Bảy năm Gia Long của tôi tuy
nằm trong những biến động lịch sử của đất nước và thế giới, vẫn là một quá khứ
thật đẹp đối với tôi. Năm Tổng thống JFK bị ám sát cũng là lúc đời tôi bước
sang giai đoạn mới: Tôi vào học trường Gia Long. Nhà tôi có năm chị em gái mà
tôi là con gái út. Trừ chị Năm tôi học trường dạy Gia Chánh để lấy chồng sớm,
các chị em tôi đều là nữ sinh Gia Long.
<!>
Sau khi xong Tiểu Học Sư Phạm, tôi thi
vào Gia Long. Chị kế tôi thi rớt vào Đệ Thất một lần nên năm đó hai chị em thi
chung. Chị học thêm ráo riết để chuẩn bị, vì không muốn thua và chắc chị cũng
không muốn học chung với tôi. May là năm đó tôi lại bị trượt vì làm lộn đề
Toán. Môn Toán vẫn là môn tôi không tha thiết mấy so với các môn khác ,
dù biết là nó có hệ số cao. Chẳng là tôi không thích thầy dạy thêm Toán của tôi
lúc còn tiểu học, vì bị thầy đánh đòn. Khi cả nhà vui mừng vì chị tôi thi đậu,
thì tôi trốn vào giữa hai cái lu lớn chứa nước ngoài hè và khóc thút thít. Đó
là lần đầu tiên tôi biết thế nào là đau khổ, nhưng nỗi buồn cũng không dài lâu.
Tôi ghi tên học lớp Tiếp Liên ở trường Tiểu Học Sư Phạm, và năm sau tôi đậu với
hạng cao. Đề thi lịch sử năm nào cũng là "Vua Quang Trung đại thắng quân
Thanh", tôi đã thuộc làu đề tài nầy nên hăng hái làm bài thi. Tôi còn được
cả học bổng, nhưng tôi nhường học bổng cho các chị em kém may mắn hơn mình, mặc
dù gia đình tôi chỉ ở mực trung bình. Bảy năm ở Nữ Trung Học Gia Long là thời
gian luôn ghi sâu trong lòng tôi. Tôi được giáo dục, nuôi dưỡng và học hỏi
nhiều việc, nhiều điều cho lần đầu tiên, giúp tôi chuẩn bị bước vào đời. Lúc
tôi nhập học, Hiệu Trưởng là Bà Huỳnh Hữu Hội, sau này cô Thu Ba làm Hiệu
Trưởng. Tôi vào Đệ Thất 9 ban Pháp văn, sau đó đều thuộc lớp 9 cho đến Đệ
Tam, vào lớp Đệ Tam A7, Đệ Nhị A7 và cuối cùng là Đệ Nhất A6. Bà dạy tôi phải
nhún nhường, gặp ai cũng phải gọi là chị. Nhưng tôi chỉ xưng tên và gọi các bạn
bằng tên, và tổi rất thích khi các bạn xưng mày tao với tôi. Chỉ có một lần
tôi “mày tao” ở lớp Đệ Ngũ khi gây gổ với bạn Phước Lý. Hình như ở các
lớp nhỏ thi chúng tôi học ở từng dưới, còn ở lớp Đệ Tứ trở lên học trên lầu, và
khi chúng tôi lớp ở Đệ Nhất A6 lại đời xuống tầng dưới. Chọn ban Pháp văn vì
trong gia đình tôi ai cũng biết tiếng Pháp. Ba tôi bảo chị em chúng tôi cũng nên
biết về "English, International language". Tôi lại thích sinh ngữ nên
thay vì dành giờ không có lớp để học thêm Toán lý hóa, tôi học Anh Văn ở Hội
Việt Mỹ, trong suốt 6 năm trung học.
Các lớp học đều nhìn ra sân trường có cột cờ ở giữa sân, có những cây cao
bóng mát và những chiếc băng đá dài. Tới giờ ra chơi, từ các lớp học nữ sinh ùa
ra như những cánh bướm, nói cười tíu tít. Các chị thường đi dạo từng cặp, tay
trong tay. Mấy năm đầu còn có phòng Hiệu Đoàn nơi chúng tôi mua bánh ngọt, pâté
chaud hay bánh mì kẹp thịt. Vào những năm sau thì phòng Hiệu Đoàn nầy đóng cửa.
Ở các góc trường có những lu lớn có nước vối cho học trò uống. Lúc đó trong
trường có nội trú ở phía sau, gần sân tập thể thao.
Để thưởng tôi thi đậu vào Đệ
Thất, Ba tôi đích thân dẫn tôi đi mua đôi giầy trắng và mẹ sắm cho tôi mấy bộ
áo dài trắng bằng hàng nội hoá. Năm đầu các anh chị đưa tôi đi học, nhưng, sau
đó tôi đòi đi học bằng xe đạp vì tôi không muốn đi xe Hiệu đoàn của trường, nhà
tôi cũng không xa trường. Lúc đó chúng tôi chỉ học buổi chiều, lớp buổi sáng là
của các chị lớn nên dùng chung bàn và ghế ngồi, liên lạc nhau bằng cách viết
thư bỏ vào hộc bàn, có khi trao đổi quà bánh để trong bàn nữa. Lên Đệ Tứ
tôi chuyển sang xe Vélo Solex, xe Cady, và cuối cùng là Honda Dame. Năm Đệ Thất
tôi được nổi bật trong môn Pháp văn do Cô Sáu dạy, vì tôi hay vẽ vào tập theo
đề tài của Bài tập tiếng Pháp. Cô Sáu có dáng phu nhân, sang trọng với mái tóc
búi cao. Còn nhớ có một lúc lớp tôi có giáo sư người Pháp đến dạy một thời
gian. Tôi cũng thích môn Việt văn do Cô Băng Tâm người Bắc, và lớp Gia Chánh do
Bà Lý phụ trách. Giáo Sư Lý lúc nào cũng bới tóc sau ót, với mái tóc phía trước
bồng lên theo kiểu tóc đầu thế kỷ 20. Tôi cũng nhớ cô Đặng Mai dạy thể
thao. Lúc nhỏ tôi hay chơi với trẻ con trong xóm, chạy nhảy, leo cây,
đánh lộn với con trai nên các môn chạy đua nhảy cao, leo dây…tôi qua được hết.
Sân thể thao sau này là chỗ tập Vovinam. Nói tới Vovinam tôi nhớ đến cô
bạn Nguyễn thị Anh Thơ học chung Đệ Nhất, Anh Thơ tập Vovinam hàng ngày, trong
khi không có nhiều nữ sinh muốn tập môn này vì sợ bị cứng người, dáng đi sẽ
không đẹp. Không biết bây giờ bạn đang ở nơi đâu? Trong sân thể thao có một cây
phượng lớn mà các chị nội trú đồn là có ma. Tôi nhớ nhất là cây phượng mùa hè
nở hoa đỏ rực, và hàng cây me ở hai bên đường Bà huyện Thanh Quan.
. . . . .
Trên đây là trích đoạn từ một hồi ức của Bách Việt
(Vạn cánh Hoa Mai tươi thắm của Cội Gia Long) viết về những năm tháng tươi đẹp với
ngôi trường xưa đã in sâu trong tâm tưởng người học trò cũ từ ngày rời quê
hương đi du học Nhật Bản rồi Hoa Kỳ và định cư tại đây cho đến ngày nay.
Từ ngày Việt cộng “đổi mới”, với nỗi thương nhớ quê
hương thôi thúc, Bách Việt có trở về Việt Nam vài lần và mỗi lần lại nhận ra
những thay đổi mới, từ phố phường, nhà cửa, đường xá cho đến con người,
đã thay đổi hoàn toàn, từ bề ngoài đến bên trong, càng ngày càng xa với quê
hương yêu dấu ngày xưa của mình.
Sau lần đi Việt Nam cuối cùng, người học trò cũ của
Trường Gia Long, đứa con của Thành phố Sài-Gòn năm xưa, quyết định không trở về
nữa, và nói : “Hồn đã đi rồi, chỉ còn cái xác
nằm đó thôi.”
Những người khác thì nói “Trở
về cố hương mà như đi vào lòng địch”, hay “Trở lại đất nước mình mà tưởng như tới xứ lạ”.
Phố phường, nhà cửa, đường xá thay đổi thì không có gì đáng nói sau thời
gian dài non nửa thế kỷ, nhưng vì sao con người thay đổi quá nhiều?
Gần đây, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, một trí thức “Việt kiều” ở Úc, có nhận
xét như sau:
Trên các trang mạng xã hội,
nhiều người đã nêu lên những tính xấu của người Việt Nam hiện nay, như sự độc
ác, thù hằn, tham lam, hoang tưởng và khoe khoang. Theo tôi, ba tính xấu đáng
kể nhất là ích kỷ, giả dối và vô cảm.
Xin nói ngay, ở đây, có hai
điều cần được nhấn mạnh: Thứ nhất, những tính xấu ấy ở đâu cũng có. Vấn đề chỉ
là mức độ. Cần thành thực nhìn nhận là mức độ ích kỷ,
giả dối và vô cảm ở Việt Nam rất trầm trọng và đáng báo động. Thứ hai, nói tính xấu của người Việt Nam là ích kỷ,
giả dối và vô cảm không có nghĩa là cho mọi người Việt Nam đều ích kỷ, giả dối
và vô cảm. Không phải. Xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu. Vấn đề là tỉ lệ.
Không thể phủ nhận được là ở Việt Nam hiện nay những
người tốt, thẳng thắn, ngay thật, biết nghĩ đến người khác và biết quan tâm đến
đất nước khá hiếm.
Tính ích kỷ là một hiện tượng
khá mới ở Việt Nam. Văn hoá Việt Nam, từ trước đến nay, dưới mắt của hầu hết
các học giả, là nặng tính cộng đồng hơn tính cá nhân chủ nghĩa. Nền tảng của
quan hệ giữa người và người, trước, xây dựng trên làng; sau, trên tình láng
giềng, thường đề cao sự tương thân, tương ái. Người ta sống theo phương châm
“tối lửa tắt đèn có nhau”. Rất phổ biến hiện tượng cả làng xúm vào giúp đỡ nhau
trong những ngày có tang hoặc có giỗ. Mỗi người giúp một tí. Bây giờ thì khác.
Người ta thường dửng dưng trước những nỗi đau của đồng bào và đồng loại. Báo
chí thường tường thuật sự kiện nhiều người bị tai nạn ngoài đường mà không có
ai giúp đỡ cả. Người bị nạn nằm giẫy giụa, ngắc ngoải, thoi thóp, mọi người vẫn
mặc kệ, chỉ đứng nhìn, không hề ra tay cứu giúp. Trong việc làm ăn buôn bán
cũng vậy. Biết cho hoá chất độc hại vào thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng
đến sức khoẻ người khác, người ta vẫn làm, miễn là có lợi. Trong ngành du lịch,
biết lừa người khác sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu và đất nước,
người ta vẫn làm…
Đặc điểm thứ hai trong tính
cách của phần lớn người Việt Nam hiện nay là giả dối.
Trên trang blog và facebook của mình, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện sống tại
Sydney, Úc, viết: “Thói giả dối ở Việt Nam lên
ngôi và nó hiện diện hầu như trong tất cả giai tầng. Học sinh nói dối. Người
lớn nói dối. Giới khoa bảng cũng nói dối. Càng học cao càng nói dối nhiều.
Người làm chính trị đạo đức giả và nói dối. Giới kinh doanh gian dối. Học hành
giả dối. Khoa học giả dối. Có thể nói không ngoa rằng xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội giả
dối.” (Trích Những căn
bệnh của Việt Nam)
Sự giả dối, ích kỷ và độc ác của con người dưới chế
độ cộng sản đã được tạo thành do hai nguyên nhân:
- Bắt chước những “đức tính” của giai cấp lãnh
đạo đảng.
- Những “đức tính” ấy giúp cho con người có cơ
may tồn tại dưới một chế độ đàn áp và tước đoạt mọi tự do của người dân.
Và như vậy, người Việt Nam
ngày nay, sau 70 năm (miền Bắc) và 40 năm (miền Nam) sống dưới chế độ nhân danh
chủ nghĩa Mác-Lênin, đã không còn phải là người Việt Nam trước kia, kể cả thời
Pháp thuộc, với nhân nghĩa lễ trí tín và thuần phong mỹ tục.
Cái hồn ấy chỉ còn lại rất ít trong 90 triệu dân
Việt Nam hiện nay, và ngày càng ít hơn khi chế
độ do bọn người độc ác, ích kỷ và lừa dối ngự trị càng kéo dài.
Ôi! Hồn Việt Nam bao giờ trở lại?
Ký Thiệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét