. Có rất nhiều trẻ tự ti là do ngoại hình. Hãy nghiêm túc nói với trẻ rằng bé rất tuyệt, dù cho không có một đôi mắt to nhưng ánh mắt của trẻ rất có thần – mỗi người đều có cái đẹp của riêng mình. Hay đối với những trẻ tự ti mình không thông minh, hãy nói với trẻ rằng trẻ có những tài năng riêng của mình mà đôi khi người khác không có được v.v..
3. Hãy khen trẻ đúng lúc
Cha mẹ hãy khen ngợi con trẻ từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Khen ngợi không có nghĩa là tâng bốc một cách mù quáng. Khi trò chuyện với con, cha mẹ nên tìm những lý do cụ thể đáng để khen ngợi. Việc khen ngợi, cổ vũ trẻ từ những việc nhỏ nhặt sẽ giúp trẻ tăng sự tự tin vào bản thân mình.
(Ảnh: shutterstock.com)
4. Đừng so sánh
Trẻ tự ti sợ hãi nhất chính là bị cha mẹ so sánh người người khác, việc này sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ “mình không tốt, mình rất ngốc”. Vì vậy, cha mẹ không nên so sánh con với người khác, bởi ai cũng có ưu – khuyết điểm của mình.
5. Tôn trọng ý kiến của trẻ
Đối diện với những sự lựa chọn, trẻ sẽ có ý kiến của riêng mình. Khi trẻ tự nêu ý kiến, cha mẹ đừng vội xem nhẹ và phủ định, việc này sẽ khiến trẻ mất đi sự tự tin do không được xem trọng. Cha mẹ phải học cách tôn trọng ý kiến của trẻ, nghiêm túc lắng nghe những điều trẻ nói, học cách đối xử bình đẳng với trẻ.
(Ảnh: Internet)
6. Kiên nhẫn trả lời câu hỏi của con
Đôi khi cha mẹ trở về nhà sau một ngày làm việc bận rộn mà còn bị trẻ đi theo hỏi cái này cái kia, lúc này nhất định không được mất kiên nhẫn.
Trẻ tràn đầy sự tò mò đối với cuộc sống và thế giới xung quanh, nếu bạn không kiên nhẫn lắng nghe, chê trách con làm phiền thì trẻ có thể sẽ sợ nói chuyện với bạn. Đương nhiên là nếu không trả lời được thì phải nói thật với con, động viên trẻ khám phá và tin tưởng vào bản thân.
(Ảnh: shutterstock.com)
7. Để trẻ phát huy sở trường của mình
Mỗi người đều có sở trường của riêng mình, cha mẹ cần biết được sở trường của con và giúp con phát suy sở trường đó, để trẻ mình thấy sự nổi bật của bản thân. Không nên cứ bắt ép trẻ làm những việc trẻ không giỏi, điều này sẽ khiến trẻ thiếu tự tin.
8. Tích cực dẫn dắt trẻ đối mặt với thất bại
Thất bại luôn rất dễ khiến trẻ bị rơi vào tự ti. Khi trẻ thất bại, cha mẹ phải cổ vũ con, giúp con hiểu rằng: thất bại hay khó khăn không hề đáng sợ. Hãy cùng trẻ phân tích vấn đề, giúp trẻ vượt qua thất bại, tiếp nhận kiến thức, tìm lại sự tự tin.
Cha mẹ là người đồng hành và cũng là người thầy tốt nhất của con trẻ. Cha mẹ muốn trẻ có một tương lai tươi sáng thì phải chịu khó, chịu khổ một chút vì sự phát triển của trẻ. Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, điều này không có gì đáng sợ cả, cha mẹ phải là người dẫn dắt con. Cha mẹ nên bình tĩnh lại, nghiêm túc phân tích, giúp trẻ vượt qua từng khó khăn thử thách trong quá trình trưởng thành. Hãy dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn để xây dựng cho trẻ một ngày mai tốt đẹp.
(Ảnh: Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét