Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

ĐÁNH GIÁ CHUYẾN ĐI BA NGÀY CỦA TT OBAMA 23-25/5 2016 - TS Đinh Xuân Quân


Sau khi Tổng Thống Obama rời Việt Nam, nhiều người muốn đánh giá chuyến viếng thăm ngắn ngủi của ông tại quốc gia này. Nhiều chuyên gia thì cho là phía Hoa Kỳ đã “hưởng quá nhiều”, trong khi cái “được” duy nhất mà cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại cảm nhận thì chỉ duy nhất có việc trả tự do cho cha Lý.<!->
Nhưng nếu nhìn một cách tổng quát, chuyến đi này gồm 3 phần rõ ràng:
Nghi thức quốc gia hay TT Obama nói chuyện với chính phủ - đảng ngày 23/5/2016
Townhall ngày 24/5/2016 hay TT Obama nói chuyện với quần chúng VN tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc gia
Vào Sài Gòn, TT Obama nói về tương lai, về kinh tế, nói chuyện với giới trẻ và Việt Kiều làm business tại đây, ngày 25/5/2016.
Bài này sẽ phân tích một cách cặn kẽ ba ngày này.

Ngày đầu hay thông điệp chính thức

Trong ngày đầu làm việc TT Obama tuyên bố “Tôi xin thông báo là Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, một lệnh cấm vận mà vẫn có hiệu lực từ khoảng 50 năm nay, ” ông Obama nói sau đó tại cuộc họp báo. “Tất cả các đối tác quốc phòng của chúng ta, các vụ bán vũ khí này vẫn phải hội đủ tiêu chuẩn chặt chẽ bao gồm những vấn đề về nhân quyền.”
Xin xem Tuyên bố chung Việt-Mỹ (bản tiếng Anh) của chuyến đi này
Việc này làm hài lòng phía VN cũng như ý muốn của các tướng lĩnh trong quân đội Hoa kỳ. Theo bản điều trần ngày 23/2, 2016, Đô Đốc Harry Harris cho biết quan điểm của ông liên quan đến các diễn biến trên Biển Đông. Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện nói trên, Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện hỏi ông Harris rằng có cần gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không. “Vâng, tôi tin như thế. Gần đây, Úc cũng như Nhật Bản bầy tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của Washington”, đô đốc Harris trả lời.
Bản tuyên cáo chung nêu một số vấn đề quan trọng:

Tăng cường quan hệ chính trị và ngoại giao
Thúc đẩy quan hệ kinh tế
Tăng cường quan hệ giữa hai dân tộc
Tăng cường an ninh và quốc phòng
Thúc đẩy nhân quyền và cải cách luật pháp
Thách thức trong khu vực
Tăng cường mối quan hệ hợp tác lâu dài

Thông cáo chung nêu các điểm quan trọng cũng như những thách thức trong khu vực mà hai bên cùng quan tâm: cần giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, biến đổi khí hậu gồm cả đồng bằng sống Cửu Long, nguyên tử, y tế, vv. 
Ngoài ra khi so sánh tuyên bố chính thức do Nhà Trắng thông báo và các bài trên báo chí VN chúng ta thấy một một số bản dịch kém chính xác hay thiếu sót như về việc cơ quan Peace Corps và Đại Học Fullbright. Về nhân quyền, bản tuyên bố đề cập tới: “Khuyến khích nhân quyền và cải cách pháp luật: Cả hai nước cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ việc khuyến khích và bảo vệ nhân quyền phù hợp với hiến pháp riêng của họ và cam kết quốc tế. Hai nước hoan nghênh kết quả của cuộc đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về nhân quyền, đặc biệt là vòng thứ 20 của Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam vào tháng Tư năm 2016, để thu hẹp sự khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin. Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực liên tục của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật và thực hiện các cải cách pháp luật nhằm đảm bảo tốt hơn nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người theo Hiến pháp năm 2013. Việt Nam đã thông báo với Mỹ về kế hoạch của mình để điều chỉnh, sửa đổi, và dự thảo luật mới, trong đó có Luật về Tôn giáo và Tín ngưỡng, Luật về Hội họp, Luật sửa đổi trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi về văn bản pháp lý, Luật Ban hành Quyết định hành chính. Cả hai bên đều công nhận những đóng góp mà các tổ chức xã hội và tôn giáo tiếp tục thực hiện trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, và các dịch vụ xã hội ở cả hai nước. Cả hai bên khuyến khích hợp tác hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả mọi người - không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, và khuynh hướng tình dục, và bao gồm cả người khuyết tật - được hưởng đầy đủ các quyền con người của họ. Hoa Kỳ và Việt Nam đã hoan nghênh một lá thư thỏa thuận về thực thi pháp luật và hỗ trợ tư pháp”.
Trong vòng đầu, ngày đầu theo ông John Sifton, giám đốc châu Á của Human Rights Watch thì “Tổng thống Obama đã cho Việt Nam một món quà mà họ không xứng đáng được nhận”.
Tuyên cáo chung ngày 23/5/2016 cho thấy đây là một chương trình làm việc rất dài hai bên cần nhắm tới. Như vậy các nhà tranh đấu cho nhân quyền không nên thất vọng vì chuyến đi này cho thấy là Hoa Kỳ nhượng bộ VN khá nhiều trong ngắn hạn, trong khi việc xây dựng quan hệ giữa hai nước là lâu dài, hai bên còn phải điều chỉnh rất nhiều.

Ngày thứ hai - Townhallmeeting –Trao đổi – truyền hình trực tiếp:

Townhall là một cách gặp - trao đổi ý kiến một cách thoải mái – ít nghi thức hơn – ít ràng buộc bởi nghi lễ.  Bài nói cần phải coi như phần phụ lục cho bản tuyên bố chính thức giữa hai bên. Trưa ngày 24/5, Tổng thống Obama đã phát biểu 30 phút trước 2.000 trí thức và doanh nhân Việt Nam. Ông cho thấy là ông hiểu một cách sâu sắc văn hóa và lịch sử VN và đã trích dẫn nhiều câu văn, thơ của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Nhất Hạnh, các câu hát của Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Trong trao đổi này ông nêu lên nhiều thông điệp:
- TT Obama đã nói về lịch sử lâu dài và huy hoàng của VN - từ trống đồng Đông Sơn đến các giai đoạn đen tối của Việt Nam khi bị xâm lăng bởi ngoại bang, và nói lên tinh thần bất khuất của người Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành độc lập.
- Về lịch sử hiện đại, TT Obama đề cập đến sự tiến bộ phi thường của Việt Nam trong một thời gian ngắn, cũng như quá trình hòa giải Việt – Mỹ. Ông đặt nền móng của quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí hay quyết định vận mệnh của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định”.
- Mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam dựa trên những cơ hội thịnh vượng thực sự cho người dân hai nước. “…Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, bởi vì hiệp ước thương mại này sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng ra thế giới và giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. TPP sẽ đòi hỏi phải cải cách để bảo vệ người lao động và nền pháp quyền trong nền kinh tế tri thức. Hoa Kỳ đã sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với những cam kết đã kí…TPP cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác vùng, giúp các bạn giải quyết các vấn đề bình đẳng kinh tế, thúc đẩy nhân quyền, giúp cho người lao động có lương cao và điều kiện lao động an toàn hơn. Trong thời gian gần nhất người lao động có thể tổ chức nghiệp đoàn độc lập, chống lao động cưỡng bức và lạm dụng lao động trẻ con. TPP thúc đẩy bảo vệ môi trường và nhất là góp phần nâng tiêu chuẩn chống tham nhũng trong các thỏa thuận thương mại. Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên, Mỹ hay Việt Nam phải cam kết thực hiện các quy định mà TPP đặt ra…”

Về Biển Đông. TT Obama nói “... Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình. Các thể chế như ASEAN và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á cần được củng cố. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ…” Hoa kỳ “...khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy.”
TT Obama kêu gọi phải giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng giải pháp ôn hoà. Trong bối cảnh Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm các hải đảo, xây các tiền đồn, tấn công ngư dân Việt Nam, khi TT Obama nói lên thái độ nước lớn ăn hiếp nước nhỏ thì ông được cử tọa hoan hô nhiệt liệt.
Thông điệp về quan hệ Việt – Mỹ dựa trên chủ quyền Việt Nam, không nước nào mặc dù lớn không có thể bắt nạt áp đặt mà phải giải quyết qua luật quốc tế.
Thông điệp thứ ba là nhân quyền và dân chủ. TT Obama đã nói như sau: “…Hoa Kỳ không muốn áp đặt mô hình chính quyền của mình cho Việt Nam nhưng tin rằng giá trị Hoa Kỳ mà tôi nói là giá trị phổ quát của nhân loại được Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát đề cập và chúng được nêu trong Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp đó khẳng định mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do lập hội và tự do biểu tình.  … Việt Nam đã cam kết cải cách kinh tế và lao động theo quy định của TPP. Đây là những bước tiến tích cực và tương lai của Việt Nam sẽ được người dân Việt Nam quyết định. Mọi quốc gia phải lược hóa lộ trình của mình…”
TT Obama nói tiếp về “tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do chia sẻ ý tưởng, và tiếp cận internet và các mạng xã hội mà không bị giới hạn, thì đó là nguyên liệu cần để thúc đẩy sáng tạo mà nền kinh tế cần có để phát triển. Khi có quyền tự do báo chí, các nhà báo và blogger có thể chiếu sáng vào những bất công và vi phạm…Khi có tự do tụ tập, khi công dân có quyền tự do lập hội trong một xã hội dân sự, thì chính quyền có thể dễ dàng xử lý vấn đề của mình hơn và mà đôi khi tự nó không thể giải quyết.
Đó là quan điểm của tôi khi thực hiện các quyền này thì không phải là một sự đe dọa cho sự ổn định nhưng thực sự thúc đẩy sự ổn định và là nền tảng để tiến bộ…”
Thông điệp thứ tư là các thách thức toàn cầu, Việt Nam cần bảo vệ các nơi như Vịnh Hạ Long, Sơn Đoòng, nước biển tăng sẽ làm ảnh hưởng đến các vùng ven biển và như một đối tác với Việt Nam chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần hoàn thành đầy đủ cam kết Paris. Ta cần giúp người nông dân và các làng mạc, cũng như người dân chống lại ảnh hưởng vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long - nơi cung cấp thực phẩm lớn cho thế giới và nuôi sống thế hệ tương lai. Chúng ta cũng phải giúp đỡ cho các nước để xây dựng năng lực về nhiều vấn đề như cải thiện y tế, chống lại các đại dịch ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Mỹ vui mừng khi đã giúp đỡ Việt Nam tham gia hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Thông điệp thứ năm là người Mỹ gốc Việt, hy vọng đóng góp cho Việt Nam và tôi muốn các bạn nghĩ lại thời điểm này và hi vọng vào tầm nhìn mà tôi đưa ra hôm nay. Hay nếu tôi có thể nói cách khác như các bạn biết rõ về Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nói:"Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi”.
TT Obama nói là sau khi tặng bỏ cấm vận Hoa Kỳ mong làm việc với Việt Nam lâu dài.
Tại một nước mà báo chí bị kiểm duyệt và chỉ đạo chặt chẽ, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến quyền tự do báo chí và các giá trị dân chủ. Theo nhận xét của các cơ quan truyền thông, các thông điệp nhiệt thành của TT Obama đã được giới trẻ Việt Nam nhiệt tình ủng hộ.
Một việc quan trọng là Việt Nam cởi mở hơn TQ: diễn văn của tổng thống Mỹ được truyền hình trực tiếp chứ không bị cắt xén.
Dân Hà Nội đã biểu dương lòng mến mộ TT Obama qua việc hàng ngàn người đứng dọc hai bên đường dẫn về phi trường Nội Bài, tiễn chân phái đoàn Hoa Kỳ vào Sài Gòn, thủ đô kinh tế của Việt Nam.

Tương Lai
Tại Sài Gòn TT Obama đã gặp vào trao đổi với các nhà entrepreneurs Việt Kiều – hỏi han về các khó khăn lập các xí nghiệp tại Việt Nam và có thông điệp cho giới trẻ Việt Nam, qua buổi gặp gỡ “town hall” với khoảng gần 1,000 sinh viên tại GEM Center ở Sài Gòn sáng Thứ Tư, 25 Tháng Năm.
Đa số những người tham dự là thành viên của Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), một chương trình do Tổng Thống Obama khởi xướng hồi năm 2013 và đang được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện, nhằm đào tạo giới trẻ tại các quốc gia ASEAN trở thành lãnh đạo tương lai. Hiện nay, Việt Nam có 1,300 sinh viên tham gia chương trình này. TT Obama trao đổi trực tiếp với giới trẻ và mỗi khi tới phần đặt câu hỏi, hàng trăm cánh tay đưa lên, để ông chọn.
Các nhà phân tích nói là chuyến thăm của TT Obama cho thấy tình cảm của dân chúng Việt Nam với Mỹ. Theo một thăm dò dư luận mới đây, thì có 78% người Việt Nam có cái nhìn tích cực đối với nước Mỹ (tỷ lệ còn cao hơn trong giới trẻ ở độ tuổi 29) trong khi đó trên 90% có cái nhìn không mấy thân thiện với TQ. 
Kết luận
Chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của TT Obama đã kết thúc với dấu ấn “lịch sử xích lại với Việt Nam- bình thường hóa quan hệ hai nước.”
TT Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và chứng kiến nghi lễ ký kết các hợp đồng thương mại hơn 11 tỷ đôla, nó cho thấy “chuyến thăm của TT Obama chính thức hướng về tương lai” và thừa nhận vai trò của Việt nam trong chính sách đối ngoại - xoay trục về Á châu của Hoa kỳ,” nhất là khi Trung Quốc đang cho xây dựng các căn cứ trên các đảo ở Biển Đông mà Việt Nam và một số nước khác vẫn đòi chủ quyền. Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác kín đáo về quân sự trong nhiều năm qua và còn có nhu cầu hợp tác trong vùng cho dù hai đều chú ý tránh Trung Quốc.

Trong tuyên cáo chung thì hai bên còn có một chương trình dài để cùng làm việc với nhau như nhân quyền, thay đổi luật lệ, kinh tế, vv.
Ngày thứ hai, tại một nước mà báo chí bị kiểm duyệt và chỉ đạo chặt chẽ, TT Obama nhấn mạnh đến quyền tự do báo chí : báo chí được tự do, dân sẽ tin vào chế độ. Khi báo chí tự do, phóng viên và blogger mới có thể tố cáo những vụ tham ô hay lạm quyền. TT Obama đã gởi nhiều thông điệp qua cuộc nói chuyện kiểu “townhall meeting.” Ông đã gởi các thông điệp qua việc thấu hiểu văn hóa và lịch sử VN – trích dẫn nhiều câu thơ của Lý Thường Kiệt nói lên lịch sử oai hùng và lâu dài của Việt Nam kêu gọi tinh thần yêu nước – độc lập – tự cường. TT Obama đã làm xúc động công chúng tại Hà Nội khi ông ta nói Các nước lớn không được ăn hiếp nước nhỏ và các bất đồng phải được giải quyết một cách hoà bình”. Ông nhấn mạnh đến mối quan hệ mỗi ngày mỗi tốt đẹp với Việt Nam, ông ý thức những khó khăn do quá khứ để lại nhưng bây giờ hai nước cùng nhìn về tương lai.
TT Obama cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam – ông đã trích Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du – Kiều để nói về lich sử oai hùng của Việt Nam và tình thân hữu Việt-Mỹ mong được cả trăm năm.

Cuối cùng các cơ quan truyền thông quốc tế đều ghi nhận là chuyến thăm của TT Obama còn cho thấy tình cảm của dân chúng Việt Nam. Theo một thăm dò dư luận mới đây, thì có 78% người Việt Nam có cái nhìn tích cực đối với nước Mỹ.
Truyền thông chính thống của Trung Quốc lên tiếng cho rằng ông Obama đã “nói dối” khi cho biết việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam không nhằm vào Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Washington muốn “kìm hãm Trung Quốc”, và Hoa Kỳ muốn lợi dụng Việt Nam để tăng thêm căng thẳng ở Biển Đông, và việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận là không thực thế.
Nói tóm lại, đây là một bước lịch sử - một WIN-WIN đối với Việt Nam và Hoa kỳ. Món quà Tổng thống Obama tặng cho Việt Nam là kéo Việt Nam ra khỏi quan hệ Việt - Trung giữa đảng đàn anh và đàn em, cho Việt Nam một alternative đối với TQ.
Đối với Hoa kỳ thì chuyến thăm Việt Nam phải được nằm trong bối cảnh chuyến đi Á châu (Việt Nam và G7 tại Nhật).  Ở cấp này Hoa kỳ đã “chiếu tướng” TQ qua chuyến thăm VN và chuyến thăm Nhật làm cho TQ ngày càng cảm thấy cô đơn.

TS ĐXQ

Không có nhận xét nào: