Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

BÁNH VẼ VÀ NHÂN CÁCH MỘT NHÀ THƠ - Phạm Đức Nhì

Bánh vẽ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ 
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn 
Cầm lên nhấm nháp. 
Chả là nếu anh từ chối 
Chúng sẽ bảo anh phá rối 
Ðêm vui 
Bảo anh không còn có khả năng nhai 
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc... 
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?<!-> 
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn 
Như không có gì xảy ra hết 
Và những người khác thấy anh ngồi, 
Họ cũng ngồi thôi 
Nhai ngồm ngoàm...

(Chế Lan Viên, Văn học và Dư luận 8-1991) (1)

Lời Bình
Bánh Vẽ có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý khác nhau.
Tứ: Tác giả được mời ăn bánh vẽ - chỉ là hình vẽ chứ không phải bánh thật. Ông biết là bánh vẽ nhưng vẫn cứ ngồi vào bàn nhai nhồm nhoàm để “giữ chỗ” hầu còn có dịp ăn thứ thiệt.
Ý: Ông chấp nhận “cùng hội cùng thuyền” với những người cộng sản bấy lâu nay chỉ là vì miếng cơm manh áo, uy quyền và danh vọng chứ ngay từ đầu ông đã biết tỏng Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là sự lừa bịp.
1/ Ngôn ngữ thơ rất đời thường, dễ hiểu. Chức năng truyền thông thành công ở cả 2 mặt tứ và ý. Tứ thì không nói làm gì vì hình ảnh bữa tiệc “bánh vẽ” đã quá rõ ràng. Nhưng – không như một số bài thơ sử dụng phép ẩn dụ toàn bài khác - ở đây độc giả bước lên cây cầu liên tuởng để đi từ tứ qua ý không khó khăn chút nào, và có thể nói mười người như một tới cùng một điểm đến.
2/ Hình thức thơ: tác giả biểu lộ một phong thái ung dung, tự tin trước hình thức thơ:
     a/ Số chữ trong câu, số câu trong bài tùy tiện thoải mái, không có biểu hiện gò bó, gượng gạo
     b/ Luật bằng trắc: nhiều chỗ phải phá lệ để tứ thơ được ung dung tiến bước.
     b/ Vần: không quá nhạt, không quá ngọt, thoang thoảng rất vừa độ.
     c/ Dòng chảy của thơ lững lờ, êm ả, thích hợp với tâm trạng buồn, cay đắng.
 3/ Ẩn Dụ là “Nói cái này mà ngụ ý cái kia”. Cái này cũng hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý hợp tình. Phép ẩn dụ kín kẽ và hoàn hảo.
4 / Độ phủ sóng (scope) của đề tài, ý thơ: rộng, bao trùm mọi mặt của chế độ, của xã hội,
5/ Phỉ nhổ, bôi bác chế độ, chính quyền một cách cay độc, lời lẽ nhẹ nhàng nhưng ý tứ, nội dung của câu chửi “nặng đến nghìn cân”. Cộng với vị trí của ông trong chính quyền, làm công việc lãnh đạo tinh thần, tư tưởng nên câu chửi có căn cớ, gốc rễ, có độ khả tín cực cao,  chế độ không còn đường nào biện minh, chối cãi. 
6 / Làm thơ trong lúc quá tỉnh, kỹ thuật thơ điêu luyện, hoàn hảo nhưng thiếu hơi nóng cảm xúc. Thơ đầy chất trí tuệ nhưng lại không hồn.
Tóm lại, đây là bài thơ được viết bởi một thi sĩ bậc thầy về kỹ thuật thơ nên có hình thức gần như tối ưu, ngôn ngữ chắt lọc, hình tượng dễ cảm, ẩn dụ sắc sảo được thể hiện một cách hoàn hảo, thơ đầy chất trí tuệ nhưng thiếu hồn. Qua Bánh Vẽ nhà thơ đã tự tay trét bùn lên mặt mình nhưng ông cũng nhân tiện ném những nắm bùn hôi tanh đó tung tóe vào mặt, vào người đám văn nghệ sĩ công thần của chế độ, những kẻ nhắm mắt ca tụng một “Thiên Đường” mà chính mình đã biết là không có thật.
Nhân Cách Của Chế Lan Viên:
Thật tình tôi vẫn rất kính trọng những người cộng sản chân chính, vào đảng vì lý tưởng, vì bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, muốn đem tài sức của mình xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước Việt Nam giầu đẹp. Tôi đã gặp, trò chuyện với một số người như thế. Nhưng đã từ khá lâu rất nhiều người đã thấy sự thật, biết mình lầm lẫn, đã bỏ hết để về với cuộc sống dân thường, giữ chút danh dự của kẻ sĩ. 
Trường hợp Chế Lan Viên thì khác. Ông là một thức giả, đã thấy sự thật ngay từ lúc đầu:
          Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Ông biết, nhưng “vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn” vì:
            a/ Mê bả vinh hoa, tham quyền cố vị: biết là bánh vẽ mà vẫn muối mặt ngồi cùng ăn và dùng tài thơ của mình hết lời ca tụng đám người vẽ bánh để hưởng bổng lộc triều đình cho đến chết. (1989)
           b/ Hèn: Không có sĩ khí của người cầm bút, thấy cái sai to lớn, gây hại cho cả một dân tộc mà – vì sợ - vẫn ngậm miệng, không dám lên tiếng, viết dấm dúi mấy bài thơ, chờ khi chết (mấy năm sau) mới cho đem phổ biến.
           c/ Và chính vì hèn, tham lợi lộc, quyền chức nên đã góp sức gây nhiều tội ác.
-        Đẩy cả mấy thế hệ thanh niên Việt Nam đi vào chỗ chết: Chính ông đã tự thú:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng 
Chỉ một đêm, còn sống có 30 
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó? 
Tôi!

(Ai? Tôi!, Chế Lan Viên)
Chỉ một trận đánh mà đã gần 2000 (nói chính xác như trong bài thơ là 1970) người mất mạng. Suốt mấy chục năm chiến tranh thì con số đó đã lên đến bao nhiêu? Rồi còn phía bên kia? Cũng là những đứa con của mẹ Việt Nam máu đỏ da vàng.
-        Rủ rê, lôi kéo biết bao con dân nước Việt đi vào con đường mà chính mình đã biết là sai lầm tai hại.
Thơ của ông có lúc tỉ tê, nỉ non như rót mật vào lòng, có lúc như những bản nhạc hùng tráng thúc giục lên đường. Trong số nhiều triệu con em Việt Nam ưu tú, một số rất đông vì nghe thơ, đọc thơ ông mà đã ra sức phấn đấu vào đoàn, vào đảng để cuối cùng mang tội đày đọa dân tộc, dẫm nát quê hương.
Kết Luận
Nhiều năm sau nữa người yêu thơ có lẽ cũng chưa quên Bánh Vẽ, một bài thơ có kỹ thuật thơ hoàn hảo, ý tứ sâu sắc (2). Thơ của ông, tên tuổi ông – nhà thơ Chế Lan Viên, tên thật là Phan Ngọc Hoan - sẽ đi vào văn học sử, lịch sử của dân tộc. Lớp trẻ sau này đọc thơ ông, xem tiểu sử ông chỉ cần nhớ 3 chữ: TÀI, Hèn Ác. Chữ TÀI thật to (viết hoa) là TÀI THƠ của ông, 2 chữ HènÁc nhỏ hơn nhưng thật đậm nét chính là nhân cách của ông.

Phạm Đức Nhì

Không có nhận xét nào: