Tuyển-tập thơ và văn
Sách dày 170 trang, cỡ 7.5”x11.00”
Có phụ-bản màu
Do Hội Nhà Văn xuất-bản
Trong tuyển-tập này có nội-dung tập thơ “Cởi Mở”
của nữ-sĩ Huyền Chi
do nhà xuất-bản “Xây-Dựng
” ở Huế xuất-bản năm 1952.
<!>
Trong phần văn của tuyển-tập này, có bài
“Người Bạn Tri Kỷ” như sau:
Mới đây, nhờ facebook, tôi được quen với hoa hậu phu nhân Việt Nam quốc tế Lê Xuân Lộc là con dâu của NS Phạm Duy. Năm 2017 cô có đăng báo một bài viết quảng đời tuổi trẻ của cha ruột cô là thi sĩ Thanh-Thanh (tên thật là Lê Xuân Nhuận), người chủ trương nhà xuất bản Xây-Dựng ở Huế năm xưa. Người đã giúp tôi xuất bản tập “Cởi Mở” năm 1952. Con dấu của nhà xuất bản trên cuốn thơ ấy cũng là con dấu tên ông (mà mãi đến bây giờ tôi mới biết ý nghĩa của nó).
Tôi liên hệ với cô và được cô chia sẻ bài viết, trong đó cô tiết lộ về trình bạn tri kỷ của cha cô và tôi trong ba năm 1951 đến 1953. Một người ở Huế, một người ở Sài Gòn và chưa bao giờ gặp nhau. Khi cô báo với ba cô về tôi, ông nói cô Huyền Chi tên thật không phải là Khánh Ngọc, lầm người rồi. Đến khi tôi nói đúng tên ông mới tin.
Tôi liên hệ với cô và được biết thêm tin tức về ông, ông vẫn còn sống ở Mỹ, dù tuổi cao vẫn không ngừng sáng tác và dịch thuật, xuất bản. Sáu mươi lăm năm nhờ một cơ may được biết tin nhau, nói chuyện hỏi thăm nhau dù trên facebook là một điều quý báu và vô giá. Đa số những bạn thi văn của ông và tôi thời ấy đã dần dần không còn nữa. Dù viết cho nhau nhiều nhưng cả hai đều không còn giữ được cái thư hay bài thơ nào, ngoại trừ ông còn giữ được BÀI THƠ CUỐI CÙNG của tôi gửi ông năm 1953 (đính kèm dưới đây) trước khi chia tay.
Cám ơn hoa hậu Lê Xuân Lộc, cám ơn facebook và cám ơn Thanh-Thanh, người bạn tri kỷ thời thiếu nữ mà tôi luôn trân trọng và quý mến.
16/8/2018
Lược trích bài viết của cô Hoa Hậu phu nhân Lê Xuân Lộc.
“Thuyền Viễn Xứ và Bài Thơ Cuối Cùng”
Xa rời Việt Nam hơn hai mươi lăm năm, ba của tôi chưa hề một lần trở lại quê hương. Nỗi sầu xa xứ ngày càng chồng chất lên thêm trên tuổi đời của ông. Tôi nhìn thấy nỗi buồn nặng trĩu đó mỗi khi ông đứng lặng trước tấm bản đồ Việt Nam. Ông có một quê cha ở Hưng Yên – Hà Nội chưa một lần đặt chân đến, một quê mẹ ở An Cựu – Huế của thời niên thiếu và tuổi thành niên. Ông đã sống trên một Cao Nguyên Trung Phần với Quảng Đức, Buôn Ma Thuột, Pleiku… rồi một Nha Trang – thành phố biển xinh đẹp và một Đà Nẵng phồn hoa hung thịnh…
Hai phần ba cuộc đời của ông đã trải qua ở Miền Nam Việt Nam với biết bao sóng gió cùng “khóc cười theo vận nước nổi trôi”. Ông cũng như hàng triệu người Việt Nam xa xứ khác, thân xác ở quê người mà tâm hồn vẫn hoài vọng đến quê nhà ngày xưa…
Tôi để ý thấy ba của tôi thích nghe những bản nhạc thương nhớ quê hương, mà trong đó đương nhiên là có bài Thuyền Viễn Xứ của nhạc sĩ Phạm Duy với những lời hát thiết tha:
“… Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người…”
Tôi biết là ba của tôi thường nghe bản nhạc này. Thế nhưng, tôi lại không hề hay biết rằng đã có một tình bạn tri kỷ giữa tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ - cô Huyền Chi – và ba của tôi – thi sĩ Thanh-Thanh.
Cho đến một ngày vào cuối tháng 6 năm 2008, lúc đó mẹ của tôi đã mất hơn một năm và tôi vừa chính thức là con dâu của nhạc sĩ Phạm Duy, ba của tôi mới kể lại “chuyện ngày xưa” cho vợ chồng chúng tôi nghe.
Khoảng năm 1949 tại thành phố Huế thi sĩ Thanh-Thanh
chủ trương thành lập Thi Văn Đoàn và nhà xuất bản Xây-Dựng, ấn hành nhiều thi tập và đặc san cho nhiều tác giả Bắc Trung Nam. Trong số các nhà thơ nữ cộng tác với nhà xuất bản Xây-Dựng như Chí Lan (nhà văn Minh Quân), Bích Nga, Tường Vi… còn có nữ thi sĩ Huyền Chi.
Thời gian từ 1951 đến 1953 Thanh-Thanh ở Huế và Huyền Chi ở Sài Gòn thường xuyên trao đổi thư từ và thơ văn với nhau rất tâm đầu ý hiệp.
Qua thư và thơ, hai người bạn trẻ ở lứa tuổi đôi mươi đã thầm xem nhau là bạn tri kỷ.
Năm 1952 Huyền Chi in tập thơ Cởi Mở ở Sài Gòn (trong đó có bài Thuyền Viễn Xứ mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc). Khuôn khổ tập thơ lớn bằng tờ giấy đánh máy, ghi rõ là do Xây-Dựng xuất bản. Điểm đặc biệt là Huyền Chi đã dùng con dấu mang tên thật Lê Xuân Nhuận của Thanh-Thanh làm biểu tượng cho nhà xuất bản.
Sau khi Cởi Mở ra đời, một số nhà thơ nam giới như Tô Kiều Ngân (tiếng sáo Tao Đàn), Thanh Nam (sau này là phu quân của nhà văn Túy Hồng) đã viết một số bài trên tuần báo “Thẩm Mỹ” nói xấu Huyền Chi. Nội dung đại ý là con gái gì mà lại “cởi” với “mở”! Thanh Nam là người có ý kiến nhiều nhất. Thanh-Thanh phải viết bài trả lời đăng báo để bênh vực Huyền Chi.
Ngoài ra Thanh-Thanh và Huyền Chi còn cùng nhau hợp tác bút chiến với một nhà thơ trẻ tuổi vì tác phẩm của anh ta viết trùng nguyên tác với một nhà thơ lớn tuổi khác.
Năm 1953 chiến tranh Việt Nam chống Pháp đi vào giai đoạn quyết liệt. Thanh-Thanh ở Huế và Huyền Chi ở Sài Gòn vẫn chưa một lần gặp mặt. Một ngày nọ, Thanh-Thanh nhận được thư Huyền Chi báo tin là giáo sư Trần Phụng Tường ngỏ ý cầu hôn nàng.
Thanh-Thanh ngậm ngùi viết “Bài Thơ Cuối Cùng” gửi cho Huyền Chi. Nàng cũng làm một “Bài Thơ Cuối Cùng” đề ngày 10/6/1953 gửi lại cho Thanh-Thanh. Huyền Chi lập gia đình năm 1954. Thanh-Thanh lập gia đình năm 1955. Họ đã hoàn toàn không liên lạc với nhau nữa.
Ba của tôi cho biết Huyền Chi không phải chỉ có một tập thơ “Cởi Mở”. Cô còn có thêm một tác phẩm khác tên là “Thơ
Sang Mùa” mà cô đã nhờ Thanh-Thanh (tức nhà xuất bản Xây-Dựng) loan báo trước sẽ phát hành.
Năm 2010 Ba của tôi có hỏi bố Phạm Duy của tôi về tin tức của Huyền Chi, nhưng bố trả lời (nguyên văn”:) “Tiếc rằng lúc này tôi không còn giữ địa chỉ của nhà thơ”. Năm 2016 nhà giáo Lương Duy Cán (Hà Nhật) có email cho ba, nhắc lại chuyện xưa, thời gian ba của tôi viết bài bênh vực Huyền Chi.
Năm nay (2017) tôi viết bài này để kể lại một đoạn đời tuổi trẻ hoạt động văn chương của ba tôi. Những người bạn văn-thơ-nhạc-họa cùng một thời với ông nay đã dần dần khuất bóng… Về tình bạn tri kỷ của ông với Huyền Chi, tôi cũng đã từng đặt câu hỏi “Ba có muốn liên lạc lại với cô?” Ba của tôi ngập ngừng im lặng… Tôi suy nghĩ: Ừ nhỉ, cô có muốn liên lạc lại với ba? Nếu cô muốn thì việc đó quá dễ dàng. Chỉ cần tìm trên mạng Internet tên Thanh-Thanh Lê Xuân Nhuận là có hết thông tin về ba. Nhưng cô đã không làm, có thể là vì cô không muốn. Tôi đã đọc một vài bài viết về Huyền Chi. Sau khi lập gia đình cô đã hầu như không hoạt động thơ văn nữa. Năm 2005 khi bố Phạm Duy về lại Việt Nam có nhắn tin tìm mà cô không trả lời. Tập thơ Cởi Mở cũng đã thất lạc, cô không còn giữ.
Tôi hỏi “Bài Thơ Cuối Cùng” của ba gửi cô Huyền Chi ra sao thì ông bảo thất lạc rồi, không nhớ. Thế nhưng “Bài Thơ Cuối Cùng” của Huyền Chi thì được ba của tôi giữ gìn nguyên vẹn, dù đã trải qua bao nhiêu năm biến loạn trong cuộc đời. Đã 65 năm trôi qua rồi! Nếu tôi không trở thành con dâu của nhạc sĩ Phạm Duy thì có lẽ ba của tôi cũng không kể cho tôi nghe câu chuyện này.
Cô Huyền Chi ơi, cô có còn nhớ đến một “Bài Thơ Cuối Cùng”?
October 31, 2017
Lê Xuân Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét