Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Hạn hán ở California - Huy Lâm

californien-trocknen
Nói đến California người ta nghĩ ngay tới những con đường xanh bóng cây với những ngôi nhà ngói đỏ mang sắc thái kiến trúc của vùng Địa Trung Hải cùng thảm cỏ xanh mượt và những dàn hoa khoe đủ màu sắc rực rỡ. Đây là vùng đất từng tự hào được thiên nhiên đãi ngộ với thời tiết nắng ấm quanh năm làm người dân ở những nơi khác trên nước Mỹ như vùng Đông Bắc hay Trung Tây Hoa Kỳ phải thèm muốn. Tháng Ba, nhiều nơi tuyết còn ngập đến đầu gối, còn không thì mưa gió sụt sùi, nhưng Cali thì khô ráo và nhiệt độ luôn mấp mé ở mức 80 độ. Thử hỏi, với thời tiết như thế ai lại không ham chuyển về.

Cố tổng thống Ronald Reagan khi còn làm thống đốc của tiểu bang California dường như đã từng tuyên bố: Nếu như dân Âu châu đặt chân tới California trước thì sẽ không có vùng đất gọi là miền đông Hoa Kỳ.
Mà quả thật, trong hơn một thế kỷ, California là miền đất hứa mà người dân ở khắp nơi đổ về để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn – với diện tích khoảng 165.000 dặm vuông bao gồm núi non, đất trồng trọt và một bờ biển dài hút mắt, là vùng đất lý tưởng dung chứa những tâm hồn mang đầy hoài bão và mơ ước. Đây cũng là nơi đi tiên phong trong nhiều lãnh vực cùng những biểu tượng độc đáo: Hollywood, Thung lũng Điện tử, kỹ nghệ không gian, sản xuất nông nghiệp, và những vườn nho bạt ngàn.
Nhưng nay vùng đất thần tiên này đang có vấn đề – đó là nạn hạn hán kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là trong bốn năm qua gần như không có giọt mưa nào, mà người dân thì không thể ngưng tiêu thụ nước. Thế nên, mực nước ở các sông ngòi và hồ chứa nước khắp tiểu bang xuống tới mức gần như cạn kiệt đã buộc chính phủ của tiểu bang ra quyết định bắt dân phải cắt giảm việc sử dụng nước. Cùng với hiện tượng dân số tăng đều trong một thời gian quá dài không được kiểm soát – một phần cũng chính vì nó là đầu máy làm tăng trưởng kinh tế của tiểu bang – phải chăng đến nay đã vượt quá mức giới hạn mà thiên nhiên cho phép?
Lệnh cắt giảm 25% lượng tiêu thụ nước do từ quyết định của thống đốc Jerry Brown đưa đến câu hỏi quan trọng là rồi đây cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân California sẽ ra sao trong những năm sắp tới, và thậm chí tiểu bang miền viễn tây này có thể sẽ phải đối diện với viễn ảnh là một số đông dân chúng sẽ di chuyển tới những tiểu bang khác có khí hậu ẩm ướt hơn, nếu giả dụ tình trạng thay đổi khí hậu như hiện nay ở California kéo dài vĩnh viễn chứ không chỉ thuần tuý là một chu kỳ hạn hán khắc nghiệt nhất thời.
California đã từng trải qua rất nhiều thảm hoạ – từ những vụ động đất gây thiệt hại nặng nề đến vụ khủng hoảng năng lượng vào thập niên 2000, và gần đây nhất là vụ sụp đổ ngân sách đã buộc chính phủ tiểu bang phải cắt giảm chi tiêu – và cứ mỗi lần thoát hiểm thì lại một lần nữa nó phát triển mạnh hơn trước. Nay thì kinh tế đang tăng trưởng trở lại, ngân sách tiểu bang thặng dư, và các công trình xây dựng bùng nổ khắp nơi, từ Thung lũng Điện tử ở miền bắc đến San Diego ở cực nam; bằng chứng rõ rệt nhất người ta có thể thấy được là những cần trục cao nghều đứng sừng sững bên cạnh những công trình xây dựng xuất hiện ở khắp các đô thị lớn như Los Angeles và San Francisco.
Nhưng ngay cả những người tin tưởng và ủng hộ sự phát triển của California cũng đang tự hỏi là nếu tình trạng hạn hán này còn tiếp tục thì tiểu bang có cần bắt buộc phải thay đổi toàn diện từ những sinh hoạt hàng ngày của người dân đến những chính sách phát triển của tiểu bang.
Thành phố Los Angeles có còn tiếp tục là kinh đô trong lãnh vực giải trí, và Thung lũng Điện tử có còn là trung tâm của kỹ thuật cao của quốc gia, nếu người dân ở đây không còn được phép tắm quá năm phút và nước đang dần trở thành món hàng sa xỉ? Rồi đây khách du lịch sẽ ngại ngần mà không đến nữa không? Và các ngành kinh doanh có còn tiếp tục phát triển ở những nơi như San Francisco, San Jose hay Los Angeles?
Cho dù có được thiên nhiên đãi ngộ cỡ nào thì cũng có giới hạn của nó. Hiện dân số ở California là khoảng 38,8 triệu, hơn gấp đôi so với dân số vào năm 1960 là khoảng 15,7 triệu, và lực lượng lao động của tiểu bang đạt con số khủng khiếp là 18,9 triệu vào năm 2013 so với 6,4 triệu năm 1960.
Sức mạnh kinh tế của California hiện nay đạt mức $2,2 ngàn tỉ, xếp thứ bảy trên thế giới, tăng hơn gấp bốn lần so với mức kinh tế $520 tỉ năm 1963, sau khi điều chỉnh lạm phát. Lợi tức trung binh một gia đình ước tính đạt $61.094 năm 2013 so với $44.772 năm 1960, sau khi điều chỉnh lạm phát theo mức giá hiện nay.
Ở mức độ toàn cầu, năm 2014 được ghi nhận là năm có nhiệt độ ấm nhất từ trước tới nay. Riêng tại California, 99% diện tích của tiểu bang được đánh giá là khô bất thường. Tình trạng hạn hán không chỉ xảy ra tại California mà còn nhiều nơi trên thế giới, từ Đông Phi châu đến Brazil. Cơ quan nghiên cứu trực thuộc Liên hiệp quốc có tên Hội đồng Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu đã liên tiếp cảnh báo rằng tình trạng hạn hán sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất thực phẩm trên khắp thế giới và việc kiểm soát sử dụng nước cần phải được quan tâm nhiều hơn. Vấn đề nước ở California hiện nay có thể là bài học quan trọng cho những nơi khác nhìn vào để hiểu sống trong khu vực hạn hán là như thế nào.
California với khí hậu ôn hoà cùng với hệ thống sông ngòi thiên nhiên thích hợp cho ngành canh nông. Trước đây khi dân số chưa nhiều thì không có vấn đề. Nhưng trong suốt thế kỷ 20, miền tây nước Mỹ nói chung và tiểu bang California nói riêng, dân số càng ngày càng đông và hiện nay nhiều thành phố của tiểu bang này có mật độ dân số cao nhất tại Hoa Kỳ. Và California hiện nay là khu vực canh nông thuộc loại lớn nhất toàn quốc, với món nông sản mang lại giá trị lợi nhuận cao nhất, là hạnh nhân (almond), cũng là loại cây nông nghiệp cần nhiều nước nhất. Để sản xuất nửa ký hạnh nhân cần phải tốn mất 2.000 lít nước. Hạnh nhân của California chiếm 80% tổng sản lượng hạnh nhân toàn cầu. Một nửa số rau quả của Hoa Kỳ cũng được trồng tại California, và ngành xuất cảng nông sản của tiểu bang trị giá lên đến $38 tỉ, là nguồn cung cấp thực phẩm lớn hàng thứ năm trên thế giới. Nhưng mặt trái sự thành công của ngành canh nông California là nó tiêu thụ tới 80% tổng số nước tiêu thụ của cả tiểu bang.
Mặc dù ngành canh nông được miễn trừ không phải áp dụng lệnh giảm mức tiêu thụ nước trên toàn tiểu bang nhưng với nạn hạn hán liên tục trong nhiều năm đã không cung cấp đủ nước cho việc trồng trọt và ảnh hưởng trầm trọng lên việc sản xuất thực phẩm tại California trong mấy năm qua. Nhiều người tự hỏi nếu hạn hán cứ tiếp tục như thế thì người nông dân California còn cầm cự được bao lâu?
Mưa ít và nước ở những hồ chứa thì cứ cạn dần nên nhà nông phải tìm đến giải pháp khác là bơm nước từ dưới lòng đất lên. Cứ thế, người ta đua nhau đào giếng càng ngày càng sâu hơn, xuyên qua hết lớp đất này đến lớp đá kia để tìm nước, và rồi nguồn nước dưới lòng đất cũng phải cạn kiệt. Vì không cung cấp đủ nước nên nhiều nơi đất trồng đã bị bỏ hoang, làm tổn thất cho ngành nông nghiệp của tiểu bang khoảng $2 tỉ và 17.000 nông dân bị mất việc trong năm 2014.
Nhà nông Việt Nam có câu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Nước quan trọng hơn hết. Không có nước nghĩa là người nông dân không có tất cả.
Tình trạng thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như ngành canh nông tại California mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của nhiều người dân ở khắp nơi. Có thể nói California là vựa thực phẩm của nước Mỹ và khi tiểu bang này không sản xuất đủ thực phẩm như trước đây cũng có nghĩa là thực phẩm trở nên khan hiếm hơn và giá thành sẽ tăng lên ở nhiều nơi.
Tất cả các loại rau quả từ trái dâu, bông cải, nho đến dưa, rau sống tăng giá từ 8% đến 20% trong năm ngoái. Các loại trái cây tươi và rau xanh dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay.
Mặc dù không bị nặng như California, một số vùng thuộc tiểu bang Texas và Oklahoma cũng bị cho là hạn hán nghiêm trọng. Hậu quả là người tiêu thụ phải trả thêm 12% cho giá thịt bò trong năm 2014. Năm nay, giá thịt bò sẽ tăng thêm khoảng 6%, cao hơn mức trung bình là 4%.
Tuy nhiên, có một ngành duy nhất không những không bị ảnh hưởng mà xem ra còn được hưởng lợi từ nạn hạn hán, đó là ngành sản xuất rượu vang ở vùng bắc California.
Napa Valley vineyard in California at sunset
Nho trồng làm rượu cần rất ít nước. Nhờ hạn hán nên mưa ít mà nắng nhiều nên trái nho càng chín mọng hơn. Thế nên, những năm hạn hán vừa qua, nho trồng ở California đạt phẩm chất cao và thu hoạch vượt kỷ lục của những mùa nho năm 2012, 2013 và 2014, và rượu vang của California trong mấy năm nay được cho là ngon hơn những năm trước đây. Có điều rượu ngon mà lòng cứ lo thiếu nước ngay ngáy thì chắc uống cũng không ngon.
Tóm lại, ngành canh nông California đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho nước Mỹ nói riêng và cho thế giới nói chung, thì tình trạng hạn hán của tiểu bang này không chỉ là mối quan ngại của riêng tiểu bang mà còn là mối quan ngại chung của nhiều người.
Thống đốc Jerry Brown trong một cuộc họp báo đã nói: “Người ta đã sinh sống ở California từ hơn 10 ngàn năm trước, nhưng số người dân chưa bao giờ vượt quá 300 hay 400 ngàn. Nay thì chúng ta đang phải đối diện với một trải nghiệm chưa từng có: 38 triệu người, với 32 triệu xe đủ loại, một mức sống thoải mái ai cũng muốn đạt tới. Lối sống như vậy cần phải thay đổi.”
Quyết định của thống đốc Brown bắt buộc tất cả người dân của tiểu bang California phải giảm bớt việc tiêu thụ nước là bước ngoặt để thay đổi lối sống cũ. Nạn hạn hán ở California là bài học nhắc nhở tất cả chúng ta hãy nên cân nhắc mỗi khi sử dụng nước một cách phí phạm. Việc quản lý và phân phối nước bởi các giới chức có thẩm quyền cũng cần được thực hiện khôn ngoan và có hiệu quả hơn.

Không có nhận xét nào: