Tuần trước,
một nữ độc giả Thời Báo ở Montréal điện thoại cho Nguyễn Phương, báo tin: nữ
nghệ sĩ Mỹ Châu đi tour du lịch qua Toronto và Montréal, Mỹ Châu chỉ được ở
Montréal trong một ngày, một đêm, sáng hôm sau sẽ lên phi cơ trở về Atlanta –
Hoa Kỳ, cô Mỹ Châu muốn đến thăm chú Nguyễn Phương nhưng không có phương tiện
và không biết đường. Cô độc giả điện thoại cho tôi nói: nếu tôi có thì giờ thì
cô sẽ rước nữ nghệ sĩ Mỹ Châu về nhà cô và cô sẽ đến rước tôi đến hội ngộ với
Mỹ Châu. Tôi nhận lời và chuẩn bị sẵn sàng để chờ người đến rước đi gặp Mỹ
Châu.
<!>
Tôi thật
xúc động khi biết Mỹ Châu quyết định viếng thăm Nguyễn Phương nhân dịp đi ngang
qua tỉnh Montréal. Đây là biểu thị tấm lòng Tôn Sư Trọng Đạo của một nghệ sĩ
trẻ đối với nghệ sĩ lão thành, một tập tục tốt đẹp trong giới nghệ sĩ cải
lương, lưu truyền từ ngày mới khai sáng nghệ thuật sân khấu cho đến ngày nay,
trải qua gần một trăm năm dâu bể.
Nữ nghệ sĩ
Mỹ Châu tên thật là Nguyễn thị Mỹ Châu, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1950 tại Thủ
Thừa, Long An, là con út của một gia đình có 4 người con. Năm 1961, Mỹ Châu (
11 tuổi ) được ông Bầu Cang đoàn hát Tiếng Chuông khi hát ở Thủ Thừa, phát hiện
ra giọng ca đặc biệt của Mỹ Châu, ông mời mẫu thân của cô đến, xin cho cô theo
đoàn hát, ông cam kết sẽ đào luyện cho Mỹ Châu trở thành một cô đào thinh sắc
lưỡng toàn. Ông Bầu Cang bằng lòng cho thân mẫu của Mỹ Châu được theo đoàn hát để
chăm sóc cho cô. Ở đoàn hát Tiếng Chuông, Mỹ Châu được dạy ca thêm nhiều bài
bản cổ nhạc. Cô ngâm thơ hậu trường và đóng vai đào con Sao Ly trong tuồng Giai nhân bên suối mộng.
Mỹ Châu có
giọng ca trầm buồn mà quyến rủ một cách lạ lùng, đã thu hút mãnh liệt sự chú ý
của khán giả, của các bậc đàn anh đàn chị nghệ sĩ và đặc biệt thu hút sự chú ý
đến mức tranh nhau chiếm đoạt cho được một tài năng trẻ vừa xuất hiện như một
vì sao nhỏ lạc vào giữa thiên hà của vùng trời nghệ thuật. Năm 1962, Mỹ Châu
được ông bà bầu Út Bạch Lan – Thành Được (đoàn hát Lan - Được ) mời về cộng
tác, cô đã để một dấu ấn trong vai Ấu Quân tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu của soạn giả Quy Sắc. Ban cổ nhạc Thành Công
mời cô cộng tác, Mỹ Châu ca bài vọng cổ Bá
Nha - Tử Kỳ trên đài phát thanh Saigon. Giọng ca mê hồn của cô theo làn
sóng phát thanh bay khắp bầu trời Saigon, bay về bốn vùng chiến thuật, mê hoặc
thính giả bốn phương khiến cho các chủ hãng dĩa đổ xô tới, khai thác giọng ca
của Mỹ Châu như khai thác một mỏ châu báu vừa mới được khám phá. Ông Lê Văn Tài
là người đầu tiên khai thác giọng ca liêu trai của Mỹ Châu trên mặt dĩa của
hãng Việt Nam.
Năm 1965,
nghệ sĩ Mỹ Châu nổi tiếng trong vai Thùy Dương tuồng Hai Lần Thu Hẹn của soạn giả Thiếu Linh và Thu An trên sân khấu Thủ
Đô. Cuối năm 1965, ông Bầu Long ký một contrat hậu hỉ, rước nữ nghệ sĩ danh ca
Mỹ Châu về đoàn Kim Chung 2. Nhờ sự dìu dắt của nghệ sĩ Minh Cảnh, Mỹ Châu hát
thành công trong vai Mai Thảo, tuồng
Trinh Nữ Lầu Xanh của soạn giả Vân An. Các ký giả kịch trường không ngớt
viết bài ngợi khen và đăng hình ảnh đẹp của Mỹ Châu. Ký giả Nguyễn Ang Ca tặng
danh hiệu Lolita và Giọng hát Liêu Trai cho nữ nghệ sĩ trẻ Mỹ Châu.
Từ năm 1961
khi mới xuất hiện trên sân khấu Tiếng Chuông đến năm 1975, nữ nghệ sĩ Mỹ Châu
là một ngôi sao tỏa sáng rực rỡ trên các sân khấu Tiếng Chuông, Lan - Được, Thủ
Đô, Kim Chung 2, Kim Chung 1 và đoàn hát Thái Dương của bà Bầu Tiêu Thị Mai,
bầu gánh hát Thái Dương kiêm chủ rạp hát Quốc Thanh. Đồng thời với các thành
công rực rỡ trên sân khấu, ngôi sao Mỹ Châu cũng tỏa sáng trên mặt dĩa thu
thanh của hãng Việt Nam và trên đài phát thanh Saigon, đài phát thanh Quân Đội,
nhất là sau khi hình thức ca Tân Cổ Giao Duyên được phổ biến, với giọng ca trầm
ấm tràn đầy cảm xúc, với kỹ thuật ca điêu luyện, khả năng hài hòa cả tân và cổ
nhạc, Mỹ Châu thành công vượt bực, trở thành người nữ ca sĩ được thu thanh trên
mặt dĩa hát nhiều nhất trong giới nữ nghệ sĩ cổ nhạc. Những dĩa hát Sở Vân cứu giá, Kiếp nào có yêu nhau, Kiếm
sĩ dơi, Bình Rượu nhiệm mầu, Tiêu Anh Phụng, Khi rừng mới sang thu, Anh đi xa
cách quê nghèo, Bài ca ngợi quê hương, Cánh diều kỷ niệm….và hàng trăm dĩa
hát thu thanh giọng ca của Mỹ Châu là những dĩa hát được yêu thích nhất của các
thính giả từ miền Trung đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các thính
giả ở các thành phố lớn: Saigòn, Gia Định, Chợ Lớn, Đà Lạt, Nha Trang,
Huế…
Năm 1967,
Mỹ Châu đoạt được Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm cùng đợt với Phương Bình, Bảo
Quốc và Ngọc Bích.
Nữ nghệ sĩ
Mỹ Châu từng diễn chung với các nghệ sĩ
tài danh Minh Cảnh, Thành Được, Út Bạch Lan, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh
Tuấn, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Tuấn Thanh, Đức Minh…
Sau năm
1975, nghệ sĩ Mỹ Châu hát cho đoàn cải lương Saigon 1, Saigon 2, đoàn Hương Dạ
Thảo, đoàn Thanh Nga, Hương Biển, Trúc Giang, Văn Công thành phố, Sông Bé 2,
Saigon 3, Kiên Giang và đoàn Hương Mùa Thu.
Kể từ ngày
gia nhập làng sân khấu năm 1961 đến năm 2012 là năm giã từ sân khấu, nghệ sĩ Mỹ
Châu đã hát hơn 200 tuồng cải lương, thu
thanh hơn 400 dĩa tuồng hát và ca vọng
cổ độc chiếc, thu 56 tuồng truyền hình và băng Vidéo…một sự cống hiến to lớn
cho ngành nghệ thuật sân khấu, nhất là phần lớn các tác phẩm vừa kể được phát
thanh, phát hình trên internet cho khán thính giả toàn thể giới thưởng ngoạn.
Năm
1990, Mỹ Châu kết hôn với nghệ sĩ Đức
Minh. Cũng trong năm này, mẫu thân cô qua đời vì bệnh tim. Năm 2002 Mỹ Châu sang tiểu bang Georgia - Hoa Kỳ định
cư, đoàn tụ với chồng là Đức Minh.
Năm
2012, Mỹ Châu giã từ sân khấu, chấm dứt
mọi hoạt động nghệ thuật.
Ngày 15
tháng 01 năm 2014, nghệ sĩ Đức Minh,
người bạn trăm năm của nghệ sĩ Mỹ Châu mất, để lại cho Mỹ Châu nỗi đau không
bao giờ nguôi.
Tôi đang
theo dõi dòng đời nghệ thuật của Mỹ Châu, tiếng chuông điện thoại cắt ngang
luồng suy nghĩ của tôi, báo tin người bạn ở Montréal đến rước tôi đi hội ngộ Mỹ
Châu.
Mỹ Châu
đứng chờ tôi trước cửa nhà của người bạn đó, khi tôi mở cửa xe bước ra, Mỹ Châu
đã chạy đến, ôm tôi, giọng xúc động: Con
rất mừng được gặp lại chú ở xứ người sau hơn ba mươi năm xa cách. Chú Phương,
chú mạnh khoẻ không ?
Tôi xúc
động, nói: Cám ơn con! Cám ơn lời thăm
hỏi của con! Chú vẫn khoẻ. Con khoẻ không ?
Hai chú
cháu nắm tay nhau, vô nhà của cô bạn gái của Mỹ Châu. Sau khi tôi chào hỏi chủ
nhà, đang định hỏi chuyện thì thấy Mỹ Châu đứng lên, khoanh hai tay lại, cúi
đầu: Thưa chú, con rất xúc động và vui
mừng khi gặp được chú Nguyễn Phương, một soạn giả lão thành của thế hệ soạn giả
trong thập niên 50 của thế kỷ trước, chú còn đầy đủ sức khoẻ và trí nhớ minh
mẩn, con đã đọc được nhiều bài viết của chú về nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương.
Chồng của con, nghệ sĩ Đức Minh, hồi ở đoàn cải lương Saigon 3 có hát của chú 3
tuồng: Một Cuộc Giải Phẩu, Quán hương tràm và một tuồng của chú hợp soạn với
chú Tám Khoa. Di nguyện của chồng con muốn con đi thăm viếng đền đáp ân tình
các nghệ sĩ và soạn giả đã từng giúp vợ chồng con trên đường sự nghiệp, chồng
con có nhắc đến chú Nguyễn Phương. Con rất mừng là đã thực hiện được di nguyện
của chồng con và đó cũng là nguyện ước của con là lúc nào con cũng Tôn Sư Trọng
Đạo, con tuy ở khác sân khấu, không có dịp hát tuồng của chú sáng tác nhưng con
có xem chị Thanh Nga diễn các tuồng xã hội của chú, con rất thích.
Tôi nói: Con đến Montréal mà nhớ chú, tìm đến thăm,
chú rất cám ơn con, nhất là con giử theo nể nếp người Việt Nam, khoanh tay thưa
gởi, chuyện trò với chú, làm cho chú rất xúc động. Thôi được rồi… con ngồi
xuống bên chú đây, hai chú cháu mình hàn huyên tâm sự, kể cho chú nghe những
chuyện của vợ chồng con, của các bạn nghệ sĩ đang ở hải ngoại hay ở trong nước
mà con có dịp gặp.
Mỹ Châu hai
bàn tay chắp lại, xá tôi ba cái rồi ngồi xuống ghế kế bên tôi, cô kể về cái
tang chồng đau đớn của cô năm 2014; sau
Tết 2015 Mỹ Châu thực hiện di nguyện của chồng, cô và một khán giả ái mộ cô,
hướng dẫn cô đi một vòng nước Mỹ để thăm viếng những người ân, những người thầy
mà trong đời làm nghệ thuật, vợ chồng Mỹ Châu và Đức Minh từng thọ ơn.
Mỹ Châu đến
Orange County viếng thăm nữ nghệ sĩ Hồ Quảng Phượng Mai, Mỹ Châu tỏ lòng ngưỡng
mộ người nghệ sĩ có biệt danh Tiểu Lăng Ba. Phượng Mai cũng tỏ lòng ái mộ Mỹ
Châu được vinh danh biệt hiệu Nữ hoàng kiếm hiệp. Vì cả hai nghệ sĩ đều thành
danh khi hồi còn rất trẻ, cùng cảm phục tài năng của nhau, hai ngôi sao sân
khấu sớm trở thành đôi bạn tri kỷ, nhắc lại thời hoàng kim sân khấu đã qua,
những khó khăn đã trải khi đến xứ người, Mỹ Châu và Phượng Mai thông cảm nhau,
tình bạn nghệ sĩ thêm khăng khít.
Cũng ở
Orange County, Mỹ Châu đến thăm vợ chồng nghệ sĩ Chí Tâm, một người bạn nghề đã
từng diễn với nhau trên sân khấu Kim Chung. Chí Tâm luôn cởi mở, hòa nhã, nụ
cười luôn nở trên môi. Mỹ Châu mừng cho Chí Tâm, người em đồng nghiệp nhiều tài
năng, có thể sống được bằng nghề ca hát nơi xứ ngườì. Mỹ Châu và Chí Tâm thương
yêu nhau như thâm tình ruột thịt.
Rời nhà của
Chí Tâm, Nghệ sĩ Mỹ Châu đến San José thăm vợ chồng nghệ sĩ Thành Được, một vì
vua không ngai của sân khấu cải lương ngày nào. Nghệ sĩ Thành Được đã từng chỉ
dạy cho Mỹ Châu khi cô mới bước vào nghề trên sân khấu đoàn Lan - Được. Thành
Được vẫn còn giọng nói trầm ấm, quý phái sang trọng, vẫn còn cốt cách một nghệ
sĩ hào hoa nhưng trí nhớ của Thành Được đã giảm đi rất nhiều. Vợ của Thành Được
rất vui và rất thương Mỹ Châu khi thấy cô khoanh tay lại, lễ phép chuyện trò
với thầy. Ba mươi mốt năm đã qua, hai thầy trò mới gặp lại nhau, tuy cả hai đã
giã từ sân khấu nhưng sao mà lửa nghề vẫn âm ỉ trong tim khi nhắc lại một thời
hoàng kim đã quá xa rồi. Mỹ Châu tâm sự: «
Từ giả anh chị Hai Nghệ Sĩ Thành Được, Mỹ Châu buồn miên man nhưng cô thấy nhẹ
lòng vì đã có dịp thăm người thầy đầu tiên để được cúi đầu đáp nghĩa. Cô cám ơn
nghệ sĩ Thanh Tùng và cô Phương, hai ngưởi đã giúp cô gặp lại thầy Thành Được
sau 31 năm xa cách.»
Mỹ châu đến
thăm nghệ sĩ Diệp Lang, người cùng hát chung với cô trên sân khấu đoàn cải
lương Saigon 2. Cô cũng đã đến Houston thăm nghệ sĩ Minh Cảnh, người thầy đã
dạy cho cô ca giọng Huế và nhiều lần giúp đỡ, hướng dẫn khi Minh Cảnh cùng hát trên sân khấu đoàn Kim Chung 2.
Mỹ Châu về
Việt Nam, đến viện dưỡng lão nghệ sĩ, thăm và giúp đỡ tiền nông cho các nghệ sĩ
đàn anh, đàn chị, nay vì tuổi cao, yều sức, vì sân khấu cải lương không thể
sáng đèn nên cuộc sống của nghệ sĩ lâm vào cảnh thiếu thốn. Cô đã gặp và vui vẻ
chuyện trò với các nghệ sĩ đàn anh đàn chị trong viện Dưỡng lão: cô Ngọc Đán,
Thiên Kim, Ngọc Hương, Diệu Hiền, Bạch
Yến, họa sĩ Hoài Nam, nhạc sĩ Piano cô Tâm, nhạc sĩ guitare Tư Em. Soạn giả Đức
Hiền và Tần Nguyên ( cựu trưởng đoàn Trúc Giang) hai người phụ trách Viện Dưỡng
lão nghệ sĩ đã nồng nhiệt tiếp đón Mỹ Châu.
Sau khi
nghe Mỹ Châu kể chuyện, tôi nói: Còn một
hành động đẹp mà con không kể ra. Đó là con ca thu thanh những bài ca Tri Âm
của soạn giả Diệp Vàm Cỏ, gợi nhớ một thời vàng son của sân khấu. Qua lời ca đó
con chẳng những nói lên tâm tình của một nghệ sĩ nhớ về nghề nghiệp của mình mà
con còn nói thay cho tập thể nghệ sĩ với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, tất cả đều
nhớ một thuở vàng son của sân khấu, nhớ khán giả ân nhân, nhớ soạn giả người đã
góp phần tạo ánh hào quang cho nghệ sĩ…
-
Xin
cảm ơn người, những soạn giả tài hoa đã khéo tạo ra những hình hài dẫu không
phải bằng xương bằng thịt. Vẫn đẹp lung linh qua từng trang viết để người nghệ
sĩ khi đã hóa thân thì diễn hết ruột gan… mình! Cũng ray rứt lòng theo những
thế thái nhân tình…Đèn sân khấu đâu sáng bằng đèn trời soi thấu, vẫn nhân quả,
luân hồi và những vay trả . trả vay ( - ) Khán giả tán đồng, thưởng từng tiếng
vỗ tay, mà nghe sao quý hơn cả những bạc vàng châu báu. Khi biết mình vừa làm
đẹp dạ khách tri âm. rồi sẽ lừng lẫy tiếng tăm, trở thành vang bóng ! ( bài Tri Âm Ảo Khúc tác giả Diệp Vàm Cỏ )
Và đây thuở hồng hoang khi sân khấu mới ra đời:
Mỗi đêm mỗi
thắp đèn trời
Cầu cho tổ
nghiệp thương đời nghệ nhân
Kiếp tằm
còn chốn nương thân
Đêm đêm sân
khấu sáng trưng ánh đèn
Từ buổi
khai sinh trên đất lành Mỹ Tho, sân khầu cải lương như hoa đời đua nở, để đến
buổi hoàng kim thì rực rỡ muôn…màu ! Lừng lẫy tuổi tên những anh kép, cô
đào…Mỗi gương mặt, mỗi làn hơi, cách diễn là chỉ của riêng mình không hòa lẫn
vào ai….
Rồi sân
khấu về khuya vắng lặng
Một mình
thao thức thương đời ca nương
Ray rức
lòng tôi khúc nguyện cầu
Thương đời
nghệ sĩ sẽ về đâu
Chén cơm
manh áo còn bươn chải
Lặng lẽ
nhìn theo cũng nghẹn sầu!
Hỡi những
thế hệ tài danh, hỡi những tiền nhân đã dày công mở nghiệp, hãy ban chút phép
mầu làm cuộc hồi sinh.
Cho sân
khấu lại hoàng kim
Hí trường rộng cửa ta tìm về nhau .
Ở Saigòn
không còn một cái rạp hát nào dành cho cải lương. Nghệ sĩ tài danh bay ra nước
ngoài tìm cuộc sống, trong nước đang rộ lên những hài kịch thô tục, nham nhở,
tầng lớp tác giả xưa sau khi bị cấm hành nghề đã chết gần hết, lớp soạn giả mới
thì bị bó tay trong định hướng Xã Hội chủ nghĩa, phải sáng tác theo chỉ thị
nghị quyết của Đảng CS. Cả nước lại đang lo bị nạn Tàu Cộng Nô Lệ Hóa, văn
chương, nghệ thuật nào có thể hồi sinh trong hoàn cảnh đen tối như vậy?
Thái độ của người nghệ sĩ - kẻ sĩ phải có hành
động ra sao? Hay là cứ mặc nhiên để cho dòng đời đưa đẩy, mình sống lạnh lùng
với nỗi lòng hoang tưởng bơ vơ! Lạnh lùng như đóa hoa mai, phơi sương ngậm
tuyết, để rồi tự khen mình là một kẻ thanh tao mà lạnh lùng?
Soạn giả Nguyễn Phương 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét