Mercury News – Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng ông từ chức vào năm ngoái vì chính quyền Trump yêu cầu ông gây áp lực cho Việt Nam nhận lại hơn 8,000 người tị nạn bị trục xuất.Ông Osius đã viết trong một bài luận của Hiệp hội Dịch vụ Đối ngoại Mỹ vào tháng này rằng hầu hết những đối tượng bị trục xuất là người tị nạn chiến tranh, đôi khi vì những tội không nghiêm trọng, những người đã sinh sống tại Mỹ sau chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 40 năm.
<!>
Ông Osius viết: “Và họ phải ‘hồi hương’ nhiều thập niên sau đó, về một quốc gia bị Cộng Sản cai trị mà họ chưa bao giờ chấp nhận. Tôi lo sợ rằng nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của vấn đề nhân quyền, và chính phủ của chúng ta có một phần trách nhiệm.”
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận hôm thứ Sáu. Bộ Nội An thì chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Osius hiện nay là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Fullbright Việt Nam, một trường tư thực, phi lợi nhuận ở Sài Gòn. Ông Osius mô tả thời gian đảm nhiệm vị trí Đại sứ tại Hà Nội là “đỉnh cao trong sự nghiệp ngoại giao 30 năm tại Bộ Ngoại giao và vinh dự của đời mình.”
Nhiệm kỳ của ông Osius có ảnh hưởng lớn đến San Jose, nơi có hơn 100,000 người Mỹ gốc Việt, một trong những cộng đồng Việt Nam lớn nhất ở Mỹ.
Nhiều nhà hoạt động người Việt trên toàn quốc, nhất là trong Vùng Vịnh, đã lên tiếng về mối quan ngại rằng Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Mỹ (ICE) đang truy quét những di dân không giấy tờ từ Việt Nam với số lượng chưa từng có, gây hoang mang và sợ hãi cho cộng đồng người Việt. Họ ước tính có hơn 100 người Việt Nam đã bị giam giữ trên toàn quốc chỉ riêng trong tháng 10.
ICE hoạt động tích cực như vậy là một phần trong các nỗ lực nhằm trục xuất di dân lậu có tiền án hình sự của chính quyền Trump, ngay cả khi quốc gia của họ không hợp tác với Mỹ về lệnh trục xuất. Trước đây, những di dân đó được phép ở lại Mỹ nhưng chính quyền Trump đã gây sức ép với Campuchia và Việt Nam để nhận lại những người bị trục xuất.
Kết quả là những di dân bị trục xuất, người đã gầy dựng cuộc sống của mình ở Mỹ, đã bị giam giữ và trở về nơi mà họ từng phải bỏ xứ ra đi.
Các quan chức Việt Nam và Mỹ năm 2008 đã ký một bản ghi nhớ hồi hương. Một phần trong đó nêu rằng những di dân Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết một số người bị bắt giam cũng có thể trở thành đối tượng bị trục xuất, dấy lên nghi ngờ liệu việc trục xuất bất hợp pháp hay không. Một số tổ chức đã đệ đơn kiện chống lại chính phủ liên bang vào tháng 2 vì vi phạm thỏa thuận hồi hương với Việt Nam.
Trong bài viết của mình, ông Osius cho biết ông lo ngại “chính sách thoái trào” này sẽ hủy hoại cơ hội bang giao với Việt Nam, ảnh hưởng đến việc giảm thâm hụt thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với mối đe dọa khu vực như Bắc Hàn.
Ông Osius còn cho biết: “Tôi đã lên tiếng phản đối và được chỉ thị phải giữ im lặng. Đây là một ranh giới đạo đức mà tôi phải vượt qua nếu muốn bảo tồn sự liêm chính của mình. Tôi quyết định mình có thể phục vụ quốc gia tốt hơn từ chính phủ ngoại quốc, như xây dựng trường đại học mới đầy sáng tạo ở Việt Nam.”
Phi Nguyễn, giám đốc kiện tụng của Asian Americans Advancing Justice ở Atlanta, cho biết bà rất vui khi cựu đại sứ lên tiếng.
Bà Phi cho biết: “Thật tuyệt khi nhìn thấy ai đó công khai chống lại chính sách mà chính quyền Trump đang thực hiện, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với Campuchia, Iraq, Somalia và những quốc gia không nhận người bị trục xuất hồi hương.”
Bà Phi cho biết nhiều di dân Việt Nam có lệnh trục xuất đã đến Mỹ sau chiến tranh và không còn liên hệ với quê nhà của họ nữa. Bà Phi nói: “Họ đến đây với thân phận tị nạn. Họ không xem Việt Nam hiện tại là quê hương của họ nữa.”
Nam Phố (Cali Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét