Thập niên 1950 và 1960, tại Sài Gòn có phong trào tìm kiếm lịch của Nhật để treo tại phòng khách. Lịch càng lớn, chủ nhân càng hãnh diện. Tôi nhớ lịch Nhật hồi đó thường trình bày một cô gái Nhật mặc kimono đứng bên cạnh một tấm hình phong cảnh của Nhật. Kimono gồm nhiều kiểu rất đẹp, phong cảnh thường nhất là núi Phú Sĩ và hoa anh đào, hai thứ coi như biểu tượng của nước Nhật. Ngoài ra còn có những mái đình chùa và những tòa cao ốc tại thủ đô Tokyo. Những hình ảnh thấy hàng ngày trong phòng khách trở nên quen thuộc. Nhật không phải là nơi xa lạ dù chưa hề đặt chân tới Nhật.<!->Ít nhất đó là cảm tưởng của tôi khi đặt chân tới Nhật vào những năm 1967 và 1970 khi còn làm công chức. Hai chuyến đi xa đó hoàn toàn vì công vụ. Hầu như toàn thời gian chỉ ở trong phòng hội và các buổi tiệc tùng. Nước Nhật chỉ lớt phớt bên ngoài cửa kính xe hơi lúc di chuyển. Vài ngày ở Nhật trong hoàn cảnh đó chẳng có thể coi như là “cưỡi ngựa xem hoa”. Lần này tôi cũng chỉ coi như “cưỡi ngựa xem hoa” dù thời gian ở Nhật là hai tuần lễ và toàn thời gian chỉ để rong chơi nơi xứ mặt trời mọc. Lịch sử Nhật tôi lõm bõm, dân Nhật tôi chỉ biết qua các nhân vật tiểu thuyết của các tác giả Nhật đoạt giải Nobel văn học như Yasunari Kawabata và Kenzaburo Oe và một vài tác giả nổi tiếng khác. Vậy thì tôi đâu có tư cách gì mà viết về Nhật. Thôi thì, như một du khách, tôi chẳng có tham vọng chi hơn là nhìn nước Nhật một cách phiến diện qua chính mắt mình. Một kiểu “nước Nhật dưới mắt tôi”. Hai tuần cưỡi ngựa, mỏi lưng hết biết, nên phải hạ mã. Xuống ngựa, tôi đi xe lửa.
Đầu tầu tốc hành shinkansen trông như đầu cá mập
(ảnh tư liệu tác giả)
Nói tới xe lửa ở Nhật phải nói ngay tới tầu tốc hành. Hình ảnh của chiếc tầu tân kỳ có đầu tầu như đầu cá mập này tôi đã được coi từ lâu. Và cũng đã từ lâu tôi ấp ủ ước mong được cưỡi trên mình con cá mập này. Khi tới bến ga tôi quả có hồi hộp. Lúc mũi con tầu vào ga tôi ngây người đứng nhìn đoàn tầu vùn vụt chạy trước mắt trước khi ngừng lại đúng ngay chỗ vạch đứng chờ cho từng toa. Chính xác là chỉ dấu của con tầu tân tiến này. Tầu tới không sai một giây, ngừng không sai một phân.
Lòng tầu như trong một chiếc máy bay với những hàng ghế sang trọng và tiện nghi y như ghế máy bay. Phải nói hơn ghế máy bay mới đúng vì dưới chân ghế, phía ngoài, có một bàn đạp nhỏ, dùng chân đạp nhẹ bàn đạp, người ta có thể xoay cả hàng ghế ba chỗ ngồi từ trước ra sau. Nếu sáu người trên hai hàng ghế sát nhau là bạn bè thân hữu thì hai hàng ghế xoay mặt vào nhau tha hồ chuyện trò rôm rả hoặc đánh bài hay ăn uống với nhau.
Cô tiếp viên xinh xắn trê tầu tốc hành: người hay robot?
(ảnh tư liệu tác giả)
Các tiếp viên trên tầu cũng ăn diện đẹp đẽ như các tiếp viên hàng không. Có nhiều nàng rất bảnh gái. Tôi có gặp một cô nàng đẩy xe đi bán đồ ăn xinh như…robot. Tôi nghĩ các nhà sáng chế ra búp bê robot đã dựa vào nhan sắc này để tạo thành khuôn mặt thơ ngây, ngơ ngác như thiên thần. Tất cả các tiếp viên, dù nam hay nữ, mỗi khi vào hoặc rời toa tầu để làm phận sự đều cúi đầu chào các hành khách. Tôi thích phong cách điều hành tầu, chẳng phải vì cô tiếp viên búp bê tôi gặp, mà vì một câu nhạc mở đầu trước khi có thông báo chạy trên màn ảnh của tầu. Đó là một câu nhạc cổ điển tây phương nghe rất phấn khởi. Hàng chữ thông báo ga tới hoặc thông báo hành trình của tầu bằng tiếng Nhật và tiếng Anh rất tiện lợi cho du khách mù tiếng Nhật.
Tầu tốc hành tiếng Nhật kêu là shinkansen có tốc độ đáng nể 320 cây số/giờ. Nghe thấy mà chóng mặt. Nhưng khi ngồi trên con tầu lướt nhanh, người ta không cảm thấy chóng mặt. Phong cảnh hai bên đường vụt qua khá nhanh nhưng mắt vẫn ngắm cảnh được một cách bình thường. Hiện nay đoàn tầu gồm có năm đoàn mang các tên Hikari, Sakura, Kodama, Mizuho và Nozomi. Trong hai tuần ở Nhật, tôi chỉ được đi trên các tầu Hikari và Sakura. Mỗi con tầu thường gồm 16 toa hoặc 8 toa. Trong giờ cao điểm tầu có thể hết chỗ ngồi, hành khách có thể đứng hoặc nếu thương cặp giò thì chờ chuyến sau. Tôi chưa bao giờ phải đứng trên “viên đạn” lao nhanh này, dù đi tầu hàng ngày, vì đã cẩn thận giữ chỗ trước. Nếu tàu có 16 toa thì 5 toa đầu dành cho hành khách không giữ chỗ trước. Nếu tầu có 8 toa thì chỉ có 3 toa đầu là dành cho hành khách…tự do. Các toa khác dành cho những người đã ghi tên giữ chỗ. Muốn giữ chỗ chỉ cần mang vé tới quầy ghi số ghế.
Hành khách Nhật mua vé ra sao, tôi không biết nhưng du khách có thể mua vé tầu trước khi tới Nhật bằng internet. Có thể mua vé từ một tới ba tuần. Chúng tôi ở Nhật hai tuần nên mua vé hai tuần. Ngay khi tới phi trường là có thể tới quầy lấy vé sử dụng liền. Vé có hạng thường hạng sang. Giá vé hạng thường: 1 tuần: 260 đô; 2 tuần: 415 đô; 3 tuần: 531 đô. Hạng sang: 1 tuần: 348 đô; 2 tuần: 563 đô; 3 tuần: 732 đô. Hạng sang khác hạng thường ra sao, tôi đã có lần đi lạc vào một toa hạng sang nên đã biết rõ. Ghế bọc nhung rộng rãi, ngồi rất êm ái và thoải mái. Đại khái cũng như ghế máy bay hạng thường và hạng business. Vé này của công ty Japan Railways nên không những có thể dùng cho xe lửa tốc hành mà còn có thể dùng cho tất cả các xe lửa thường, xe buýt, metro và phà qua sông miễn là thuộc công ty JR. Tại các thành phố có thể có các phương tiện chuyên chở công cộng khác do thành phố hoặc các công ty vận chuyển khác điều hành thì dù có vé tuần của công ty JR hành khách vẫn phải móc túi trả tiền cho chuyến đó sau khi lên xe. Nói trả tiền vé sau khi lên xe là nói ngược, nhưng ở Nhật chuyện chi cũng ngược ngạo. Lái xe bên trái là chuyện không giống phần lớn các nước khác đã đành. Lên xe buýt hoặc lên tầu bằng cửa sau, chẳng có ai hỏi vé, nhưng khi xuống xe phải xuống bằng cửa trước, trình thẻ hoặc bỏ tiền vào hộp dưới mắt kiểm soát của tài xế. Kiểu ăn bánh xong mới trả tiền là một điều khác thường với chúng ta. Ở Montreal chẳng hạn, lên metro hay xe buýt, hành khách phải trả tiền trước khi leo lên xe. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy ở Nhật? Biết hỏi ai, thôi thì lòng hỏi lòng. Tôi nghĩ có lẽ người dân ở đây đặt lòng tin vào con người cao hơn ở những nơi khác. Chuyện của rơi ngoài đường không bao giờ mất tôi có đọc được trên báo chí nhưng trong thời gian ở Nhật tôi chưa thấy. Nhưng chuyện tôn trọng, tin tưởng nhau một cách tuyệt đối tôi đã thấy. Thường thì khi xuống xe, hành khách phải xuống bằng cửa trước để chi tiền hoặc trình vé với bác tài, nhưng khi khách xuống đông, bác tài mở cả cửa sau cho khách xuống. Nếu khách có ý gian thì cứ phơi phới bỏ đi, bác tài đang tíu tít với khách đâu có biết. Nhưng tôi để ý thấy các khách xuống bằng cửa sau bao giờ cũng bước lên thềm cửa trước để trả tiền hoặc trình vé đang hoàng, chẳng có ai trốn vé cả.
Tầu tốc hành chạy kiểu…ăn cướp như vậy nên việc đi từ thành phố này tới thành phố khác rất nhanh chóng và tiện lợi. Chuyến du lịch này chúng tôi đặt trọng tâm tại miền Nam, từ Tokyo trở xuống, nên chỉ cần thuê khách sạn cố định tại một nơi (dĩ nhiên là tìm nơi nào có giá khách sạn rẻ nhất) và di chuyển đi du hí ở các thành phố khác trong vòng một hoặc hai tiếng. Nhanh như dùng xe nhà. Thành phố chúng tôi đóng đô là Okayama, nằm ngang với Kobe và Osaka, dưới Kyoto và nhích trên Hiroshima và Himeji. Đó là các nơi mà chúng tôi định thăm viếng. Sáng bảnh mắt ra đi, chiều tối trở về, cứ shinkansin mà cưỡi, tiện hết biết.
Ngoài tầu tốc hành, chúng tôi đã leo lên đủ các loại tầu của Nhật. Hành khách hầu như lúc nào cũng đông đảo, giờ đi làm và giờ tan sở thì ôi thôi, chen chúc nhau như nêm. Chưa bao giờ tôi lại phải chen chúc trên tầu như vậy. Người chật kín trong các toa, vậy mà tại mỗi ga, đoàn người đứng chờ lên tầu vẫn đông nghẹt. Người ta nhắm mắt nhắm mũi chen lên tầu, xô dạt những người trên tầu dồn thành cục cứng ngắc, trẻ già trai gái mặc sức mà…thân ái. Dân Nhật đi tầu chuyên nghiệp có lối chen lên tầu rất hữu hiệu. Thay vì bước vào tầu, họ cho cái lưng vào trước rồi đẩy cho tới khi nào thân người họ sát vào được trong cửa, mặc không biết khối người bị đẩy sống chết ra sao. Đàn bà bị chen lấn sát sạt như vậy coi bộ bất tiện nên có những toa tầu dành riêng cho các bà các cô. Làm sao biết được toa nào là toa dành riêng? Dễ ẹt. Trên chỗ chờ tầu có những nơi in mũi tên đỏ chót với hàng chữ Nhật và Anh ghi“women only”. Không phải…woman đừng héo lánh tới kẻo quê một cục!
Nhưng có lẽ các toa dành riêng như vậy không đủ nên các bà các cô vẫn phải chen vai thích cánh với đám đông. Trong hoàn cảnh chật chội như vậy, họ vẫn ngủ được như thường. Các cô gái cũng mặc sức gật gà gật gù dù phải đứng trong một không gian chỉ có thể ngước đầu lên thở. Nhất là khi họ đi làm về. Người nào người nấy mặt mũi bơ phờ. Ít thấy họ cười. Và cũng ít thấy họ nhường chỗ cho người khác dù những người này thuộc diện già cả hoặc có con nít. Một lần, một bà mẹ trẻ có hai con khoảng năm, sáu tuổi, có được một chỗ ngồi trên tầu. Hai đứa trẻ ngồi trên đùi mẹ khóc nhèo nhẹo vì chật chội. Anh thanh niên ngồi cạnh vẫn tỉnh bơ không nhúc nhích. Bà xã tôi ngồi bên cạnh anh thanh niên chịu không nổi nên đứng lên nhường ghế. Anh thanh niên lúc đó mới chịu nhích người sang chỗ bà xã tôi vừa nhường để đứa trẻ có chỗ ngồi cạnh mẹ. Thấy thì kỳ nhưng quả thật thanh niên Nhật thiếu ga lăng. Suy nghĩ thêm một chút thấy cũng phải có lý do. Họ quá mệt cho một cuộc sống quá vất vả. Khuya lắc khuya lơ vẫn còn có những người tan sở về nhà. Người nào cũng đóng bộ vét đen với cà vạt đàng hoàng. Hình như những người làm văn phòng đều đồng phục trang trọng như vậy. Tôi thấy thương hại họ quá cực nhọc trong một xã hội đầy cạnh tranh. Họ không đi mà chạy! Chạy ngoài đường và nhất là chạy trong các nhà ga xe điện ngầm. Đã nhiều lần họ va vào tôi mạnh đến làm tôi lao đao nhưng họ vẫn tỉnh bơ…chạy tiếp, không thèm quay lại coi người họ đụng ra sao. Chín chục phần trăm dân Nhật dùng các phương tiện công cộng. Số người có xe hơi không là bao. Hỏi mới biết là xe hơi có thể mua được nhưng chỗ đậu xe hơi thì không thể kham nổi. Xe họ dùng thường là loại xe nhỏ vuông vức cho lợi chỗ trong xe. Tại một số vùng ngoại ô, nơi các ngôi nhà nhỏ, tôi thấy có những chiếc xe hơi đậu lòi đuôi xe ra ngoài vỉa hè. Không phải ai cũng có thể sở hữu được căn nhà bé tí tẹo như vậy. Có những người phải thuê những hộc nhỏ để ở. Một du học sinh Việt Nam tôi gặp trên tầu còn cho biết có những người đi làm, không một chốn nương thân, đêm đêm phải ngồi ngủ trên tầu chờ sáng đi làm tiếp! Sống như vậy thì ăn uống ra sao? Tôi đã thấy họ “tọng” thức ăn khi tan sở cũng vội vàng như khi chen lấn trên tầu. Các cửa hàng ăn uống bé tí tẹo, thường không có bàn ghế. Họ ăn đứng trên những quầy dài. Tôi thấy những người áo vét cà vạt đóng bộ, vội chọn thức ăn, đứng húp xì xụp nhanh như gió, móc tiền trả và biến ra khỏi cửa trong chỉ vài phút. Cũng xong một bữa! Cuộc sống như vậy dễ làm người ta bị stress. Số người tự tử không ít.
Quán ăn nhỏ ăn vội
(ảnh tư liệu tác giả)
Con số du sinh Việt Nam học tại Nhật không rõ bao nhiêu nhưng tôi nghĩ là nhiều. Tôi đã gặp họ trên phố phường, trong các công viên và nhất là những em làm thêm trong các nhà hàng, tiệm bán đồ lặt vặt. Một em cho biết đời sống của các du sinh rất chật vật. Em tính chi ly: tiền học 146 triệu/năm, tiền share phòng 18 triệu/tháng, tiền ăn và tiêu vặt 20 triệu/tháng. Em tính bằng tiền Việt Nam nên tôi không hình dung ra được số tiền. Nhưng biết rằng 100 đô Mỹ tương đương khoảng trên hai triệu đồng thì con số trên không phải nhỏ. Có những em rất dễ mến. Tại một tiệm ăn nhỏ gần khách sạn chúng tôi ở, có một du sinh nữ tên Yến, có khuôn mặt xinh xắn rất giống khuôn mặt người Nhật. Khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt với nhau, đã mừng rỡ ra hỏi chuyện. Lúc chúng tôi dùng bữa xong, em đã tặng riêng mỗi người món tráng miệng. Ngọt ơi là ngọt. Chắc có pha tình em trong đó!
Các em thường vô tình làm thông ngôn cho chúng tôi. Dân Nhật hiếm người nói được tiếng Anh. Người ta bảo không phải vì họ thiếu thông minh nhưng lòng tự hào dân tộc khiến họ không thèm học và nói tiếng ngoại quốc. Nghe vậy chẳng biết có đúng không nhưng đó là một trở ngại khiến du khách rất mỏi tay. Nửa thế kỷ trước, khi tôi tới Nhật, hầu như chỉ có nhân viên làm tại các khách sạn mới nói được chút ít tiếng Anh. Ngày nay tương đối khá hơn, thỉnh thoảng những người chúng tôi gặp trên đường phố có thể nói được tiếng Hồng Mao. Họ là những người trẻ. Trẻ nên họ có nhu cầu hội nhập với thế giới bên ngoài. Các tiệm fast food như Subway, KFC, Burger King và nhất là MacDonald’s có mặt tại khắp nơi. Giá tại các tiệm…ngoại này khá mắc so với các tiệm Nhật. Vậy mà giới trẻ Nhật, cả nam lẫn nữ, vẫn chiếu cố đông đảo.
Người Nhật nói tiếng Anh giỏi nhất mà chúng tôi gặp là một người khoảng lục tuần. Thấy ông ngồi đọc tờ New York Time trên xe lửa, một người bắt chuyện với ông. Ông cho biết đã làm cho một hãng tài chánh Nhật tại New York trong bảy năm. Ông đang về lại quê nhà để họp mặt với bạn cũ. Sẵn có thời giờ, cả ông và chúng tôi, nên ông tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi ngay tại quê hương Tsuyama của ông. Ông đưa chúng tôi tới lâu đài Castle Niro,nơi ông vẫn lên chơi đùa ngày còn thơ. Lâu đài và chùa chiền, lăng miếu ở Nhật có một đặc điểm chung là xây trên lưng những ngọn đồi khá cao. Lâu đài này cũng vậy, có phần cao hơn. Leo hết các bậc gạch này tới các bậc gạch khác. Hai chân tôi mỏi nhừ. Lên tới đỉnh cao mới thấy đáng công leo. Phong cảnh thật đẹp. Những cây anh đào thả hoa xuống theo mỗi cơn gió. Hoa tơi tả bay lượn bám lên đầu, lên áo chúng tôi. Nhìn xuống phía dưới, thành phố san sát những mái nhà toàn một màu xám buồn. Khác với văn minh Trung Hoa với những mái nhà màu gạch đỏ, văn minh Nhật trầm buồn u uất hơn với những mái nhà màu xám. Phong cảnh toàn một màu u uẩn trang nhã. Ông Nhật chỉ cho tôi mái trường tiểu học của ông ngày xưa. Mắt ông nặng hoài niệm về những ngày tháng cũ. Chiều nay ông sẽ gặp lại những bạn bè thời thơ ấu tại ngôi trường ông đang cố nhắc lại những hình ảnh cũ cho tôi, một người xa lạ, từ một nơi xa lắc xa lơ, tình cờ có mặt với ông, chỉ trong khoảnh khắc, trong một buổi chiều buồn. Cha mẹ họ hàng ông không ai còn ở lại nơi làng cũ. Chỉ còn những người bạn. Con đường ông đi dần xa chốn quê nhà. Bậc trung học ông lên trường tỉnh, bậc Đại học ông ở thủ đô Tokyo. Rồi những tháng ngày làm việc ở Tokyo, những tháng ngày ở New York. Ngày ông trở về, ông đâu có ngờ lại trút niềm tâm sự với một người xa lạ như tôi. Tôi cảm thông được với ông vì tôi cũng đã trải qua những giây phút chạnh lòng đó khi tôi trở về Hà Nội, trở về Hàm Long, mười bốn năm trước, nhìn lại những lớp học cũ thời tiểu học giờ đã nhiều lớp rêu phong. Tôi đã chạm tay vào bức tường cũ, nơi tôi nghịch ngợm vẽ những hình ngu ngơ trên tường ngày xưa. Tôi nói với ông cảm nghĩ của tôi ngày đó. Mắt ông rười rượi. Tôi nắm tay ông. Hình như tình quê là thứ chung chung của con người, bất luận màu da, quốc tịch, văn hóa. Nó nằm trong tim của mỗi người. Tim nào mà không máu đỏ!
Ngôi trường tiểu học của ông người Nhật quen trên xe lửa nằm ở phía dưới
(ảnh tư liệu tác giả)
Chuyến tầu đưa ông về quê là chuyến tầu chỉ có một toa. Vậy mà vẫn có những chiếc ghế đói khách. Chúng tôi đang tới một vùng đồi núi. Hai chuyến tầu tiếp nối nhau đưa chúng tôi lên cao. Những hàng thông dựng đứng trên vách núi, nơi con tầu len lỏi leo lên. Dừng chân tại ga nhỏ, chúng tôi đổi qua xe buýt. Bác tài chăm chú lái chiếc xe kềnh càng men theo vách núi. Tôi nói giỡn: mình đang lên Pleiku. Pleiku của Vũ Hữu Định “đi dăm phút đã về chốn cũ”, Pleiku của Nhật nhà cửa khang trang nằm hai bên đường. Như một thị trấn trù phú miền ngược. Chiếc xe buýt không già nua cũ kỹ như những chiếc xe đò hậm hực leo dốc ở Việt Nam. Chúng khá tân tiến với ghế nệm đỏ bọc vải trắng trên chỗ tựa đầu. Máy sưởi làm ấm lòng khách. Bảng chỉ dẫn điện tử chạy loang loáng những thông tin cần thiết. Tới bến cuối, xe dừng lại. Trời mưa lâm thâm đủ ướt những viên đá trên mặt đường. Chúng tôi tới một nơi mang nặng phong cách Nhật Bổn: tắm tiên dưới suối nước nóng lộ thiên ngay cạnh đường lưu thông của xe cộ. (Còn tiếp…)
04/2016
Song Thao
Website: www.songthao.com
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét