SÀI GÒN (NV) – Hoạt động cuối cùng của Tổng Thống Barack Obama ở Sài Gòn là tham dự buổi nói chuyện với các thanh niên trong nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do ông sáng lập. Thế nhưng có một bạn trẻ, Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, sinh viên năm 4 đại học ở Sài Gòn, đã có vé mời tham dự buổi gặp gỡ này, lại bị An Ninh Việt Nam ngăn chặn, bắt đi. Phóng viên Người Việt gặp gỡ Trần Hoàng Phúc để được nghe kể lại câu chuyện dưới đây.<!->
Việt Hùng (Người Việt): Bạn có thể tường thuật lại sự việc bị An Ninh bắt khi đang chuẩn bị vào tham dự buổi nói chuyện của Tổng Thống Obama?
Trần Hoàng Phúc (THP): Sáng ngày 25 tháng 5 năm 2016, tôi đến tòa nhà GEM số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường ĐaKao, Quận 1, Sài Gòn, để tham dự buổi nói chuyện của tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, với các thành viên của nhóm YSEALI mà tôi là một thành viên chính thức.
Sau khi đã trình tấm vé mời phía ngoài cổng vào và đứng xếp hàng cùng nhiều bạn trẻ khác, khi làm thủ tục cuối cùng là trình tấm vé để vào bên trong tòa nhà GEM thì một nhân viên An Ninh Việt Nam tới kéo tôi ra trước sự ngỡ ngàng của các nhân viên An Ninh Hoa Kỳ và nhiều bạn trẻ khác.
Họ đưa tôi lên xe, chở về Sở Ngoại Vụ ở số 6 Alexandre De Rhodes, Quận 1, Sài Gòn. Tại đây họ đổi xe và đưa tôi về Công An Phường 15, Quận Tân Bình. Họ tước hết điện thoại và tài liệu trong cặp hồ sơ của tôi.
Tại đây họ bắt đầu thẩm vấn tôi với các câu hỏi như: Nguyên nhân vì sao có vé mời? Thuộc tổ chức nào? Lý do vì sao có mặt ở đoàn người xếp hàng vào gặp tổng thống? Nói chung, họ muốn biết về mối quan hệ giữa tôi và các thành viên ở lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn.
Tuy nhiên tôi nói với họ là, chuyện tôi tham dự buổi nói chuyện của tổng thống chỉ mang tính cá nhân, vì tôi là thành viên của tổ chức YSEALI do Tổng Thống Obama sáng lập. Còn mối quan hệ của tôi với các thành viên lãnh sự quán Hoa Kỳ là mối quan hệ hợp pháp, nên tôi không có gì phải trình bày với họ về những điều này, vì nó xâm phạm đời tư của tôi.
Mãi đến 3 giờ chiều họ mới thả tôi ra sau khi thu giữ tất cả tài liệu cùng vé mời tham dự buổi hội thảo với Tổng Thống Obama.
NV: Phía cơ quan An Ninh có cho biết lý do vì sao họ bắt anh không?
THP: Họ không cho biết lý do gì hết. Khi mà tôi hỏi thì họ chỉ nói những lý do rất chung chung. Kiểu như là “tôi không có ở nhà trong vòng 4 ngày qua mà không có lý do, nên phải có mặt để trình chính quyền,” (vì để đến được tòa nhà GEM tôi đã phải ra khỏi nhà trước đó mấy ngày). Ngoài ra, họ nói là tôi là người nguy hiểm cho… an ninh quốc gia. Tuy nhiên họ không đưa ra được bất cứ một bằng cớ nào chứng minh cho việc đó.
Đó chỉ là ngụy biện của họ mà thôi. Theo tôi nghĩ, lý do chính là gần đây tôi có tham gia một số sinh hoạt về dân chủ, bảo vệ quyền con người và có các công tác xã hội giúp đỡ người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Những việc làm này bị chính quyền quy vào “sinh hoạt chính trị” và họ cố tình ngăn cản.
NV: Nếu lọt vào được hội trường để tham dự buổi nói chuyện với Tổng Thống Obama. Anh muốn đặt câu hỏi gì với ông ấy?
THP: Tôi biết là rất khó để có nhiều thời gian trình bày với ngài tổng thống, nên tôi đã soạn sẵn một thỉnh nguyện thư, trình bày những vấn đề về chính sách công, tham nhũng và vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Tôi mong sẽ trao tận tay ngài tổng thống.
Ngoài ra tôi còn muốn hỏi tổng thống về vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Vì cách đây một tháng đã có một thỉnh nguyện thư với hơn 100,000 chữ ký gửi tới Tòa Bạch Ốc về vụ liên quan tới ô nhiễm môi trường do nhà máy thép Formosa gây ra.
Tôi mong muốn Tổng Thống Obama đưa ra một lời khuyên cho việc giải quyết các tình trạng do ô nhiễm môi trường gây ra, những kinh nghiệm của ông trên cương vị tổng thống khi giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường ở Mỹ, để các lãnh đạo Việt Nam có thể làm theo.
Trần Hoàng Phúc trong đoàn người xếp hàng chuẩn bị vào buổi nói chuyện của Tổng Thống Obama. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
NV: Với những thông điệp rõ ràng mạnh mẽ như vậy, nhưng tiếc là anh đã không thể vào được phía trong hội trường. Anh nghĩ như thế nào về hành động ngăn chặn của cơ quan An Ninh Việt Nam?
THP: Tôi nghĩ đây là một hành động phi pháp. Cụ thể là vi phạm quyền tự do hội họp của công dân. Việc làm này cần phải bị lên án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà nước Việt Nam cần tôn trọng các luật lệ quốc tế mà mình đã ký kết, cũng như luật lệ do chính mình ban hành. Bởi một nhà nước chỉ tồn tại bền vững khi dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
NV: Câu hỏi cuối. Anh có hy vọng gì qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama?
THP: Tôi nghĩ là các nguyên thủ quốc gia đều phải ưu tiền hàng đầu cho lợi ích của nước họ. Tổng thống Mỹ thì phải ưu tiên cho lợi ích của nước Mỹ. Bởi vậy tôi không đặt hy vọng vào sự thay đổi từ phía tác động nhiều của Hoa Kỳ.
Khi tôi muốn trao thỉnh nguyện thư cho ngài tổng thống, tôi chỉ muốn đưa được tiếng nói của một công dân Việt Nam cho tổng thống hiểu được sự quan tâm, khao khát tự do thực sự của người Việt Nam. Tất nhiên như trong lời phát biểu của Tổng Thống Obama ở Hà Nội: “không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận Việt Nam.”
Bởi vậy tôi vẫn luôn tâm niệm, chuyện của Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết. Cụ thể ở đây là người dân Việt Nam. Chúng ta phải tự tìm lấy tự do cho chính mình, chứ đừng đợi ai tới ban phát.
NV: Cảm ơn Trần Hoàng Phúc rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét