C âu chuyện xảy đã rất lâu nhưng trong đầu Doãn vẫn không thể nào nguôi ngoai về cái chết của Vân và 11 người khác vì bão tố, đói và thiếu nước ngọt trên chiếc ghe vượt biên gặp bão năm ấy phía ngoài hải phận Phillipine… Doãn đã đóng vai người đi mua sắt vụn, lưu lạc từ Sài gòn xuống các tỉnh miền Tây như Cần giờ, Long an, Sóc trăng, Trà vinh, Bến tre nhằm tìm cách móc nối các chủ ghe để tìm cách ra đi nhưng không được… Cuối cùng anh xuôi về Phan thiết, Cam ranh, Nha trang và rồi Tuy hiệp, Tuy hoà… Anh lê la ở Tuy hiệp hơn sáu tháng trời… Tuy hiệp là quê của dượng Ba, vợ ông là cô của Doãn. Ông đã rời quê vào Sài gòn làm ăn hơn ba mươi năm, và cũng nhờ thư giới thiệu anh là cháu vợ ông về Tuy hiệp làm ăn nên anh đã vào ở trọ nhà cô Tư, người em gái độc nhất của dượng ba ở quê…
<!>
Những ngày đầu tiên cô Tư đã đưa anh lên chính quyền xã đăng ký tạm trú, bà giới thiệu với chính quyền và bà con địa phương rằng anh là cháu họ, làm ăn ở Sài gòn… Anh lê la khắp hang cùng ngõ hẹp ở Tuy hiệp, làm quen với các thầy cô giáo ở ngôi trường tiểu học độc nhất ở cái xã vùng biển này… Anh thường nhậu với Ông Năm, trưởng CA xã, là người hàng xóm thân quen của gia đình cô Tư… Trong những lần nhậu nhẹt như vậy ông thường tâm sự trước giải phóng ông làm nghề chăn vịt. Ông thường ngủ qua đêm ở chòi vịt giữa cánh đồng hoang vắng, và gia đình ông có người đi theo phía bên kia, vì vậy ông đã nhận lời làm liên lạc viên cho phía du kích địa phương. Sau 1975 ông đã được đề bạt làm trưởng CA xã, và trong những lần nhậu nhẹt như vậy thường có một vài anh CA huyện tham dự, cũng nhờ vậy nên mối quan hệ của Doãn với địa phương càng ngày càng rộng rãi thêm. Trong thời gian ở Tuy hiệp anh đã mua lại một chiếc xe lam cũ của một người dân địa phương, bỏ tiền và công sức ra sửa chữa lại coi cũng tàm tạm… Sau đó nhờ ông Năm giúp đỡ đăng ký vào Hợp tác xã xe lam ở Hợp tác xã vận tải ở địa phương để mỗi ngày chở những chuyến cá từ Tuy hiệp lên Tuy hoà… Cũng vì vậy nên sự hiện diện của anh ở cái xã vùng biển này không còn là sự chú ý của mọi người.
Anh vẫn trọ ở nhà cô Tư và mỗi buổi chiều vẫn thường nhậu nhẹt với ông Năm và một số viên chức và công an viên địa phương… Anh quen biết Vân, con gái ông Năm từ dạo đó… Vân là một cô gái khá đẹp có mái tóc thề ngang vai rất thơ… Từ sau 1975 Vân không vào Sài gòn tiếp tục học đại học mà về lại Tuy hiệp giúp mẹ buôn bán và canh tác việc đồng áng… Anh và Vân thường ngồi cạnh nhau hàng giờ ở ngoài cái chòi vịt mà ngày xưa ông Năm còn là người chăn vịt. Họ đã nói với nhau nhiều chuyện… thơ văn, âm nhạc, quan điểm sống, quan điểm về tình yêu đôi lứa… Vân là một cô gái khá thông minh và lém lỉnh nghịch ngợm cộng thêm chút lãng mạn. Trong những lần như vậy Doãn thường nói xa xôi về những dự tính của mình… Một buổi chiều cũng như những buổi chiều khác Doãn đã không nén lòng mình được, anh đã bày tỏ tình cảm của mình… Họ đã cho nhau những nụ hôn ngọt ngào và những vòng tay đam mê như thể họ đã là của nhau từ kiếp nào… Cuộc đời sẽ là rất êm đềm và hạnh phúc cho đôi lứa nếu như một hôm Vân không hỏi thẳng anh: “Có phải anh đang dự tính vượt biên phải không anh Doãn?” Anh khá bất ngờ nhưng cũng cố trấn tỉnh và hỏi lại Vân: ” Em nghĩ sao mà lại hỏi anh như vậy?” Vân nói: ” Em yêu anh và nhận biết được những gì anh đang nghĩ trong đầu, nhưng thôi anh hãy trả lời câu hỏi của em trước đã…” Doãn nói nước đôi: ” Nếu anh nói có, em có dám từ bỏ gia đình đi với anh không?” Vân im lặng một hồi rồi nói: “Anh nghĩ sao về Tình yêu của em dành cho anh? Dĩ nhiên em yêu anh và luôn mong ước được ở bên anh suốt đời, vì vậy anh đừng hỏi em những câu hỏi như vậy nữa… ” Họ lại cho nhau những nụ hôn đắm đuối, những vòng tay thèm khát và buổi hoàng hôn ấy Vân đã cho Doãn những gì tinh khiết nhất của đời người con gái mà nàng có. Ông Năm và bà Năm vẫn chưa biết gì về mối quan hệ của con gái mình với chàng trai trẻ láng giềng thường nhậu nhẹt mỗi ngày với ông và đám CA huyện ở hàng hiên nhà, và bà Năm vẫn thường làm những món mồi nhậu như xoài, cóc ổi và thỉnh thoảng cải thiện thêm chút khô cá đuối… Doãn và Vân vẫn đắm đuối cho nhau những gì họ vẫn thường… vào mỗi buổi chiều tối. Ông Năm và bà Năm vẫn không chút nghi ngờ gì vì như thông lệ mỗi chiều nàng có nhiệm vụ mang thức ăn cho vịt và tô xôi ăn với cá cơm kho keo cho Doãn. Doãn nhận lời canh chòi vịt cho ông qua đêm. Anh nhận lời vì muốn có khoảng không gian riêng tư cho mình, một mình giữa đất trời bao la để ngắm những vì sao trời như chàng chăn dê xứ Basque trong một tác phẩm của Alphonse Daudet, và cũng vì Vân, vì những đam mê nóng bỏng rất người. Buổi sáng trong lúc cà phê trong một quán cóc, Doãn nghe mọi người nói chuyện ông Tám Đài ở xóm trên muốn bán ghe và di chuyển gia đình vào đồng bằng sông Cửu long sống. Anh tìm cách hỏi han và biết được giá là 12 cây. Anh nói chuyện với người con trai của ông Tám và ngỏ ý muốn mua để những lúc rảnh rỗi đi câu tìm vui và cải thiện thêm cuộc sống. ông Tám Đài đã đồng ý ngày giao tiền để nhận ghe là sáng thứ bảy cuối tuần ấy… Sáng hôm thứ bảy ấy anh chuẩn bị đủ 12 cây vàng, chạy chiếc xe lam của mình đến nhà ông Tám Đài… Khi dừng xe và dường như có một giác quan thứ sáu, anh nhìn thấy một hai đứa con nít đang chơi trước cửa cứ nhìn lén lút về phía anh một cách lạ lùng… Anh vội vàng nổ máy chạy thẳng hướng biển, vừa chạy vừa rút vội 12 cây vàng bỏ vào bình xăng và khi đến ngã rẽ anh đã bị chặn lại bởi một nhóm du kích và một số CA huyện, họ còng tay anh và đưa về huyện cùng chiếc xe lam… Ở đây anh đã bị thẩm tra và hạch hỏi và buộc tội mua ghe để vượt biển… Một số CA viên thường nhậu nhẹt với anh và ông Năm… Họ hỏi: “Ủa chuyện gì bị bắt vô đây ? ” Doãn nói: ” Mẹ ! tao có biết gì đâu đang chạy xe xuống biển tính kiếm mớ cá chở đi Tuy hoà, cái rồi tụi nó còng tao rồi đưa về đây… “
Vừa lúc đó Ông Năm ở xã vừa lên CA huyện để nhận công văn hay họp hành gì đó, thấy Doãn ông ngạc nhiên hỏi: “Ê thằng kia ! Có chuyện gì vậy mầy?” Doãn trả lời: “Tui xách xe đi chơi, tụi nó hô tui đi mua ghe vượt biên. Trời ơi, trong túi không có một đồng ăn sáng! Mua ghe vượt biên, mẹ! Vượt cái quái quỷ gì mấy cha!” Ông Năm nói: “Thằng quỷ sống chuyện gì cũng có mày.”… Xong đi vội vào văn phòng nói gì với xếp và bọn CA viên… Sau đó tụi nó tháo còng và nói: “… Dìa đi ông nội.” Doãn còn chần chừ hỏi lại: “Zậy chứ còn cái xe lam của tui… bộ mấy cha tính tịch thu luôn sao, rồi tui lấy gì sống đây?” Một CA viên chỉ chỗ đậu xe lam ở cuối đám đất trống và nói: “Xe lam kìa… lấy xe rồi zìa đi cha… ” Sau lần đó Doãn thận trọng hơn và đã bí mật tìm ra được một mối bán ghe ở mãi Đại lãnh… Việc mua bán và chôn dầu xong xuôi, Doãn thở phào nhẹ nhõm… Cũng chiều hôm đó trong buổi nhậu, Ông Năm hỏi: “Ê Doãn mày có biết gì không? Thằng Tám Đài đó, gia đình nó vượt biên đêm qua rồi… “Má! Thằng này ghê thiệt… Nó tung tin mày mua ghe để đánh lạc hướng CA rồi zọt mất tiêu… ” Chiều hôm ấy, sau buổi nhậu Doãn vừa ra đến chòi vịt thì thấy Vân đã ở đó rồi và họ đã trao cho nhau những nụ hôn, những vòng tay dường như họ đã xa vắng nhau hàng thế kỷ… Doãn nói: “Em chuẩn bị mai lên đường.” Vân nói: “Sớm vậy anh? Em chưa chuẩn bị gì hết chơn hết trọi mà… ” Họ ra đến nơi chôn dầu và thực phẩm lúc nửa đêm, Doãn đào lên 12 can dầu và ba bao gạo cùng lương khô… Và khi nhìn thấy tín hiệu của ánh đèn pin chớp lên ba lần phía biển Doãn cũng trả lời lại bằng ba chớp đèn như vậy… Ghe đã cặp bờ. Doãn, Vân và ba người nữa khệ nệ chuyển dầu, gạo và lương khô, và mọi người cùng lên ghe… Chiếc ghe cứ thế chạy mãi, chạy mãi trong bóng đêm mù mịt hướng về phía hải phận quốc tế… Họ đi được hai ngày hai đêm ra đến hải phận quốc tế thì bất ngờ gặp bão, cơn bão thật khủng khiếp. Những đợt gió, nước biển và sóng cao hằng 4. – 5 mét vùi dập chiếc ghe nhỏ giống như một chiếc lá khô giữa dòng nước lũ, mọi người hầu như đều bị say sóng kể cả Vân nằm la liệt trên sàn ghe… Doãn thì tương đối đỡ hơn vì ngày xưa lúc còn đi học, vào những ngày nghỉ hè anh thường theo chú Tám của anh ra khơi đánh bắt cá… Anh phụ với tài công và các con anh ta giữ con thuyền cân bằng giữa các đợt sóng dữ… lên… xuống… nghiêng bên trái… bên phải… Cuối cùng cơn bão biển cũng kết thúc… Sau ba ngày vật lộn với những cơn sóng dữ, chiếc ghe vượt biển lúc này tơi tả như một miếng giẻ rách giữa một vùng biển mênh mông, không thấy đâu là bờ bến… Sau cơn bão biển, dầu đã cạn, sóng đã cuốn đi hết lương thực và nước ngọt, chiếc ghe trôi nổi không định hướng, không biết đâu là bờ bến, chỉ còn gạo nhưng môt số đã bị ngấm nước biển… Mọi người vừa đói, vừa say sóng và vừa mệt, không biết làm sao? Doãn thử lấy chút nước biển nấu cơm… nhưng mặn chát không ai ăn được… càng ráng ăn thì càng khát nước, có người quá khát múc đại nước biển uống thì vừa uống vào ngụm đầu đã phun ra và ói mửa vì quá mặn… Doãn cùng vài người lặn sâu xuống đáy, tợp vài ngụm nước biển cho đỡ khát vì hi vọng ở dưới biển sâu nước lạnh, đánh lừa cảm giác và sẽ không nhận biết được cảm giác mặn chát… Cứ thế chiếc ghe trôi nổi vô định… Trên là nắng nóng, dưới là nước biển mặn chát… Da Doãn đỏ cháy và lột ra từng mảng đỏ lừ, không một chiếc tàu quốc tế nào đi ngang qua… và cứ thế chiếc ghe trôi nổi dật dờ trên một vùng biển mênh mông. Mọi người ai cũng thoi thóp nằm la liệt trên sàn ghe như những con cá phơi khô dưới ánh nắng nóng rát. Không còn nước ngọt và cái gì để ăn, cổ họng khô và rát rạt, Doãn bốc đại nắm gạo sống cho vô miệng nhai nhai cho đỡ đói…
Nhưng càng nhai thì càng khát, anh cảm thấy chưa có cơn khát nào khủng khiếp như cơn khát này cổ họng như bốc cháy, trong miệng như không còn chút nước bọt nào… Một số người còn sức đã đọc kinh niệm Phật, cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, một số người theo đạo Thiên chúa thì lâm râm cầu nguyện lần sợi dây tràng hạt có Thánh giá với hình tượng chúa JESUS bị đóng đinh trên cây thập tự… Hôm nay là ngày thứ chín tính từ ngày xuất phát và 97 con người trên chiếc ghe khốn khổ chịu đựng sự đói khát và nắng nóng rát gần một tuần… Không nước, không lương thực, Doãn và mọi người như chỉ còn da và xương, mặt mày hốc hác râu ria ra tua tủa như những tên cướp biển… Đã có hai đứa con của tài công chết vì sốt và đói… Họ để hai đứa bé nằm đó cho đến ngày thứ 11 thì mọi người không chịu nổi mùi hôi thối bốc ra từ hai cái xác. Bà vợ của ông tài công và ông ta đã khóc nức nở khi phải thả hai đứa con xuống biển… Những ngày sau đó những người kế tiếp là vợ ông tài công và một số người khác… Đến ngày thứ mười ba một bé gái đã trút hơi thở cuối cùng trên tay mẹ… Doãn còn nhớ trước khi chết cháu đã vừa khóc vừa thều thào trong hơi thở thoi thóp và kêu lên… nước… nước… Những ngày sau Vân cũng đã ra đi vì không chịu đựng nổi sự đói khát, Doãn ôm chặt lấy xác Vân lần cuối cùng và nói thầm thì như cho riêng nàng : ” Em hãy hoà tan cùng biển cả, anh yêu em vô cùng Vân ơi, vừa nói vừa khóc không ra tiếng trước khi buông tay thả xác nàng xuống với biển khơi vô định. Anh như kiệt quệ và nhiều lần đã nhảy xuống biển để chết theo nàng nhưng đã bị tài công và mọi người giữ lại… Tổng cộng cho đến hôm nay, ngày thứ 15 đã có đến 10 người chết bao gồm Vân và hai người nữa… Đến ngày thứ 17 anh tài công không chịu đựng nổi vì mất vợ và hai đứa con… đã lấy một cái phao làm bằng ruột xe hơi và một chiếc dầm chèo nhỏ nhảy xuống biển và nói để cho anh đi, tới đâu thì tới vì anh không thể chịu đựng nổi trước cái chết của vợ con mình và nằm chờ chết trên ghe… Thế là chiếc phao và anh ta trôi nổi trên dòng nước vô định… Như một phép mầu khi chiếc phao và anh Tài công chỉ còn là môt vệt trắng tít tắp mờ xa thì một chiếc tàu buôn của Đông Đức xuất hiện, họ đã dùng lưới kéo anh ta lên tàu, anh ra hiệu bằng tay yêu cầu họ quay lại chỗ chiếc ghe đang trôi dạt để cứu những nạn nhân còn lại nhưng họ từ chối… Và nhiều lần anh đã toan nhảy xuống biển lại… nhưng những thuỷ thủ đã giữ anh ta lại… Cuối cùng chiếc tàu Đông Đức đã chịu quay lại, và vì chiếc ghe quá nhỏ nên họ đã phải chạy vòng quanh từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới cặp sát được ghe để tránh cho ghe bị lật… Doãn nói được tiếng Anh vì trước đây có thời gian anh đã từng làm thông dịch viên cho một đơn vị của Mỹ trú đóng ở ngoại ô Sài gòn… Anh bước ra đầu mũi ghe và nói với những thuỷ thủ của chiếc tàu buôn Đông Đức: – “Các bạn có ai nói được tiếng Anh không?” Nghe bọn họ xì xào xì xồ tiếng Đức… Một lát sau Thuyền trưởng của chiếc tàu chở hàng Đông Đức xuất hiện và nói với Doãn: “Các anh cần gì?” Doãn trình bày với ông ta là ghe gặp bão trên đường đi, hết dầu, nước ngọt và lương thực, đã bị chết 10 người vì đói và khát, đưa mảnh áo rách có viết chữ SOS… Ông ta nói hải trình của họ là chở hàng đi Việt Nam vì vậy không thể chở toàn bộ những người tỵ nạn trên ghe về lại Việt Nam được, lúc này họ chỉ có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp dầu và nước ngọt cùng thực phẩm như đồ hộp lương khô, gạo cùng thuốc men… Họ cho người sang ghe chỉ hướng Tây bắc trên chiếc hải bàn và nói: “Nếu các anh đi theo hướng Tây bắc này sẽ mất một ngày rưỡi sẽ đến đảo Mary của Phillipine… ” Mọi người còn sống sót trên ghe đều mừng rỡ vì tất cả đã an toàn… Doãn phân phát lương thực và căn dặn mọi người không được ăn nhiều, chỉ được ngậm từng mẩu bánh trong miệng và từng ngụm nhỏ nước cho đến khi tan hết mới được tiếp tục miếng khác… Nhưng đã có hai người không nghe… nên ăn ngấu nghiến, sau đó không lâu thêm hai người nữa đã chết vì bứt ruột… Anh tài công lắc đầu nói: “ĐM nói rồi mà không nghe…” Tài công nổ máy ghe và chạy theo hướng tây bắc, Doãn và mọi người thiếp đi vì quá mệt mỏi… Chiếc ghe cứ chạy miết… chạy miết suốt đêm cho đến lúc nghe tiếng tài công la lên: ” Thấy đất liền rồi.” Doãn nhìn theo hướng tài công chỉ thì thấy một đốm nhỏ màu xanh càng lúc càng hiện rõ hơn… Doãn nói với ông tài công: “Vậy là họ chỉ đúng rồi, chắc là đất Phi… ” Mọi người reo lên: “Tạ ơn trời Phật, Tạ ơn chúa…” Họ đã được đưa đến cư trú tại một ngôi nhà thờ của địa phương, mỗi người được phân phát cháo, bánh mì và những bộ quần áo cũ do dân trên đảo quyên góp… Những ngày sau đó Doãn và một vài ngươi đã đi ăn xin ở ngôi chợ địa phương…
Khi thì được vài con cá, hộp bánh ngọt, vài ổ bánh mì, một nắm gạo hoặc vài đồng peso… Một hôm Doãn thấy mấy người lính địa phương đang chuẩn bị giết dê, anh mon men lại gần và ra dấu để anh làm cho… Họ đồng ý và sau đó anh nấu giúp họ một nồi cháo dê, mùi thơm của nồi cháo bốc nghi ngút, anh đã nuốt nước miếng nhiều lần… nghĩ rằng sẽ được một bữa cháo dê tuyệt vời… nhưng bất ngờ một tên lính đã đổ vào nồi cháo một bịch phân non lấy từ ruột già của con dê… Sau đó bọn lính múc cháo và thịt dê luộc ra tô húp xì xụp rồi khen ngon bằng cách ra dấu bằng ngón tay trỏ. Họ kêu Doãn ăn, nhưng anh không thể nào nuốt nổi bởi nó có mùi thum thủm và tanh tanh của cỏ và phân dê. Bọn lính cho Doãn cái đầu dê và bốn cái chân… Anh đem về nhà thờ… đêm hôm ấy mọi người đã có một bữa cháo đầu dê tuyệt vời sau bao ngày đói khát trên biển… Hai ngày sau xe buýt đưa mọi người đi Manila… Sau khi làm xong mọi thủ tục giấy tờ, họ đã được chuyển đến trại Palawan… Ở đây Doãn đã được nhận làm thông dịch cho trại… Cho đến một hôm Doãn đang ngồi buồn rầu nhớ về Vân, một người đàn ông xuất hiện trước mặt anh với bánh trái và thuốc lá… Anh ngờ ngợ… Sao giống thầy Bảy tụng ở Tuy hiệp vậy ? Ông ta hỏi : ” Doãn mày không nhớ tao sao? Thầy Bảy tụng đây mà.” Doãn hỏi lại: “Ủa mà sao bây giờ ông có tóc… ” Ông nói: “Thôi đi, mày đừng xỏ xiên tao nghe…” Rồi kể cho Doãn nghe: Hai anh em, ông và Dũng, sau ngày giải phóng rời Tuy hiệp lưu lạc vô đến Cam ranh, sau đó theo ghe vượt biên qua đến đây và vì không có diện đi nên đã ở trại Palawan này được sáu năm… Trong thời gian này ông làm công quả trong ngôi chùa của trại cho đến khi gặp Chi, đã phải lòng Chi, và quyết định hoàn tục… Hai người báo cáo trại, làm mâm cơm đơn sơ rồi chung sống với nhau và mở một cái quán nhỏ trong trại, buôn bán lặt vặt qua ngày… Giờ đã có với nhau một thằng cu được hai tuổi… Chi là người Saigon, có học, dịu dàng và ăn nói lịch sự… Sáu tháng nữa họ sẽ đi Úc qua sự bảo lãnh của một người bạn… Doãn nghĩ thầm: “Vậy là thầy may mắn hơn tui rồi thầy Bảy ơi!” Thời gian trôi qua vùn vụt… Thấm thoát Doãn đã ở trại Palawan gần một năm, không lúc nào anh không nguôi nhớ, nghĩ về Vân với những đau khổ và dằn vặt triền miên… Rồi đến một ngày anh được tổ chức tị nạn Liên hiệp quốc thông báo chuẩn bị đi Mỹ… Anh đến Mỹ đã hơn hai mươi năm, vẫn sống độc thân với hình ảnh của Vân, đã hai lần về VN thăm lại Tuy hiệp để tạ tội với ông bà Năm, xin nhận ông bà Năm làm cha mẹ, bảo lãnh hai ông bà qua Mỹ và xin được phụng dưỡng ông bà suốt đời như một cách chứng tỏ sự chung thủy với Vân… Và giờ đây cứ mỗi buổi đi làm về, Doãn luôn cảm thấy ấm lòng khi mà bức ảnh chân dung Vân trên bàn thờ như đang nhìn anh âu yếm, mỉm cười như thể hiện sự hài lòng về tình yêu anh đã dành cho nàng từ bao năm qua…
Những ngày đầu thu
Mẹ Và Hoa Cúc Vàng Lý Quang Hoàn Hoa cúc vàng rộ nở Mùa đông như sắp qua Ở phương xa nhớ quá Tết về bên quê nhà Tôi giống một đứa trẻ Ước mơ được lì xì Tay cầm phong bao đỏ Chạy tung tăng thay đi Trên người quần áo mới Tiếng cười rất trẻ thơ tiếng pháo đì đùng nổ Hương bánh Tết ngạt ngào Mẹ như thời con gái Với mái tóc xỏa dài Chúng tôi ngồi xúm xít Khói pháo nồng ôm vai Êm đềm vòng tay mẹ Ríu rít đàn con cười Hình ảnh nặng tâm tưởng Thế mà mẹ xa rồi… Linh hồn nương cõi Phật Một cõi rất xa xôi Chúng con còn ở lại Mất mẹ suốt cả đời Bơ vơ bên ngày tháng Những tháng ngày hụt hơi chúng con ngày một lớn mỗi đứa mỗi phương trời Nhớ như in ngày ấy Mẹ suốt đời tảo tần Những ngày bố thất lạc Mẹ càng nặng phong trần Bán từng món sính lễ Đến từng chiếc áo dài Nuôi chúng con ăn học Mẹ da bọc xương mai Làm sao con quên được Bên kia vòng địa cầu Con hướng về nơi mẹ Thắp nén nhang nguyện cầu Cúi đầu con lạy mẹ Hoa cúc Tết nở rồi Màu vàng còng vàng mãi Đâu rồi mẹ yêu tôi.
tháng 1/2018
Lý Quang Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét