Bài này viết về sự liên quan giữa trận Đồng Xoài 10 tháng 6-1965 và Ngày Quân Lực đầu tiên 19 tháng 6, năm 1965.
Bài này viết về lời ca của Trịnh Công Sơn:
Tôi có người yêu… chết trận Đồng Xoài…nằm chết như mơ…(TCS).
và Nam Lộc : Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi. (Nam Lộc)
Bài này viết tặng cho những chiến hữu còn sống sau trận Đồng Xoài. Thiếu úy Nhẩy dù Đoàn Phương Hải (quê Hà Nội) bị thương nằm trên chiến địa toàn những xác người.
Chuẩn úy Phi công Nguyễn quang Vĩnh (sanh quán Sài Gòn) từ trên trời cao dội bom ngày đêm.
<!>
43 năm sau, Nhẩy Dù Đoàn Phương Hải gặp Không quân Nguyễn Quang Vĩnh tại San Jose. Họ đã nói gì về Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ?
Họ đã nói gì về trận Đồng Xoài ? Thiếu tá nhẩy dù Đoàn Phương Hải, người về từ Charlie. Trung tá không quân Nguyễn quang Vĩnh, anh hùng không quân 1972. Cả hai hiện ở San Jose.
Lịch sử như một dòng chảy xuôi:
Hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, một triệu người di cư chín nút. Nền cộng hòa miền Nam ra đời. Sài Gòn từ chối hiệp thương. Hà Nội thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam 1960. Chiến tranh du kích nổi dậy phá ấp chiến lược tại nông thôn. Thành thị binh biến lật đổ Đệ Nhất Cộng Hòa 1963. Suốt 20 tháng tiếp theo, tại nông thôn các ấp chiến lược bị bỏ trống, cộng sản phát triển cơ sở. Thành thị miền Nam trải qua 8 cuộc biến động và thay dổi chánh phủ. Ngày 19/6/1965 chính phủ quân nhân lên cầm quyền với thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Tướng lãnh họp tại Sài Gòn và chiến binh hỏi thăm dân tại Đồng Xoài
Cũng trong thời gian này cộng sản nghiên cứu dứt điểm quận Đôn Luân tại Đồng Xoài. Xử dụng Q.762 và Q.763 để khánh thành Công trường 7. (Quân sử Hoa Kỳ ghi là hai trung đoàn 272 và 273 của sư đoàn 9). Phía VNCH vừa hoàn tất việc đồn trú 1 đơn vị của lực lượng đặc biệt có ban cố vấn Hoa Kỳ trên 30 quân nhân hiện diện.
Trận Đồng Xoài khởi sự đêm 10 tháng 6 năm 1965 với 2000 quân cộng sản tấn công biển người và tràn ngập quận Đôn Luân. Qua ngày 11 tháng 6 năm 1965, bên ta tung ba tiểu đoàn vào mặt trận. Một tiểu đoàn bộ binh của Hoa Kỳ phía sau làm trừ bị nhưng tướng Westermoreland không cho tham chiến. Tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân là mũi tấn công chính đánh thẳng vào mặt tiền của quận Đôn Luân. Từ bên trong, các ổ kháng cự của quân ta vùng lên và mở đường máu thoát ra ngoài. Địch rút khỏi quận Đôn Luân, mở một phòng tuyến mới tại đồn điền Thuận Lợi. Tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân chiếm lại chi khu với tổn thất trung bình. Một tiểu đoàn bộ binh VNCH truy kích cộng sản bị hơn trung đoàn địch bao vây và tiêu diệt. Tiểu đoàn 7 nhẩy dù bắt đầu tham chiến, lấy xác anh em xong rồi tiếp tục xông vào cuộc tử chiến. Một số lớn anh em mũ đỏ hy sinh trong trận này gồm cả tiểu đoàn trưởng và các đại đội trưởng. Trận đánh trong 2 ngày đẫm máu tại Đồng Xoài đưa tên chiến địa vào bài ca bất tử. Mỗi bên thương vong cả ngàn người. Địch rút lui đem theo tử sĩ và tuyên bố chiến thắng trận lịch sử Đồng Xoài. VNCH chôn cất các tử sĩ đợt đầu tiên tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Các tướng lãnh tiếp tục họp tại Sài Gòn để quyết định về việc tham chính. Trong hoàn cảnh cay đắng đó, ngày Quân Lực đầu tiên19 tháng 6 năm 1965 ra đời. Trung tướng Nguyễn Hữu Có, tổng trưởng quốc phòng theo bộ Tổng tham mưu đề nghị chọn ngày thành lập quân đội quốc gia hoặc ngày tổ chức bộ Tổng tham mưu. Nhưng ông Kỳ quyết định chọn ngày các tướng lãnh ra cầm quyền. Lính Cộng Hòa chết trận Đồng Xoài trước cả ngày Quân Lực được tuyên bố. Giấy khai tử cá nhân chiến sĩ ra đời trước cả giấy khai sinh của một đạo quân.
10/06/1965 trận Đồng Xoài bắt đầu.
1970 Khánh Ly hát : Tôi có người yêu… chết trận Đồng Xoài… nằm chết như mơ…
Rồi mười năm sau, năm 1980 Nam Lộc hát: Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi.
19/6/2019. Bốn mươi tư năm sau ngày 30/4/1975 nước mất, tan hàng. 19/6/2019. Năm mươi tư năm sau ngày quân lực đầu tiên năm 1965.
Còn ai nhớ đến 16 ngàn chiến hữu nằm tại nghĩa trang Biên Hòa ? Trong đó có hàng trăm tử sĩ chết trận Đồng Xoài nằm ở hàng đầu, ngay sát Nghĩa dũng đài.
Tử sĩ chết trận Đồng Xoài .
Phe cộng sản, cho đến ngày nay vẫn còn đi tìm các tử sĩ chết trận Đồng Xoài dưới ngọn cờ của giải phóng miền Nam. Phóng viên AP của Hoa Kỳ (Horst Faas) đã được nhiều giải thưởng qua loạt hình chụp được ngay tại Đồng Xoài. Anh nhẩy trực thăng cùng tiểu đoàn biệt động quân tái chiếm Đôn Luân. Tuy nhiên, không có hình ảnh của trận đánh đẫm máu 2 ngày sau tại đồn điền Thuận Lợi. Tại San Jose, 10 nam truoc, câu chuyện này đăng trên Viet Tribune lần đầu vào thứ sáu ngày 13/6/2008 và trên trang Dân Sinh Thời Báo hàng ngày, thứ bẩy14/6/2008. Chiếu trên TV Dân Sinh lúc 8:30 sáng, nghe bài nói chuyện trên Radio Dân Sinh 9 giờ sáng thứ bảy băng tần 1500 AM ngày 14/6/2008. Câu chuyện trung thực nhất, không phân trần thắng bại. Mười năm sau, nhắc lại vào năm 2019. Chỉ ghi lại diễn tiến lịch sử. Độc giả sẽ tự hiểu là quân ta phòng thủ quận Đôn Luân gồm có Lực lượng đặc biệt, Địa phương quân, Nghĩa quân của xóm Đạo Đồng Xoài đã tử chiến đến người cuối cùng nội trong đêm 10 tháng 6 năm 1965. Tiếp theo là sự hy sinh của biệt động quân, bộ binh và nhẩy dù. Sau trận chiến kinh hoàng đó, cộng sản đã di chuyển toàn bộ thương binh tử sĩ của địch ra khỏi trận địa dùng các xe của đồn điền với hàng trăm dân công cưỡng bách trong vùng.
Ghi lại câu chuyện trận Đồng Xoài tháng Sáu, chúng tôi xin đem lại cho ngày Quân lực năm nay ý nghĩa mới mẻ và chân thành trong tình huynh đệ chi binh với những người thực sự hy sinh đã vĩnh viễn ra đi.
Nội dung câu chuyện như sau:
Chết trận Đồng Xoài
Địa danh trong chiến sử :
Trong quân sử chiến tranh Việt Nam, trận Đồng Xoài là trận thử lửa vào năm 1965 mở đầu giai đoạn quân lính hai bên đối mặt giao chiến giữa ban ngày.
Đồng Xoài là địa danh nằm cách Sài Gòn 55 dặm về hướng Tây Bắc. Tại đây là nơi đặt các cơ sở của quận và chi khu Đôn Luân. Ngoài Nghĩa quân, Địa phương quân, Đồng Xoài cũng là căn cứ tân lập của lực lượng đặc biệt và có văn phòng cố vấn Mỹ trên 30 người.
Lính Việt giúp lính Mỹ bị thương và quân y thu dọn chiến trường.
Ngày 25/5/1965 khi các đơn vị của lực lượng đặc biệt và cố vấn Mỹ hoàn tất việc đồn trú, những trận pháo kích thăm dò của địch đã bắt đầu. Phe cộng sản di chuyển hai trung đoàn của công trường 7 vào trận địa với toàn phần còn lại của sư đoàn làm trừ bị. Đêm 10/6/1965 trận Đồng Xoài bắt đầu. Từ các vườn cao su chung quanh chi khu Đôn Luân, tiền pháo hậu xung, với quân số tấn công 2 ngàn người. Địch dùng biển người tràn ngập phòng tuyến 400 quân của phe Cộng Hòa. Cộng sản chiếm được phần lớn khu vực, binh sĩ miền Nam tử chiến trong doanh trại chi khu. Một số chạy thoát và một số vẫn còn nằm trong khu vực phòng thủ sau cùng. Qua ngày 11/6/1965 cộng sản vẫn còn chiếm giữ trận địa, sau những trận oanh kích dữ dội của không quân. Từ Tân Sơn Nhất, Đại đội trực thăng 118 của Hoa Kỳ đưa binh sĩ của sư đoàn 5 VN vào Đồng Xoài. Tuy nhiên, lực lượng chính để phản công là tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân. Hoa Kỳ cũng đưa vào Đồng Xoài một Tiểu đoàn bộ binh Mỹ, nhưng tướng Westmoreland cho lệnh án ngữ bất động bên ngoài..
Biệt Động Quân xung phong vào trận địa, lính Địa phương quân còn kẹt bên trong chi khu vượt thoát ra ngoài. Hình người lính Biệt Động Quân trúng đạn ngã xuống, tay vẫn còn vươn về phía trước để nhặt cây súng bị rơi.
Một phóng viên của AP, anh Horst Faas đã đi cùng tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân trực thăng vận xuống sân đá banh. Từ đây lính mũ nâu tấn công thẳng vào mặt tiền của quận Đôn Luân, mở cuộc hành quân giải tỏa cho Bộ Chỉ Huy Chi Khu. Những hình ảnh do nhiếp ảnh viên AP chụp được đã tràn ngập trên trang nhất báo chí Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, kẻ thù tấn công một Quận của tỉnh Phước Long và đã ở lại đến ngày hôm sau, ngay khi quân miền Nam tiếp ứng. Hình ảnh chụp được khu doanh trại của cố vấn Mỹ bốc cháy, lính Biệt Động Quân xung phong vào trận địa, lính Địa phương quân còn kẹt bên trong chi khu vượt thoát ra ngoài. Với tổn thất trung bình, Biệt động quân tái chiếm Đôn Luân. Địch lui ra khỏi phạm vi chi khu rút về phía đồn điền Thuận Lợi.
Đẫm máu thực sự :
Tái chiếm xong quận Đôn Luân, nhưng thực sự trận Đồng Xoài chưa bắt đầu. Tiểu đoàn Bộ binh của Sư đoàn 5 được trực thăng vận xuống chiến trường hăng hái truy kích đơn vị địch. Địch đã chuẩn bị phòng tuyến chính trong khu rừng cao su. Trận biển người đẫm máu bắt đầu giữa rừng cao su Thuận Lợi. Tiểu đoàn Bộ binh Việt Nam tử chiến và hy sinh.
Giờ đây đến lượt Tiểu đoàn 7 Nhảy dù nối gót. Bao lâu nay đi tìm địch. Bây giờ gặp địch, không thể khước từ. Gần trọn 1 đêm thu dọn chiến trường, đem xác bạn ra. Xong rồi mũ đỏ mang số 7 nhập cuộc. Địch lần lượt dùng toàn bộ phần còn lại của 1 sư đoàn đánh trận biển người lần thứ ba. Toàn bộ binh sĩ và Sĩ quan của Tiểu đoàn 7 mũ đỏ tử chiến. Quân hai bên giáp mặt. Không quân dội bom yểm trợ ngày đêm. Máu đỏ ướt đẫm hòa với nhựa cao su chảy dài trên mặt đất.
Thiếu úy Đoàn Phương Hải, Sĩ quan Đà Lại mới ra trường cuối năm 1964, bị thương nằm giữa chiến trường đầy những xác người. Kẻ thù chiếm lãnh trận địa, thu dọn suốt đêm. Thanh toán thương binh của ta, di chuyển thương binh, tử sĩ của địch. Thiếu úy Hải may mắn sống sót vì nằm lẫn lộn trong xác chết.
Chuẩn úy phi công khu trục Nguyễn quang Vĩnh mới đi học bay từ Hoa Kỳ về và nhận công tác yểm trợ chiến trường. Thiếu úy Hải nằm dưới đất phần sợ địch thanh toán, phần sợ ăn bom của Không quân Việt Nam.
Khi địch đã rút đi, 5 ngày sau Đoàn phương Hải mới bò lết về đến chi khu Đôn Luân. Trận đánh dữ dội nhất của anh Thiếu Úy võ bị mới ra trường chính là trận Đồng Xoài. Đoàn phương Hải nói rằng trận Đồng Xoài ác liệt không thua Bình Giả và trận đồi Charlie, nhưng vì lúc đó chưa quen Nhật Trường nên không có bài ca Anh ở lại … Đồng Xoài.
Tuy không vất vả bằng thiếu úy Hải dưới đất, nhưng chuẩn úy Không quân Nguyễn quang Vĩnh cũng hết sức đánh bom ngày đêm. Bộ tư lệnh không quân đề nghị Bảo quốc Huân chương cho Nguyễn quang Vĩnh nhưng vì mới có chuẩn úy nên chỉ được lãnh Anh dũng và Phi dũng Bội tinh. Cả hai cùng tham dự trận Đồng Xoài, chiến trường địch và ta đều tổn thất 70%. Mười phần chết bẩy còn ba. Hai anh sĩ quan trẻ. Một người dưới đất, một người trên trời. Không hề biết nhau. Hơn 30 năm cùng sống ở San Jose nhưng cũng không có dịp nói về trận Đồng Xoài. Bây giờ 43 năm sau, gặp ngày Father Day cùng với ngày Quân lực tại San Jose, hai người cựu chiến binh có dịp nhắc lại chuyện xưa.Cả hai cùng ngại ngần khi nói đến cấp bậc và chiến công dù đã nhiều lần lãnh vòng hoa nguyệt quế. Bây giờ chỉ còn tưởng nhớ các chiến hữu đã bỏ xác tại Đồng Xoài và mai táng tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Và cũng nghĩ rằng còn sống được là may. Vào đời tuổi 20, đi quân đội 64, năm 65 đánh những trận đầu đời kéo dài đến 75 là dứt điểm. Bây giờ ngồi lại bên nhau, tuổi đời 70 va 80, sinh quán Hà Nội, Sài Gòn. Đâu biết ai là nhẩy dù, ai là Pilot. Bây giờ San Jose, tháng Sáu. Tháng của Father Day, tháng của ngày Quân Lực. Ngày xưa, trận Đồng Xoài tháng Sáu, trận Charlie tháng Sáu, trận Quảng trị cũng tháng Sáu…
Đồng Xoài sau cuộc chiến : Trong bộ sưu tầm của Viện Bảo Tàng Việt Nam, tờ báo Life số ra ngày 2/7/1965 in tràn ngập hình ảnh trận Đồng Xoài. Ký giả Hoa Kỳ kể lại là cứ mỗi 10 giây là có một người ngã xuống. Ngày đầu tiên hai ngàn chiến binh Việt Cộng tràn ngập vị trí của 400 binh sĩ quận Đôn Luân. Riêng các cố vấn Hoa Kỳ tổng cộng có 21 người ghi nhận là tổn thất.. Trang quân sử của Wikipedia ghi rõ có 7 chiến binh Hoa Kỳ tử trận, 15 bị thương và 13 mất tích. Đây là con số cố vấn tổn thất nhiều nhất một lần của riêng năm 1965. Sau ba ngày kịch chiến, Việt Cộng rút đi và bắt đầu tuyên truyền trận Đồng Xoài là chiến thắng mở đầu cho cuộc tấn công mùa thu 1965. Trung đoàn 272 của cộng sản được đặt tên danh dự là trung đoàn Đồng Xoài. Sự thật đây cũng là một lần hiếm có, khi lực lượng du kích đã đủ lớn mạnh tổ chức cấp Sư đoàn, tấn công và ở lại chiến đấu với các đơn vị ưu tú của VNCH. Đây cũng là lần đầu tiên mà quân số tổn thất cả hai bên tương đương.
Mỗi bên đã thương vong cả ngàn người, bên địch đã đem được xác của họ khi đoạn chiến. Phía ta tử vong nằm la liệt tại Đồng Xoài gồm cả dân chúng lẫn chiến binh và gia đình. Hầu hết các đơn vị đều có đại diện hy sinh tại Đồng Xoài. Bộ binh, Địa phương quân, Nghĩa quân, Lực lượng đặc biệt, Biệt Động quân và Nhảy dù. Riêng Biệt động quân lãnh được vinh dự giải tỏa chi khu Đôn Luân và có hình ảnh đăng báo quốc tế. Lính mũ nâu là lực lượng tổng trừ bị số 3 sau Nhẩy dù và Thủy quân lục chiến.. Quân số tổng hợp các liên đoàn BĐQ còn đông hơn Sư đoàn dù hay Sư đoàn TQLC. Tuy nhiên lính mũ nâu không phải là tổng trừ bị của Tổng tham mưu mà lại được giao cho nhiệm vụ tổng trừ bị của các Quân khu. Vì vậy phần số coi bộ vất vả trong thân phận lấy chồng xa xứ, làm dâu thiên hạ. Trong trận Đôn Luân, Biệt động quân tổn thất trung bình và hưởng vinh dự chiến thắng ngày đầu tiên.
Chung sự vụ :
Cũng vào thời điểm 1965, cá nhân chúng tôi đang tăng phái cho Bộ chỉ huy Tiền phương của Quân khu trên Phước Long, Sông Bé. Sau được rút về hậu cứ và tham dự vào việc yểm trợ cho Chung sự vụ tại nghĩa trang Biên Hòa lúc đó mới bắt đầu khởi sự. Liên Đoàn công binh Kiến Tạo được lệnh ủi đất xây dựng cho nghĩa trang vào tháng 3-1965. Tháng 6 năm 1965 Nghĩa trang Gò Vấp đã hết đất. Xác anh em chết trận Đồng Xoài lần lượt chuyên chở về Nghĩa trang Biên Hòa. Sau đó Cục Quân Nhu và Bộ Tổng Tham Mưu phải cho lệnh tăng cường tối đa các anh em lo việc tẩm liệm, xưởng mộc đóng quan tài làm việc 24 giờ một ngày. Những lá cờ phủ trên quan tài được xưởng may cắt tăng cường công tác.
Phe Việt Cộng, thì cả ngàn xác đem đi không ai hay biết, nhưng phe ta thì nước mắt tràn ngập các trại gia binh ở Biên Hòa và Saigon. Linh cữu Sĩ quan Cấp úy trẻ tuổi xếp một dãy dài. Xe Quân vận chở quan tài về miền Tây, từng chuyến lên đường. Khăn tang trắng phủ kín lòng xe, tiếng khóc chạy dài trên quốc lộ. Bên Tâm lý Chiến yêu cầu tìm cách khác để tránh giao động hậu phương. Bên Tiếp Vận nói rằng cứ giải quyết cho nhanh là tránh giao động. Phe quốc gia vốn sống tự do nên chết công khai, khó mà dấu diếm như cộng sản, vì dấu diếm cũng chẳng được.
Hậu phương giao động :
Nếu hỏi rằng gần một ngàn di hài tử sĩ đem về từ trận Đồng Xoài có làm cho hậu phương giao động hay không? Các bạn đã quên sao ? Saigon trong thời kỳ đó đang rối tung lên, chứ ở đó mà chỉ giao động.
Cho đến tháng 6-1965 miền Nam vừa trải qua 20 tháng khủng hoảng chính trị. Trải qua 8 lần thay đổi và cải tổ nội các. Tám cuộc đảo chánh, chỉnh lý và biểu dương thanh thế. Phần lớn do các tướng lãnh chủ trương. Khi trận Đồng Xoài xảy ra là thời gian các tướng lãnh niên trưởng của chúng ta đang hội họp ngày đêm để đề cử người ra làm Thủ tướng, lãnh đạo đất nước. Đồng thời cũng chia ghế trong nội các chiến tranh.
Kết quả tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ nhận chức ngày 19 tháng 6 năm 1965. Một trong các công việc đầu tiên mà báo Mỹ ghi lại là ông Kỳ đem một cán bộ cộng sản ra bắn công khai tại Saigon.
Lập tức Việt cộng trả đũa xử tử một Trung sĩ Hoa Kỳ trong số tù binh bị giam giữ trong chiến khu. Đồng thời Việt Cộng lại còn đặt bom tại nhà hàng làm chết một số khách hàng Hoa Kỳ. Trong khi đó tại nghĩa trang Biên Hòa, hàng trăm tử sĩ đã được chôn cất, nhiều quan tài do xe quân vận chở về Hậu Giang và một số đi máy bay C 130 ra miền Trung.
Trận Đồng Xoài kết thúc vào ngày 13 tháng 6 năm 1965, tính đến ngày 19 tháng 6 năm 1965 mới vừa một tuần lễ. Việt cộng hô hoán chiến thắng Đồng Xoài trên đài Giải phóng ngày đêm. Báo chí Hoa kỳ bắt đầu viết bài ngả theo phe phản chiến. Các niên trưởng của chúng ta khởi sự tham chính lãnh đạo quốc gia vì quá bận rộn nên hầu như quên các tử sĩ hy sinh tại Đồng Xoài. Họ là nhóm người đầu tiên đông đảo nằm xuống lòng đất Nghĩa trang quân đội Biên Hòa trong tổng số 16 ngàn tử sĩ ở lại tính đến tháng 4 năm 1975.
Sáu tháng sau trận Đồng Xoài, Trịnh Công Sơn làm bài ca để cô Khánh Ly nức nở mỗi đêm trong phòng trà trên đường Tự Do. Tôi có người yêu… chết trận Đồng Xoài… nằm chết như mơ… Bây giờ 43 năm sau của Trận Đồng Xoài tháng 6. Bốn mươi ba năm sau của ngày Tướng Kỳ lên cầm quyền gọi là quân đội đứng lên làm lịch sử. Còn ai nhớ đến các tử sĩ chết tại chi khu Đôn Luân đã được chôn cất ở vòng trong cùng, tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Lính Sư đoàn, Lực lượng đặc biệt, lính Địa phương quân, Biệt Động quân, Nghĩa quân và Nhảy dù. Các anh sinh ngày tháng khác nhau nhưng cùng chết vào tháng 6 năm 1965 tại Đồng Xoài. Nằm chết như mơ.
Nói với chiến binh chết trận Đồng Xoài :
Bây giờ vẫn còn nhớ cái tuần lễ oan nghiệt đầu tháng 6 năm xưa, tôi thấy các cậu được đem về từ Đồng Xoài. Cậu nào, cậu nấy nằm chết như mơ, y như trong bài ca, nào là băng ca, hòm gỗ, hoa cườm hay Poncho, thẻ bài, trực thăng… Cậu nào cũng trẻ măng. Cậu nào cũng được truy thăng một cấp. Cậu nào cũng có người yêu. Người thì chưa cưới, người thì đã có hai ba con. Nói tiếng cả ba miền Nam, Trung và Bắc. Những gia đình khóc nhầm quan tài, khi được chỉ chỗ di chuyển tìm đúng xác người thân thì tiếng khóc lại òa lên. Thấy cảnh hàng trăm gia đình đi nhận xác chồng như thế thì lòng dạ nào ăn ngủ cho yên.
Hình ảnh đó còn theo đuổi tôi cho đến ngày nay, các cậu biết không ? Các cậu là chiến sĩ lại chết trước cả ngày Quân Lực ra đời. Cũng lạ đấy chứ. Nhưng riêng tôi, ngày Quân Lực năm nay tôi dành riêng để tưởng nhớ đến các cậu đã đền nợ nước ở trận Đồng Xoài.
Một ngày nào đó, tôi sẽ trở về bên chỗ các cậu nằm. Tôi sẽ nói rằng : “Này, mấy cậu vui lòng nằm lui vào một tí, cho anh một chỗ. Khi người chiến binh không chết trận, thì cũng có ngày chết già. Nằm bên các cậu, anh rất yên tâm“. Như Nam Lộc đã viết bài ca : Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi ./.
Giao Chỉ, Tháng Sáu 2019, San Jose.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét