Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Tin Tổng Hợp - Người dân Việt Nam: Một cổ ba tròng - LS Nguyễn Văn Đài

Trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách tại QH ngày 21/9. ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này.<!-->
Tại sao lại như vậy?
Chế độ cộng sản duy trì ba hệ thống tồn tại dựa vào tiền thuế của Nhân dân, đó là: Hệ thống chính quyền và hệ thống đảng và hàng trăm các tổ chức chính trị xã hội. Cả ba hệ thống này đều được thiết lập từ trung ương đến địa phương, có tới 3 cấp địa ở địa phương: tỉnh, huyện, xã. Và có mặt ở đủ 63 tỉnh, thành. Tất cả những người làm việc cho 3 hệ thống và 4 cấp này đều được gọi là công chức, viên chức. Và được hưởng lương từ tiền thuế của Nhân dân.
Trong khi đó ở các quốc gia dân chủ văn minh, các đảng chính trị, các tổ chức chính trị xã hội không được phép sử dụng tiền thuế của người dân. Các đảng chính trị, các tổ chức chính trị xã hội chỉ được sử dụng tiền từ việc đóng góp của các thành viên và sự ủng hộ tự nguyện của dân chúng.
Nước Mỹ với hơn 300 triệu dân đóng thuế, họ chỉ phải nuôi 2,7 triệu nhân viên Nhà nước. Việt Nam với 90 triệu dân, phải nuôi hơn 2,1 triệu nhân viên Nhà nước và quan chức đảng cộng sản.
Ngân sách hàng năm của đảng cộng sản chưa bao giờ được công khai cho những người dân đóng thuế được biết. Trong khi đó ở nhiều nơi trụ sở, trang thiết bị làm việc của các cơ quan đảng còn to lớn, hoành tráng hơn cả trụ sở của các cơ quan chính quyền.
Đa số người dân Việt Nam còn nghèo, chỉ đủ ăn, mặc, chưa được chăm sóc đầy đủ về y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội,….. và càng chưa có được các điều kiện để hưởng thụ các thành quả phát triển. Trong khi đó, hàng phải nộp cả trăm loại thuế, phí, quĩ,… khác nhau.
Ngân sách được thu từ tiền thuế, phí,… của người dân còn hạn chế, nhưng việc quản lý, chi tiêu nguồn tiền này còn lãng phí được xếp hàng đầu của thế giới.
Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2013 đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 102 về chỉ số về lãng phí trong chi ngân sách. Tức là phần chi ngân sách và lãnh phí ngân sách của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nghiêm trọng rất nhiều.
Ngày 13 tháng 6 năm 2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá có tới 30% cán bộ công chức không làm được việc. Tức là Nhân dân phải nuôi tới 700.000 cán bộ công chức, viên chức một cách lãng phí.
Thời thực dân phong kiến, người dân Việt Nam phải một cổ hai tròng đã không chịu nổi. Đất nước có độc lập, người dân lại phải một ba tròng.
Phải nuôi ba hệ thống với bốn cấp chính quyền, đảng cộng sản và các tổ chức chính trị xã hội với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khổng lồ, cộng với nạn lãng phí, tham nhũng ngân sách thì đúng là KHÔNG DÂN NÀO NUÔI NỔI BỘ MÁY NÀY.
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2015
 
mediaPhong trào dân chủ Hồng Kông đòi Bắc Kinh trả tự do cho những người ủng hộ phong trào đã bị bắt giam ở Trung Quốc. Ảnh ngày 27/09/2015.Reuters
Amnesty International nhân kỷ niệm một năm phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông hôm nay 28/09/2015 đã kêu gọi trả tự do cho tám nhà đấu tranh Trung Quốc, đang có nguy cơ phải lãnh những bản án tù nặng nề vì đã ủng hộ phong trào đòi dân chủ Hồng Kông.
Sáu người trong số đó bị cáo buộc « xúi giục nổi dậy chống chính quyền » vì đã giơ cao các biểu ngữ ủng hộ « cuộc chiến đấu cho tự do » của người dân Hồng Kông, có thể bị tuyên án đến 15 năm tù giam. Hai người còn lại có nguy cơ lãnh 10 năm và 5 năm tù, theo tổ chức Ân xá Quốc tế.
Phong trào « Chiếm đóng Trung Hoàn » (Occupy Central) đã được đưa ra vào ngày 28 tháng Chín năm 2014, với hàng chục ngàn người xuống đường tại Hồng Kông để đòi hỏi được tự do chọn lựa người đứng đầu đặc khu trong kỳ bầu cử năm 2017, chứ không bị buộc phải chọn lựa trong một danh sách đã được Bắc Kinh thông qua.
Phong trào phản kháng kéo dài 79 ngày, tuy không đạt được những nhượng bộ của Trung Quốc, nhưng « cải cách » về bầu cử của Bắc Kinh đã bị Quốc hội Hồng Kông bác bỏ vào tháng Sáu.
Được đảm bảo quy chế « một đất nước, hai chế độ » khi Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997, người dân Hồng Kông có được nhiều quyền tự do hơn hẳn ở Hoa lục.
 
mediaHồng Kông : biểu tình trước trụ sở chính quyền kỷ niệm một năm phong trào Chiếm đóng Trung Hoàn hay "Cách mạng Dù vàng". Ảnh 28/09/2015.Reuters
Người dân Hồng Kông xuống đường hôm nay 28/05/2015 kỷ niệm một năm phong trào đòi dân chủ đã làm tê liệt một phần thành phố trong suốt hai tháng mùa thu năm 2014. Cuộc biểu tình diễn ra trong căng thằng khi cảnh sát đối đầu với hàng người muốn tiếp nối « Cuộc cách mạng Dù vàng ».
Các lãnh tụ của phong trào biểu tình - mà cuối cùng đã bị khựng lại do chủ trương không khoan nhượng của Bắc Kinh - từ chối ước lượng số người sẽ tham gia. Khác với những cuộc biểu tình rầm rộ năm ngoái, cuộc xuống đường hôm nay dự định sẽ là dịp để suy ngẫm, nhằm triển khai các chiến lược mới.
Cách đây một năm, người biểu tình đòi hỏi tổ chức phổ thông đầu phiếu thực sự cho kỳ bầu Trưởng đại diện Hồng Kông năm 2017. Nhưng Bắc Kinh không nhường bước một ly nào, khiến những người tham gia phong trào « Cách mạng Dù vàng » - tên gọi có được do người biểu tình giương dù ra che chắn trước hơi cay của cảnh sát - dần dà nản chí.
Vào trưa nay, cuộc tập họp đầu tiên diễn ra gần « Bức tường Lennon » tại khu Admiralty (Kim Chung), khu vực chính bị chiếm đóng năm ngoái. Cầu thang bên ngoài được dán hàng ngàn tờ giấy nhiều màu sắc với những dòng chữ ủng hộ phong trào phản kháng.
Cũng tại khu trung tâm tài chính này, gần các trụ sở chính quyền, chiều nay cuộc biểu tình quan trọng nhất được tổ chức. Mọi người dành một phút im lặng vào lúc 5 giờ 58 (9 giờ 58 GMT), đây là thời điểm lực lượng an ninh sử dụng hơi cay tấn công người biểu tình năm ngoái. Mấy chục chiếc dù màu vàng, biểu tượng cho cuộc cách mạng được bung ra. Các nhóm ủng hộ ở Bắc Kinh cũng tổ chức những cuộc xuống đường trong ngày.
Những ngày gần đây, các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã diễn ra nhưng số người tham dự không đông đảo. Catherine Shek, nữ sinh viên 21 tuổi nói với AFP : « Hoạt động này không chỉ nhằm kỷ niệm một năm phong trào biểu tình, mà còn để chứng tỏ người Hồng Kông không buông xuôi ». Đối với anh sinh viên 18 tuổi Law Kin Wai, phong trào « Chiếm đóng Trung Hoàn » (Occupy Central) ít nhất đã đóng vai trò ngòi nổ, « gợi lên cho sinh viên và nhiều người khác ý muốn can dự » để thay đổi.
Giáo sư Đái Diệu Đình (Benny Tai), người đồng sáng lập phong trào « Chiếm lĩnh Trung Hoàn » nhận định năm 2014 là « một trong những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử Hồng Kông ».
Là cựu thuộc địa Anh được quyền tự trị rộng rãi, Hồng Kông vào mùa thu 2014 đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi bị trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh đồng ý cho bầu Trưởng đại diện bằng phương thức phổ thông đầu phiếu, nhưng các ứng cử viên phải do một ủy ban gồm những đại cử tri thân Trung Quốc lựa chọn trước.
Dự luật bầu cử được Bắc Kinh ủng hộ rốt cuộc đã bị các dân biểu ủng hộ dân chủ bác bỏ hồi tháng Sáu, và nay thì trở lại tình trạng cũ : Trưởng đại diện Hồng Kông sẽ do một ủy ban thân Bắc Kinh chỉ định.
 
Blogger Tạ Phong Tần gặp gỡ độc giả Người Việt Online
24.09.2015, WESTMINSTER (NV) – Blogger, tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, người vừa được chính phủ Hoa Kỳ can thiệp ra khỏi nhà tù Cộng Sản và đến Hoa Kỳ sẽ có buổi gặp gỡ và chuyện trò với độc giả vào lúc 4 giờ chiếu Thứ Hai, 28 Tháng Chín, 2015.
Sau khi đến phi trường LAX và định cư tại Orange County, miền Nam California, blogger Tạ Phong Tần hiện đang ổn định nơi ở, các thủ tục giấy tờ cần thiết, đặc biệt là khám và chăm sóc sức khỏe sau 4 năm bị cầm tù tại Việt Nam.
alt
Blogger Tạ Phong Tần, hình chụp hôm 24 Tháng Chín, 2015. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây nhất của báo Người Việt, blogger Tạ Phong Tần nói rằng, bà cảm thấy việc hòa nhập vào cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ 'như là ở nhà của mình.'
Môt câu hỏi khác được nhiều độc giả quan tâm là về lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH. Trước câu hỏi 'Khi người đồng hương đến đón mang cờ vàng ba sọc đỏ ra trao cho chị thì chị sẽ phản ứng ra sao?
Blogger Tạ Phong Tần trả lời rằng: ' Đưa thì mình nhận, chẳng sao cả. Mình sẽ nhận, mình sẽ công bố ngay đây là lá cờ của tự do, của tự do ngôn luận. Vì chuyện rõ ràng lắm, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã từng ở miền Nam Việt Nam, và miền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hơn nữa, lá cờ đó, ở bang Cali, đã được thống đốc bang Cali công nhận đó là lá cờ đại diện cho người Việt ở đây.'
alt
Quý độc giả quan tâm, có thể gởi trước câu hỏi về cho blogger Tạ Phong Tần bằng cách viết thẳng vào ô comment phía cuối bài và vui lòng bỏ dấu tiếng Việt.
Người Việt Online
 
Việt Nam đi từ siêu lạm phát xuống ... số không

Financial Times

Patrick McGee
24/9/2015
Trong cơn lốc giảm phát lan tràn, vật giá tăng zêrô đã đến Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi có ghi chép.
Quốc gia Đông Nam Á này gia nhập vào câu lạc bộ của các quốc gia bên bờ giảm phát: những thành viên khác là Nhật Bản và Anh Quốc.
Ông Dominic Rossi, giám đốc đầu tư của Fidelity Worldwide Investment, đặt tên cho xu hướng này là “cơn sóng giảm phát thứ ba”, để phản ánh tình trạng nhu cầu tiêu dùng yếu, giá hàng hóa thấp và giá thành đi xuống.
Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tại Việt Nam không tăng lên 0.8 phần trăm như thị trường tiên đoán. Giá tăng zêrô là con số thấp nhất trong 10 năm ghi nhận dữ kiện.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặc lớn cho quốc gia từng khốn khổ vì lạm phát có lúc lên đến 774 phần trăm vào năm 1988. Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Nếu mức giá năm 1976 là 100 thì giá 1981 là 313, giá 1984 là 1.400 và của 1985 là 2.390”.
Việt Nam khá thành công trong việc kềm hãm lạm phát, nhưng cách đây hai năm giá cả tăng hơn 6 phần trăm mỗi năm. Cách đây bốn năm lạm phát là 22 phần trăm.
Vấn đề bây giờ là chỉ tiêu lạm phát ở mức 5 phần trăm. Hồi tháng Năm, khi giá cả tăng ở mức 1 phần trăm, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chỉ tiêu vẫn là 5 phần trăm, tuy thế ông nhìn nhận tính cạnh tranh của Việt Nam có yếu đi.
Theo thống kê chỉ số giá tiêu dùng của Bloomberg thâu thập cho vùng Á Châu (không tính Nhật) thì con số cho toàn khu vực ở khoảng 2 phần trăm trong quý thứ nhì, chỉ bằng phân nửa so với đầu năm 2012, và hai phần ba dưới chỉ số của 2011.
Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hồi tháng Tám 2011, Việt Nam đối phó bằng cách nới lỏng biên độ giao dịch của tiền Đồng hai lần, từ 1 phần trăm lên 3 phần trăm, để cho tiền Đồng sụt giá và hỗ trợ xuất khẩu. Tiền Đồng từ đó mất giá 3 phần trăm và hiện ở mức 22.486 đồng = 1 đô-la.
Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thống Kê, cho biết là các biện pháp trên sẽ giúp nâng chỉ số giá tiêu dùng 0.7 phần trăm vào cuối năm. Ông nói là Việt Nam nên nhắm từ 5 đến 8 phần trăm tỷ lệ lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng.
Lạm phát đi xuống là hệ quả của việc tụt giá dầu. Giá cả chuyên chở giảm 13.1 phần trăm trong 12 tháng. Nhưng giá thực phẩm cũng giảm 1.8 phần trăm và giá nhà cửa, vật liệu xây cất giảm 1.7 phần trăm.
Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên lược dịch
Nguồn: Financial Times

30 tuổi làm Giám đốc sở ở Quảng Nam: Vì sao ầm ĩ?
Mon, 09/28/2015 - 21:14 — nguyenhuuvinh
New Page 1
Những ngày qua, dư luận chú ý đến một sự kiện khá ầm ĩ và nhiều bất bình trên các tờ báo nhà nước và mạng xã hội, đó là việc Tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh mới 30 tuổi. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là một người có thực tài, có sự minh bạch trong việc học hành, bổ nhiệm bình đẳng trong xã hội.
Sở dĩ dư luận chú ý và ầm ĩ, chỉ vì đây là con trai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
altVà không chỉ có thế, trường hợp của Lê Phước Hoài Bảo này được cử đi học bằng tiền dân với những sự vô lý về thời gian, trái các quy định, được cất nhắc lên vị trí quan trọng, nói theo ngôn ngữ dân gian là "ho ra bạc, khạc ra tiền", đã làm dư luận nóng lên vì sự bất thường đến mức gần như là sự trắng trợn. Không chỉ những người dân trên mạng xã hội, mà các quan chức Cộng sản như Tôn Nữ Thị Ninh đã phản ứng rằng: "Tôi sẽ từ chối chức giám đốc Sở khi mới 30 tuổi".
Có lẽ chỉ có ở Việt Nam thời Cộng sản, người ta mới có quan niệm rằng một người đã ở tuổi 30 đảm nhiệm một chức vụ như vậy là còn quá trẻ. Bởi thực ra thì với lứa tuổi đó cho một nhà chính trị, thì đã là quá già. Thực tế, với lứa tuổi 30, không còn là quá trẻ để đảm nhận một chức vụ như Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư một tỉnh nhỏ như Quảng Nam, thậm chí là còn cao hơn.
Vì sao 30 tuổi đã quá già?
Trong lịch sử đất nước ta, nhiều vị anh hùng của đất nước, các danh nhân xưa nay, việc phát tiết và có những công trạng đóng góp cho đất nước khi tuổi còn trẻ, thậm chí quá trẻ là rất nhiều.
Trần Nhật Duật đã được phong làm "Trấn thủ Đà Giang" cầm quân đi dẹp loạn Trịnh Giác Mật và ông đã hoàn thành vẻ vang việc được giao, dẹp yên bờ cõi để nhà Trần nước Đại Việt rảnh tay chống giặc Nguyên. Khi đó, Trần Nhật Duật mới có 25 tuổi.
Vua Quang Trung -  Nguyễn Huệ khi 20 tuổi đã là một tướng quân, chém chết Lý Trình đuổi Khắc Tuyên bỏ chạy về Quy Nhơn. Năm 23 tuổi, làm chủ tướng mang quân vào Nam chiến đấu để rồi khi 35 tuổi dẫn đại quân vào Thành Thăng Long sau khi tiêu diệt và phá tan 20 vạn quân Thanh.
Không chỉ đàn ông, ngay cả phụ nữ, trong lịch sử nước nhà cũng không hiếm những người trẻ tuổi, tài cao lập những công trạng lớn. Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong trận đại phá quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Nguyễn Huệ chỉ huy khi bà mới có 19 tuổi.
Có thể kể nhiều hơn, về những danh nhân đất Việt đã từng nổi danh và làm nhiều việc anh hùng khi còn rất trẻ, thậm chí trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 30.
Đấy là câu chuyện lịch sử nước Việt, còn trên thế giới quanh ta thì sao? Trừ những nước độc tài cha truyền con nối không kể đến thì John Fitzgerald Kennedy lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ khi mới 42 tuổi, Barack Obama làm Tổng Thống Hoa Kỳ ở tuổi 47. Ở nước Anh, David Cameron trở thành Thủ tướng Anh khi ông 44 tuổi vào ngày 11/5/2010. Còn Mikheil Saakashvili sinh năm 1967, là một nhà chính trị Gruzia và hiện là đương kim Tổng thống Gruzia. Ông nắm quyền Tổng thống ngày 25/1/2004, khi mới 37 tuổi. Ngoài ra Dmitry Medvedev sinh năm 1965. Ông trở thành Tổng thống Nga vào ngày 7/5/2008 khi ông mới 43 tuổi.
Nếu thấy những chính khách trở thành Tổng thống, thủ tướng ở các đất nước hùng mạnh ấy với các lứa tuổi của họ, thì ở tuổi 30 làm chức Giám đốc Sở ở một tỉnh nhỏ như Quảng Nam, chẳng có gì là quá trẻ. Thậm chí, có thể nói là đã quá già, để có thể chọn một ứng viên lãnh đạo đất nước.
Bởi vì với cái quy trình bổ nhiệm, lý lịch và bao nhiêu thứ nhiêu khê, cộng với đám lãnh đạo luôn tham quyền, cố vị độc tài luôn cảnh giác trước thế hệ trẻ, chỉ sợ mất đảng, bán giữ đến tuổi 70 thì khi leo lên đến ghế lãnh đạo đất nước, cũng còn là một con đường dài dằng dặc không phụ thuộc tài năng.
30 tuổi "còn quá trẻ" vì "một số loài vật bình đẳng hơn"?
Sở dĩ, khi một Giám đốc sở được bổ nhiệm ở tuổi 30, người ta cho là quá trẻ với bao điều dị nghị, chỉ bởi anh ta là con cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Bao nhiêu nghi vấn, câu hỏi được minh bạch hóa trên mạng Internet rằng việc cho đi học bằng tiền nhà nước sau khi đã đi học một năm ở Mỹ, rằng Lê Phước Hoài Bảo là không rõ ràng và minh bạch, rằng anh ta đã không đáp ứng được yêu cầu về trình độ, chuyên môn và thời gian công tác... như quy định vốn đã ăn sâu vào đầu não người dân. Những điều đó đã chứng minh rằng: Đây chỉ là sự tham nhũng chức vụ trầm trọng, chứ chẳng phải vì tài năng, hoặc vì một lý do nào đó có sức thuyết phục.
Một nguyên nhân nữa, mà chúng ta đều biết, rằng hệ thống tuyên truyền Cộng sản bao năm qua, ra rả chửi chế độ phong kiến là thối nát, là lạc hậu đã sử dụng người tài theo kiểu: "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa". Rồi thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật...
altNhưng ngày nay, chế độ cộng sản đã không ngần ngại dẫm lên cái mà họ đã mất công chửi rủa bao năm qua. Biết bao con ông, cháu cha, bằng tiền bạc, thế lực và lý lịch đã lại tiếp tục được cân nhắc được bổ nhiệm theo kiểu "con quan thì lại làm quan". Còn dân chúng, thì chỉ riêng kiếm một chân viên chức quèn đã phải lo lót hối lộ đến cả trăm triệu đồng không xong. Thế là "con sãi ở chùa, lại quét lá đa".
Và vì thế, người ta chú ý đến những việc người cộng sản đã làm. Hầu như, ở các tỉnh, thành phố cho đến Trung ương, không một quan chức cộng sản nào không lo lót, bố trí con cái, cháu chắt họ hàng mình vào hệ thống cai trị. Thậm chí mới đây, báo chí còn cho biết Bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp mà đã trở thành phổ biến trong bộ máy công quyền của Việt Nam.
altViệc này không khác mấy với việc họ đã liếm lại bãi nước bọt của mình đã nhổ ra.
Một lý do nữa, là hệ thống công quyền cộng sản đã được vận hành theo chủ nghĩa lý lịch vốn tạo bất bình đẳng và bất bình trong dư luận xã hội, gây biết bao hậu quả tai hại cho xã hội. Nó như một căn bệnh khó chữa khi mà nạn tham nhũng tiền bạc, của cải, đất đai vốn đã trầm trọng, nay lan sang tham nhũng chính trị, chính sách, chức vụ và quyền lực như khối u di căn của căn bệnh cộng sản độc tài ngày càng phát tác.
Trong nhiều lý do khó có thể kể hết, để dư luận người dân thấy bất bình và bất thường khi bổ nhiệm Giám đốc Sở ở tuổi 30, đó là não trạng Cộng sản vốn độc tài, tham quyền cố vị đã quá ăn sâu vào đầu người dân và gần như đã thành một định kiến tất yếu.
Người ta không thấy lạ khi Trường Chinh được hai người dìu hai bên để đọc lời khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 5, hoặc Nguyễn Phú Trọng ở tuổi 71, người dân tặng cho một xú danh "Trọng Lú" từ khi còn rất trẻ mà vẫn bám ghế rao giảng những điều ngớ ngẩn, vô định cho đến tận bây giờ.
Nhưng người ta thấy lạ khi một Giám đốc sở được bổ nhiệm ở tuổi 30.
Người ta không thấy lạ khi hệ thống chính trị tự coi mình là trí tuệ, để các ủy viên Bộ Chính trị có thể tự nâng mức tuổi "phục vụ nhân dân" của mình lên 65, 67 tuổi vẫn bám trụ, nhưng người ta thấy lạ khi một quan chức trẻ tuổi đưa đơn xin nghỉ sớm.
Người ta không thấy lạ, khi hệ thống tuyên truyền luôn rêu rao rằng mọi công dân bình đẳng trước pháp luật.
Thế nhưng người dân thấy lạ khi một sinh viên mới tốt nghiệp Phổ thông trúng tuyển vào Đại học bị từ chối vì cha đã bị án treo từ khi nó chưa đẻ mà lý lịch còn để lại. Nhưng với trường hợp con quan chức Cộng sản như Lê Phước Hoài Bão, thì người ta lớn tiếng: Đừng quan tâm đến lý lịch làm gì.
Phải chăng, trong cái Trại súc vật này, mọi điều luật, mọi quy định đã từ "bảy điều răn được giảm xuống còn một câu duy nhất: "Tất cả các loài vật đều bình đằng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác."
Liệu có hy vọng gì ở những Giám đốc sở tuổi 30?
Nhiều thông tin bức xúc, phản ứng với chuyện bổ nhiệm mà đa phần cho là sự tham nhũng chức vụ, chính trị ở đây, đã buộc báo chí, các "chính khách", những người có chức vụ lên tiếng bào chữa. Những lời bào chữa này, cứ như nếu Quảng Nam không có một Lê Phước Hoài Bảo, thì chắc tỉnh này sẽ xuống bùn? Rồi người ta nại ra rằng Tỉnh này đã có chương trình thu hút nhân tài, rằng anh ta đã có bằng Thạc sĩ, tốt nghiệp ở Mỹ. Rồi thì anh ta giản dị... thôi thì đủ cả mọi lời khen ngợi.
Chỉ chưa thấy họ khen ngợi rằng: Trên mạng Internet, người ta đã tìm ra một Lê Phước Hoài Bảo đã từng ra mặt chống phá những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược? Nếu chi tiết tìm tòi này là đúng, thì hẳn đây phải là tiêu chuẩn chính trị đầu tiên chăng?
altNhiều người vẫn nhớ rõ rằng cái gọi là chương trình thu hút nhân tài cuả Quảng Nam đã thực hiện như thế nào? Cô giáo Lê Thị Bích Hạnh, một Thạc sĩ được Quảng Nam nhận vào theo diện thu hút nhân tài. Thế nhưng, khi dạy học, cô giáo này đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin về Hồ Chí Minh qua mạng Internet và đã lập tức bị đuổi khỏi trường.
Nhân tài ở đất Quảng, cũng như ở mọi vùng đất trên đất nước này, nếu muốn được sử dụng đều phải răm rắp tuân theo ngọn roi của ông chủ gánh xiếc cộng sản, thì dù có là thần đồng cũng bó tay.
Người ta vẫn biết, khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, một ủy viên duy nhất có bằng đào tạo tại Mỹ, đã từng được giao nhiệm vụ đầy hy vọng là ông sẽ cải tạo lại ngành Giáo dục. Thế nhưng, ông cũng hò hét từ phong trào 2-0 rồi 4-0... Nhưng cuối cùng đã phải ngậm ngùi ra đi để tất cả ngành giáo dục Việt Nam hùng dũng trở lại tình trạng 0-0 của sự thối nát.
Vậy có thể tin tưởng hy vọng gì ở những người đã được học hành ở các nước tư bản tiên tiến khi về Việt Nam vào hệ thống chính trị chăng?
Xin thưa là đừng có mơ.
Bởi dù tài giỏi đến đâu, nhưng khi hòa nhập vào hệ thống chính trị này, nó cũng như cỗ máy sẽ quét anh đi theo đúng quỹ đạo của nó. Một chiếc ốc vít ngoại, dù tốt cũng không thể làm thay đổi hành trình của cỗ máy ọc ạch, già nua và cổ lỗ này.
Vì thế, đừng quá mơ hồ mà thừa thãi sự hy vọng vào những người vốn đã từ đầu chui vào các cơ quan quyền lực bằng sự tham nhũng: Tham nhũng chức vụ và chính trị.
Hà Nội, ngày 29/9/2015
·       J.B Nguyễn Hữu Vinh
Chính sách ngoại giao của tổng thống Obama đối với Á châu
**Trần Bình Nam** phóng dịch
(VNC) Lời giới thiệu: Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 này của ông Chủ tịch Nước Trung quốc Tập Cận Bình, tạp chí Foreign Affairs  (số Tháng 9 & 10, 2015) trích một phần trong cuốn sách “The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power” của giáo sư Thomas J. Christensen  chuyên giảng dạy khoa “Chính trị thế giới về Hòa bình và Chiến tranh”  (World Politics of Peace and War) tại đại học Princeton. Giáo sư Christensen còn là Phụ tá Bộ trưởng bộ Ngọai giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á sự vụ từ năm 2006 đến 2008.
Bài trích của giáo sư Christensen được Foreign Affairs trình bày dưới tựa đề: Obama and Asia: Confronting the China Challenge
******************************
Trung quốc trổi dậy tạo ra hai câu hỏi: làm thế nào để Trung quốc không đe dọa sự ổn định trong vùng Á châu - Thái bình dương và quan trọng hơn là để Trung quốc đóng góp vào việc ổn định thế giới. Về quân sự Trung quốc chưa sánh được với Hoa Kỳ, nhưng cũng đủ  mạnh để đe dọa lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Á châu –Thái bình dương. Và tuy Trung quốc còn đang phát triển và có nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết bàn tay Trung quốc cũng không thể thiếu đối với các vấn đề chung như sự lan truyền vũ khí nguyên tử, khí hậu toàn cầu và vấn đề tài chánh thế giới. Vào cuối nhiệm kỳ 2 của tổng thống Bush, quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ có vẻ êm êm. Qua thời tổng thống Obama, có thêm vài tiến bộ trong quan hệ của hai nước, nhưng nói chung hiện nay quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ căng thẳng hơn hồi năm 2009. Điều này không có nghĩa vì chính quyền Obama vụng về, mà chính yếu do Trung quốc tạo ra nhiều hơn. Sau khi giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008 một cách gọn gàng hơn các nước Tây phương (Hoa Kỳ và Âu châu) Trung quốc tự tin và do đó trở nên khó chơi hơn trước. Và chính quyền Obama đã làm những gì cần làm để cho quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ dù có căng thẳng cũng vẫn ở trong mức độ giải quyết được. Chính quyền tới (2017- 2020) dù là Dân chủ hay Cộng hòa vẫn đối điện với hai vấn đề căn bản trên đối với Trung quốc và do đó sự nghiên cứu về chính sách của tổng thống Obama đối với Á châu là một nhu cầu cần thiết để hoạch định các đối sách mới.
**
Như đã nói, sau khi vuợt qua khủng hỏang kinh tế toàn cầu cuối thập niên 2008 Trung quốc trở nên tự tin hơn, nhưng Trung quốc vẫn không khỏi lo ngại nền kinh tế đặt nặng vào xuất khẩu và bơm vốn vào mạch kinh tế quốc gia cũng không phải là một chính sách lâu dài và đang tạo bất ổn trong xã hội. Nhu cầu làm thế nào để vừa phát triển nhanh mà vẫn duy trì được sự ổn định buộc các nhà lãnh đạo Trung quốc luôn luôn điều chỉnh chính sách kinh tế và quốc phòng. Nhu cầu này buộc Trung quốc biểu lộ chủ quyền và sức mạnh quốc gia bằng những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông và trở nên thiếu uyển chuyển  trong các vấn đề quốc tế như giúp ổn định kinh tế thế giới, giải quyết vấn nạn thời tiết, biện pháp trừng phạt các quốc gia bất trị và kiểm soát sự lan tràn vũ khí nguyên tử.

Đứng trước một quốc gia như vậy, tổng thống Obama vẫn tạo được thành quả là tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á châu. Nhưng tổng thống Obama đã để hở lưng ở những nơi quan yếu khác trên thế giới (TBN: “Assad phải đi” nhưng Addsad cũng chẳng đi; “Syria xử dụng vũ khí hóa học là bước qua lằn gạch đỏ” nhưng qua lằn gạch đỏ rồi cũng chắng thấy tổng thống Obama động tĩnh gì). Không tin vào lời của ông Obama, Trung quốc càng dè dặt trong sự hợp tác với Hoa Kỳ.

Trong suốt nhiệm kỳ 1 của tổng thống Obama, Hoa Kỳ nói nhiều đến chính sách xoay trục (pivot, có nghĩa trở lại) về Á châu trong khi đang rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan. Nhưng danh từ “xoay trục về Á châu”  có vẻ cường điệu vì trên thực tế Hoa Kỳ chưa bao giờ rời khỏi Á châu – Thái bình dương. Các chuyển dịch quân sự như gởi thêm tàu ngầm đến đảo Guam, gởi khu trục cơ F-22 đến Nhật, gởi tàu tuần duyên trang bị vũ khí nặng đến Singapore, ký Thỏa ước thương mãi với Nam Hàn, và vận động Thỏa ước mậu dịch TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) gồm các nước ven Thái bình dương (nhưng không mời Trung quốc) đều được bắt đầu từ chính quyền George W. Bush. Tổng thống Obama đã thêm vào các chính sách trên một số hoạt động tích cực như gởi nhiều sứ giả (ngoại giao, quốc phòng) đến thăm các nước Á châu – Thái bình dương, giúp cởi bỏ chế độ quân phiệt tại Miến Điện, ký vào Thỏa ước giao hảo và hợp tác Đông Á (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia – văn kiện này là văn kiện khai sinh ra Hiệp hội ASEAN), tham gia các buổi họp thượng đỉnh các nước Đông Á (East Asia Summit) và  Diễn Đàn ASEAN (Asean Regional Forum) biến hai tổ chức này thành những diễn đàn thực chất bàn về các vấn đề an ninh và ổn định địa phương.

Tuy nhiên các điều Hoa Kỳ đã làm được  trong 7 năm qua không cần phải đặt trong chính sách “pivot” làm Trung quốc khó chịu nghĩ rằng Hoa Kỳ có dụng ý bao vây mình.  Đối với chính sách xoay trục các nước Đông Á vừa yên tâm vừa lo lắng. Lo vì Hoa Kỳ không dấu diếm sự kiện là Hoa Kỳ hiện không có khả năng đương đầu hai mặt trận lớn trên thế giới một lúc. Dựa hẵn vào Hoa Kỳ thì khi Hoa Kỳ vì nhu cầu mặt trận khác quan trọng hơn quay lưng đi thì ai bảo vệ mình. Thấy cái chính sách pivot “chênh vênh” gần đây Hoa Kỳ điều chỉnh dần và gọi là “rebalance” (chính sách tái cân bằng) . Pivot là nghiên hẵn về một phía, rebalance là có tới có lui.

Về chữ nghĩa trong văn bản thỏa thuận nhau, Hoa Kỳ còn hái thêm một bất lợi khác. Tháng 11 năm 2009 khi tổng thống Obama công du Trung quốc, Hoa Kỳ ký với Trung quốc một thông cáo chung cam kết tôn trọng quyền lợi bình thường của nhau. Nhưng có một khoản ghi: “Hai bên đồng ý tôn trọng quyền lợi cốt lõi của nhau là tối quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc” (nguyên văn: The two sides agreed that respecting each other’s core interests is extremely important to ensure steady progress in US-China relations). Trung quốc từng tuyên bố quyền lợi cốt lõi của Trung quốc là (1) sự độc quyền cai trị đất nước của đảng Cộng sản Trung quốc và (2) sự vẹn toàn lãnh thổ và lãnh thổ đối với Trung quốc ngoài lục địa còn gồm Đài Loan, đảo Doaoyu (tên Nhật là Senkaku) và Hoàng Sa, Trường Sa trong biển Đông. Dựa trên điều khoản thỏa thuận đó mỗi lần Hoa Kỳ đòi cởi mở chính trị tại Trung quốc hay lên tiếng bàn về Biển Đông là Trung quốc mang điều khỏa thỏa thuận kia ra để tố cáo Hoa Kỳ không tôn trọng cam kết .

Sau khi đắc cử, tổng thống Obama cho Trung quốc cái cảm tưởng là sẽ mềm mỏng hơn đối với Trung quốc. Nhưng qua năm 2010 sau khi Hoa Kỳ tiếp tục các chính sách bình thường như bán vũ khí cho Đài Loan, lên tiếng tố cáo Trung quốc không tôn trọng quyền tự do trên mạng toàn cầu (internet freedom) và dự tính tiếp đức Đạt Lai Lạt ma tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Trung quốc thất vọng và trở nên cứng rắn đối với Hoa Kỳ.

Hiện nay quan hệ Hoa Kỳ-Trung quốc căng thẳng hơn đầu năm 2009 nhưng tình hình này do Trung quốc tạo ra hơn là do Hoa Kỳ. Năm 2010 khi Bắc Hàn hai lần gây sự với Nam Hàn gây thương vong cho binh sĩ và thường dân Nam Hàn, Trung quốc bênh vực Bắc Hàn tố cáo Hoa Kỳ và Nam Hàn là nguyên nhân của khủng hoảng. Kết quả của vụ việc này là làm cho quan hệ giữa  Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn trở nên khắng khít hơn, như hợp tác tình báo và tập trận chung trong Hoàng Hải. Thấy bất lợi Trung quốc lùi bước và cuối năm đã khuyên Bắc Hàn thận trọng.

Tháng 7 năm 2010 tại Hội nghị Điễn đàn địa phương ASEAN (ASEAN Regional Forum)  ở  Hà Nội khi bà bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton  tuyên bố rằng Hoa Kỳ không thiên về bên nào trong việc đòi hỏi chủ quyền các hải đảo trên biển Đông, nhưng bà yêu cầu các bên giải quyết các khác biệt trong tinh thần hòa bình và phải dựa các đòi hỏi của mình căn cứ trên Luật Biển. Bà yêu cầu các nước Á châu hợp tác và tìm một thỏa thuận chung trong cách ứng xử. Lập trường của Hoa Kỳ được các nước tham dự trong đó có Việt Nam nhất loạt ủng hộ đã làm cho Trung quốc cảm thấy bị cô lập và ông bộ trưởng ngoại giao Trung quốc đã phản ứng một cách giận dữ làm cho các nước Đông Á ngao ngán và thấy có nhu cầu xích lại với nhau và xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Tháng 9, quan hệ Trung quốc-Nhật bản  căng thẳng sau khi Nhật bắt giữ  một thuyền trưởng đánh cá Trung quốc cho là đánh cá trái phép trong vùng đảo Senkaku. Trung quốc định làm dữ, và Hoa Kỳ cảnh giác Trung quốc bằng cách tái xác nhận lập trường của Hoa Kỳ tuy không đứng về bên nào về quyền sở hữu, nhưng xác nhận Nhật đang quản lý hành chánh đảo Senkaku, và Điều 5 của bản Thỏa ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật được áp dụng (TBN: Điều 5 của thỏa ước an ninh ràng buộc Hoa Kỳ bảo vệ Nhật nếu Trung quốc tấn công Nhật bản. Mấy năm sau khi chính phủ Nhật mua lại của tư nhân (Nhật) một số đảo nhỏ chung quanh, Trung quốc làm dữ cho dân chúng lục địa biểu tình phản đối, tăng cường hoạt động của Không quân và Hải quân trong vùng và thiết lập một vùng trời cấm bay tự do gọi là Air Defense Identificaion Zone  (ADIZ)  phủ lên toàn bộ vùng tranh chấp. Hoa Kỳ không đếm xỉa đến quyết định của Trung quốc và cho máy bay B-52 bay qua vùng ADIZ để bày tỏ thái độ. Trung quốc êm rơ. Tình hình mới làm cho Nhật Bản thấy có nhu cầu hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và căng thẳng chung quanh Senkaku được lắng xuống. (TBN: xem tài liệu dịch thuật số 74 
http://www.tranbinhnam.com/story/BanCoTayThaiBinhDuong.html)

Đối với Philippines và Việt Nam, Trung quốc không nhường nhịn như đối với Nhật. Trung quốc đơn phương chiếm bãi đá ngầm Scarborough, và năm 2012 thành lập khu quản trị hành chánh để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield.

Và mới nhất là việc xây đắp quy mô biến một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự. Tháng 5/2015 tại hội nghị Shangri-La ở Singapore, ông Ashton Carter, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo và yêu cầu Trung quốc chấm dứt ngay những cuộc xây đắp không có thiện chí hòa bình đó.

Trước thái độ  “bắt nạt lân bang” của Trung quốc, Hoa Kỳ đã kiên định lập trường  bảo vệ sự “tự do di chuyển” trong vùng trời và vùng biển trong Biển Đông và làm cho các nước Đông Nam Á an tâm phối hợp nhau để chống lại áp lực của Trung quốc .
**
Về quan hệ quốc tế liên quan đến sự kiểm soát sự phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, Trung quốc không tỏ ra sốt sắng, lấy lý do Hoa Kỳ đã không tôn trọng thỏa thuận với Gaddafi và khi ông ta chịu hủy bỏ chương trình nguyên tử  thì cuối cùng bị lật đổ và giết chết. Trung quốc tỏ ý không muốn can thiệp áp lực Bắc Hàn ngưng sản xuất vũ khí vì Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ không có chính sách nào bảo đảm an ninh cho lãnh tụ Kim Jong-un.  Đó là lý do Trung quốc tăng viện trợ kinh tế để Bắc Hàn có thể đỡ đòn trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.  Riêng đối với quan hệ với Bắc và Nam Hàn, Tập Cận Bình có vẻ muốn kềm chế Bắc Hàn hơn thời Hồ Cẩm Đào.

Từ năm 2006 đến 2008 Trung quốc hợp tác với Liên hiệp quốc vận động Bắc Hàn ngưng các chương trình  nguyên tử, nhưng vào năm cuối cùng của chính quyền Bush, cuộc thương thuyết bất thành. Những năm đầu tổng thống Obama cứ để tình hình yên ắng như vậy. Mãi đến đầu năm 2012 tổng thống Obama mới đưa ra những điều kiện dễ dàng hơn để tiếp nối nối cuộc thương thuyết. Nỗ lực này tuy không thành, nhưng ít nhất tổng thống Obama đã tỏ ra mềm dẽo để qua đó cải thiện quan hệ với Trung quốc.

Đối với Iran, Obama tăng cường sức ép. Điều này làm Trung quốc khó chịu và phản ứng bằng cách tăng mậu dịch và mua nhiều dầu hỏa của Iran. Các nước Âu châu cũng có nhu cầu mua dầu của Iran và kết quả Iran không bị  sức ép đủ để phải ký với Hoa Kỳ và Âu châu một thỏa ước nguyên tử với điều kiện của Hoa Kỳ và Âu châu, là chương trình nguyên tử của Iran phải nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Nguyên tử  năng quốc tế.

Khoảng cuối thập niên 2000, Trung quốc thay đổi chính sách “không can thiệp” vào chuyện nội bộ của các nước khác. Năm 2006 và 2007 Trung quốc đã áp lực Soudan chấp nhận để một lực lượng Liên hiệp quốc đến duy trì hòa bình tại Darfur, và lần đầu tiên Trung quốc gởi một đơn vị tham gia lực lượng này. Sau đó, năm 2009 Trung quốc gởi một hải đội đến giữ gìn an ninh thủy vận trong Vịnh Aden chống hải tặc. Sự hợp tác của Trung quốc đối với chính quyền Obama rõ nét nhất khi vào đầu năm 2011 tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc Trung quốc bỏ phiếu thuận đưa Lybia ra tòa án quốc tế về vụ tàn sát những người tham dự cuộc nổi dậy mùa Xuân Arập chống Gaddafi. Nhưng sau đó Trung quốc thất vọng khi NATO đã giúp thành phần nổi dậy bắt và giết Gaddafi .
Trong lĩnh vực kiểm soát độ nóng của khí quyển, Trung quốc sốt sắng hợp tác hơn. Năm 2014 tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Á châu – Thái bình dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APAC), có sự tham dự của tổng thống Obama và Tập Cận Bình, Trung quốc đồng ý giảm dần và (có thể) sẽ chấm dứt thải khí nhà kiếng vào khí quyển vào năm 2030. Đồng thời Trung quốc hứa tiến hành ngay việc sản xuất 20% điện lực bằng nhiên liệu không thải khí. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cắt 26% khí nhà kiếng (so với mức đã thải ra năm 2005) vào năm 2026. Thỏa ước này mang lại nhiều hy vọng cho hội nghị quốc tế về khí hậu vào cuối năm nay tại Paris. Còn nhớ  tại hội nghị quốc tế về khí hậu năm 2009 tại Copennagen, Trung quốc đã không hợp tác và mọi cuộc thảo luận đều không đi tới đâu.
**
Dựa vào thành quả và thất bại của chính quyền Obama, chính quyền Hoa Kỳ (sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016) rút được bài học gì khi đối tác với Trung quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế?

Tại Á châu Hoa Kỳ cần tăng cường sự hiện diện quân sự thế nào để Trung quốc không thấy mình bị bao vây. Và trước khi tiếp cận Trung quốc về một vấn đề quan trọng địa phương hay quốc tế, Hoa Kỳ cần vận động sự ủng hộ của đồng minh trước. Trung quốc rất nhạy cảm khi phải chọn một thái độ làm mất lòng các nước có thể trở thành bạn .
Điều quan trọng là Hoa Kỳ cần nhận dạng Trung quốc đúng hình thù của nó: một cường quốc, nhiều tự  ái quốc gia, đang phát triển với nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết. Hoa Kỳ cần đo lường đúng mức giới hạn nào thì Trung quốc có thể chịu đựng được. Và trái lại Trung quốc cần phải hiểu giới hạn kiên nhẫn của Hoa Kỳ (TBN: Việc Trung quốc tiếp tục xây dựng thêm phi đạo và nới rộng các căn cứ trên các đảo nhỏ và mỏm đá ngầm trong vùng Trường Sa, như các không ảnh tiết lộ ngày 15/9 vừa qua cho thấy - mặc dù trước đó hứa sẽ ngưng - là một thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ.)

Trong bối cảnh quân sự và ngoại giao hôm nay tại Á châu – Thái bình dương cũng như  trách nhiệm của Hoa Kỳ và Trung quốc trước các vấn đề thế giới, một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung quốc và Hoa Kỳ là điều khả dĩ khó xẩy ra trong một tương lại gần (TBN: nhưng “gần bao nhiêu” lại là chuyện khó đoán của tương lai)./.
Trần Bình Nam phóng dịch
Sept . 21, 2015
 
Ðừng nghe những gì Tập Cận Bình nói 
25.09.2015 - Ngô Nhân Dụng
Ðọc câu tựa đề trên đây, quý vị biết ngay còn một vế thứ hai: Mà hãy nhìn kỹ những gì Tập Cận Bình làm. Trước khi sang thăm Mỹ chuyến này, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết bài trả lời nhật báo Wall Street Journal, trong đó có một đoạn giải thích tại sao Trung Cộng xây phi trường trên các hòn đảo nhân tạo vùng Trường Sa, mà người Tàu gọi là Nam Sa. Ngay câu đầu tiên Tập Cận Bình viết trả lời bài phỏng vấn đã nói một điều gian dối trắng trợn: “Từ thời xưa Nam Sa đã thuộc địa phận Trung Quốc; theo các bằng chứng lịch sử và luật pháp.”
Nếu chính quyền Cộng Sản Việt Nam có can đảm và thực lòng yêu nước, họ phải bắt lấy lời khẳng định này mà thách đố đảng Cộng Sản Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, hai bên cùng đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý, mời các luật gia và sử gia thế giới cùng phán đoán xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quốc gia nào. Bằng chứng pháp lý gần nhất là hiệp định chấm dứt cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khi Nhật Bản chấp nhận từ bỏ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nga Xô đề nghị trao các quần đảo này cho chính phủ Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, đề nghị này đã bị bác bỏ với tỷ số 46/3. Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam lúc đó là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố các quần đảo trên thuộc chủ quyền nước Việt Nam, và không một quốc gia nào phản đối. Bằng chứng lịch sử hiển nhiên nhất là hai lần quân đội Trung Cộng đã tấn công và đánh chiếm Hoàng Sa (năm 1974) và đảo Gạc Ma (Trường Sa, năm 1988).
Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có bổn phận trưng ra khắp thế giới những sự thật trên đây, để cho thế giới thấy Tập Cận Bình nói những lời dối trá không biết ngượng.
Trong bài phỏng vấn của Wall Street Journal, Tập Cận Bình còn nói rằng: “Việc xây dựng và tu bổ những tiện nghi trên một số đảo và đá san hô có đóng quân trong quần đảo Nam Sa không nhằm gây ảnh hưởng hoặc nhắm vào một quốc gia nào cả,... Các cơ sở này dựng lên để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các nhân viên hàng hải người Trung Hoa, cung cấp các dịch vụ và tiện ích công cộng cho cộng đồng quốc tế, và bảo vệ an ninh cùng quyền tự do hải hành trong biển Nam Trung Hoa tốt đẹp hơn.” Tất nhiên, cả thế giới không ai tin những lời ngụy biện mơ hồ này. Những phi trường, pháo đài, căn cứ quân sự mà Trung Cộng mới xây dựng không hề bảo vệ mà còn “đe dọa an ninh và quyền tự do hải hành.” Bằng cớ là quân lính Trung Cộng đã đe dọa các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam từ hai chục năm nay, trước khi xây các căn cứ đó.
Cả thế giới không ai ngây thơ tin vào những lời gian trá mà Tập Cận Bình mới nói. Cũng không ai tin khi Tập Cận Bình cam kết trước các doanh nhân Mỹ, để mời các công ty sang hoạt động ở Trung Quốc nhiều hơn. Một mối lo của các công ty sống nhờ phát minh, sáng chế là các sáng kiến kỹ thuật của họ bị ăn cắp. Tập Cận Bình đã bảo đảm với họ: “Chính phủ Trung Quốc không làm công việc ăn trộm trong thương mại, cũng không khuyến khích hoặc hỗ trợ ai làm việc đó.” Có ai tin vào lời hứa hẹn “không ăn cắp” của Tập Cận Bình hay không?
Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã truy tố năm công dân Trung Cộng về tội “ăn cắp bằng kỹ thuật tin học” (hacking) ít nhất ba cơ sở thương mại ở Mỹ: Công ty Westinghouse Electric, công ty khai mỏ Alcoa, và cả một tổ chức lao động: Công đoàn Quốc tế Công nhân Dịch vụ. Cơ quan Ðiều tra Liên bang (FBI) đã thiết lập một mạng chuyên thông tin và nạn gián điệp kinh tế, trong đó Trung Quốc là trọng tâm. Người Tàu sử dụng nhiều kỹ thuật ăn cắp: Ðiều tra về nhân viên các công ty Mỹ, xem có thể mua chuộc hay dọa nạt ai, dùng các mạng giao tế LinkedIn hay Facebook trong công việc điều tra và tuyển mộ này, và chụp hình bên trong các cơ sở thương mại không được bảo vệ.
Ngay lúc Tập Cận Bình mới đặt chân trên đất Mỹ được hai ngày, ngày 24 tháng 9, 2015, nhật báo Wall Street Journal loan tin một bản báo cáo mới đã công bố đích danh một tin tặc, mang tên Ge Xing (có thể là Cá Tính, một biệt hiệu vô nghĩa). Báo cáo này do các công ty làm việc cho Bộ Quốc Phòng Mỹ về an ninh tin học soạn (dưới tên gọi chung, ThreatConnect and Defense Group). Ðiều đặc biệt là bản báo cáo có các khám phá mới, cho biết tay ăn trộm tin học Ge Xing làm việc cho Ðơn vị 78020 thuộc ngành tình báo quân đội Trung Quốc. Hoạt động tin tặc của Ðơn vị 78020 mang một mật danh là Naikon, nhắm vào các nước vùng Ðông Nam Á như Cambodia, Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thailand và Singapore. Naikon đã đột nhập các máy computer và mạng lưới tin học để thu lượm các tin tức quân sự, ngoại giao, kinh tế, tại các nước trên. Bản báo cáo không nhắc đến tên Việt Nam như một mục tiêu tấn công của Naikon, có thể vì ở Việt Nam quân đội Trung Cộng có những phương pháp rẻ tiền hơn, không cần đến kỹ thuật tin tặc.
Ngày Thứ Sáu, 25 tháng 9, hai ông Obama và Tập Cận Bình đều lên tiếng hai nước cam kết không dùng tin tặc tấn công và ăn cắp lẫn nhau, nhưng không ai có thể tin lời ông Tập Cận Bình. Ở nước Mỹ, theo pháp luật, ông Obama không thể ra lệnh cho các công ty tư nhân, từ lớn đến nhỏ. Nhưng ở nước Tàu, Tập Cận Bình có quyền ra lệnh cho tất cả một tỷ người, không những nhân viên chính phủ và quân đội mà còn tất cả các công ty tư nhân nữa. Chủ tịch một công ty tư nhân, Shuanghui (Song Hội) với số bán thịt heo hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm, thú nhận rằng “Bộ Chính Trị là hội đồng quản trị tối cao” của tất cả các công ty!
Trong số các nhà kinh doanh gặp ông Tập Cận Bình ở Seattle có các người lãnh đạo các công ty nổi tiếng đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm, gồm có Boeing, Microsoft, General Motors hay Apple.
Năm ngoái, công ty Boeing biết họ là một nạn nhân khi Bộ Tư Pháp Mỹ loan báo đã bắt một người Trung Hoa tên là Stephen Su, làm việc ở Canada, đã ăn trộm các tài liệu về thiết kế máy bay C-17 để chuyển cho chính phủ Trung Cộng. Stephen Su cũng ăn trộm các dữ liệu từ công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Năm nay, Bill Gates đã tiếp ông bà Tập Cận Bình trong biệt thự của mình, cũng như năm 2006 đã tiếp Hồ Cẩm Ðào; mặc dù các tin tặc của chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách đột nhập mạng phòng thủ của Microsoft. Tháng 5 năm nay, Bộ Tư Pháp Mỹ cũng truy tố sáu công dân Trung Cộng ăn cắp các tài liệu về sáng chế máy iPhone của Apple. Xa hơn, năm 2012, hai kỹ sư gốc Hoa làm cho của hãng General Motors bị bắt vì ăn trộm các kỹ thuật làm xe hơi hybrid vừa chạy điện vừa chạy xăng để bán cho công ty xe hơi Chery bên Tàu. Các công ty đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm phải kể thêm Google, DuPont, Dow Chemical, Goldman Sachs.
Trung Cộng là chính quyền làm công việc ăn cắp tin học với quy mô lớn nhất thế giới; nhưng các công ty Mỹ vẫn tiếp tục làm ăn với họ, vì mối lợi rất lớn. Việc đề phòng, bảo vệ các bí mật thương mại, kinh tế, kỹ thuật là việc họ phải làm thường xuyên, dù có khách hàng Trung Cộng hay không. Chính phủ Mỹ cũng có bổn phận bảo vệ an ninh cho các công ty Mỹ, với bất cứ nước thù hay bạn nào. Tính chung, các công ty trong danh sách S&P 500 mỗi năm thu được 170 tỷ Mỹ kim trong thị trường Trung Quốc. Các công ty như Qualcomm, Intel (tin học), Yum Brands (quán ăn) Wynn Resorts (du lịch, sòng bài) thu lợi ở Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nơi khác. Hãng thông tin kinh tế Bloomberg cho biết trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tập Cận Bình, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ mua tổng cộng 38 tỷ Mỹ kim các máy bay của Boeing. Với những mối hàng như vậy, Boeing đã nhắm mắt bỏ qua những vụ trộm cắp vặt, như kỹ thuật làm chiếc máy bay C-17!
Ðầu năm 2015 vụ ăn trộm nổi tiếng nhất được tiết lộ nhắm vào là nhân viên làm việc cho chính phủ Mỹ, với 21 triệu hồ sơ cá nhân bị mất cắp. Mỹ đã tố giác bàn tay Cộng Sản Trung Hoa trong vụ ăn cắp này. Lúc đầu Bắc Kinh nhất định chối cãi, như họ vẫn thường làm. Nhưng trước những lời đe dọa trừng phạt kinh tế, và để xoa dịu tình thế trước khi Tập Cận Bình công du, họ đã chịu nhượng bộ và ngồi xuống thảo luận. Chính quyền Mỹ đợi sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình, sau những lời tuyên bố long trọng “không ăn cắp lẫn nhau” của hai nguyên thủ quốc gia, sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể hơn vào nghị trình. Tòa Bạch Ốc có thể chính thức đưa ra trước những biện pháp có thể thi hành để trừng phạt kinh tế, nếu Bắc Kinh không cam kết làm theo các biện pháp an ninh chung.
Ðối với những tay nói dối không biết ngượng và ăn cắp chuyên nghiệp, phải bày tỏ thái độ cương quyết, không nhượng bộ. Ðó là cách chính quyền Obama đối phó với nạn tin do Trung Cộng chủ mưu. Trước các lời dối trá về Trường Sa và Hoàng Sa, Cộng Sản Việt Nam phải chọn thái độ cương quyết như vậy, nếu không sẽ chịu tội trước lịch sử.

Không có nhận xét nào: