Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 25/6


Brexit: Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU họp bàn về tương lai --- Ủy viên châu Âu của nước Anh từ chức --- Moody's hạ bậc tín dụng Anh Quốc Sau cú sốc của cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu thuận cho Brexit, sáng nay, 25/06/2016, các ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập Liên Hiệp Châu Âu họp tại Berlin để bàn về những hậu quả của quyết định lịch sử của Anh Quốc ra khỏi khối này.<!>

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeimer đã tiếp các đồng nhiệm Pháp, Hà Lan, Ý, Bỉ và Luxembourg, tức là Ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu.
Tuyên bố với hãng tin AFP hôm qua (24/6), Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết là Paris và Berlin sẽ trình bày với các đối tác "những giải pháp cụ thể" để làm cho Liên Hiệp Châu Âu vận hành "hiệu quả" hơn, mà không cần phải thực hiện "những công trình lớn".

Thủ tướng Angela Merkel cũng đã mời tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Ý Matteo Renzi đến Berlin vào thứ hai tới để thảo luận về cú sốc Brexit. Bà Merkel cũng sẽ gặp riêng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk.
Hôm qua (24/6), lãnh đạo các định chế châu Âu đã hối thúc Luân Đôn tiến hành nhanh chóng các thủ tục đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, các thủ tục này có thể kéo dài đến 2 năm. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hôm qua đã chỉ trích quyết định của thủ tướng David Cameron, tuyên bố từ chức hôm qua nhưng đến tháng 10 mới rời khỏi chức vụ này, khiến cho tiến trình thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu bị chậm trễ.

Trong nội bộ nước Anh, cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 gây chia rẽ hơn quốc gia bao giờ hết. Tại Luân Đôn, một số người đã đòi "độc lập" cho thủ đô nước Anh, nơi mà đa số người dân ủng hộ việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Còn tại Scotland, nghị viện địa phương được triệu tập khẩn cấp hôm nay để bàn về hậu quả của Brexit, mà có thể sẽ kéo theo một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của vùng này.
Trên các mạng xã hội, giới trẻ, mà tuyệt đại đa số ủng hộ việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ nổi tức giận đối với thế hệ lớn tuổi, bị lên án là đã phá hỏng tương lai của họ. - RFI

Ủy viên châu Âu của nước Anh, Jonathan Hill, tuyên bố từ chức tiếp theo việc nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.
"Điều gì đã làm rồi thì sẽ không thể vãn hồi được," nhà ngoại giao cao cấp của nước Anh, người được Thủ tướng Anh cử tới làm việc ở Brussels và 'coi sóc' các vấn đề về tài chính nói với truyền thông.

"Giống như nhiều người ở đây và tại nước Anh, rõ ràng là tôi thất vọng về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
"Tôi đã muốn nó có kết cục khác đi và từng hy vọng rằng nước Anh sẽ muốn đóng một vai trò trong việc tranh luận để hướng tới một châu Âu nhìn xa, trông rộng, linh động, cạnh tranh cao hơn và tự do mậu dịch tốt hơn.
"Tuy nhiên, người dân Anh đã có một quyết định khác và đó là cách thức mà nền dân chủ vận hành," ông Jonathan Hill nói hôm 25/6 từ trụ sở của EU tại Brussels.

EU đủ mạnh mẽ

Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel trong một phát biểu trực tiếp được phát trên truyền hình Đức nói:
"EU đủ mạnh để tái ổn định sau khi nước Anh rời khỏi khối."

Còn Chủ tịch Ủy ban Châu âu (EC) ông Jean-Claude Junker thì nói ông muốn nước Anh 'nhanh chóng' hoàn tất các thủ tục để rời khỏi khối.
Thủ tướng Anh, David Cameron, người đã tuyên bố ý định từ chức hôm 24/6, ngay sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm, nói ông muốn nhà lãnh đạo kế nhiệm sẽ giải quyết quá trình đàm phán của Anh rời khỏi khối này.

Hôm thứ Bảy, ông Hill nói trong một tuyên bố rằng: "Tôi không tin rằng sẽ là đúng đắn để tôi tiếp tục ở lại cương vị hiện nay là một ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề tài chính."
Nhưng theo những gì BBC được biết, ông Hill sẽ còn lưu lại chức vụ trong một vài tuần lễ để đảm bảo cho việc bàn giao chức vụ một cách có trật tự.

Là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron, ông Hill được biết tới là một nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm tại Brussels, tuy nhiên việc ra đi của ông sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức, là một việc có thể đoán định được, theo một nhà quan sát từ Brussels. - BBC
Anh Quốc bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ triển vọng tín dụng xuống "tiêu cực" do tác động của Brexit.
Moody's cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý báo trước "một giai đoạn dài không chắc chắn".

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron đang chịu áp lực tăng tốc độ các cuộc đàm phán "ly hôn" với EU sau khi Brussels cho biết các cuộc đàm phán về việc Anh Quốc ra đi nên tiến hành ngay lập tức.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết đây "không phải là một vụ ly hôn thân thiện", nhưng cũng "không phải là một mối tình bền chặt".
Moody's nhận định kết quả trưng cầu dân ý có "tác động tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn của Anh Quốc", và hạ xếp hạng phát hành nợ dài hạn của nước này xếp hạng từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực".

Tổ chức này cũng cho biết Anh có một trong những thâm hụt ngân sách lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Việc đánh giá tài chính xảy ra sau khi Anh Quốc chọn rời khỏi EU, và ông Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào mùa thu.
Trước đó, ông Cameron nhận được sự đảm bảo từ Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng nước Anh sẽ vẫn là "một đối tác không thể thiếu".

Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Mỹ nói với ông Cameron rằng ông lấy làm tiếc về quyết định từ chức của Thủ tướng Anh, và nói ông là "một đối tác và bạn bè đáng tin cậy, tận tụy với các giá trị dân chủ".
Tuyên bố của ông Cameron khởi động một cuộc tranh luận về việc ai sẽ thay thế ông.

Đến nay, chưa có ai chính thức tuyên bố nhắm vào vị trí này, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May và cựu Thị trưởng London Boris Johnson có thể là những ứng viên. - BBC

2.
Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc tìm kiếm đầu tư

Hôm nay, 25/06/2016, tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến viếng thăm Bắc Kinh, chủ yếu nhằm tìm kiếm vốn đầu tư từ Trung Quốc, trong bối cảnh kinh tế Nga đang suy giảm, một phần là do các biện pháp trừng phạt của châu Âu.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :
"Chưa bao giờ hai nước chúng ta tin cậy lẫn nhau đến mức như thế. Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác của chúng ta trong các lĩnh vực như trao đổi mậu dịch, năng lượng và cơ sở hạ tầng". Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố như trên với Tân Hoa Xã.
Ông Putin tin tưởng rằng Trung Quốc một lần nữa trải thảm đỏ đón tiếp ông và như vậy giúp ông lách được những biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc sẽ ký với nhau ít nhất 30 hiệp định thương mại. Ông Putin đến Bắc Kinh để tìm kiếm vốn đầu tư, vì với việc đồng rúp sụt giá và giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Nga đã bị suy yếu. 
Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa Nga với Trung Quốc cũng đang sụt giảm đáng kể, hơn 28% so với năm 2014. Nước Nga nay chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, sau khi đã chiếm hạng 9 trong năm 2014. - RFI

3.
Venezuela: đối lập kiến nghị hạ bệ Tổng thống

Lãnh đạo phe đối lập nói họ đã phê chuẩn đủ số lượng chứ kỹ cần thiết cho một kiến nghị tiến hành hạ bệ Tổng thống Venezuela bằng trưng cầu dân ý bãi miễn.
Hàng trăm nghìn người Venezuela đã cung cấp dấu vân tay xác nhận chữ ký cho kiến nghị trên nhằm buộc Tổng thống Nicolas Maduro rời chiếc ghế nguyên thủ quốc gia.

Người điều phối trưng cầu dân ý Vicente Bello nói số lượng chữ ký “vượt hẳn thiểu số cần thiết”.
Hiện quá trình này cần giới chức bầu cử của Venezuela xác nhận.

Nếu quá trình này được thông quá, bản kiến nghị thứ hai sẽ phải được ký bởi bốn triệu người trước khi một cuộc trưng cầu dân ý bãi miễn được tổ chức.
Những người đối lập đổ lỗi cho chính sách xã hội nghĩa của ông Maduro dẫn đến tình trạng lạm phát tràn lan và thiếu hụt thực phẩm và hàng hóa cơ bản.
Bản kiến nghị đầu tiên được nộp vào ngày 02/5/2016 đã thu thập được gần hai triệu chữ ký nhưng giới chức phụ trách bầu cử nói 600.000 trong số đó là chữ ký giả.
Những người ký vào bản kiến nghị hôm thứ Sáu phải có chứng minh nhân dân và kiểm chứng dấu vân tay tại các trung tâm do Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) thiết lập.
Xếp hàng nhiều giờ

Chỉ cần 1% tổng cử tri, tức là 194.729 người, là đủ số lượng cần thiết để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.
Rất nhiều người đã xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để xác nhận chữ ký của mình bằng việc ghi dấu vân tay điện tử.
“Giá cả đang ngày càng tăng cao, ngoài việc thiếu thốn nhu yếu phẩm khác,” Felix Rodriguez, một viên chức nhà nước nói.
Người này đã nghỉ phép hôm đó để đi cho chữ ký.

Phe đối lập muốn trưng cầu dân ý bãi miễn diễn ra vào năm này vì đây mốc thời gian quan trọng cho các bước tiếp theo.
Nếu trưng cầu dân ý được tiến hành trước ngày 10 tháng Một sắp tới có kết quả chống lại ông Madura, một cuộc bầu cử mới sẽ được khởi động.
Tuy nhiên nếu trưng cầu dân ý diễn ra sau ngày 10 tháng Một, có nghĩa là trong hai năm cuối nhiệm kỳ, thì Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz, cũng là người ủng hộ ông Madura, sẽ là người thay thế.

Ông Maduro được bầu làm Tổng thống Venezuela vào năm 2013 và có thời hạn nhiệm kỳ đến năm 2019. - BBC

4.
Trung Quốc cắt cơ chế liên lạc với Đài Loan

Ngày 25/06/16, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã ngừng cơ chế liên lạc với Đài Loan vì chính quyền mới của hòn đảo này không công nhận nguyên tắc "Một nước Trung quốc duy nhất".
Trung Quốc vẫn coi Đài loan là một tỉnh và luôn dè chừng tân tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Đảng Dân Tiến của bà đã đưa vào cương lĩnh một điều khoản về "một nước Cộng hòa Đài Loan có chủ quyền và độc lập".
Trong một thông cáo do Tân Hoa Xã phổ biến, Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc khẳng định từ ngày 20/05/2016, ngày bà Thái Anh văn nhậm chức tổng thống, Đài Loan đã không tái khẳng định tôn trọng thỏa thuận 1992.

Phát ngôn viên của văn phòng đại diện Trung Quốc tại Đài Bắc cho biết: "Do phía Đài Loan đã không ghi nhận thỏa thuận 1992, cơ sở chính trị chung với nguyên tắc một nước Trung Quốc, cơ chế liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã bị ngừng lại"
Trung Quốc muốn bà Thái Anh Văn công nhận "thỏa thuận 1992" về một nước Trung quốc duy nhấ,t nhưng chính quyền của bà lại không công nhận. Tháng trước, bà Thái Anh Văn tuyên bố bà sẽ duy trì nguyên trạng giữa Đài loan và Trung Quốc. Tổng thống Đài Loan tỏ quyết tâm gìn giữ hoà bình.

Tuyên bố cắt cơ chế liên lạc của Trung Quốc được đưa ra sau khi Đài Loan phản ứng gay gắt trước việc Cam Bốt trục xuất 25 người Đài Loan về Trung Quốc bất chấp các nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm đưa những người này trở về đảo.
Trước đó, Cam Bốt đã bắt giữ một nhóm người Đài Loan có hoạt động lừa đảo qua viễn thông. Bắc Kinh đã yêu cầu Phnom Penh cho dẫn những đối tượng nói trên về Trung Quốc để xét xử, giống như những trường hợp đã xảy ra ở Malaysia hồi tháng trước. 

Cách đây vài tuần, tân bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã quả quyết tuyên bố không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không  mà Bắc Kinh có thể tuyên bố thiết lập trên Biển Đông. - RFI

Tin Việt Nam
5.
Nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vẫn muốn sản xuất thật nhiều lúa để có gạo xuất khẩu, trong khi báo chí và các nhà khoa học cảnh báo “nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định lại chiến lược an ninh lương thực.”

Thời báo kinh tế Saigon Online ngày 22/6/2016 đưa tin, ông Lê Quốc Doanh Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, kêu gọi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông 2016 lên mức tối đa, ở những nơi nằm trong phạm vi an toàn để bù vào sản lượng sụt giảm trong vụ đông xuân 2015-2016 vừa qua. Nhà báo lưu ý rằng, việc mở rộng diện tích sản xuất lúa, nhất là ở vụ thu đông tức vụ lúa thứ ba bên trong các đê bao, có thể dẫn đến nguy cơ khiến hạn và xâm nhập mặn tiếp tục hoành hành trong vụ đông xuân 2016-2017 sắp tới.

Trong dịp trả lời chúng tôi TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường Viện Đại học Cần Thơ từng phân tích:

“Đồng bằng sông Cửu Long có hai vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, nhưng trong những năm gần đây do chạy theo sản lượng lúa đã đắp rất nhiều đê bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này, để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ lên. Cái đó làm cho lượng nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long không được giữ lại, do đó khi mùa hạn đến thì lượng nước ngọt tại chỗ của đồng bằng sông Cửu Long không còn để mà đẩy bớt mặn ra. Một mặt khác, các công trình thủy nông của đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây lại thiên về xu thế là làm sao tiêu nước ra thật nhanh vào mùa mưa và ngăn chặn nước vào mùa lũ, để tăng diện tích canh tác lên. Hệ thống đó góp phần tăng sản lượng lúa nhưng mà mặt khác nó làm cho lượng nước dự trữ tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long mất đi rất là nhanh chóng. Và do đó khi thiếu nguồn cung cấp nước từ phía thượng nguồn thì đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng hạn nặng rất là nghiêm trọng…”
Báo Thanh Niên Online trong những ngày từ 20 tới 23/6 có loạt bài viết cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long đang nghèo đi, xét từ góc độ phù sa. Nguyên nhân bao gồm việc các đập thủy điện từ Trung Quốc và các nước thượng nguồn cùng nhau khống chế dòng Mê kông, khiến lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long không những ít đi mà còn mất cả lượng phù sa trong đó.

Bên cạnh đó, chính sách xây dựng đê bao để làm thêm lúa vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long từ giữa thập niên 1990 đến nay, cũng đã làm cho tình hình đất nghèo phù sa càng thêm trầm trọng. Qua chính sách đê bao để tăng vụ, Việt Nam đã gia tăng sản lượng gạo, mỗi năm xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo. Nhưng kết quả nghịch lý là người nông dân vẫn cứ nghèo. Tờ Thanh Niên trích lời chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho biết, GDP Tổng sản phẩm nội địa đầu người của Lào năm 2013 là 1.638 USD/người/năm, trong khi năm 2014 GDP bình quân đầu người của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới đạt 1.242 USD/người/năm.
Trong nhiều năm liền, GSTS Võ Tòng Xuân nhà nông học nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích sự lợi bất cập hại của việc làm lúa bằng mọi giá, mà ông gọi là kém thông minh, qua việc xây dựng đê bao khép kín để làm lúa vụ ba trong mùa lũ. Trong những dịp trò chuyện với chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân nhiều lần nhấn mạnh

“Làm vụ ba rất là tốn kém, tốn kém về mặt đầu tư và công sức của người nông dân, rồi tốn kém về mặt mất phù sa trong đồng ruộng. Thứ ba là phải dùng phân bón nhiều hơn bình thường, dẫn tới sâu bệnh cũng nhiều hơn. Người nông dân muốn có năng suất mong muốn đã bón phân nhiều hơn, thừa phân bón, nhưng thực tế phân bón không được hấp thu hữu hiệu. Số liệu nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế cho thấy rất rõ là khoảng 60% lượng phân bón bị bốc hơi thành khí ammonia hoặc ôxít nitơ nitrous oxide là hai loại khí nhà kiếng rất độc, nó làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Người ta không thấy được những điều này, chỉ thấy có thêm hạt lúa, theo tôi làm với bất cứ giá nào thì không phải là thông minh lắm.”
Trong bài “Nguy cơ tan rã đồng bằng sông Cửu Long: Xác định lại chiến lược an ninh lương thực” trên Thanh Niên Online, nhà báo Chí Nhân trích lời PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho biết, tính đến năm 2012 tổng chiều dài của các con kênh đã được đào ở Đồng bằng sông Cửu Long là 91.064 km dài gấp đôi đường xích đạo. Đê bao được đắp cao chừng 1,5 tới 2 mét ngăn cách dòng kênh với đồng ruộng. Những con kênh, đê bao được tạo nên để phục vụ mục đích chính là sản xuất lúa vụ 3, bên cạnh các mục tiêu như cải thiện điều kiện sống cho người dân và giao thông…Nhưng mặt trái là kênh, đê tăng làm cho nước thoát ra biển nhanh hơn, gây thiếu nước vào mùa khô, gây ngập ở khu vực đô thị trong mùa mưa lũ là những thiệt hại mà chưa ai tính đến.

Vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá
Báo Thanh Niên dẫn nghiên cứu của ông Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, 1 ha lúa sản xuất 2 vụ, lợi nhuận đạt 31 triệu đồng/năm. Làm 3 vụ lợi nhuận tối đa cũng chỉ đạt chưa tới 38 triệu đồng/ năm, nhưng phải tốn chi phí đắp đê, duy tu bảo dưỡng, trạm bơm. Vẫn theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện và báo Thanh Niên, tổng chi phí đầu tư làm đê và trạm bơm để có thể sản xuất lúa vụ 3 lên tới hơn 29 triệu đồng cho một ha, chưa kể những hệ lụy như vừa phân tích. Trung bình mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 25 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn tương đương 6-7 triệu tấn gạo. Như vậy, ông Thiện cho rằng, tăng vụ tăng sản lượng không hoàn toàn vì vấn đề an ninh lương thực, mà chủ yếu tăng lượng gạo xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định, trong khi vùng châu thổ sông Cửu Long ngày càng nghèo đi về mặt dinh dưỡng do giảm phù sa và có thể dẫn tới nguy cơ tan rã trong một tương lai không xa thì trước mắt chúng ta lại đang vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này để xuất khẩu.

Trong dịp trả lời chúng tôi, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng nhiều lần đề xuất chỉ nên làm hai vụ lúa một năm ở đồng bằng sông Cửu Long:
“Mình làm hai vụ lúa thì mình cắt vụ để sâu rầy không tiếp nối, người ta vẫn đạt được năng suất 14-15 tấn như đồng bào di cư ở Cái Sắn huyện Tân Hiệp, ở đây không bao giờ làm ba vụ. Còn mấy ông làm ba vụ ở Đồng Tháp An Giang thì cũng đạt 13-14 tấn cỡ đó mà chi phí cao gấp rưỡi bên Tân Hiệp. Mình phải biết làm kinh tế, chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân xuống cho họ làm ra thêm lúa để được thăng quan tiến chức. Bỏ đê bao đi mình làm hai vụ, vụ kia để cho phù sa vào mình nuôi trồng thủy sản trong vụ mùa mưa. Thí dụ ở Tam Nông Đồng Tháp làm ba vụ nhưng vụ giữa họ nuôi tôm càng xanh…” 

Các nhà khoa học đã mòn mỏi khuyến cáo, cần phá bỏ đê bao trả lại môi trường thiên nhiên cho đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân chỉ nên làm hai vụ lúa, mùa mưa lũ về nên để thiên nhiên làm vệ sinh đồng ruộng và bồi đắp phù sa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay sông Mê Kông bị khống chế về lượng nước và nước đã bị mất nhiều phù sa qua các đập thủy điện và hồ chứa.
Trong bài trên báo Thanh Niên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, dẫn nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho thấy lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống 75 triệu tấn, sau khi Trung Quốc xây dựng và vận hành đập thủy điện Mạn Loan. Chuyên gia ước tính lượng phù sa sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, một khi các đập trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động.

Cảnh báo “nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định lại chiến lược an ninh lương thực” qua loạt bài của báo Thanh Niên Online, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện kêu gọi, cần đổi mới tư duy về an ninh lương thực với tầm nhìn dài hạn. Cần làm rõ nội hàm an ninh lương thực cho ai và vì ai. Thay vì vắt kiệt sức khỏe của đất, thì cần phải tìm cách duy trì sự màu mỡ của nó để có thể khai thác càng lâu càng tốt. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng đó mới là chính sách an ninh lương thực cho quốc gia về lâu dài. - RFA

6.
Elizabeth Phù – Nữ cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ

Là một trong những thế hệ thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, Elizabeth Phù và ba mẹ cùng người em gái một lần nữa bước xuống tàu sau lần vượt biên đầu tiên thất bại và bị giam cầm nhiều tháng trong trải cải tạo. Chiếc tàu nhỏ bé chứa hơn 250 người chết máy ngay khi ra khỏi hải phận. Sau bảy ngày  trôi dật dờ giữa biển cả và đụng độ cướp biển hai lần, họ đã may mắn được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn, nơi gia đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Hoa Kỳ. Giờ đây, cô bé ấy đã trở thành nữ cố vấn cho Tổng thống Obama, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc tại tòa Bạch Ốc giữ chức vụ Giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Đông Á. Đài Á Châu Tự Do vinh dự có buổi phỏng vấn bà Elizabeth Phù tại tư gia.

Thành công từ những thử thách

Anh Minh: Xin chào Elizabeth, rất vinh dự cho tôi khi được gặp bà hôm nay để thực hiện buổi phỏng vấn này. Câu hỏi đầu tiên của tôi dành cho bà như sau: Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc ở Nhà Trắng trong vai trò Giám đốc phụ trách an ninh khu vực Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Đông Á. Xuất thân từ một cô bé tị nạn Việt Nam thì thử thách nào là khó khăn nhất mà bà đã phải vượt qua trong sự nghiệp của mình?

Elizabeth Phù: Lời đầu tiên tôi xin cảm ơn vì đã giúp tôi tham gia trong chương trình này. Tôi đã làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, cụ thể là bộ quốc phòng khi tôi 24 tuổi. Là một người phụ nữ, một phần thiểu số, một nhân viên dân sự, nên đã có rất nhiều lần trong các buổi họp ở Bộ Quốc phòng hay là ở nước ngoài thì rõ ràng tôi là người trẻ nhất, là người phụ nữ duy nhất, là phần thiểu số, là thường dân trong phòng họp đó.
Vì vậy tôi cảm thấy rằng tôi thực sự cần phải chứng minh bản thân mình. Sau nhiều năm thì tôi khám phá ra rằng mọi người chẳng hề bận tâm tới vấn đề này lắm. Từ đó tới giờ tôi cũng đã từng thấy có những trường hợp rõ ràng là người ta bận tâm về vấn đề này. Nhưng đa phần thì mọi người chỉ muốn biết là tôi có làm được việc hay không.  Điều này đã giúp tôi tích lũy thêm kiến thức, tự trao dồi bản thân để trở nên tự tin hơn trong công việc. Đó là những thử thách khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất.

Anh Minh: Bài học quan trọng nhất mà bà học được là gì?

Elizabeth Phù: Bởi vì mọi người muốn biết liệu rằng bạn có làm được việc? Nên tôi thực sự nghĩ rằng điều quan trọng cho một người như tôi hoặc bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị thật tốt, làm việc chăm chỉ, sẵn sàng đóng góp khả năng của mình và làm tròn bổn phận được giao phó.

Anh Minh: Trở lại quãng thời gian mà gia đình bà mới đặt chân tới nước Mỹ, bà có từng cảm thấy nhớ nhà hay cảm thấy cực khổ không? Và điều gì hay những sự kiện nào đã làm cho bà cảm thấy khá hơn?

Elizabeth Phù: Thật đáng tiếc là lúc đó tôi quá nhỏ. Tôi tới đây lúc mới được 4 tuổi nên khi còn nhỏ như vậy thì mình chỉ cần sự che chở của bố mẹ và chẳng để ý lắm tới cảm xúc. Nhưng tôi biết ba mẹ của tôi đã có những lúc khó khăn lắm. Họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương. Họ rất biết ơn khi được đến nước Mỹ nhưng chắc chắn họ đã những có những khoảng thời gian rất khó khăn. Họ đã làm việc vô cùng vất vả. Tôi nhớ ba của tôi ngoài công việc chính còn phải làm thêm bán thời gian mà cũng chỉ đủ để nuôi sống gia đình thôi. Cũng có những lúc ba mẹ tôi bị kỳ thị và gặp nhiều chuyện cực nhọc khác. Nhưng cá nhân tôi thì không như vậy. Tôi đã rất may mắn.

Anh Minh: Nói về công việc của bà ở Nhà Trắng , vấn đề nào mà bà thấy yêu thích nhất cũng như không thích cho lắm?

Elizabeth Phù: Đầu tiên thì tôi phải nói rằng đó là một công việc rất tuyệt vời. Tôi đã rất may mắn khi có nó. Một phần bởi vì thành tích cá nhân của tôi, nhưng một phần cũng vì tôi có cơ hội được làm việc ở cấp bậc cao nhất liên quan tới những quốc gia mà tôi quan tâm tới. Có những phần việc tốt và cũng có những phần việc rất khó. Tôi sẽ nói rằng không có phần việc nào khiến tôi ghét cả. Mọi thứ thì nó cứ xảy ra và mình thì không biết được cái gì sẽ tới. Ví dụ như có thiên tai ở đằng này, đằng kia thì lại có bầu cử. Mọi thứ cứ tiến triển rất là sôi động, và mình phải chuyển từ vấn đề này sang vấn đề tiếp theo một cách rất nhanh chóng.

Công việc và gia đình

Anh Minh: Những người làm việc trong Nhà Trắng và có vị trí như bà thì thường rất là bận rộn. Họ thậm chí không có thời gian dành cho gia đình họ nữa. Bà có từng phải làm việc như vậy không? Làm sao mà bà thu xếp được thời gian cho cả công việc và gia đình?

Elizabeth Phù: Chúng tôi làm việc rất vất vả ở Nhà Trắng. Tất cả mọi người đều như vậy. Họ là những đồng nghiệp rất tận tuỵ. Tôi đã rất may mắn. Tôi không bao giờ đòi hỏi thêm sự tận tuỵ ở họ cả. Lúc mới vào làm việc ở Nhà Trắng, chúng tôi không hề nghe về chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bây giờ thì chúng ta nghe chuyện này rất nhiều. Nhưng thành thật mà nói thì rất là khó khăn để cân bằng cuộc sống với công việc ở Nhà Trắng. Thời gian làm việc rất dài, nhiều áp lực và căng thẳng. Riêng tôi thì rất may mắn vì chồng của tôi rất ủng hộ và sẵn sàng làm việc nhà khi tôi phải bận rộn với công việc mỗi ngày.

Anh Minh: Khi rảnh rỗi thì bà thường hay làm gì?

Elizabeth Phù: Tôi có một đứa con trai còn nhỏ nên mỗi khi có thời gian rảnh tôi đều dành thời gian cho bé và chồng của tôi. Chúng tôi không có quá nhiều thời gian nhưng đều chắc chắn là làm sao giữ liên lạc được với bạn bè và gia đình.

Anh Minh: Một vài người nói là Tổng thống Obama nhìn có vẻ già đi rất nhiều sau 8 năm nắm giữ công việc khó nhất thế giới. Đã từng làm việc chung với ông ta thì bà có bao giờ cảm thấy e ngại rằng mình sẽ giống ông ta một lúc nào đó không?

Elizabeth Phù: (cười) Đầu tiên thì phải nói là tôi không có nắm giữ công việc khó nhất thế giới như Tổng thống Obama. Và tôi nghĩ rằng ông ta đã làm công việc đó rất tuyệt vời. Ông ta trông có tuổi hơn nhưng mà vẫn rất khoẻ mạnh trong khi phải làm nhiều công việc rất táo bạo và nhiều căng thẳng.
Tôi đã có mặt ở Malaysia với Tổng thống Obama vào tháng 11 năm ngoái khi ông có buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo trẻ Á Châu. Và ông đã đùa rằng ông không có nhuộm tóc đâu. Ông ấy có khá nhiều tóc bạc sau 7 năm rưỡi làm Tổng thống, nhưng ông đã làm việc rất tuyệt vời. Còn tôi thì rất may mắn vì chưa bao giờ phải chịu đựng những căng thẳng như vậy.

Anh Minh: Ví dụ như nếu bà vẫn còn làm việc ở nhà trắng và sau cuộc bầu cử vào tháng 11 này thì có thể bà sẽ có những thay đổi về công việc nếu nước Mỹ có một tổng thống mới thuộc đảng cộng hoà. Nhưng hiện giờ bà đang làm việc cho bộ quốc phòng, vậy bà sẽ làm gì nếu chúng ta có một tổng thống thuộc đảng cộng hòa vào tháng Giêng năm sau?

Elizabeth Phù: Tôi là một công chức nên công việc của tôi không bó buộc vào các chu kỳ bầu cử. Tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình dưới thời Tổng thống Bill Clinton, tiếp đến là Tổng thống George W.  Bush và tất nhiên là Tổng thống Obama ở nhà trắng. Tôi không biết rõ tương lai như thế nào, nhưng công việc của tôi sẽ không bị bó buộc vào các chu kỳ bầu cử.

Anh Minh: Bà đã từng bao giờ trở về thăm Việt Nam chưa?

Elizabeth Phù: Tôi đã từng. Tôi trở lại Việt Nam vì công việc chuyên môn cũng như có những chuyến viếng thăm riêng tư.

Anh Minh: Bà đã đi thăm những nơi nào?

Elizabeth Phù: Tôi đã đến Hà Nội vào năm ngoái trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm việc với các đồng nghiệp ở chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm đó. Tôi đã ở Hà Nội cho chuyện này. Tuy nhiên trước đó tôi đã viếng thăm Sài Gòn nơi tôi được sinh ra, và ra Phú Quốc nơi cha tôi lớn lên, và một vài nơi khác ở Việt Nam.

Anh Minh: Món ăn nào mà bà đã thưởng thức ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam?

Elizabeth Phù: Món ăn Việt Nam tôi thích nhất là Phở nên mỗi khi mà có cơ hội thì tôi đều thưởng thức nó. Ngay cả ở đây thì tôi vẫn rất thích, và tôi mới ăn Phở ngay tối hôm qua đây.

Anh Minh: Nếu có thể chia sẻ một điều để khích lệ giới trẻ Việt Nam, thì bà sẽ nói gì?

Elizabeth Phù: Chắc chắn rồi. Đối với những bạn trẻ ở Việt Nam, tôi sẽ nói rằng các bạn có một người bạn ở Hoa Kỳ. Chúng tôi quan tâm đến những vấn đề mà các bạn cũng đang quan tâm như sức khoẻ, giáo dục, phát triển quốc gia, biến đổi khí hậu, sự phồn thịnh và an ninh quốc gia. Việt Nam có một cộng sự thân thiết ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước trẻ, nên giới trẻ cần thiết phải chủ động và họ sẽ trở thành người thực hiện chuyển tiếp mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Anh Minh: Cảm ơn bà rất nhiều. - RFA

Không có nhận xét nào: