Tôi xin mượn giai điệu của một bài hát nói về người lính Bắc Việt lên đường vào miền Nam chiến đấu để diễn tả tâm trạng của mình và của rất nhiều người người Việt Nam lúc này. Trưa nay, Sài Gòn thay mặt cả nước tiễn Ngài Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ Obama, tôi có một cảm giác trống trải đến mênh mông. Hà Nội, rồi Sài Gòn, mỗi thành phố được hân hoan một ngày rưỡi, một ngày. <!->
Tôi có mấy câu thơ đề ảnh ông Obama vẫy chào tạm biệt Sài Gòn, tạm biệt Việt Nam trong hình dưới đây:
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama không có một kết quả gì cụ thể trừ việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương, điều mà không mấy ai quan tâm. Không có hứa hẹn gì về tù nhân lương tâm. Việc thả Linh mục Nguyễn Văn Lý, một tù nhân già yếu, bệnh tật trước 2 tháng không làm cho ai thỏa mãn. Không có một hy vọng nào cho Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài… và đặc biệt là Trần Huỳnh Duy Thức với án16 năm tù. Anh tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn vào thời điểm đúng 7 năm anh bị bắt 24/5 và cũng đúng vào lúc ông Obama đang ở thăm Việt Nam.
Không có tái cam kết nào về nhân quyền, về việc chấp nhận công đoàn độc lập và các tổ chức xã hội dân sự, về chống tra tấn…
Sự kiện biển Miền Trung bị đầu độc dẫn đến 3 đợt biểu tình và 3 ngày chủ nhật liên tiếp trên toàn quốc tạm gác lại để chào mừng ông Obama, không được nhắc đến một chữ.
Điều này, trước chuyến đi của ông Obama, dư luận cũng không trông ngóng gì nhiều. Việt Nam Thời Báo có bài Đừng trông chờ nhiều ở chuyến đi thăm của ông Obama…
“Chúng ta không nên trông chờ nhiều ở chuyến đi thăm Việt Nam lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của tổng thống Mỹ Obama, một chuyến đi làm việc và làm khách của chính quyền VN, chứ không phải là một ông Nhân Quyền mà các nhà dân chủ ở Việt Nam chờ đợi.
Lại càng không thể là một bước đột phá cho các quyền con người, cũng như không thể làm cho các tù nhân lương tâm đột ngột lũ lượt ra khỏi tù được. Mặc dù ông có thể làm nhiều hơn những gì ông đã làm”.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama có vẻ như đơn thuần là một chuyến thăm ngoại giao trước khi ông hết nhiệm kỳ vì không thể để dành đến kỳ sau khi mà Hiến pháp Hoa Kỳ không cho phép ông ứng cử nhiệm kỳ thứ 3. Nhìn ở một góc độ nào đó, nó gần giống như việc ông Tổng thanh tra Nguyễn Văn Truyền trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm hàng loạt cán bộ.
Ngày mai giống như mọi ngày. Việc đàn áp dân chủ vẫn tiếp tục. Sẽ lại bắt bớ, đánh đập. Sẽ lại canh chặn những người hoạt động xã hội dân sự một cách vô pháp. Đảng CSVN sẽ lại ngang nhiên dùng luật rừng rú để cai trị đất nước. Cuộc đấu tranh với mục tiêu dân chủ hóa đất nước, giành lại quyền con người còn nhiều cam go và nhiều hy sinh, mất mát. Thông điệp của ông Obama: Tương lai đất nước các bạn do chính các bạn quyết định.Điều này đúng và không mới nhưng nó mang tính nhắc nhở. Những người hoạt động dân chủ chưa bao giờ ỷ lại vào Phương Tây nhưng rõ ràng sự tranh thủ sự ủng hộ của các nước văn minh, dân chủ là một điều chính đáng.
Đâu là thành công?
Dù vậy, sự thành công trong chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng lại nằm trong một ý nghĩa khác. Dẫu không giải quyết vấn đề gì cụ thể nhưng bài nói chuyện với công chúng của ông Obama tại Hà Nội và Sài Gòn có một giá trị rất lớn. Bằng lối diễn đạt trôi chảy, tự tin, khéo léo trên nền tảng kiến thức sâu rộng, ông đã truyền cảm hứng cho người Việt Nam về những giá trị Mỹ và thức dậy những giá trị Việt lâu nay bị bỏ quên. Ông đã làm cho người Việt Nam hiểu Mỹ hơn. Bài nói chuyện tạo hiệu quả đến mức, Facebookker Ngoc Nhi Nguyen cho rằng“Nếu người dân miền Bắc được nghe Tổng thống Mỹ nói chuyện từ năm 1945 thì sẽ không bao giờ có chiến tranh Việt Nam” .
Có thể coi sự kiện thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ lần này là một cuộc trưng cầu dân ý về việc chọn dân chủ hay chế độ độc tài.
Trong khi Chủ tịch nước tiếp đón tổng thống Mỹ với nghi thức tối thiểu và thái độ lãnh đạm rất khó hiểu thì người dân Hà Nội Sài Gòn đã bỏ hết công việc, tràn ra đường đón Ông với tất cả sự chân thành, ngưỡng mộ, cuồng nhiệt.
Không thể đổ cho hàng chục nghìn người xuống đường chào đón Tổng thống Mỹ là do thế lực thù địch hay Việt Tân xúi bẩy, thuê bằng tiền. Đó chính thực là lòng dân.
Họ ngưỡng mộ ông Obama không chỉ vì ông tài giỏi, uyên bác, vì ông bình dị, chân thành mà cái chính vì ông là hiện thân của giá trị Mỹ. Có lẽ hiếm có một quốc gia nào mà dân chúng đón tổng thống Mỹ nồng nhiệt như vậy. Ông đặt chân đến Hà Nội, đặt chân đến Sài Gòn, tất cả đều vỡ òa. Hẳn là nhiều người, kể cả các nhà lãnh đạo không tưởng tượng nổi dân chúng Việt nam lại cuồng nhiệt khi đón Tổng thống Mỹ đến thế. Và khi điều ấy xảy ra thì lại thấy dễ hiểu: đó là cơn khát dân chủ của người Việt được dịp bùng phát.
Hóa ra, cái gọi là ổn định chính trị chỉ là giả tạo. Người dân dù đã được tuyên truyền nhồi nhét đủ kiểu về một chế độ dân chủ gấp vạn lần tư bản, về một thiên đường phía trước và các nhà độc tài tưởng đã lừa được họ thì qua sự kiện đón Tổng thống Mỹ cho thấy họ đang khao khát tự do, khao khát một nền dân chủ nghị viện. Sinh ra trên đời, ai lại không muốn tự do dân chủ, dù là người châu Á hay người Âu - Mỹ. Nói dân chủ mỗi nước có đặc thù riêng chỉ là ngụy biện. Không thể nói dân các người muốn bình đẳng, còn dân tôi ưa được đè đầu cưỡi cổ.
Hóa ra nói dân tin vào đảng, yêu chủ nghĩa xã hội cũng chỉ là tự trấn an. Hóa ra tuyên truyền Trung Quốc là bạn, Mỹ là kẻ thù không thể thấm vào được lòng dân. Điều trớ trêu là trong quá khứ, Trung Quốc từng giúp Việt Nam đánh Mỹ, thế mà giờ đây, người Việt Nam ghét bạn chiến đấu cũ bao nhiêu thì lại yêu cựu thù bấy nhiêu.
Người Việt Nam đón Tổng thống Mỹ...
... và đón Chủ tịch Trung Quốc
Có lẽ trước khi mời Obama sang Việt nam, những nhà lãnh đạo Việt Nam không thể tưởng tượng được, dân chúng lại cuồng Mỹ đến thế. Điều này làm cho những người hoạt động dân chủ vững tâm hơn, tin tưởng vào con đường mình lựa chọn hơn. Còn với nhà cầm quyền Việt Nam, chắc hẳn, họ sẽ phải suy nghĩ lại đường lối và phép cai trị của mình.
Đó là thành công, thành công rất lớn và cơ bản trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ lần này.
25/5/2016
===========
* Bài hát có những ca từ sau:
...Nay con đi rồi, nhà ta vắng đi một người
Bạn bè thương con, chúng nó đến nhà hỏi thăm
Mẹ bảo nó đi đánh giặc, vào Nam biết bao giờ về…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét