Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Vinh danh Trung Tướng Phan Trọng Chinh (1930-2014) Một Vị Tướng Thanh Liêm


Ông Phan Trọng Chinh sinh năm 1930, tại Bắc Ninh - miền Bắc Việt Nam, trong một gia đình nặng lý tưởng quốc gia. Bố ông là Thiếu Tá Phan Trọng Vinh, mất năm 1952 tại Bắc Việt, bởi đạn của Cộng Sản Việt Minh. Ông Phan Trọng Chinh còn là con rể của Đại Úy Bùi Phó Chí Roger (vị tiểu đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên của quân đội VNCH). Đại Úy Bùi Phó Chí Roger được tuyên dương công trạng 20 lần: 3 huy chương VNCH, và 17 huy chương Pháp (tất cả đều được lưu giữ cẩn thận bởi người con trai Bùi Phó Minh). Mặc dù ông giải ngũ rất sớm từ năm 1958, nhưng đã để lại cho các sĩ quan trẻ Thủy Quân Lục Chiến thời bấy giờ rất nhiều kỷ niệm. Ông đã qua đời năm 1987 tại Pháp, cách đây 27 năm (1907-1987).
 Nói về tướng Phan Trọng Chinh, hẳn chúng ta chưa quên trong quân đội, và được truyền tụng trong dân gian câu: “nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng” để ca tụng về cuộc đời binh nghiệp cũng như cách sống thanh liêm, trong sạch của bốn ông tướng miền nam thời bấy giờ. TrungTướng Phan Trọng Chinh tốt nghiệp khóa 5 Võ Bị Quốc Gia Đalat, năm 1952. Ông say mê con đường binh nghiệp và đã trải qua rất nhiều gian nan, nguy hiểm để phục vụ đất nước như một lý tưởng để sống.
 Những trận đánh đáng ghi nhớ với tướng Phan Trọng Chinh từ tháng 9, 1952 đến tháng 6, 1960:
 Trong chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiểu đoàn 10 nhẩy dù Viễn Chinh Pháp được giải tán ngày 31-8-1952 để thành lập tiểu đoàn 3 Nhảy Dù (TĐ3ND) kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1952 . Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là ông Monteil, những sĩ quan Việt Nam đầu tiên là thiếu Úy Trung đội Trưởng như Phan Trọng Chinh, Nguyễn thành Chuẩn, Đỗ Kế Giai, Lý Văn Quảng, Nguyễn Văn Thừa, Phạm Công Quân,…. (2)
 - Năm 1953, Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù (TĐ3ND) đã tham chiến vài lần trên chiến trường Hạ Lào như tại Na Sản, Chiên Khoang.
 - 13/05/1953 TĐ3ND được đưa tới chiến trường Xiêng Khoang trong cuộc hành quân Mimosa.
 - Tháng 6 năm 1953 trở về Hà Nội, bảo vệ an ninh cho trục lộ 60
 - 28/07/1953 TĐ3ND được thả xuống Kế Môn để chận đánh Trung Đoàn 95 CSVM vừa xâm nhập vùng phía Đông tỉnh Quảng Trị trong cuộc hành quân Camargue
 - 23 tháng 12, năm 1953, TĐ3ND được đưa sang Seno, Lào
 - Ngày 9 tháng 1 năm 1954 Cộng Sản Việt Minh mở trận tổng công kích tại Lào, toàn bộ TĐ3ND được không vận đến Ban Hine Siu, Lào
 - Ngày 14 tháng 1, năm 1954, CSVM lại tấn công vào TĐ3ND. Trong trận này, TĐ3ND bị tổn thất rất nặng, vị Tiểu đoàn trưởng người Pháp, Thiếu Tá Mollo và hầu hết các sĩ quan trong đơn vị đều bị thương. Thiếu Úy Phan Trọng Chinh, một Đại Đội trưởng người VN còn sống sót, được đặc cách tại mặt trận lên Trung Úy và được chỉ định nắm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng cho đến tháng 6 năm 1960 sang thành lập Bộ Chỉ Huy Binh Chủng Biệt Động Quân.
 - Tháng 5 năm 1954, Trung Úy Phan Trọng Chinh, Đại Đội Trưởng / Đại Đội 1 lên chức Đại Úy (3)
 Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước. TĐ3ND di chuyển vào Đồng Đế, Nha Trang, tham gia vào Liên Đoàn 3 Nhẩy Dù Việt Nam và trở thành 1 trong 4 Tiểu Đoàn Nhẩy Dù đầu tiên của Liên Đoàn Nhẩy Dù Việt Nam. Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù Việt Nam, là một trong những đơn vị đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được tuyên dương Bảo Quốc Huân Chương, do công trận của các cấp chỉ huy đầy kinh nghiệm và sự chiến đấu can trường của tất cả các chiến sĩ Nhảy Dù.
 - Năm 1955 Đại Úy Phan Trọng Chinh được trao lại quyền Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ3ND từ Đại Úy Marcell Mollo
 - Từ 21/9/1955 đến 24/10/1955, Đại Úy Phan Trọng Chinh chỉ huy TĐ3ND tham gia chiến dịch Hoàng Diệu, tấn công lực lượng Bình Xuyên tại Rừng Sác. (4)
 
Thời gian từ 1960 đến tháng 4 năm 1975
 - Ngày 1 tháng 7 năm 1960, chính thức khai sinh Binh Chủng Biệt Động Quân (BĐQ) Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự hỗ trợ của những toán huấn luyện lưu động của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ (Mobile Training Team) do Đại Tá Lewis Mille chỉ huy. Tại Saigon, thủ đô VNCH – Thiếu Tá Nhảy Dù Phan Trọng Chinh được bổ nhiệm là Chỉ Huy Trưởng BĐQ Trung Ương đầu tiên. Thiếu Tá Chinh đã cùng các sĩ quan khác như Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn (sau là Đại Tá) tổ chức hoàn chỉnh binh chủng, soạn thảo các huấn thị, huấn lệnh, chọn phù hiệu binh chủng, lập bảng cấp số v.v…
 - 1965 Ông là Tư Lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh khu 32 Chiến Thuật (Vùng 32 chiến thuật, gồm các tỉnh: Tây Ninh, Hậu Nghĩa, và Long An, là những tỉnh nằm sát thủ đô Sài Gòn).
 - 1966 Ông lên chức Chuẩn Tướng (được bổ nhiệm thay thế thiếu tướng Thịnh, giữ chức tư lệnh phó diện địa quân đoàn 3, quân khu 3 Chiến Thuật, dưới quyền chỉ huy của trung tướng Lê Nguyên Khang và người kế nhiệm sau đó là trung tướng Đỗ Cao Trí).
 - 1968 Ông là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3
 - Ông từng là Tổng Cục Trưởng cục Quân Huấn
 - Và cũng là Chỉ Huy Trưởng Trường Tham Mưu Long Bình.
 - Trung Tướng Phan Trọng Chinh từng được trao Đệ Nhị Đẳng Bảo Quốc Huân Chương (Bảo Quốc Huân Chương được thành lập năm 1950, là huân chương cao quý nhất của VNCH dành tưởng thưởng cho các quân nhân trong tất cả binh chủng hay thường dân có chiến tích xuất sắc trong công cuộc giữ gìn bờ cõi hoặc có cống hiến lớn cho quốc gia, và là vinh dự cao quý nhất củaVNCH. Huân Chương phải được đeo cao hơn trên tất cả các huân, huy chương khác, và có năm hạng. Cao nhất là Đệ Nhất Đẳng và thấp nhất là Đệ Ngũ Đẳng (6). Chỉ có Thống Tướng Lê văn Tỵ khi gần mất mới được phong Thống Tướng và ân thưởng Đệ Nhất Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Và Đại Tướng Đỗ Cao Trí được truy thăng Đại Tướng và truy tặng Đệ Nhất Đẳng sau khi tử trận) (7)
 Trung tướng Phan Trọng Chinh đã sống rất xứng đáng với danh xưng: vị tướng Thanh Liêm,Trong Sạch của Quân Đội cùng với Tư Cách và Đời Sống được nhiều người yêu mến và nể phục. Thí dụ như trong bài “TƯỚNG PHAN TRỌNG CHINH VÀ ...TÔI”, trong web site “Hải ngoại phiếm đàm”. Tác giả Nguyễn Trọng Hoàn đã viết:
 “Tôi kể câu chuyện nhỏ này như một tấm lòng của một thuộc cấp đối với vị chỉ huy đáng kính của tôi”……
 Chúng ta chưa biết câu chuyện ra sao, chỉ nghe lời từ một thuộc cấp cũ, nói về vị chỉ huy, lãnh đạo của mình như vậy, thì cũng đủ hiểu sự cư xử thân mật, đầy tình thân và tình người giữa một vị Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn với viên sĩ quan mới ra trường năm 1967 được tốt đẹp như thế nào.
 Theo sách Hậu trường Chánh Trị Miền Nam (1999) của ông Đặng Văn Nhâm:
 Cũng vì tính thẳng thắn, cương trực, và tinh thần “tự ái dân tộc” rất cao mà đôi khi tướng Chinh đã có những va chạm, hiềm khích với các cố vấn Mỹ. Trung Tướng luôn nhắc nhở: “lưu ý đặc biệt người chiến sĩ VNCH cần phải tận lực khai thác khả năng sẵn có, tận dụng những phương tiện của mình trong công cuộc chiến đấu, giới hạn tối đa sự nương tựa, nhờ vả không cần thiết vào quân đội đồng minh Mỹ”. (5)
 Và cũng theo ông Đặng Văn Nhâm thì:
 “lúc ấy, gần như đêm nào bọn Cộng Sản địa phương cũng tấn công đánh đồn lẻ tẻ, giật mìn và phục kích. Trong khi đó quân số sư đoàn 25 không đủ để cung ứng cho một chiến trường quá rộng lớn. Bởi thế, thiếu tướng Phan Trọng Chinh thường phải đích thân đi thị sát chiến trường và ban hành chỉ thị cho các sĩ quan thuộc cấp trong vùng…..Nền an ninh của các tỉnh đó đã đóng một vai trò chính yếu, bảo đảm nền an ninh của thủ đô Sài Gòn và Chợ Lớn. Trong suốt thời gian sôi động nhất ở miền Nam, các năm 1966-68, nếu dân chúng thủ đô được yên ổn sinh sống và làm ăn buôn bán cũng nhờ phần nào công lao của anh em chiến sĩ sư đoàn 25 BB, dĩ nhiên trong đó có cả công lao của tướng Chinh cùng toàn bộ sĩ quan trong ban tham mưu của ông.
 Trong suốt mấy năm liền đảm nhiệm trọng trách đó, tôi thấy tướng Chinh không mấy khi về Sài Gòn thăm gia đình vợ con và bạn bè. Ông bận lo thị sát chiến trường, thanh tra các địa phương. Một đặc điểm đáng nêu lên đây là tướng Chinh đi thanh sát toàn bằng xe, di chuyển trên đường bộ, mặc dù vùng ông trấn đóng rất nguy hiểm. Bọn CS địa phương thường hay đặt mìn, bắn sẻ và phục kích từng toán lẻ tẻ. Thỉnh thoảng về thăm gia đình, vợ con, ông cũng dùng xe chớ không bao giờ dùng trực thăng như đa số các vị tướng lãnh khác. Đoàn xe của tướng Chinh di chuyển thường chỉ gồm có một chiếc Dodge 4x4 trí súng đại liên với mấy tay xạ thủ, một xe jeep ông ngồi cùng với tài xế và đại úy Đoàn, sĩ quan tùy viên của ông.” (5)
 Từ lúc nhỏ, tôi chưa một lần nào được nghe kể về những phút vinh quang hay những nhọc nhằn, nguy hiểm trong cuộc đời binh nghiệp của tướng Phan Trọng Chinh. Cho đến gần đây, tôi mới biết được một chút ít chi tiết về ông qua báo chí, qua lời kể của vài cá nhân hay từ tài liệu trích thuật của những binh chủng trong quân đội VNCH (tuyệt nhiên, chưa bao giờ nghe ông tự kể về cuộc đời mình). Tôi đã sơ lược và tóm tắt lại những chi tiết trên, dĩ nhiên không thể nào trình bày đày đủ được trong phạm vi một bài viết ngắn. Nhưng ít ra nó nói lên được phần nào những gian khổ, hy sinh của ông, cũng như sự chiến đấu can trường của quân đội miền Nam. Họ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ Miền Nam VN, chống lại sự xâm lăng lãnh thổ, cũng như sự bành trướng Chủ Nghĩa Cộng Sản vô thần của miền Bắc.
 
Thời gian sau tháng 4 năm 1975:
 Trung tướng Phan Trọng Chinh cùng gia đình đã rời Việt Nam vào những giờ phút cuối cùng của ngày 30 tháng 4 năm 75, và định cư ở tiểu bang Virginia từ đó cho đến bây giờ. Tài sản mà ông mang theo được sau những năm phục vụ trong quân đội là: bộ quần áo lính duy nhất trên người với 6 ngôi sao trên cổ áo cùng cõi lòng tan nát khi ra đi. Giờ đây, bộ quần áo trận đã cũ kỹ, trở thành “vật kỷ niệm vô giá” đối với ông….. Gần 40 năm qua, Trung Tướng đã sống rất yên lặng, không tham gia bất kỳ hội đòan nào cũng như không nhận bất cứ buổi interview, hay lên tiếng, phát biểu bất cứ điều gì. Phải chăng ông quan niệm: “Nước mất, nhà tan, Tướng không chết theo thành” thì không còn gì để lý giải hay biện minh??? Ông đã sống như vậy với sự TỰ TRỌNG đáng khâm phục! Nhưng đồng thời, những điều không thể nói ấy, đã vô tình trở thành sự dằn vặt sâu xa nhất trong tâm hồn Trung Tướng.
 Thế hệ này qua đi, thế hệ sau tiếp nối. Và rồi, không còn ai biết đến Trung Tướng Phan Trọng Chinh là ai? Nhưng ông đã BẤT TỬ! Thật vậy, vì ông đã đi vào Quân Sử của Quân Lực VNCH bằng những bước chân hào hùng, khí khái, cũng như tấm lòng thiết tha với quê hương, dân tộc Việt. Trung Tướng Phan Trọng Chinh sẽ SỐNG mãi trong những trang quân sử anh dũng đó. Thử hỏi trong chúng ta, đã mấy ai SỐNG được như ông?
 
Ngưỡng Mộ và Kính Phục Trung Tướng Phan Trọng Chinh 
 Phan Tuyết Anh

Không có nhận xét nào: