Nguyễn Thị Hải Hà: Anh định nghĩa như thế nào về tác giả Trần Hoài Thư? Nếu chọn cho mình một tên gọi, anh thấy anh là ai? Nhà văn quân đội? Nhà văn Miền Trung? Hay một tên nào khác?
Trần Hoài Thư: Tôi là nhà văn sống và viết. Tôi tìm chất liệu ở con người thật của tôi. Tôi sống và viết bằng con người thật của tôi.
Dù viết nhiều về lính, nhưng nhất thiết tôi không phải là nhà văn quân đội. Tôi đã kể tôi là nhà văn sống và viết. Khi tôi ở trong quân đội, tôi viết về người lính, khi tôi đào ngũ, tôi viết về kẻ đào ngũ, khi tôi trở lại đơn vị bị giáng lon, thì viết về tâm trạng của người lao công chiến trường… Khi tôi bị thương nằm trong quân y viện tôi viết về tâm trạng người thương binh, khi tôi ở trong trại khổ sai, tôi viết về sự thật cảnh tôi vồ chụp lấy thau cơm nhão nhẹt chua lè dành cho chó ăn ở bên hiên một doanh trại bộ đội Bắc Việt vì quá đói …
Tôi viết bằng chất liệu của đời sống mình. Từ chất liệu ấy, tôi xây dựng cốt chuyện, nhân vật…Nguyễn Thị Hải Hà: Tại sao anh bị cận thị nặng mà vẫn phải đi lính?
Trần Hoài Thư: Tôi không biết. Nhưng sau này bác sỹ Nguyễn Lạng, nguyên y sĩ trưởng quân y viện Ban Mê Thuột – một độc giả của Bách Khoa và của tôi, đã cho biết là với độ kính nặng như vậy lẽ ra tôi phải được giải ngũ hoặc phục vụ tại đơn vị không tác chiến. Rất tiếc Quân y viện BMT không có hội đồng về mắt nên ông gởi tôi về Tổng Y Viện Cộng Hòa 2 lần để giám định y khoa. Cả hai lần tôi bị hội đồng y khoa bác.
Nhưng mà, không sao. Tôi có sợi dây thun lưng quần đàn bà cột vào gáy để giữ cho nó khỏi rớt.
Nguyễn Thị Hải Hà: Đi thám kích có nguy hiểm hơn đi đánh trận không? Khi anh đi đánh trận lúc mới đi lính thì bị bắn suýt chết, còn đi thám kích nhiều năm thì không bị nguy hiểm gì cả, như thế thì đi thám kích ít nguy hiểm hơn chăng?
Trần Hoài Thư: Từ khi rời Thủ Đức tháng 8-1967 cho đến tháng 5-1970 gần 4 năm tôi chỉ phục vụ tại một đơn vị duy nhất là đại đội 405 thám kích/SĐ 22 BB.
Tưởng cần nói rõ về binh chủng thám kích.
Thoạt tiên, nó được thành lập bởi CIA từ năm 1962 với nhiệm vụ là truy tìm và phát hiện sự xâm nhập của quân Bắc Việt vào cao nguyên. Người lính phần lớn là thiểu số hoặc Thượng hoặc Nùng. Và cấp chỉ huy là sĩ quan Việt Nam, cố vấn là sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ. Có tất cả 13 đại đội thám kích, đánh số từ 401 đến 413…
Sau này các đơn vị thám kích được chuyển giao đến 2 sư đoàn Bộ Binh là sư đoàn 22 BB và 23 BB. Đơn vị tôi – đại đội 405 thám kích thì trực thuộc Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 22 BB.
Trung tá Nguyễn văn Dưỡng (tức nhà thơ Văn Nguyên Dưỡng), trong thời gian năm 1967, 1968 nguyên là thiếu tá Trưởng Phòng Nhì /SĐ 22 BB – phòng điều động đơn vị thám kích để thực hiện những tin tức tình báo, đã viết rõ về vai trò và nhiệm vụ của đại đội 405 thám kich như sau:
“… bao nhiêu trách nhiệm nguy hiểm trong vùng địch kiểm soát, đột kích, thám kích, tiền thám hay viễn thám kể cả tăng viện và là mũi tấn công chính trong một trận đánh dữ dội, đều giao cho Đại đội Thám Kích 405. Vì vậy sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của đơn vị nầy phải là quân nhân tình nguyện hoặc được chọn lựa trong thành phần có kinh nghiệm trận mạc, gan lì và nhất là sự bền bĩ chịu đưng gian khổ ở các đơn vị tác chiến khác của Sư Đoàn. Mặc dù Đại Đội Thám Kích không có trong Bảng Cấp Số của Sư Đoàn, nhưng do tính chất cuả nhiệm vụ khi thành lập -vì nhu cầu chiến trường-nên tính mệnh của mọi cấp trong ĐĐ/TK như “chỉ mành treo chuông” mỗi một khi được sử dụng. Ai vào thám kích mà ra khỏi được, không chết, ít nhất cũng mang theo vài chiếc thẹo trên mình. Trần Hoài Thư rời miền Trung vào miền Nam không biết được mấy Chiến thương Bội tinh…” (Nguyễn văn Dưỡng: Định Mệnh, nguồn Internet)
Tôi xin trả lời là có hai chiến thương bội tinh dù bị thương ba lần. Có cả huy chương bạc của quân đội Hoa Kỳ (sau này tôi mới biết). Thêm hai cái bạc, một cái đồng. Đấy, một Trần Hoài Thư với đôi kính cận nặng và thân hình ốm tong teo, mà:
Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…
Tổ quốc ghi ơn lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…
Vậy cũng được 5 cái huy chương như ai. Đừng khinh thường nhà văn trói gà không chặt nhé !
Nguyễn Thị Hải Hà: đi thám kích nhiều năm thì không bị nguy hiểm gì cả, như thế thì đi thám kích ít nguy hiểm hơn chăng?
Trần Hoài Thư: Nguy hiểm lắm chứ. Hết trận này bị nếm đạn AK, thì trận khác nếm miểng lưu đạn chày. Hết may mắn này đến may mắn khác. Ví dụ lúc gặp khốn, giữa bãi đất trống tự nhiên có mỏm đá nhỏ đủ che chở thân thể mình. Ôi chao đạn cứ xẹt đến như những tia lửa, trúng đá sủi bọt hết viên này đến viên khác…
Đây là bức hình triển lãm quà tặng thời chiến dành cho một nhà văn, chứng tỏ về sự may mắn này:
Nguyễn Thị Hải Hà: Anh có nhiều khắc khoải về cuộc chiến Quốc Cọng của người Việt Nam, mà anh là người tham dự như là một người lính trận. Những điều gì anh muốn nói nhất về cuộc chiến Quốc Cọng 1954- 1975
Trần Hoài Thư: Tôi sinh trưởng và lớn lên ở thành thị, học hành thì chọn Khoa Học… Tôi không có một chút gì kinh nghiệm về CS. Khi đi lính, tôi không mang chút gì hận thù, mà chỉ nghĩ rằng, đây là bổn phận của bất cứ một người thanh niên nào… Nếu tôi ở miền Bắc thì cũng vậy thôi.
Chuyện Quốc Cộng tôi ít khi bận tâm. Bởi thì giờ của tôi là rượu đàn bà và súng đạn. Và viết. Viết cuồng viết vội. Viết như chưa bao giờ được viết. Viết về giấc mơ một ngày ngưng tiếng súng, viết về tình cảnh người dân giữ hai lằn đạn. Viết về những người linh của tôi. Họ quá nghèo. Quá khổ. Nhưng quá can đảm. Họ cứu tôi, cõng tôi khi tôi bị thương. Họ là thầy tôi giúp tôi học được những kinh nghiệm chiến trường, hay mưu sinh thoát hiểm.
Nhưng sau 1975, những ý nghĩ về cuộc chiến hoàn toàn thay đổi. Tôi thấy rõ bộ mặt của phe thù. Dối trá, ngu xuẩn, lừa bịp… Thú thật, có lúc tôi hối hận là tại sao lại không ra lệnh đốt hết nhà, giết hết đám tù binh, hay tát tai đá đít mấy con mụ có bầu mà chủ nhân đang trốn ẩn đâu đó… Nhưng mà sau đó tôi lại nhắm mắt, chắp tay. Lay Chúa, lạy Phật, con cảm tạ Chúa Phật đã giúp con không gây nên tội ác…
Nguyễn Thị Hải Hà: Người đọc nên đọc kỹ phần nào ở các sáng tác trong chiến tranh của Trần Hòai Thư ? Những phần mà các nhà phê bình từ trước đến nay đã không nhìn thấy hay đã không công bằng với một tác giả lính của Miền Nam, ở đây anh có thể tiết lộ cho các độc giả Gió O như một trao đổi thân thiện?
Trần Hoài Thư: Vì tôi viết nhiều về lính nên giới phê binh nhận định vẫn xem tôi là nhà văn quân đội. Như tôi đã giải thích ở phần trên, tôi là nhà văn sống và viết. Nhà văn quân đội chỉ chuyên viết về trận mạc, màu áo trận, hay tiền đồn v.v… còn tôi, tôi đặt sống thành suy nghĩ… Chính sự suy nghĩ mới là chính.
Để ví dụ, tôi xin trích lại một đọan trong truyện “Bệnh Xá Mùa Xuân” đăng trên tạp chí Văn trước 1975. Truyện kể về giấc mơ hòa bình ngưng bắn qua những đối thọai trao đổi của những người thương bệnh binh:
Đêm nay, lúc 7 giờ 30 phút, có kẻ mở đài B.B.C. Bản tin đầu liên quan đến tình hình VN. Giọng nói của người nữ xướng ngôn đêm nay bỗng trở nên nghiêm trọng lạ lùng. Dường như, lúc này con tim của nàng đang hòa cùng niềm vui trọng đại của đất nước nàng. Và lũ thương binh cũng vậy. Tâm hồn họ mở rộng, lồng ngực họ muốn vỡ tung. Họ ngất ngây trong một giây phút. Bởi vì họ đã biết được một sự thật. Hòa bình sẽ đến. Bóng chim bồ câu, lần này đã thấy hiện trong cõi trời nhiễu nhương. Họ nhìn nhau, bằng ánh mắt long lanh. Và một thằng cụt tay thốt lên đầu tiên:
- Hai ngày nữa. Trời ơi! Chỉ còn hai ngày nữa.
Thằng vừa băng bột ở chân phụ thêm:
- Hai ngày thật dài cho mọi người.
Thằng sốt rét ném mẩu thuốc qua ô cửa:
- Nhất là những kẻ đang ở ngoài mặt trận. Đúng là những kẻ đang sống vào giờ thứ 25!
- Còn mình?
- Giờ thứ 24.
Tại sao là giờ thứ 24. Tôi muốn để người đọc suy nghĩ.
…..
Nửa đêm, cả lòng đêm bỗng dưng bị dội lên bởi những quả đạn rơi rất gần khu bệnh xá. Những tiếng la thất thanh. Pháo kích! Pháo kích! Tiếp sau là những bóng người vụt chạy ra hầm núp ngoài sân. Tên thương binh cụt chân, trong cơn bấn loạn tột độ ngỡ mình vẫn còn lành lặn như xưa, đã ào nhảy xuống giường. Sau đó, hắn mới biết được sự thật. Hắn ôm khúc đùi rên rỉ và nằm ngay dưới nền. Hắn không còn nhận ra cặp nạng nữa. Hắn thì thào: “Các bạn ơi, giúp đỡ tôi! Các bạn ơi!” Nhưng chẳng có ai nghe tiếng van lơn của hắn cả. Họ đã có mặt trong hầm, hoặc nằm sát xuống chân tường mà run rẩy. Chỉ có mỗi người lính già- biệt danh là Ông Già Siêu Điện, thì cơn mê sảng lại chợt kéo về như một trận bão lốc. Ông hét lớn:
- Siêu điện phản lực. Mồ cha quân bán nước. Nó tung ra những hình nhân như lính trinh sát. Nó chạy vào nhà thờ, giết cả thánh thần. Nó đến kìa. Bớ người ta!
Hai sự kiện mà tôi dùng để làm đậm thêm cái ý mà tôi muốn chuyên chở trong truyện là : cuối cùng ngưng bắn chỉ là giấc mơ tội nghiệp!
Đó là cảnh ngươi thương binh cụt chân cứ tưởng mình còn lành lặn như xua. Và cảnh người lính già bị mê sảng. Cảnh tượng, tình huống có vẽ khôi hài nhưng buồn đau đến não lòng!
Tôi thành thật muốn chia sẻ kinh nghiệm này. Không phải sống chưa đủ, mà còn biết đặt sống thành sự suy nghĩ nữa.
Đặt sống thành suy nghĩ. Tư thành trong cô đơn. Nhà văn Mai Thảo đã nhận xét về tôi khi ông giới thiệu truyện Bệnh Xá cuối năm trên tạp chí Văn. Tôi đã sống, và đã suy nghĩ. Suy nghĩ nhiều lắm. Chính vì thế mà tôi viết nhiều, rất nhiều. Hàng trăm truyện ngắn trước 1975, và bây giờ, cứ mỗi lần gõ vào bàn keyboard thì ý tưởng lại lóe trong đầu.
Sống để viết, chứ không phải viết để mà sống. Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân của một thời tiền chiến, sự nghiệp họ huy hoàng vì họ sống để viết. Còn sau 1954, thì họ viết để sống. Họ đâu có bao giờ suy nghĩ. Bởi họ đã trở thành thợ thơ, thợ văn.
Nguyễn Thị Hải Hà: Tác giả nào viết về chiến tranh Việt Nam mà anh ngưỡng mộ?
Trần Hoài Thư: Tôi thích Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy. Ông viết không cường điệu. Cái cảnh những người lính Thủy Quân Lục Chiến cùng nhau đồng loạt tự sát bằng lựu đạn trên bãi biển Thuận An quả làm tôi phải khóc. Là nhà văn, làm sao tôi có thể nói cho hết cái cảnh quá bi thiết quá anh hùng quá lẫm liệt này. Người ta nhắc nhở và kinh phục cái chết của các vị tướng lãnh như Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ v.v. . . nhưng hình như đã quên những người lính thấp hèn này. Họ không phải là chiến sĩ vô danh để mà nhắm mắt mặc niệm. Họ có tên tuổi, có thẻ bài, đơn vị số quân đàng hoàng mà.
Nguyễn Thị Hải Hà: Khi làm Thư Quán Bản Thảo anh chọn nhiều truyện ngắn và thơ trước năm 75 để in lại, xin anh cho biết anh chọn theo tiêu chuẩn nào?
Trần Hoài Thư: Những bài văn, thơ một khi đăng trên những tạp chí thời danh, các bài ấy đã được tuyển chọn khá kỹ bởi một ban tuyển đọc hay bởi một vị chủ bút nổi tiếng…
Vì Thư Quán Bản Thảo chủ trương phục hồi di sản văn chương miền Nam nên chủ trương của chúng tôi là sưu tập hơn là tuyển chọn. Bởi những tác giả ấy đã thành danh. Tôi phải cố tìm nhiều chừng nào hay chừng ấy, để thực hiện số chủ đề.
Không phải dễ dàng gì để sưu tầm bài vở. Chẳng lẽ click con chuột search Google trên Internet. Internet có một ít, nhưng có khi tam sao thất bổn. Tôi cần phải đến Cornell hay Yale để sao chụp bản gốc. Không những tìm ở Văn hay Bách Khoa hay Khởi Hành mà tìm qua những lời đề nghị của thân hữu. Ví dụ khi nghe nhà nhận định Đặng Tiến đề nghị nên có thơ Hoài Lữ, tôi lại lái xe chạy đi Cornell bỏ nguyên một ngày tìm cho được mới thôi. Tôi mượn hầu như tất cả các tạp chí văn học miền Nam, đọc từng mục lục… Hay hỏi ý kiến bạn bè về những tác giả nào họ thích, rồi ghi ra, rồi tìm hay nhờ bạn bè tìm hộ.
Vì vậy, câu hỏi về tiêu chuẩn tuyển chọn tôi nghĩ nếu đặt ở Gio-O thì thích hợp, còn với TQBT thì không. Bởi lẽ chúng tôi tìm cách phục hồi di sản văn chương miền Nam, chứ không phải đi làm công việc tuyển chọn bài vở cho những tuyển tập văn thơ như thường lệ.
Nguyễn Thị Hải Hà: Những tuyển tập chọn in lại rất ít người nổi tiếng. Có những người chưa hề có tác phẩm trước năm 1975. Tại sao?
Trần Hoài Thư: Tôi là một tác giả viết văn làm thơ theo đôi giày trận. Nổi trôi từ Trường Sơn xuống tận đầm lầy Đồng Tháp Mười. Tôi nhìn bản thân mình, lấy kinh nghiệm của chính mình để mà thông cảm cùng những người cùng mang giòng máu như tôi.
Một năm hai tuần phép thường niên, lấy thì giờ đâu để mang bản thảo mình đi nạp bản, tìm nhà in, nhà phát hành. Chúng tôi đâu có ở Saigon để mà được gặp ông Nguyễn văn Thành như nhà văn Phan Nhật Nam đã kể về lý do tại sao những tác phẩm nữ được trúng giải thưởng văn học và ngay cả tác phẩm của ông nữa được thành hình khi ông được blogger Hoàng Lan Chi phỏng vấn:
“.. Ông Nguyễn Văn Thành trước kia bán sách dạo cho con nít trước chợ Tân Định. Khi khá, ông mở NXB Hiện Đại. “Đấy là một người rất giỏi” PNN nói. “Ông ta đã lobby như thế nào đó để các tác phẩm của Hiện Đại đồng loạt đoạt giải. Trong một năm, Tuý Hồng, Nhã Ca, Thuỵ Vũ đoạt giải thưởng 1,2,3 bộ môn văn; Du Tử Lê đoạt giải thơ với cuốn Đời Ở Mãi Phương Đông”, PNN tiếp: “Cũng qua bàn tay ông nầy, Mùa Hè Đỏ Lửa mới thành hình vì nguyên thủy chỉ là những bài đăng rải rác ở Sóng Thần, Đời, Diểu Hâu…” . Ông nầy còn tạo nên hiện tượng Lệ Hằng và Việt Hóa Nhạc Trẻ với những bài hát như “ Thuở nhỏ em với anh chơi bắn súng ben..ben..”
Nhưng mà, một tác giả có nhiều tác phẩm xuất bản chưa chắc là tác giả nổi tiếng. Ngược lại, một tác giả không có tác phẩm xuất bản cũng chưa chắc là tác giả tầm thường. Một ví dụ là thơ Vũ Hữu Định. Ai lại không nhớ những câu thơ như Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông… trong Một chút gì để nhớ…
Một ví dụ khác là truyện dài Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm do nhà An Tiêm xuất bản vào năm 1972.
Trước 1975 chẳng có ai nhắc nhở nó. Để bây giờ, nhờ một cô chủ Blog, nó mới được phục hồi. May mà Cornell còn giữ nó. Nếu không văn học miền Nam sẽ mất đi một di sản văn chương rất giá trị.
Đó là lý do giải thích tại sao chúng tôi lại chọn xuất bản những tác phẩm mà tác giả ít hay không được nhắc đến nhiều. Mấy vị tên tuổi quen thuộc được nhắc nhở nhiều rồi, nên nhường đất cho những tác giả khác chứ ?
Nguyễn Thị Hải Hà: Tại sao anh lại chọn công việc in này, thời buổi này người ta xuất bản sách paperless? Sách của Thư Quán Bảo Thảo rất tiểu công nghệ. Anh có vẻ yêu nỗi đẹp tuyệt vọng của sách báo trong thời gian đầu của in tơ net đang chế ngự này. Số in là bao nhiêu? Có tác phẩm nào tái bản nhiều lần không? Anh có lợi nhuận không? Nếu không được làm công việc in sách anh sẽ làm gì?
Trần Hoài Thư: Tôi bắt đầu nghĩ chuyện tự in ấn này sau khi xuất bản cuốn Ra Biển Gọi Thầm. Tôi muốn tự in lấy tác phẩm mình. Từ ý định ấy tôi bắt đầu để tâm nghiên cứu học hỏi. Càng ngày tôi càng mê đắm. Từ mê đắm tôi càng nghĩ ra những sáng kiến giúp tự động hóa công việc.
Tôi lấy ví dụ là việc xếp lằn trước khi dán gáy. Cái máy tôi mua chỉ xếp một lằn. Tôi chế ra mỗi lần xếp là xếp 4 lằn.
Hoặc máy binding, nếu mà dùng máy mua ở thị trường, thì một lần binding chỉ một cuốn. Tôi chế ra cái máy một lần binding có thể bind 12 cuốn.
Và rất nhiều rất nhiều sáng kiến khác. Tôi có thể thực hiện mỗi ngày khoảng 40 tập Thư Quán Bản Thảo dày 300 trang mỗi cuốn.
Đối với tôi bây giờ chuyện xuất bản sách như một trò chơi quá dễ dàng. Không còn là chuyện mơ ước như ngày xưa nữa.
Vì xem chuyện in ấn như là một “hobby” nên tôi không không bận tâm đến chuyện tiền bạc. Vả lại đây là phương pháp “book on demand”, mình in theo nhu cầu. Tôi có thể in từ hai cuốn hoặc ba bốn trăm cuốn. Ai hỏi là tôi in.
Đa số sách tôi in dành để tặng. Nhưng người đọc họ thấy công mình bỏ ra nhiều nên họ giúp cho tiền tem tùy tâm tùy hỉ.
Đúng, thời này là thời của paperless. Chính vì vậy. ai còn nghĩ đến di sản văn chương miền Nam, nghĩ đến “paper” là tôi rất trân trọng. Được tặng một người còn tha thiết như vậy là vui lắm rồi.
Nhà tôi hay đùa với các bạn khi họ hỏi tiền bạc đâu mà anh ấy cứ tặng free hoài: “Ông ấy lấy công làm lỗ”.
Nhưng mà họ làm sao biết, tôi đã quá lời. Thứ nhất là có một “hobby” tiêu khiển trong tuổi già. Thứ hai là được có thêm bạn vẫn còn tha thiết đến di sản văn chương miền Nam. Thứ ba là mình thực hiện được hoài bão của mình.
Vâng tiền bạc cần thật, nhưng chưa chắc mua được niềm vui mà mình mơ uớc.
Nguyễn Thị Hải Hà: Có lần anh nói trong một bài phỏng vấn trước đây trên Thư Quán Bản Thảo anh nói bộ Thông Tin ở Sài Gòn kiểm duyệt cắt bỏ truyện của anh rất nhiều. Họ kiểm duyệt về điều gì? Nội dung như thế nào thì không được in?
Trần Hoài Thư: Trong một nước có chiến tranh, kiểm duyện dĩ nhiên là một việc làm cần thiết. Ví dụ những bản tin tiết lộ bí mật quốc phòng chẳng hạn. Bởi vậy, chính quyền mới lập ra một Sở chuyên môn kiểm duyệt sách báo. Nhưng thực tế không phải vậy. Các vị “sát thủ đại hiệp” này, có khi lạm dụng quyền hành một cách đến ngu xuẩn.
Phần lớn các truyện của tôi, chiến tranh là đề tài chính. Mà chiến tranh là đồng nghĩa với bom đạn. Nhưng khi viết bom đạn, thì chữ bom bị đục, chỉ còn lại từ đạn chơ vơ.
Một ví dụ khác ở trang truyện “Những cơn mơ cuối năm”. câu văn gốc như thế này:
…:... khi tiếng còi báo động máy bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời thành phố,
Thì bị kiểm duyệt đục ba chữ: máy bay Mỹ:
... khi tiếng còi báo động………… xuất hiện trên bầu trời thành phố,
Việc Mỹ oanh tạc miền Bắc là một việc đường chánh chánh, là chính sách của quốc gia, hằng ngày những tin oanh tạc, những chiếc phản lực xé toang cả bầu trời, rành rành ra đó, mà sát thủ nhà ta lại không biết, lại đục mấy chữ máy bay Mỹ ra khỏi câu, chỉ để lại những chữ xuất hiện trên bầu trời… Vậy thì đục làm gì chứ. Chẳng lẽ chim chóc xuất hiện hay sao?
Một ví dụ khác là trong một truyện ngắn của tôi trên Bách Khoa, khi viết về một buổi chiều phục kích tại một bìa làng, tôi có cho nhân vật ông Tướng – người trung đội phó gốc Nùng (tên thật là Lương văn Tướng) vào trong truyện. Chẳng hạn “này ông Tướng, hôm nay tổ nào trực”. Tôi viết chữ Tướng với T hoa. Vậy mà ngài sát thủ lại kết tội tôi chơi xỏ một ông tướng nào dó, bôi tất cả những chữ Tướng trong bài văn !…
Kể ra như thế để các bạn hiểu về kiến thức trình độ của các ngài cán bộ thông tin Bộ Cắt Đục (dân sự) cũng như về nỗi khó khăn của người lính viết văn chúng tôi. Chúng tôi đã chiến đấu thật sự để bảo vệ họ được ung dung ở Saigon. Và họ nhân danh sự dốt nát, để chém đâm những đứa con tinh thần của chúng tôi hết chỗ nói.
Nhưng mà không sao. Chúng tôi có cách để thoát khỏi lưỡi dao cái kéo của họ.
Đó là gởi những bài mà mình cảm thấy bị làm khó khăn cho tờ Khởi Hành – tuần báo của Hội Văn Nghệ Sĩ quân đội.
Vâng chỉ có tờ KH tôi mới có thể viết bom đạn, hay ra lệnh ông Tướng trung đội phó của tôi mà không bị bôi đen. Chỉ có tờ Khởi Hành mới dám đăng những truyện mà các báo khác không dám.
Nếu không có tờ Khởi Hành, chắc tôi sẽ không bao giờ có được truyện Bên Kia Cầu để mà in thành sách, và được trích ra một đoạn cho bài tản mạn này (Sau khi báo Bách Khoa trả lại bản thảo vì không dám đăng):
Lòng tôi bây giờ ảm đạm như bầu trời mùa đông. Phải chi hai bên đánh nhau tơi bời, để một bên thắng, một bên thua, phân minh, rõ rệt. Nhưng ở đây chỉ là nước mắt, khi những người đáng tuổi nội ngoại hay mẹ cha tôi lại lạy tôi như mưa bấc. Thắng gì khi hai đứa con của đơn vị đã bị giết một cách vô lý mà chúng tôi vẫn không thể trả thù. Muốn trút cơn phẫn nộ lên đầu đám dân, muốn đốt hết nhà, đốt hết kho, muốn để lính bắt hết gà, hết vịt để trả thù, nhưng lương tâm không ổn. Trời ơi, trận chiến gì mà kỳ cục vậy. Dù có đại danh tướng như Napoleon cũng phải bó tay mà thôi.
Cuối cùng chúng tôi được lệnh rút quân. Chúng tôi trở lại cầu. Chúng tôi trở lại nơi hai thằng con bị kiến cắn. Mấy đứa con của trung đội Một bỗng nhiên chỉa súng lên trời bắn chỉ thiên loạn xạ. Không thể trách họ được. Họ tức giận điên cuồng bởi vì họ không thể trả thù cho bạn họ. Và họ chỉ biết trút hết nỗi phẫn uất này lên trời. Chỉ tội nghiệp đám dân lại một phen chạy tìm nơi trú ẩn.
Có thể nói, Khởi Hành cũng là tuần báo duy nhất dám đăng những bài văn/thơ mà các báo khác không dám. Ví dụ điển hình là những bài thơ chống chiến tranh hạng nặng của Nguyễn Bắc Sơn.
Nguyễn Thị Hải Hà: Trong công việc sưu tập, anh có gặp khó khăn gì không?
Trần Hoài Thư: Có. Nhiều khi bắt mình trở thành một thám tử văn học. Mình không thể biết nguồn nào là đúng nguồn nào là sai. Lấy một ví dụ về trường hợp Phùng Thăng và Phạm Thiên Thư. Cả hai đều có pháp danh và bút danh là Tuệ Không. Khi thực hiện chủ đề về nữ dịch gỉa Phùng Thăng, tôi được ông Trần Xuân Kiêm nguyên là phu quân của Phùng Thăng cung cấp những bài vở do Phùng Thăng viết hay nghiên cứu. Trong đó có bài Vang bóng Nguyễn Du. Tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại Vạn Hạnh, số 8 tháng 12-1970, số Chuyên đề về Nguyễn Du, tt.19-21. Nhưng bút danh này lại trùng hợp với pháp danh và cũng là bút danh của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Sự trùng hợp này khiến những bài viết của Phùng Thăng ký dưới bút hiệu Tuệ Không cho đến nay vẫn bị nhầm là của Tuệ Không Phạm Thiên Thư!
Và mới đây, tôi vừa tìm ra bài thơ rất quen thuộc do Phạm Duy phổ nhạc, mà ai ai cũng biết là thơ Phạm Thiên Thư. Đó là bài Pháp Thân trong 10 bài Đạo Ca:
Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu …
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu …
Nhưng trên tuần báo Khởi Hành số 24 ra ngày 9-10-1969, bài thơ này lại được ký bằng bút hiệu Phạm văn Bình. Chắc ai ai cũng biết nhà thơ Phạm văn Bình có những bài thơ rất nổi tiếng, được Phạm Duy phổ nhạc chẳng hạn Mười hai tháng quân đi (hay Hành trình của anh TQLC) hợac bài “Lời Tình Buồn” (trên NET tựa đề đổi thành Năm năm rồi không gặp)…
Mặc dù, theo ý kiến cá nhân, tác gỉa bài thơ này phải là Phạm Thiên Thư. Chỉ có thi sĩ Pham Thiên Thư mới mang đạo vào thơ, dù là thơ tình đi nữa.
Nếu quả thật ý kiến cá nhân của tôi là đúng, tôi không biết nhà thơ Viên Linh – người chăm sóc bài vở của Khởi Hành có đính chánh chưa.
Tôi mong nhà thơ Viên Linh – người chăm sóc bài vở của tuần báo Khởi Hành trước 1975, nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà thơ Phạm văn Bình – cả ba đều còn sống – làm ơn giải tỏa dùm về sự trùng hợp này. Xin cám ơn trước.
Nguyễn Thị Hải Hà: Trong tất cả các tác phẩm anh đã in qua Thư Ấn Quán và Thư Quán Bản Thảo, nếu phải chọn 10 tác phẩm để đặc biệt giới thiệu, anh sẽ chọn tác phẩm nào, vì sao?
Trần Hoài Thư: Nếu chọn, tôi sẽ chọn:
- Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm
- Hoa Daffodil Thắt Bím của Nguyễn Âu Hồng. Đây là một tập truyện mỏng về tình yêu. Đẹp, rất đẹp chẳng những trong tình yêu mà còn ở chữ nghĩa. Có thể nói từ trước đến nay chưa có một tác phẩm nào viết về tình yêu dành cho mọi lứa tuổi. Từ tuổi 16 đến tuổi 80. Xin trích một đọan kể về phút “hồi xuân” của một bà lão Mỹ 80 và một ông già người Việt :
Barbara cứ đứng một chỗ hết nhìn ông Tân lại nhìn ra khu rừng. Rồi bà nói nhỏ như thì thầm:- Gọi tên tôi một lần nữa đi Tân- Barbara, bà có sao không?- Xin gọi tên tôi…- Barbara, tôi nghĩ chúng ta nên đi vào. Ở ngoài này lâu sẽ bị cảm lạnh mất.- Xin gọi tên tôi, dù…- Barbara…- Tiếng anh gọi tên tôi nghe sao dịu ngọt như anh Jack yêu quí của tôi gọi tôi lúc chúng tôi còn tuổi trẻ.Ông Tân tưởng Barbara bị mộng du nên đặt hai tay lên vai lay cho bà tỉnh. Barbara nói, giọng mơ màng:- Tân ơi, anh ôm tôi đi. Xin vui lòng cho tôi một vòng tay ôm.Ông Tân hơi ngập ngừng, nhưng giọng nói và ánh mắt của Barbara van nài tha thiết quá khiến ông không dừng được. Ông bước tới một bước, vòng tay quanh người Barbara, một vòng tay Á Đông nhưng nhờ thường xuyên tập tạ nên cũng không đến nỗi quá nhỏ bé so với thân hình to lớn của người đàn bà, rồi với tất cả sức mạnh của một người làm vườn chuyên nghiệp, anh siết thật mạnh và giữ chặt thật lâu. Đây chắc là một vòng tay ôm nhớ đời. Họ đứng yên một chặp, có cảm giác như quả đất cũng đứng yên. Bỗng ông Tân đâm hoảng: tấm thân đồ sộ chắc nịch của Barbara trong vòng tay ông như tan chảy, mềm dần rồi nhũn xuống như cọng bún. Ông xiểng liểng phải dựa vào một góc thông gần đó mới không bị ngã… - Bộ Thơ Miền Nam gồm 5 cuốn.
- Bộ Văn miền Nam gồm 4 cuốn
- Chiến tranh VN Và Tôi (thơ Nguyễn Bắc Sơn)
- Vũ trụ Thơ của Đặng Tiến (tập 1 và 2)
- Thơ Vũ Hữu Định Toàn Tập
- Lẽo Đẽo Một Phương Quì thơ Từ Thế Mộng
- Kỷ vật Cho Em thi phẩm của Linh Phương
- Thư Quán Bản Thảo số 61: Hiện tượng nhà văn nữ
Nguyễn Thị Hải Hà: Vụ Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, anh nhìn thấy cái vẻ phù phiếm của những kẻ muốn duy trì nhãn quan chiến tranh theo khả năng tái chế của họ. Anh phải nói như thế nào về những người Mỹ đã bảo trợ để in tác phẩm này trong khi họ lại không bảo trợ in một tác giả lính Miền Nam.
Trần Hoài Thư: Quyển Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh sở dĩ được đón nhận nồng nhiệt là vì từ mấy mươi năm chiến tranh và chế độ CS ở miền Bắc, cửa khép kín. Nay cánh cửa ấy mở ra. Còn miền Nam, nỗi buồn chiến tranh đã được nói quá nhiều, qua các bộ môn văn học nghệ thuật trong mấy mươi năm chiến tranh…. Nhiều đến độ nhàm chán….
Một lý do chính cho sự đón nhận này là, theo những nhà nhận định, phê bình, ví dụ ông Phạm Việt Cường, ngay trên lời bạt của tác phẩm mà tôi được đọc ở Mỹ đại ý cho rằng Nỗi Buồn Chiến Tranh là tác phẩm trung thật nhất trong chiến tranh về Việt Nam từ trước tới nay.
Trung thật ở chỗ nào khi một toán thám báo bị bắt ngay ở trong mật khu chỉ có ba người, mà toán trưởng là một trung úy, dẫn mấy chị nuôi đi ra bờ sông rồi trấn nước sau khi thỏa mản thú tính khi vai trò thám báo là săn tin, là đột nhập mật khu địch để làm công tác tình báo, là bảo mật tối đa… Họ phải được huấn luyện thật kỹ về mưu sinh thoát hiểm.. Họ được trực thăng thả xuống địa điểm làm ăn, họ phải lội cả mấy cây số để xâm nhập mật khu. Nhiệm vụ họ là báo cáo về Bộ chỉ huy địch đông hay ít, hay kiểm chứng những nguồn tin tình báo có xác thật hay không. Nói tóm lại, là nhiệm vụ họ rất ư là nguy hiểm, chết sống trong đường tơ kẻ tóc.
Có thể là ông Phạm Việt Cường hay những nhà phê bình văn học nào đó không có kinh nghiệm về vai trò thám báo. Nhưng nếu không có kinh nghiệm thì đừng bảo là trung thật. Hay trước khi phê phán xin vui lòng tìm hiểu về vai trò thám báo (Tiếng Mỹ là highland scout hay ranger scout) trên Internet.
Đó là Bảo Ninh. Còn Hồ Anh Thái thì độc địa hơn, khi tả lại cảnh toán thám báo bắt một tù binh, mổ lấy trứng dái (tinh hoàn), nổi lửa giữa mật khu để cùng nhau nướng nhậu. Tả gì mà tả quá khủng khiếp ghê rợn. Bộ nổi lửa để “lạy ông tôi ở bụi này” à ?
Bây giờ lịch sử dần dần càng mở ra cánh cửa. Mà góp phần lớn là Internet và những Blog, Facebook, forum… Giới trẻ không còn bị bít bùng kiến thức và tầm nhìn như cha anh họ nữa.
Vấn đề chánh là ai nói lên sự thật này, cho dù cái câu “Của Caesar phải được trả lại Caesar” vẫn hằng xem là câu châm ngôn. Lấy ai để tìm cái “của” này ?
Đó là lý do tại sao tôi viết bài đối thoại với nhà văn Bảo Ninh. Không phải chỉ riêng nhắm vào ông ta mà còn cho những người xem Nỗi Buồn Chiến Tranh là trung thật. Tôi chỉ có thể làm trong khả năng của tôi, còn những chuyện lớn lao khác, những câu hỏi lớn lao khác mà Gio-O đặt ra cho tôi, tôi xin được miễn trả lời, vì tôi không bao giờ nghĩ đến hay quá tầm mức hiểu biết của mình.
Nguyễn Thị Hải Hà: Người đọc nên đọc kỹ phần nào ở các sáng tác trong chiến tranh của Trần Hòai Thư ? Những phần mà các nhà phê bình từ trước đến nay đã không nhìn thấy hay đã không công bằng với một tác giả lính của Miền Nam, ở đây anh có thể tiết lộ cho các độc giả Gió O như một trao đổi thân thiện ?
Trần Hoài Thư: Sau khi Sáng Tạo chết vào năm 1961, giòng văn học chiến tranh bắt đầu thành hình, mà tạp chí Văn số 8 năm 1964 với chủ đề “thơ văn có lửa” như một dự báo về môt nền văn học khác. Đó là văn học chiến tranh… Từ đó, mãi đến 1975, có biết bao nhiêu bài vở sáng tác viết về chiến tranh được xuất hiện trên các tạp chí văn học thời danh bấy giờ. Văn chương miền Nam cũng di tản từ thành thị ra ngoài các tiền đồn, các thị trấn heo hút, các căn cứ trên miền cao, hay theo bước giày trận của những người viết trẻ. Lớp người viết cho Sáng Tạo không còn viết mạnh như xưa. Thanh Tâm Tuyền bị bế tắc, chính ông thú nhận trong tạp bút “Âm Bản” đăng trên tạp chí Khởi Hành: “Đã lâu lắm tôi không làm thơ. Có đến mười năm. Tập thơ cuối cùng đã làm hồi 59-60…” (tạp chí Khởi Hành số 51, năm 1970).
Sự xuất hiện của lớp nhà văn trẻ này thật rầm rộ, hầu như bút danh của họ tràn ngập chẳng những trên Khởi Hành, Văn, Bách Khoa, mà cả Trình Bày, Văn Học, Nghiên Cứu Văn Học… Chính họ đã nuôi dưỡng những tạp chí văn học ở Saigon. Người đọc không phải vì Mai Thảo, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…mà mua Văn hay Khởi Hành, mà vì những tạp chí ấy đã đăng những bài vở rất gần gũi với họ.
Có điều là lớp nhà văn trẻ này ít có người có tác phẩm xuất bản để được các nhà phê bình để mắt đến. Vì sao? Vì họ, phần lớn là lính tráng, đâu có dịp để về Saigon như một số nhà văn nhà thơ ở Saigon. Vì họ, đâu có cơ hội ở Saigon như nhà văn Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng viết miệt viết mài. Mỗi năm ra đến 4, 5 tác phẩm. Nhưng mà, với 700 hội viên của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội, và trên hai trăm nhà thơ mà tôi sưu tầm cho Bộ Thơ Miền Nam thời chiến trên các báo thời danh bấy giờ, trong khi Sáng Tạo chỉ khoảng 15 người hay tối đa là 20 người.
Vậy mà có nhà phê bình nào viết về dòng văn chương này?
Trong khi đám phê bình miền Bắc thì luôn luôn xem văn học miền Nam là văn học đô thị, nô dịch, là âm mưu của đế quốc Mỹ, là chính sách thâm độc thực dân kiểu mới v.v…
Họ chỉ nhắc đến Sáng Tạo, đến những cây bút nữ, đến những tác phẩm của các tác giả ở Saigon, nhưng có mấy ai nhắc đến sự đóng góp vô cùng to lớn của những người trẻ vừa cầm viết và cầm súng ở ngoài vòng đai ?
Đó là lý do tôi kêu gọi sự công bằng.
Nguyễn Thị Hải Hà: Hẳn là anh nhìn thấy sự chiến thắng của Văn Học Miền Nam khi anh ra ngoài nước. Bây giờ người ta tìm đọc Văn Học Miền Nam như đọc những hải đăng hiếm và quý. Anh muốn nhìn thấy gì trong văn chương ở hải ngoại? Anh có lời nhắn gửi gì với những người viết bây giờ và mai sau không?
Trần Hoài Thư: Vâng, tôi đã thấy, ngày tiếp ngày tháng tiếp tháng, và năm tiếp năm. Suốt 14 năm nay qua việc thực hiện tạp chí Thư Quán Bản Thảo và việc truy tầm xuất bản hay tái bản các tác phẩm miền Nam trước 1975. Điều đáng kể nhất là mới đây, trên Blog VanViet, những người chủ trương văn đàn này đã công khai nói về sự nhầm lẫn của họ khi họ nghĩ văn chương miền Nam là văn chương đô thị. Đó là dấu hiệu bắt đầu cho một sự công nhận một cách công khai, và cũng là dấu hiệu để chúng ta có quyền nói với con cháu chúng ta trong cũng như ngoài nước về một nền văn chương của con người, vì con người, tự do, nhân bản.
Nhưng mà tìm đâu ra những di sản này để mà phục hồi để con cháu chúng ta biết thế nào là một nền văn chương đích thật. Vâng, rất giản dị. Tìm ở thư viện đại học Hoa Kỳ. Tìm ở các thư viện trong nước. Tôi nghĩ nếu ai còn tha thiết thì xin ra tay. Chứ cứ nói không thì biết đến khi nào.
Tôi: lão già mắt mờ tay run, một đàng phải chăm sóc người bạn đời chẳng may bị khổ nạn nan y, một đàng phải lo tờ báo, ở một nơi heo hút, ít người Việt, mà còn làm được thì những người mạnh khỏe dồi dào tiền bạc dồi dào phương tiện gấp trăm ngàn lần hơn tôi, lẽ nào không làm được hay sao?
Riêng câu hỏi về văn học hải ngoại tôi nghĩ là không còn cần thiết nữa. Khi một tác giả gởi cho Gio_O với địa chỉ Yahoo.com hay gmail.com Gio_O có biết người gởi ở Việt Nam hay ở Mỹ ?
Nguyễn Thị Hải Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét