Nhà báo Trần Phong Vũ cầm trong tay cuốn “Mười Năm Thái Hà-Tòa Khâm Sứ” do Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong biên soạn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
SANTA ANA, California (NV) – Tác phẩm “Mười Năm Thái Hà-Tòa Khâm Sứ” do Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong biên soạn vừa ra mắt cộng đồng người Việt vào trưa Thứ Bảy, 1 Tháng Sáu tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, Santa Ana. Ban tổ chức gồm có Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Nhóm Gioan Tiền và thân hữu. Đặc biệt dưới sự chủ tọa danh dự của Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh.
<!>
Trong “Lời bạt” của quyển sách, ông Đỗ Mạnh Tri, ở Pháp, ghi: “Vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ âm ỉ đã lâu, nhưng bùng lên từ năm 2008 với lá thư rất ngắn của Đức Cha Ngô Quang Kiệt, là cái mốc mang tính quyết định cho Giáo Hội tại Việt Nam. Và hơn thế nữa, cho xã hội Việt Nam. Vì đây là lần đầu tiên đông đảo quần chúng, bất chấp dùi cui, roi điện và công an chìm nổi, thản nhiên giáp mặt với tà quyền cộng sản. Một cách quyết liệt, nhưng ôn hòa. Có thể nói mà không quá lời, vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ đánh dấu sự xuất hiện thành công của xã hội dân sự ngay trong lòng của chế độ toàn trị…”
Sách “Mười Năm Thái Hà-Tòa Khâm Sứ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Nguyễn Văn Liêm, đại diện ban tổ chức nói: “Trong suốt hơn 20 năm, kể từ 1954, Giáo Hội Công Giáo tại miền Bắc đã phải chịu đựng bao nỗi thống khổ dưới sự cai trị khắc nghiệt của tà quyền cộng sản. Năm 2008, một biến cố vang dội xảy ra, sự kiện Thái Hà khởi đi từ lời kêu gọi cầu nguyện của vị chủ chăn can đảm, anh hùng, đó là Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đòi hỏi những kẻ cầm quyền đương thời không phải vì mảnh đất bị bạo quyền chiếm đoạt mà là công lý, đây mới là vấn đề. Ngài đã dõng dạc tuyên bố trước Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội: Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải là cái ơn huệ xin-cho.”
Trong lời phát biểu của Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh nói: “Tôi nghĩ, Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đã làm một công việc hữu ích để đánh dấu kể lại biến cố Thái Hà – Tòa Khâm Sứ để cho hậu thế biết sự thật theo cái nhìn của một chứng nhân đã cảm nhận trong biến cố này. Tôi nghĩ, đây là công việc rất hữu ích để giúp trong mỗi người chúng ta, hậu thế sau nầy biết sự thật và cần bổ sung rất nhiều cái nhìn khác của những người trong cuộc cũng như những người sau nầy biết được. Đây là công việc nói lên sứ mạng của người Ki-Tô hữu.”
Hình Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Giáo Sư Nguyễn Đình Cường, một diễn giả giới thiệu quyển sách: “Tác phẩm ‘Mười Năm Thái Hà – Tòa Khâm Sứ’ dầy 272 trang, chia ra sáu chương chính. Chương thứ nhất nói về cuộc di cư từ Bắc vào Nam, 1954, sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Chương thứ hai nói về sự kiện Tòa Khâm Sứ. Chương thứ ba, từ Tòa Khâm Sứ đến Thái Hà. Chương thứ tư nói về sự kiện Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt về nước. Chương thứ năm, từ Tòa Khâm Sứ đến bản nhận định và góp ý luật tôn giáo. Chương thứ sáu, từ Tòa Khâm Sứ nhìn về 30 năm bang giao giữa Cộng Sản Việt Nam và Tòa Thánh Vatican.”
Diễn giả thứ hai, nhà báo Trần Phong Vũ có lời chia sẻ về nội dung của quyển sách mà Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đã đưa ra nhiều chứng từ, những tài liệu mà mọi người cần phải nghĩ đến.
Đồng hương đến dự buổi ra mắt sách “Mười Năm Thái Hà-Tòa Khâm Sứ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Tôi nói câu chuyện này với trường hợp mà Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong lần được mời ra để nói chuyện với ông Nguyễn Thế Thảo là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội lúc bấy giờ. Trong bài nói chuyện đó, Đức Tổng Giám Mục có nói rằng, ‘Tôi rất lấy làm nhục nhã. Bởi vì tôi đi ra ngoại quốc rất nhiều lần, nhưng mỗi lần cầm cái hộ chiếu của Việt Nam đi ra hải ngoại thì người ta săm soi, người ta coi thường, mà tôi không khỏi đau đớn cho đất tôi, quê hương tôi, một quê hương đất nước đầy hồng như vậy mà bị người ta khinh bỉ. Và, trong thâm tâm của tôi chỉ mong mỏi làm sao đó, đất nước của chúng ta được như là người Nhật Bản, để cho những người Việt khi ra nước ngoài được tất cả những quốc gia khác kính trọng.’”
Trong số khách đến dự, Giáo Sư Phạm Đình Ly cho biết: “Tất cả những gì mà Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đã ghi trong quyển sách nầy là để nêu lên tinh thần tranh đấu của các giáo dân trong nước và cũng để cho chúng ta là những người Việt ở hải ngoại đừng quên rằng, đồng bào của chúng ta đang sống với chế độ độc tài, hà khắc của Cộng Sản Việt Nam.”
Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư Đảng Việt Tân bày tỏ: “Chắc chắn là sẽ có nhiều ích lợi cho những phong trào đấu tranh tại hải ngoại khi quyển sách nầy được tung ra tại Little Saigon. Vì trong những năm về trước, ít nhiều gì thì người ta cũng có nghe qua về những cuộc tranh đấu của các giáo dân tại Thái Hà. Nhưng kể từ hôm nay, những câu chuyện, những hình ảnh của cuộc đấu tranh đó đã được viết trên sách để cho người ta đọc, thấy được và lưu truyền nhau một cách dễ dàng. Và, quyển sách nầy cũng là một tác động rất lớn cho các phong trào đấu tranh tại hải ngoại.”
Giáo Sư Trần Năng Phụng chia sẻ: “Quyển sách ‘Mười Năm Thái Hà-Tòa Khâm Sứ’ đang được tung ra lại Little Saigon là tiếng nói của người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại để ủng hộ phong trào đấu tranh ở trong nước. Đây cũng là tiếng nói chung của những người Việt yêu nước chứ không riêng của cộng đồng Công Giáo tại hải ngoại.”
Nghị viên Charlie Chí Nguyễn cũng có mặt tâm tình: “Khi nói đến Thái Hà thì gợi lại cho chúng tôi nỗi nhớ là cách đây vài năm, chúng tôi đã tổ chức ‘Đêm Thắp Nến cho Thái Hà’ tại góc đường Brookhurst và Westminster với sự có mặt rất đông đảo đồng hương đến dự, và đã gây tiếng nói đấu tranh rất lớn của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Cũng kể từ đó, tinh thần đấu tranh của người dân ở Thái Hà cũng được mạnh mẽ hơn. Cho đến bây giờ, nếu quyển sách nầy được truyền tải một cách nhanh chóng, thì ngọn lửa đấu tranh tại hải ngoại sẽ được bùng phát to lớn hơn nữa.”
Ông Nguyễn Văn Liêm (trái) và Nghị viên Westminster Charlie Chí Nguyễn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Giáo Sư Trần Huy Bích đã biểu lộ cảm tưởng của mình với nhật báo Người Việt: “Chúng ta đã học được khá nhiều điều từ quyển sách của Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong qua sự khó khăn của các vị linh mục và những giáo dân ở Thái Hà trong thời gian tranh đấu. Đồng thời chúng ta cũng học được những mưu mẹo, mánh khóe của nhà cầm quyền trong nước. Từ sự cương quyết đấu tranh đó, mặc dù cuộc tranh đấu chưa thành công, nhưng gần đây, đồng bào trong nước cũng như ở hải ngoại nhờ vụ Thái Hà mà những người dân ngoài những người Công Giáo cũng đã tích cực ủng hộ hơn, và tinh thần dân tộc được rõ ràng hơn. Tuy rằng, sự thành công chưa thấy ngay, nhưng từ sự cương quyết đấu tranh của mọi người thì việc thành công sẽ đến một ngày không xa.”
Bác Sĩ Đông Xuyến Matsuda cũng có lời bày tỏ: “Quyển sách rất quan trọng vì nội dung đã nói lên lịch sử đấu tranh của tôn giáo và của dân tộc Việt Nam. Những chi tiết lịch sử nầy đã được Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong ghi lại, đó là tinh thần đấu tranh bất khuất của các vị lãnh đạo tinh thần và các giáo dân ở Thái Hà đã can đảm đứng lên tranh đấu để giành lạy quyền tự do tín ngưỡng và quyền sống của con người.”
Theo Tiến Sĩ Phạm Kim Long, “Biến cố Thái Hà là một vết thương của người Công Giáo nói riêng và của dân tộc Việt nói chung. Chúng ta thấy rất hiếm có những vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo đã dám đứng lên tranh đấu một cách có quy củ và hữu hiệu. Vì thông thường, một số các vị lãnh đạo tinh thần ở Việt Nam tránh nói đến việc làm chính trị, nhưng tại Thái Hà thì các linh mục nói rất mạnh bạo và rõ ràng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét