| |
VIỆT NAM (NV) - Ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, vừa tuyên bố quốc gia này “không muốn thấy bất kỳ cuộc thảo luận hoặc hành động nào làm tăng mức độ căng thẳng tại Biển Đông.” Tuyên bố này nhắm vào Hội Nghị Thượng Đỉnh G7, đã khai mạc tại Nhật hôm 25 Tháng Năm và sẽ kéo dài cho đến cuối tuần này.
|
Các ngoại trưởng của G7 tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 đang diễn ra ở Hiroshima, Nhật. (Hình: AFP)
<!-> |
G7 là một liên kết giữa bảy cường quốc công nghiệp gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật để phát triển kinh tế, thương mại. Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 là hoạt động thường niên.
Bất kể các khuyến cáo của Trung Quốc, Tháng Sáu năm ngoái, tuyên bố chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh G7, 2015, từng nhấn mạnh, G7 chống mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Đồng thời khẳng định sự cương quyết chống việc hăm dọa, cưỡng ép bằng vũ lực tại các vùng biển Châu Á và kêu gọi tất cả các bên có liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền tôn trọng luật pháp quốc tế.
Dẫu không bị chỉ trích trực diện, Trung Quốc đã phản ứng ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xem tuyên bố chung đó là “hoàn toàn sai sự thật.”
Sở dĩ Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản G7 đề cập đến Biển Đông vì sự quan tâm và quan điểm của nhóm cường quốc công nghiệp này về Biển Đông chắc chắn sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung, tự tin hơn, hành xử mạnh mẽ hơn trong quan hệ với Trung Quốc, phá hỏng kế hoạch chi phối Đông Nam Á, Châu Á và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
G7 sẽ tiếp tục cho thấy nhóm này coi Trung Quốc chẳng ra gì khi dự trù sẽ chỉ trích trực tiếp những “hành động thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông” trong tuyên bố chung. Thậm chí có khả năng, năm nay, khi thảo luận về an ninh hàng hải, các thành viên G7 sẽ tiếp tục thảo luận đề cập đến Biển Đông và quyền tự do lưu thông.
Đó cũng là lý do ngoại trưởng Trung Quốc phải vội vàng tuyên bố như vừa kể. Ngoài ông Vương Nghị, Tân Hoa Xã cũng vừa có cảnh báo, Biển Đông hoàn toàn không liên quan đến mục tiêu hoạt động của G7. G7 nên lo chuyện của mình thay vì can dự vào chuyện của người khác, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và sự ổn định toàn cầu.
Xin mời xem thêm video: Ngày cuối cùng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama
Dẫu là cường quốc công nghiệp, kinh tế của các quốc gia thành viên G7 đều có sự phụ thuộc nhất định vào thị trường Trung Quốc nên các quốc gia thành viên G7 không thể không cân nhắc về những vấn đề có liên quan đến quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên chính sự hung hăng và thái độ trịch thượng của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đang đẩy Trung Quốc đến chỗ bất lợi. Chẳng hạn ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, vừa lên tiếng khuyến cáo rằng, G7 cần có “lập trường cứng rắn” đối với vấn đề Biển Đông bởi tình hình tại đó càng ngày càng tồi tệ hơn do sự thái quá của Trung Quốc.
Ông David Cameron, thủ tướng Anh, cũng vừa công khuyến cáo là Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển trong vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông. Ông Cameron bảo rằng, cần khuyến khích Trung Quốc trở thành một phần của thế giới có luật lệ.
Như vậy là sau Hoa Kỳ và Nhật, đã có thêm hai thành viên của G7 là Đức và Anh, tuyên bố một cách rất rõ ràng rằng, Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển. (G.Đ)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét