Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Donald Trump - một nhân vật phi thường - Lê Vân Tú

Là một nhà kinh doanh thành công, tuy chưa từng đảm nhận một vai trò nhỏ lớn nào trong guồng máy công quyền, vậy mà lần đầu tiên ra tranh quyền làm chủ tòa Bạch ốc, ứng cử viên Donald Trump hạ gục hết 16 đối thủ xừng xỏ nhứt thuộc đảng Cộng hòa, đã từng là Thống đốc các tiểu bang và Nghị sĩ, đúng ra là tất cả đều lần lượt bỏ cuộc vì qua các cuộc thăm dò, họ đều thua xa ứng cử viên Trump, tuy có khá nhiều bất đồng trong nội bộ, đảng Cộng hòa vẫn phải chấp nhận ông ra tranh cử với ứng cử viên đảng Dân chủ, đó là bà Hillary Clinton, một chính khách lão luyện trên chính trường lại được sự tích cực vận động của đương kim tổng thống B. Obama.
<!>
Qua hầu hết các cuộc thăm dò dư luận từ sơ khởi đến trước khi có kết quả chung cuộc, bà Clinton coi như nắm chắc phần thắng; nhưng kết quả đã hoàn toàn trái ngược, ông Trump đã chính thức trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, điều này gây nhiều thất vọng đối với giới cử tri không ưa ông, nhưng chắc không ai phủ nhận ông Trump là một nhân vật phi thường, hiểu theo nghĩa kỳ tài, vượt khỏi mức bình thường.
Từ ý nghĩa quá mức bình thường này, thật không đơn giản là chỉ ghép chữ «không» với chữ «thường» (không + thường) như bất thường, dị thường, khác thường, lạ thường, nghịch thường, thất thường, vô thường, tuy đều cùng hàm ý khác với bình thường cả nhưng thực chất ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau, thử lý giải theo các sự kiện cụ thể (thái độ, hành động và ngôn từ) liên hệ đến «không + thường»của ông Trump.

1. Bất thường, khác với lệ thường, điểm đáng ghi nhận là có khá nhiều xáo trộn nhân sự bất ngờ trong Ban tham mưu tòa Bạch ốc ở mái Tây hiên (West wing).
Trước tiên là tuớng Michael Flynn phải rời tòa Bạch ốc hồi tháng 2 -2017 chỉ sau 24 ngày đảm nhận chức vụ Cố vấn an ninh quốc gia, một chức vụ cực kỳ quan trọng bên cạnh Tổng thống mà việc cử nhiệm đòi hỏi nhiều đắn đo suy tính kỹ lưỡng.
Tiếp đến là việc từ nhiệm (với lý do cá nhân) của vị Giám đốc truyền thông Michael Dubke hồi tháng 5, dầu sao việc rời khỏi chức vụ chỉ sau 3 tháng phục vụ cũng là điều bất thường, ông  Anthony Scaramucci được bổ nhiệm thay thế bất chấp ý kiến mấy viên chức chủ chốt trong tòa Bạch ốc (Phát ngôn viên Sean Spicer và Tổng thư ký Reince Priebus), hệ quả là các ông này từ chức ngay sau đó, điều lạ là ông Scaramucci lại bị bãi nhiệm chỉ sau mười ngày ngắn ngủi vào cuối tháng bảy theo đề nghị của tướng John Kelly -Tân Tổng thư ký Bạch ốc vừa thay thế ông Priebus, đúng là một chuổi bất thường.
Nhưng có lẽ sự kiện đáng chú ý hơn cả là việc ông Steve Bannon bị thất sủng, phải rời Bạc ốc vào ngày 18 tháng 8, đáng chú ý là vì đương sự được coi như chiến lược gia góp công lớn trong việc mang lại chiến thắng cho ứng cử viên Trump, kế là cánh tay phải của ông trong tòa Bạch ốc, Bannon được tin cậy đến độ có người ví đây là nhân vật quyền lực thứ nhì sau tổng thống, giờ thì hai người xung khắc như trâu trắng trâu đen, nhứt là bị nghi ngờ mớm ý cho ông Michael Wolff kể nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử «triều đình Trump» trong quyển sách Fire and Fury (Lửa và cuồng nộ) phát hành vào đầu năm 2018.
Sự thay đổi nhân sự lại tiếp tục, trước sức ép của công luận phát xuất từ lời tố cáo của hai người vợ cũ về vụ bạo hành gia đình, ông Rob Porter -một Trợ lý thân cận tổng thống buộc phải rời khỏi tòa Bạch ốc hôm 7 tháng 2 -2018, việc ông Trump lên tiếng binh vực cộng sự viên này và tỏ ra hoài nghi các lời tố cáo đã gây phản cảm trong công luận, kế tiếp là việc từ chức đầy bất ngờ hôm thứ tư 28 tháng 2 của vị đứng đầu ngành truyền thông (White House communications director) - bà Hope Hicks -người kế nhiệm ông Scaramucci, bất ngờ vì bà được coi là người rất tín cẩn của ông Trump và gia đình của ông, hiện nay ngay vị thế đầy quyền lục của người chồng của cô con gái Ivanka Trump là Jared Kushner cũng đang bị suy yếu, sau 13 tháng cầm quyền, các cộng tác viên thân tín nhất với tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 lần lượt bị cách chức hay từ chức.

Hiện lại nghe phong thanh là có sự bất đồng ý kiến giữa ông Trump với một số nhân vật chủ chốt như tướng John Kelly (Tổng thư ký), tướng HR McMaster (Cố vấn an ninh quốc gia), nhiều tín hiệu suy đoán là sẽ có sự rút lui của nhiều người nữa, có thể do cá tánh bất thường của ông Trump, cũng có thể ông cần yếu tố trung thành hơn là năng lực, các thắc mắc này có thể được giải mã do chính những nhân vật trong cuộc kể trong cuốn “The Gatekeepers: How the White House Chiefs of Staff Define Every Presidency,” của Chris Whipple sắp phát hành vào 6 tháng 3 tới bởi Broadway Books, có thể đọc phần trích dẫn cuộc phỏng vấn nguyên Tổng thư ký Bạch ốc Reince Priebus đặc biệt đăng trong báo Vanity Fair.
Tóm lại, dầu do động cơ nào, việc xáo trộn dồn dập nhân sự chủ chốt trong tòa Bạch ốc như vậy quả là một sự bất thường.
Sự bất thường còn thể hiện ngay trong các ngành hoạt động trong nội các như vị đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường thì hoài nghi về tác hại của việc biến đổi khí hậu, vị chủ quản về ngành giáo dục thì xem nhẹ hệ thống trường công, vị trách nhiệm về bảo vệ sức khỏe lại coi thường việc bảo hiểm an sinh xã hội, …

2. Dị thường, tương tự với các từ khác thường, lạ thường, hiểu theo nghĩa không giống với đa số, biểu tượng cá tánh không giống ai này là hình ảnh được chiếu đi chiếu lại trên các mạng truyền thông cảnh ông Trump tranh đứng hàng đầu với vị thủ tướng Montenegro ở Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Âu châu hồi tháng 6-2017.
Một số sự kiện lạ thường khác đáng ghi nhận như hôm 28 -1, ông Trump đột ngột cúp điện thoại khi đang nói chuyện với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, lý do là ông không hài lòng khi nghe nhắc lại cam kết của Mỹ (thời ông Obama) đón nhận một số người tỵ nạn từ Úc, đến tháng ba lại có tin dị nghị về việc không chịu bắt tay bà thủ tướng Đức Angela Merkel trước các phóng viên ở tòa Bạch ốc.

Về mặt đối nội, chưa từng có một vị tiền nhiệm nào coi giới truyền thông độc lập là kẻ thù của nhân dân, không tin cậy vào các tin tức của cơ quan tình báo của mình (FBI), coi thường tính vô tư của Bộ tư pháp, khích bác các thẩm phán, phỉ báng cả các đại biểu quốc hội (un-American), xem nhẹ các định chế hiến định, tóm lại là một khi không hài lòng chuyện gì là ông công khai bày tỏ sự bất bình, các định chế hiến định độc lập được người dân tin cậy mà còn bị đối xử như vậy thì người dân còn biết trông cậy vào đâu?

Về mặt bang giao quốc tế, cũng có khá nhiều điều khác thường, ngay khi vừa nhậm chức, không cần tham khảo ý kiến các thành viên, ông Trump đã quyết định rút ra khỏi Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái bình dương TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement), đây là một Hiệp định hình thành qua nhiều vòng đàm phán gay go giữa 12 nước quanh Thái bình dương nằm trong kế hoạch chuyển trục sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm, nhắm mục đích ngăn chặn đà bành trướng của Tàu.
Kế đến, vào giữa năm, ông Trump lại rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được 195 nước cam kết tham gia vào cuối năm 2015 nhân thượng đỉnh COP 21-Paris với kỳ vọng «từ nay toàn thế giới cùng nhau hợp tác, chia xẻ trách nhiệm chung, những nước giàu phải tài trợ 100 tỷ đô la hàng năm cho các nước đang phát triển để đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu.», với lý do chánh là nó có ảnh hưởng tiêu cực đến công ăn việc làm của người Mỹ, tưởng cũng cần nhắc lại là nguy cơ của việc biến đổi khí hậu đối với nhân loại đã được giới khoa học cảnh báo từ lâu, khởi đầu là Hiệp định thư Kyoto Nhựt năm 1997, nhưng do tính toán quyền lợi kinh tế riêng tư nên đến nay mới đạt được kết quả này, oái oăm ở chỗ các “thủ phạm” chính gây ra sự biến đổi khí hậu lại là những quốc gia công nghiệp giàu mạnh và phát triển (đứng đầu là Mỹ, Tàu, Ấn, Nhật), trong khi các quốc gia đang phát triển và nghèo lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Đến tháng 10, Mỹ lại rút khỏi Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), tố cáo Tổ chức này «bài Do Thái», sang tháng 12, một quyết định đơn phương khác là công nhận Jérusalem là thủ phủ của Do Thái, trái với quyết định của các vị tiền nhiệm, bất chấp mọi lời khuyên can hay cảnh báo của nhiều nước trên thế giới, nội vụ được đưa ra trước Liên hiệp quốc, 14 thành viêntrong Hội đồng bảo an bỏ phiếu thông qua Nghị quyết lên án Mỹ, chỉ có Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết, trước Đại hội đồng, 128 thành viên bỏ phiếu tán thành Nghị quyết trong đó có các nước đồng minh hàng đầu như Anh, Pháp, Đức35 nước bỏ phiếu trắng trong đó có Canada, Úc, 21 nước không tham gia bỏ phiếu và 7 nước nhỏ phụ họa với Mỹ và Do Thái như Togo, Palau, quần đảo Marshall, Guatemala, Honduras, cũng cần ghi nhận là mặc dầu trước áp lực công khai và mạnh mẽ của Mỹ, bà Đại sứ mỹ Nikki Halley tại LHQ đã cảnh báo Đại sứ các nước: «Tổng thống sẽ theo dõi kỹ cuộc bỏ phiếu này và ông đã yêu cầu tôi báo cho ông những nước sẽ bỏ phiếu chống lại chúng tôi».), vậy mà trong «top ten» nhận viện trợ, ngoại trừ Do Thái, có đến 8 nước ủng hộ nghị quyết, nước Kenya không bỏ phiếu.
Việc đe dọa thường được sử dụng như một loại võ khí, như sẽ biến Bắc Hàn thành bình địa (Trump Threatens ‘Fire and Fury’ Against North Korea) nếu không từ bỏ kế hoạch võ trang hạt nhân, sẽ rút khỏi Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ NAFTA (North American Free Trade Agreement) nếu Mexico và Canada không chịu thương thuyết lại, hủy bỏ một thỏa thuận tự do mậu dịch với Hàn Quốc nếu không chịu đàm phán lại, sẽ cắt giảm phần đóng góp cho Liên hiệp quốc nếu không theo đề nghị của Mỹ, sẽ khai tử chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) nếu ngân sách liên bang không được thông qua,…, riêng về mặt cá nhân, dường như ai làm ông bất bình đều bị ngầm dọa cho «về vườn».
Tóm lại, lời nói hay quyết định của ông Trump có vẻ vẫn luôn mang dáng dấp của một chủ nhân xí nghiệp hơn là chủ nhân tòa Bạch ốc.
Các quyết định tùy tiện như vậy càng làm cho nước Mỹ bị cô lập trên trường quốc tế, vai trò thế thiên hành đạo đã qua rồi, nhân loại đang sống trong một thế giới liên lập đa cực, bất cứ vấn đề rắc rối nào trên thế giới cần phải được khôn khéo vận động sự đồng thuận mới có cơ giải quyết ổn thỏa, lối hành xử đơn phương tuy chưa thấy tác hại trước mắt nhưng nguy hiểm tiềm ẩn thì thật khó lường, một khi Mỹ bất cần đồng minh thì đồng minh phải tập quen dần với sự thiếu hỗ trợ của Mỹ, việc coi thường hay đòi xét lại các cam kết trước đây là tự đánh mất niềm tin đối với các đối tác.

3. Thất thường, không theo lệ thường, không chừng không đỗi, khi vầy khi khác.
Phàm ở cương vị lãnh đạo, các lãnh tụ cần thận trọng nếu không muốn nói là tiết kiệm lời nói, ít khi phát biểu trực tiếp, thường để cho phát ngôn viên, hay các cộng sự viên nêu lên các quan điểm chính thức, ông Trump thì trái lại, bất kể chuyện lớn chuyện nhỏ, xảy ra trong nước hay trên thế giới, thường xuyên nêu ý kiến trên mạng twitter, mà nói nhiều thì khó tránh sai lầm (đa ngôn đa quá), phản ứng nhanh (vội vã khen chê) thì khó nghĩ cặn kẽ, điều này không khỏi gây khốn đốn cho các cộng sự viên (giải thích, cải chính, đính chính, …) như dùng từ thối tha (shithole) để chỉ một số dân tộc muốn nhập cư vào Mỹ gây va chạm về mặt ngoại giao, các twitter của tổng thống thường là đề tài bình luận của giới truyền thông, giờ đây việc vắng bóng các twitter cũng trở thành nguồn diễn dịch sôi nổi (sao không thấy twitter nào về chỉ số chứng khoán Dow Jones lao dốc? sao không thấy twitter nào sau vụ chiến đấu cơ Do Thái bị phòng không Syrie bắn hạ?); về mặt này lão tướng Trump (trên 70 tuổi) bỏ xa chàng thanh niên “little rocket man Jong Un” (mới tròn 35), trái lại, giống như tên điếc không sợ súng, hắn cứ “đường mây rộng thênh thênh ta cử bộ”.
Một tác hại khác là lắm lần ý kiến của tổng thống không ăn khớp với ý kiến chung, như về Bắc Hàn, ngoại trưởng nói «sẵn sàng mở cuộc đàm phán đầu tiên không điều kiện tiên quyết» trong lúc tổng thống cho là vô ích, ý kiến không thuần nhứt giữa Tổng thống và Tổng thư ký John Kelly về việc xây bức tường Mỹ -Mễ, cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy vừa cho thấy có sự thiếu nhất quán trong chính sách, đường lối vừa làm giảm mức độ khả tín của Mỹ trên trường quốc tế.
Phải chăng do các cá tánh đặc thù trên mà người dân các quốc gia dân chủ không mấy cảm tình với ông Trump, tiêu biểu như đa số dân Anh - một quốc gia đồng minh số một của Mỹ phản đối việc đón tiếp trọng thị ông.

4. Vô thường, không xảy ra luôn luôn hay có thể xảy ra một cách bất ngờ, đây mới là điều thật sự nguy hiểm.
Do có quá nhiều “không + thường”, tình hình thế giới khó tiên đoán diễn biến theo chiều hướng nào, có thể suông sẻ cũng như rất xấu, một bên nào đó diễn dịch sai ý đồ của đối phương thì chuyện bé cũng có thể xé ra to, nhứt là ở vùng Trung Cận Đông, nơi Nga và Mỹ đang ngầm hậu thuẫn cho “đàn em” lấn đất giành dân.
Tổ chức nhà nước Hồi giáo ISIS vừa xẹp xuống, tưởng đâu đã yên, nay thì mối nguy khác lại manh nha dấy lên mà mức độ nguy hiểm còn có thể nặng nề và khó lường hơn trước, đó là sự can thiệp trực tiếp ngày càng công khai vào Syrie của Do Thái được Mỹ hậu thuẫn, việc một chiến đấu cơ Do Thái bị Syrie - được Nga hỗ trợ bắn hạ hôm 10 tháng 2 -2018 là một tín hiệu chẳng lành, có thể đó là khởi điểm một khúc quanh chiến cuộc trong khu vực.
Nay nghĩ lại, chiếc đồng hồ tận thế (Doomsday Clock) đã được các bậc thức giả nâng mức báo động lên 30 giây, tức chỉ còn 2 phút rưởi sẽ đến giờ hắc đạo đúng một tuần lễ sau ngày đăng quang của Tổng thống D Trump hẳn là một biểu tượng đáng suy ngẫm!
Nhà vật lý Lawrence Krauss (trái) và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Thomas Pickering công bố quyết định dịch chuyển đồng hồ tận thế ngày 26/1. Ảnh: EPA

Điều này chắc chắn không làm hài lòng chủ nhân tòa Bạch ốc, việc dị ứng của giới trí thức nếu biết ra thì cũng dễ hiểu, theo giới nghiên cứu về sử học, nhân loại học, xã hội học thì thành phần có trình độ cao (Academia), tỷ lệ bầu cho ông Trump thấp hơn so với bà Clinton (37% so với 58%) [1], tương tự như ở Anh, đa số dân có kiến thức cao và dân thành thị chọn ở lại Liên Âu hơn là Brexit.
Tóm lại, dựa trên thành quả một phần tư nhiệm kỳ để đoán định tương lai, thiển nghĩ chỉ trích hay tán thành vẫn còn quá sớm, dầu sao đó cũng là nhiệm vụ bình thường của giới truyền thông báo chí, của các nhà nhận định thời cuộc, chỉ nên coi đó như những tiếng chuông cảnh tỉnh, đa số giới cử tri bình thường thiết thực hơn, chỉ căn cứ vào các kết quả cụ thể liên quan đến đời sống hàng ngày, cuộc bầu cử lại một số nghị sĩ và dân biểu vào tháng 11 tới có thể xem là một trắc nghiệm ý dân, coi họ muốn nới rộng hay thu hẹp quyền hạn của tổng thống?
Chờ xem!

Lê Huỳnh

Ghi chú:
[1] Theo sách Où en sommes nous? Une esquisse de l’histoire humaine của Emmanuel Todd (Editions du Seuil), tr 339

(Mời xem nhiều bài khác của cùng tác giả https://levantu39.wordpress. com/)

Không có nhận xét nào: