Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

THẦY TÔI, BA TÔI - Võ Hương An

GS. Nguyễn Đình Hàm ( 1912 - 1998)
Nguồn hình: huevabanghuu
           Trong ba năm làm học trò Quốc Học thì hết hai năm tôi ở dưới trào của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Hàm.
<!>
Tôi học ban B (Toán) mà ông lại dạy toán ban C (Sinh ngữ) nên không được thụ giáo cái môn sở trường vốn làm cho ông nổi tiếng là thầy dạy hay. Vậy là mất đi một cơ hội gần gũi. Tôi cũng không có khiếu văn nghệ hay hoạt động này nọ để có dịp thường xuyên gặp mặt, để được thân mật gọi ông là Papa như một số các bạn có tài và mau miệng khác. Chả là ông có hai cô con gái lớn đang học tại đó, Minh Cầm, Minh Lệ. Gọi Papa, vừa tỏ ra thân mật vừa gián tiếp nịnh ông là người đạo đức, hiền hậu cũng được, mà muốn nhắm một trong hai cô cũng không ai bắt bẻ gì. Anh nào sáng tác ra cách gọi ấy thật đáng mặt cao thủ. Lần duy nhất mà tôi được làm việc hai ngày liền gần mặt trời là bỗng không được kêu cùng Phan H. T. lên phòng Hiệu trưởng để giúp . . . gói phần thưởng !
Phải chờ hai năm sau, khi theo học Đại Học Sư Phạm Huế tôi mới có dịp được gọi ông bằng Thầy với đầy đủ ý nghĩa thâm thúy và trân trọng của nó khi ông giảng dạy môn Luân lý chức nghiệp. Và đó cũng là cơ hội thiên định giúp tôi có thể chuyển “gamme” một cách ngon lành từ Thầy sang Ba khi cô thứ hai trở thành “mẹ các cháu” sau này.
Trong dịp tiễn đưa ba tôi rời chức vụ Hiệu trưởng Quốc Học để trở về lại bên hành chánh nhận nhiệm vụ mới, toàn thể giáo sư và nhân viên trường Quốc Học đã có nhã ý tặng một bức hoành phi với bốn chữ “Thiện Chính Thiện Giáo” (Quan tốt, Thầy hay) và đôi liễn:
Chính giáo lưỡng đồ, khứ lộ lai lộ,
Sư sinh nhất niệm, tích xuân kim xuân
Tác giả bức hoành bốn chữ và đôi liễn không ai khác hơn là Cha Thích. Khi cuốn băng ghi âm buổi tiệc được thầy Chương dạy Anh văn mở ra, nghe ông cụ đọc hai câu liễn, tụi trẻ dốt chữ Nho chúng tôi đã cười ồ lên, bình luận ngay “ Ui chao, mần chi mà cha lộ tới lộ lui hoài rứa (?)” Mãi sau này, khi đã trở thành rể con trong nhà, qua những lần chuyện trò tâm sự, hiểu được quãng đời đã đi qua của ba tôi, tôi càng thêm phục Cha Thích là bậc túc Nho. Trong võn vẹn có hai mươi chữ mà gói đủ cuộc đời một người, từ khả năng, đức độ cho đến những thay đổi thăng trầm trong cái không biến dịch của nghĩa tình qua năm tháng.
Ngày xưa, các nhà Nho thường lấy câu “Tiến vi quan, thối vi sư” làm phương châm ứng xử trong dòng đời trôi nổi; bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù thịnh hay suy cũng đều có cách cống hiến khả năng cho xã hội.
Ba tôi thuộc thế hệ tiếng Tây giỏi hơn tiếng Ta nhưng xem ra cuộc đời ông không khác mấy nhà Nho xưa. Có thể trong số các anh các chị đã từng học với ông hẳn có người không thể ngờ rằng ông thầy của mình trông hiền hậu nho nhã, cốt cách nhà giáo đó lại xuất thân là một nhà hành chánh, đã từng đeo bài ngà, mặc áo gấm và được dân vòng tay “bẩm quan”, và cho tới lúc nghỉ hưu cũng vẫn dưới danh nghĩa hành chánh. Trước khi trở thành Giáo sư Nguyễn Đình Hàm, Thầy Hàm, ông đã từng làm Tri phủ Quảng Trạch, Thương tá các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận v.v. Toàn là những danh xưng dễ gặp trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn nhưng rất xa lạ với tình cảm tuổi học trò.
Xuất thân từ hành chánh, đã từng ông nọ ông kia, rồi chán nghề hành chánh nên xin biệt phái qua giáo dục và trở thành một nhà giáo rất thành công, được trò yêu bạn mến. Cứ tưởng cuộc đời yên vui như ý, nhưng rồi lại ở vào thế chẳng dặng đừng, phải tuân lệnh trên mà trở về con đường hành chánh trước kia với rất nhiều lưu luyến. Đó là tất cả những gì Cha Thích đã gói ghém trong câu “Chính giáo lưỡng đồ, khứ lộ lai lộ” (Hành chánh và giáo dục, hai đường, trở qua trở lại). Còn câu thứ hai, “Sư sinh nhất niệm, tích xuân kim xuân” là hàm ý rằng tình thầy trò xuân trước xuân này, dù thời gian qua cũng không bao giờ thay đổi.
Sau năm 1975, ba tôi có một tài sản tinh thần mà ông rất trân trọng, đi đâu cũng không rời, đó là tập lưu bút của bạn bè và học sinh cũ (tiếc thay, tập lưu bút này đã bị mất cắp theo túi hành lý trên một chuyến tàu Huế-Đà Nẵng). Có lần được đọc trong đó, tôi thấy Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, cựu giáo sư Anh văn của trường Quốc Học, có ghi một nhận xét rằng ba tôi là “nhà sư phạm bẩm sinh”. Ý thầy muốn nói rằng tuy không được đào tạo một cách chính qui để làm nhà giáo nhưng ba tôi vẫn hội đủ khả năng và đức độ của một nhà giáo và là nhà giáo thành công. Thầy Tống đỗ Tiến sĩ giáo dục; nhận xét của thầy hẳn phải có căn cứ. Riêng tôi, chỉ nhìn cách ba tôi giảng bài cho mấy đứa em trong nhà cũng cảm nhận được điều đó: điềm đạm, kiên trì dẫn dắt đối tượng đi cho tới đích là hiểu được bài giảng mới thôi . . . Sau khi rời giáo dục, ông đã đúc kết kinh nghiệm giảng dạy để viết và xuất bản bộ sách Toán trung học, trong đó cuốn Phương pháp giải Toán Hình học phẳng lớp Đệ Tam (lớp 10) rất được nhiều người, thầy cũng như trò, sử dụng, vì được trình bày một cách giản dị dễ hiểu. Phải chi cuốn sách này ông ra sớm sớm, hồi tôi còn học Đệ Tam thi đở khổ cho tôi biết mấy. Tiếng học ban B nhưng tôi lại không ưa hình học phẳng và lại càng không ưa cách trình bày của Brachet. Chỉ khoái Lebossé (những tác giả viết sách giáo khoa Tóan thời đó) .

Hồi đi học, ba tôi học rất giỏi, trong đó xuất sắc môn Toán. Có nhiều người học rất giỏi nhưng dạy không thành công vì không nắm được cách truyền đạt. Sư phạm là nghệ thuật truyền đạt kiến thức. Ba tôi may mắn được cả hai bề. Tôi vào làm rể không phải nhờ giỏi toán. Trái lại, môn này tôi dở ẹc, còn thua cả bà xã (thua gà nòi cũng không xấu gì ). Nếu lùi lại mấy thế kỷ trước, ông đem môn toán ra kén rể, chắc chắn tôi hết đường qua cầu. Chi không biết chứ tính nhẩm thì ông làm nhanh lắm. Có lần tôi thấy ông cầm cây bút chì duyệt lại một bản kê tài chánh do nhân viên trình lên. Tay ông đưa theo hàng ngang một đường từ trái sang phải, miệng lẩm nhẩm tính toán, và tìm ra ngay chỗ sai ở cột cuối cùng, chả cần đến máy tính mà cũng chả cần đến cách đặt phép tính. Dĩ nhiên, thằng rể lặng lẽ phục lăn. Nghe tôi “ca” ông ngoại các cháu như thế, không khỏi có bạn mỉm cười, nhủ thầm: dân Việt mình, nhất là các bà bán hàng ở chợ, nhiều bà không biết nhất một, vậy mà tính nhẩm nhanh như máy, đâu ra đấy. Vậy có chi lạ. Vâng, tôi cũng biết thế, nhưng điều tôi muốn nói là bên cạnh cái giỏi toán đó, ông còn ứng dụng tinh thần toán học trong đời sống, trong công việc. Không biết giáo sư toán nào trong quãng đời trung học của tôi có lần nói trong lớp một câu chí lý làm tôi nhớ mãi: “Học toán giỏi là điều rất tốt. Nhưng tốt hơn nữa nếu các anh biết ứng dụng tinh thần toán học trong cuộc sống. Đó là đường lối suy nghĩ, diễn đạt và tổ chức mọi việc một cách có mạch lạc, qui củ, sáng sủa và hợp lý. Học toán là để trước hết học tinh thần đó.” Ba tôi không phải là tác giả câu này nhưng rõ ràng trong quá trình làm việc tôi thấy ông đã ứng dụng nó một cách linh hoạt, bẩm sinh. Hơn một lần ông nói với tôi : “Việc tay chân thì ba chịu thua vì tay chân ba vụng về, lúng túng. Ba chỉ thích hợp với những công việc đòi hỏi sự sắp xếp tổ chức, kế hoạch . . .”. Những người đã từng làm việc gần gũi với ông, cả bên hành chánh cũng như giáo dục, đều có thể xác nhận khả năng đó.

Tôi nghiệm ra một điều ở ba tôi là trong đời ông có hai nguồn sống khác nhau. Đó là việc ba tôi coi cái nghề hành chánh-tài chánh như phương tiện vật chất nuôi sống bản thân và gia đình; còn giáo dục mới là nguồn hứng khởi đích thực trong đời, đặc biệt là những năm tháng ở Quốc Học, nơi ông đã mấy năm dùi mài kinh sử rồi sau đó trở lại làm thầy. Trong bài ca Én Kiên Phong làm năm bảy mươi chín tuổi, tự thuật về cuộc đời mình, ba tôi đã có mấy câu tự phán nói rõ ý đó :

Én bay non tám mươi mùa,
Mấy phen “chính, giáo” xa đưa tiếng lành
Ung dung nhắc một đồng cân,
Chữ “quan” kia chỉ nặng phần hư thanh
Chữ “Thầy” mới thật vinh danh,
Nét vàng còn đó, hiển minh trọn đời.
Dù cho vật đổi sao dời,
Nơi quê hương lẫn phương trời xa xăm,
Nghĩa tình sư đệ cao thâm,
Với thời gian , vẫn đầm đầm mạch xuân.


Do nguồn hứng khởi đó nên những gì liên quan tới Quốc Học thường ghi lại những kỷ niệm đậm nét hơn những biến cố khác trong đời và thường được ba tôi nhắc đến một cách hào hứng mà êm đềm. Chẳng hạn Đại lễ Kỷ niệm Đệ lục thập chu niên Quốc Học (26-12-1956) và Trại Tết Thiên An (1958) mà ba tôi đã làm đầu tàu tổ chức. Vẫn biết rằng lễ Kỷ niệm 60 năm Quốc Học đó được tổ chức trọng thể, linh đình với sự hỗ trợ hết mình của chính quyền là vì đang buổi thịnh thời của chế độ, là vì vị Chưởng giáo (Hiệu trưởng) đầu tiên của trường, cụ Ngô Đình Khả, là thân sinh của Tổng thống đương thời (cố Tổng thống Ngô Đình Diệm); vinh danh cụ Khả là vinh danh chế độ. Điều đáng nói là người đứng mũi chịu sào ở trong cái thế “quan trên ngắm xuống, người ta trông vào” nên phải biết cách tổ chức, sắp xếp, điều hợp thế nào ngõ hầu mọi nguồn nhân tài vật lực đóng góp đều được vận dụng và phát huy khả năng tối đa để đạt hiệu quả như ý.
Ngày nay, mặc dầu đã ở vào cái tuổi có cháu gọi bằng ông, nhưng mỗi lần nhớ đến lễ Kỷ niệm đó, tôi vẫn bồi hồi nghe lại đâu đây cái cảm tưởng háo hức thích thú khi xem phòng triển lãm trên lầu với những hiện vật văn hóa quí hiếm, và cái cảm xúc hào hứng, hãnh diện, của đêm văn nghệ với vở kịch nòng cốt “Giảng sách dưới trăng” diễn ở sân khấu nhà chơi. Xem lại những hình ảnh thời đó trong tập album của ba tôi, thấy toàn là những gương mặt trẻ măng, búng ra chất học trò, rất đúng nghĩa “bạch diện thư sinh”, vậy mà sao làm văn nghệ tài tình thế ? Rất nhà nghề, rất nghệ thuật. Sau này, mặc dầu có nhiều dịp thưởng thức Đại nhạc hội, rất thích thoại kịch, tôi vẫn giữ nguyên cái cảm tưởng đó về đêm văn nghệ Quốc Học 60 tuổi.
Còn Trại Tết Thiên An. Th. ơi, cụ mi có nhớ bữa chiều hôm đó tụi mình nấu món chi không? Làm gà trong cái vũng nước lắm đĩa, đứa nào cũng ghê, nhưng đến bữa cơm thì không còn sót miếng nào. Tàn đêm lửa trại văn nghệ, một bầy năm sáu đứa kéo nhau vô lều thách đánh cờ tướng tới sáng. Nửa đêm, trời lạnh, thằng Đ. trúng gió, chảy nước miếng như chó dại, làm cả bọn hoảng hồn. Sáng hôm ấy, giả định là sáng mồng một Tết, học trò quần trắng áo dài đen, như những thế hệ trước 1945, tập họp trên đồi chúc Tết quí thầy cô. Ai là tác giả màn này, quên mất. Trước Tết Mậu Thân (1968), tôi vẫn còn giữ được một tấm ảnh của buổi sáng trang trọng ấy.
Bước vào thập niên 70, ba tôi lại có niềm đam mê mới, ấy là thành lập cho được Hội Áii Hữu Quốc Học để làm cơ sở thắt chặt tình đồng môn giữa các thế hệ. Sau khi Hội thành hình, ông đã đi lại không biết mệt từ Đà Nẵng cho đến Nha Trang, Đà Lạt, Sàigòn. . . để thành lập các chi hội. Để đi đây đi đó làm việc ái hữu mà không phải dùng đến ngân khoản khiêm tốn của Hội, ba tôi đã sử dụng mọi phương tiện di chuyển có được do thân hữu hay học trò cũ giúp đở, từ máy bay USAID cho đến loại thám thính “bà già”, trực thăng, hay các loại phi cơ vận tải nhà binh như C123, C130 . . . Có lần từ Nha Trang trở về bằng máy bay quân sự, ông kêu van mệt, nhức đầu vì máy bay không đi thẳng từ Nha Trang về Đà Nẵng mà còn bay vòng vòng lên Pleiku rồi về Phú Bổn cái đã. Thấy mặt ông đỏ bừng bừng như diễn viên đóng vai Quan Công, tôi biết là dấu hiệu của huyết áp lên cao, vội thúc uống thuốc và nghỉ ngơi cho ổn định và lại sức. Lại có lần bị tai nạn xe hơi, chấn thương xương chân, tôi vội vã hộ tống về Huế tĩnh dưỡng thuốc men mấy tuần liền mới bình phục. Tất cả những cái đó vẫn không làm nản chí ba tôi trong việc đi lại xây dựng các chi hội. Bên cạnh niềm vui đó, ba tôi còn cùng các đệ tử tâm đầu ý hợp và nhiệt tình ở trường Quốc Học lo thu góp bài vở, vận động tiền bạc, ra cho được mỗi năm một đặc san, mang tên Ái Hữu Quốc Học, để làm phương tiện thông tin liên lạc giữa các đồng môn. Đọc những bài của các cụ Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Phu. . . viết về ngôi trường xưa, không những thấy được một chặng đường của ngôi trường cổ kính mà còn thấy được cả bóng dáng một thời lịch sử của đất nước.
Hồi đó, tôi đã định cư ở Đà Nẵng. Lâu lâu mới về Huế thăm nội ngoại, cũng như ghé tạt qua chứ không ở lâu, nên việc ở Huế không rành. Tuy vậy, qua chuyện trò giữa hai bố con, qua giọng nói sôi nổi của ba tôi khi kể việc AHQH, qua những lời ngợi khen không tiếc lời của ông đối với các anh chị học sinh cũ, bấy giờ đã là những bậc vai vế trong xã hội, trong việc nhiệt tình góp tay xây dựng Hội, tôi nhận ra rằng đó là thời gian hạnh phúc và hứng khởi nhất trong đời ông.

Thưa Ba,
Bốn mươi năm trước, ba đứng ra tổ chức Kỷ niệm 60 Năm Quốc Học ở chính nơi ngôi trường sinh ra và lớn lên. Buổi lễ được đặt dưới sự chủ tọa của vị nguyên thủ quốc gia, có cờ xí trống kèn, quan khách VIP từ trung ương đến địa phương. Rồi học trò mới cũ biết bao thế hệ cùng họp mặt, đông vui chưa từng có; lại có cả những hoạt động văn hóa văn nghệ hào hứng đủ để ấm lòng lớp học trò bô lão và hâm nóng những hy vọng tương lai cho lớp hậu sinh trong niềm hãnh diện chung. . . Tính lại, lúc đó ba mới già bốn mươi, tóc chưa một sợi đổi màu, và tụi con chưa qua cái ải Tú tài.
Năm nay, Quốc Học của chúng ta tròn 100 tuổi. Ba thì nay tóc đà trắng xóa, tai không còn nghe được tiếng gọi “Ông Cố” của cháu Jenny Phương Nhi và mắt nhìn cháu cười hẳn cũng nhạt nhòa không rõ nét. Đêm ngủ không trăn trở nhưng thỉnh thoảng thức giấc không khỏi chạnh nhớ đến con cháu, bạn bè, học trò cũ nay đang ở phương xa.
Con không biết tại nơi ngôi trường xưa người ta sẽ tổ chức những gì và liệu những màu sắc khác nhau do thời thế tạo nên có chống chỏi nhau trong bức tranh kỷ niệm chăng. . . . . . Điều con biết chắc là cái mốc Một Trăm Năm này sẽ làm sống dậy ở nơi ba những hồi ức của bốn mươi năm về trước, khơi lên những thất vọng và những kỳ vọng. Một trong những kỳ vọng đó đang hình thành ở San Jose, thành phố tụi con đang ở, nơi được hết thảy các anh chị em cựu học sinh QH-ĐK ở Mỹ chọn làm địa điểm đăng cai tổ chức Kỷ niệm 100 Năm Quốc Học . . .Có thể hình thức thể hiện không linh đình không hấp dẫn như mấy mươi năm xưa ở quê nhà, nhưng điều chắc chắn là lai láng tình hoài niệm và hoài hương – một điều mà bốn mươi năm về trước ba và tụi con không thể nào hình dung có ngày như thế -- và vẫn bừng bừng ngọn lửa Quốc Học thuở nào. . . 
 
oOo
 
Đọc bài này, các bạn không từng biết ba tôi hẳn có khi mỉm cười “Ấy, lại mẹ hát, con khen hay”. Có thể vậy, nhưng tôi thiệt tình nghĩ răng nói rứa. Trong hơn ba mươi năm làm rể con, điều tôi học nhiều nhất ở thầy tôi, ba tôi là tính độ lượng của ông. Hầu như tôi chưa thấy ông chê ai bao giờ. Khi nào ông cũng tìm thấy một điểm tốt của người ta để nói tới; có khi ông khen cả người mà tôi biết rõ đang lợi dụng ông. Ông thật thà quá chăng? Có thể, nhưng điều chắc chắn là trong cái nhìn độ lượng đó, ông đã tránh được những dằn vặt dễ làm thương tổn thân tâm. Còn với con cháu, bao giờ ông cũng gieo một niềm tin ở hạt giống đạo đức và thắp sáng lạc quan.
Năm nay, ba tôi đã 84, nhờ trời, vẫn còn mạnh khỏe, dù tai điếc đặc và huyết áp cao, nhưng ăn ngủ được và vẫn lấy sách báo làm bạn. Hàng ngày, theo thư ba tôi viết, tới giờ, thường ra hiên ngồi chờ ông đưa thư. Lẫn trong thư con cháu ở xa mà có thư của cựu môn sinh, thật là niềm vui lớn. Niềm vui được sống lại với quá khứ êm đềm. Niềm vui không bị lãng quên. Mà con nghĩ có ai quên ba mô? Mấy anh mấy chị gặp vợ chồng con, luôn luôn hỏi thăm “Thầy có khỏe không?”

Võ Văn Dật
8/96

NOTE: Bài này đã đăng trên Đặc san Kỷ niệm 100 Năm Quốc Học – 80 Năm Đồng Khánh, 1996, San Jose, USA..
 

Không có nhận xét nào: