Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế…
“Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa. Nữa,…”
Bát Nhã Ba La Mật Đa
Ngày hôm đó là một ngày đẹp trời. Nắng vàng hanh và trên cao mây trắng trôi lang thang kết thành từng mảng lớn. Anh ngồi trước sân, lơ đễnh ngắm giàn mướp vừa thả xuống vài trái. Mướp non, trái thon nhỏ, giống như những ngón tay xanh nõn trỏ xuống đất. Dưới giàn, mấy con ong vo ve lượn lờ quanh những búp vàng mới hé. Gió phơn phớt mát da. Ngọn gió Hè thơm thơm mùi cỏ cháy. Anh nhắp một ngụm cà phê. Hương vị tan loãng ngấm trong miệng tràn lên ký ức. Cũng trên cánh đồng trước nhà, đám cỏ gà này và tuổi thơ anh cùng lớn. Đám cỏ, anh có cảm tưởng cũng là đám cỏ cũ, thân thiết ngày nào. Và trăng sao, cũng trong vòm trời này, cũng đứng nguyên ở đó. Những tối khuya trốn ngủ, anh vùng chạy khỏi những trang sách đang đọc dở, thả mình trên cánh đồng này, ngước nhìn nghìn sao lả tả. Đêm lấp lánh rơi xuống trong anh. Rơi. Rơi mãi. Bây giờ thì tóc anh điểm trắng. Anh tin, đó là những bụi sao trời còn sót lại. Bất giác, anh định đưa tay phủi phủi mấy ngọn tóc lòa xòa, nhưng mấy ngón tay cứ lóng cóng thèm quen một điếu thuốc.
<!>
Gần trưa, mặt trời bắt đầu đứng bóng. Mặt đường bốc hơi. Đất đá, sỏi cát… bỗng mờ hoặc, lung linh như ảo giác. Con đường hình như đang mềm ra, ngoặt ngoẹo cố giữ cho còn là một đường thẳng.
Cả ngày hôm đó, hình ảnh ngay đơ của một vạch thẳng: thẳng đứng, thẳng ngang, thẳng xiên ám ảnh anh suốt. Làm thế nào để sống giữ mình như là một đường thẳng? Bữa cơm tối xong, anh vẫn còn loay hoay với chiếc đũa trong tay.
Tám giờ tối, một chiếc SUV xịch đỗ trước ngõ. Một tốp công an áo vàng có vũ trang nhảy xuống xe, hối hả tràn vào nhà. Họ hỏi tên anh. Một người ra dáng chỉ huy móc trong túi tờ pháp lệnh, hấp tấp đọc. Anh sửng sốt với tội danh bị bắt. “Tuyên truyền chống phá thành quả cách mạng. Âm mưu lật đổ nhà nước Chủ Nghĩa Xã Hội.” Anh định cãi. Người công an chỉ huy gấp tờ pháp lệnh làm tư bỏ vô túi, dứt khoát bảo, mọi ý kiến về cơ quan sẽ giải quyết. Họ xét nhà. Thực ra, từ sau năm 75 qua mấy lần khám, căn nhà đã trống hoác từ lâu, nhìn quanh cũng không có gì để khám. Một vài cuốn vở không có chữ để trên góc bàn, kê sát vách. Một cây viết bi chảy mực gác trên mẩu giấy. Một hai người đi loanh hoanh, rờ mó cho có lệ. Họ liếc vô buồng, căn buồng ngăn nắp, trống huơ. Họ bước ra, cho phép anh thu xếp vài thứ vật dụng quần áo.
Khi đi ngang qua cửa buồng, anh nghe được hơi thở run rẩy của vợ, tiếng tim đập thình thịch cơ hồ muốn vọt khỏi lồng ngực. Đôi mắt ngó anh thất thần, chị lạc giọng hỏi, “Bây giờ, mình phải làm gì đây anh?” Anh cũng nhỏ giọng, thầm thì, “Cứ cho nhiều người biết. Càng nhiều, càng tốt.”
Những người công an bẻ tay anh, còng quặp sau lưng. Hai người cặp tay anh đi ra xe. Trời tối, hai bên đường đông nghịt, những người hiếu kỳ dạt vô lề. Anh cố tìm ra một gương mặt quen. Nhưng chịu. Ngọn đèn đường tắt ngúm, bóng tối đã bao trùm. Anh ngoái nhìn căn nhà của mình. Mắt anh mở lớn như muốn thu hết hình ảnh ấm cúng thân thương một lần cuối. Có phải đây là lần cuối? Có thể lắm. Mọi chuyến đi của anh đều là định mệnh. Mắt anh nóng hổi. Chuyện bị bắt lại lâu nay anh vẫn nghĩ tới. Tin đồn râm ran trong giới bạn bè mấy ngày nay. Nhưng đó là tin đồn. Điều bất ngờ nó tới với anh, mà lại tới quá sớm. Anh hầu như chưa chuẩn bị gì cả. Đột nhiên anh cảm thấy hối hận,tự trách. Đầu óc anh lan man loáng thoáng một vài địa chỉ quen. Anh tự rà lại mình, anh chẳng làm gì sai. Từ khi tù về, anh vẫn rắp tuân theo mọi quy định quản chế của địa phương. Không vắng nhà, không tụ tập bè bạn, không tuyên bố một điều gì, cũng không viết ra một câu thơ nào. Thơ, anh làm trong đầu, viết trong đầu, người ta không thể tìm ra một chứng cớ. Vậy, tại sao anh bị bắt? Cả trăm câu hỏi lảng vảng nhảy múa trong tích tắc. Khi chiếc xe lăn bánh, anh cố ngoái đầu nhìn lại. Có bóng người chạy lúp xúp theo khi chiếc xe lăn bánh. Chắc chắn, đó là vợ con anh.
Đoạn đường từ nhà anh tới trại biệt giam 3C Tôn Đức Thắng không bao xa. Đường xá Sài Gòn quen thuộc như trong lòng bàn tay. Nhưng chiếc xe công an cứ chạy vòng vo như nhằm đánh lạc hướng, họ định tung hỏa mù hay tránh những bất trắc nào đó. Xe chạy, mắt anh nhấp nhổm nhìn quang cảnh hai bên đường. Bây giờ là thời đổi mới. Buổi tối, thành phố sáng choang, tiếng nhạc xập xình phát ra từ những quán cà phê ôm. Anh vẩn vơ hy vọng, ước chi có một người qua đường nào đó thấy anh. Xe vẫn chạy lòng vòng. Anh cố gắng phác họa bản đồ tưởng tượng theo đường xe lăn. Tim anh nhói khi nghĩ tới những trại tù, những mùa đông dài trôi nổi trên những núi rừng miền Bắc. Giờ này, chắc là những lán trại không còn ai. Những bạn tù xưa, kẻ vượt thoát, người trôi giạt lây lất sống qua ngày. Cầu trời anh không bị bắt đi xa, hay ít nhất trong thời gian bị giam anh vẫn còn đâu đó trong thành phố. Còn ở đây, còn hy vọng. Ôi, cái thành phố của anh!
Mười Một giờ tối, xe dừng lại trại 3C Tôn Đức Thắng. Hơn hai tiếng đồng hồ quanh co trên đường phố, anh chuẩn bị trong đầu cả chục kiểu thẩm vấn, điều tra. Sẵn sàng tranh biện những cáo buộc, áp đặt. Anh tự nghĩ, điều chứng minh duy nhất là họ không có bằng cớ. Bởi vì, bấy lâu anh chẳng làm gì cả. Mà trước đó thì anh cũng chẳng làm gì. Cả cuộc đời anh chỉ muốn đọc sách và làm thơ. Sách, anh đã ngưng đọc.Và thơ, chỉ làm ở trong đầu. Vậy cớ gì họ bắt? Dự kiến những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra. Họ muốn thủ tiêu anh? Điều đó dễ ợt mà không cần phải bắt bớ.
Nửa đêm, họ lôi anh đi qua những dãy hành lang dài và hẹp. Xuống vài bậc thang, rồi tống anh vô căn xà lim tối ám. Cánh cửa sắt bít bùng đóng sầm. Tiếng sắt nghiến ken két để lại một âm thanh khô và lạnh. Một mùi hôi ẩm trộn lẫn những mùi khai nồng nặc đập vào mũi. Anh nín mũi và tập thở bằng miệng để quen mùi. Bắt đầu định thần, anh ngồi xuống quan sát. Căn khám nhỏ xíu. Đúng ra nó là phòng biệt giam cho những tội phạm nguy hiểm. Bốn bức tường xám ngoẹt. Trần thấp. Trên có một bóng đèn mù mù, ánh sáng không đủ để soi đường. Mấy con thiêu thân bay vo ve, bóng động đậy bám vào ánh đèn.
Thời gian tích tắc trôi qua từng giây một. Anh dựa lưng vào tường, tay ôm túi đồ vào lòng để giữ một chút hơi ấm. Thời gian trôi qua lâu, rất lâu… Anh nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ. Mắt đã mỏi, tay chân rã rời, anh cần ngủ một giấc để lấy sức. Ngày mai sẽ là một ngày căng thẳng. Mắt nhắm, nhưng anh “thấy” rõ mồn một quang cảnh thẩm vấn. Thần kinh anh căng cứng như một sợi đàn.
Hình như anh chợp mắt được mấy phút thì tỉnh dậy. Có tiếng xe chạy. Tiếng động cơ xình xịch nổ. Tiếng bánh xe nghiến trên đường phố. Tiếng bước chân lẹp xẹp. Tiếng dép kéo lê. Rồi tiếng người. Những tiếng nói xa xôi, âm vọng đâu đó. Thi thoảng, anh nghe như không thật. Có thể đó là tiếng nói từ trong trí tưởng. Mà cũng có thể đó là tiếng rao của người hàng xóm ngoài ngõ nhà anh mỗi sáng. Anh lắc đầu, lắc mạnh như thể muốn hất văng những tưởng tượng bám rễ trong ký ức. Tiếng động phát từ trên cao không phải ngang mặt đất chỗ anh đặt chân đứng. Anh sực nhớ những bậc thang dẫn xuống xà lim này. Đích thực anh đang ở dưới mặt đất. Anh bị giam trong căn phòng này. Phòng biệt giam? Nó không hẳn là một căn phòng. Chu vi nhỏ xíu, nền tráng xi-măng cũ kỹ, bốn bề kín mít. Mặt trước có một cánh cửa bằng sắt dầy, có một ô cửa nhỏ vừa bằng nắm tay cài then bên ngoài để đưa cơm nước. Căn phòng hầm, ẩm mốc, thông thương với thế giới bên ngoài chỉ bằng một khe cửa. Anh phát hiện ra khe cửa khi trời sáng. Một đường kẽ dưới cánh cửa tù hở với mặt đất chừng khoảng một đốt tay. Ánh sáng rực rỡ vạch nên một đường thẳng nằm ngang cũng ở bên ngoài.
Qua khe cửa, anh phát giác ra nhiều thứ không thuộc về thế giới bên ngoài. Ngày hay đêm, căn phòng vẫn tối ám. Ánh đèn tù mù trên trần chỉ đủ cháy đỏ tim, chứng minh nó chưa tắt. Mấy con thiêu thân vẫn gắng sức bay lòng vòng không biết trời đã sáng. Anh đưa tay lần mò trên tường tìm chữ viết. Có thể trong số bạn bè anh có người đã từng bị giam ở đây. Hoặc giả, bất kỳ ai, bất cứ một cái tên nào, của ta hay của địch. Chỗ này từng là nơi giam những người tình báo hoạt động nội thành. Những dòng chữ của họ đâu. Trại 3C này anh không lạ, trước đây anh đã từng ra vô và làm việc ở đây. Nhưng chưa bao giờ anh ngờ mình bị trở lại với thân phận một người tù. Anh thở dài, nuốt nước miếng, cổ họng khô khốc. Anh đưa tay gõ gõ. Âm thanh như đọng lại trong bức tường. Không có tiếng phản hồi. Những miếng sơn mới khô rơi lả tả. Anh lấy móng tay cào gỡ. Chữ đâu? Anh mở lớn mắt tìm.
“…Ta nhìn lên những dòng chữ trên tường
Viết bằng gạch, bằng than và hình như bằng cả máu
Những phẫn nộ, quyết tâm, nguyện cầu, ký thác, than van,
Ngày tháng năm, tên họ…
Như những nổ lực tuyệt cùng lưu hậu bản thân
Đang khốc liệt đương đầu những bất trắc dập xóa,
Như những mưu toan vô vọng ra khỏi chính mình,
Trốn chạy dày vò
Của những người ở trước
Nay về đâu?
Ta cũng hình dung sau những lớp cáo chung vôi sơn chồng cộm,
Những lời lẽ tối tăm tương tự
Cất lên từ những thời thế đã đi qua.
Căn phòng này hồi trước nhốt Việt Cộng,
Bây giờ nhốt phản động…
Lịch sử đổi phiên người gác ngục…”
Anh cúi mình, ghé sát mắt qua khe cửa. Có nhiều tiếng chân đang đi tới. Anh ngồi bật dậy. Tiếng chân ngừng trước cửa phòng. Tiếng khóa lách cách. Tiếng rút then. Cửa bật ra. Cái vạch thẳng ngang dưới đất mở thành hình tam giác. Ánh sáng lùa vào. Anh nheo mắt vì chói. Người ta gọi anh đi thẩm vấn. Anh vuốt sơ quần áo, bước ra ngoài. Đứng bên ngoài anh mới thấy. Quả, phòng biệt giam là căn tầng hầm, hơn nửa nằm sâu dưới đất. Hèn chi, anh nghe tiếng động, tiếng người đi lại ở trên đầu.
Anh đi theo hai người mặc sắc phục. Bây giờ đã là trưa, không phải sáng. Vậy mà trong căn phòng đó anh cứ ngỡ trời mới sáng. Mặt trời ngay trên đỉnh đầu. Anh đạp lên bóng mình mà đi. Anh đi chầm chậm, cố kéo dài thời gian để thở. Không khí trên này hình như loãng hơn, trong hơn và thơm hơn. Anh tham lam hít những hơi thật sâu để lùa oxy đầy nhóc hai buồng phổi.
Khu chỉ huy nằm bên trái. Họ đưa anh vào một căn phòng. Căn phòng này trước đây anh đã từng vô. Anh nhìn bàn ghế, đồ vật. Chịu, không thể nhận ra. Cách trần thiết chói chang bằng một màu đỏ. Lá cờ, khẩu hiệu, khung hình,… hệt như văn phòng của những ủy ban phường.
Ban thẩm vấn gồm ba người. Một mặc quần áo dân sự, mắt đeo kính trắng, trông giống cán bộ văn hóa. Hai người kia mặc sắc phục. Họ kéo ghế, mời anh ngồi. “Cán bộ văn hóa” chìa ra một gói Hoa Mai đang hút dở, mời. Một người khác rót trà, đẩy cái ly trước mặt anh.
“Đêm qua, anh ngủ ngon chứ?” “Cán bộ văn hóa” hỏi.
Anh nhắp một ngụm trà. Rồi ngụm nữa. Anh phát giác, cổ họng khô kinh khủng. Có uống hết một bình trà kia may ra mới đỡ khát.
“Tôi bị bắt vì tội gì?” Anh hỏi thẳng.
“Ố kìa, anh không biết sao?” Tên đeo kính nhếch mép, rút từ hộc bàn tờ pháp lệnh bắt giam. Hắn đọc. Anh ngạc nhiên, đây là tờ pháp lệnh mới, không phải là tờ hôm qua.
“Tội danh: làm thơ mạ lỵ, phỉ báng, chỉ trích Đảng và nhà nước.” Hắn rút trong hộc bàn một tờ giấy học trò chép tay. Miếng giấy nhàu nát, những dòng thơ viết vội.
“Ta nhặt từng trang sách rách toang
Đứa ngu đã xé vứt ra đường.
Ta gom từng hạt cây luân lạc,
Mong mỏi gầy lên một địa đàng.
… Bao giờ ta trở về dương thế,
Sống đáng vinh danh lại kiếp người,”
“Ngu? Anh chửi ai ngu?” Hắn lừ mắt nhìn anh.
“Đứa nào xé sách, đứa đó ngu.” Anh nói. “Lịch sử xưa nay chỉ có những kẻ bạo ngược như Tần Thủy Hoàng mới đốt sách, chôn học trò. Không phải sao?”
Hắn đằng hắng lấy giọng, tảng lờ lái sang chuyện khác.
“Tội danh 2: làm thơ tuyên truyền chống phá chủ trương chính sách nhà nước.”
“Sai. Cáo buộc vô căn cứ.”Anh phản đối, “Tôi không làm thơ tuyên truyền. Cũng không có câu nào chống phá chính sách chủ trương nhà nước.”
“Còn không ư?” Tên kính trắng lôi ra một trang báo ngoài nước, chỉ vào một bài thơ. “Bằng chứng đây. Chế độ luôn bắt đúng người, đúng tội.”
Cầm bài thơ đã được cắt ra từ một trang báo hải ngoại, tay anh run, bụng sướng rơn. Bài thơ anh làm dạo mới ra tù không biết ai truyền ra nước ngoài, đã đăng khắp nơi.
“Bài thơ này tôi chỉ nói lên cảm xúc của chính mình. Trong 124 câu, chẳng có câu nào tuyên truyền chống chính sách nhà nước.” Anh nói quả quyết.
“Cán bộ văn hóa cười khẩy, giật lấy bài thơ trong tay anh, chậm rãi đọc từng chữ.
“Mười năm, mặt xạm soi khe nước,
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.”
“Chế độ đã khoan hồng, thả anh ra. Vậy mà anh nhạo báng, chỉ trích chế độ đối xử khắc nghiệt biến anh thành vượn ư?”
Anh bật cười thầm, “Tôi không chỉ trích hay nhạo báng ai cả. Trong tù, tôi thấy mình giống vượn. Tôi nghĩ sao viết vậy. Có thế thôi.”
“Anh làm thơ phát tán ra nước ngoài. Liên lạc với ngoại quốc, thư từ chứng cớ chúng tôi đều có cả.” Tên kính trắng nói, “Anh hãy thành thật khai báo, sẽ được khoan hồng. Anh liên lạc với những ai?”
Họ đặt một tờ giấy trắng và cây bút bi Hồng Hà ngay trước mặt. “Anh khai tất cả vào đây.”
“Bạn bè viết thư gửi tôi, tôi không cấm họ được. Tôi không liên lạc với ai. Thư từ gửi tới các anh tịch thu cả. Tôi không còn gì để khai.”
“Hừm. Anh ngoan cố hả?” Tên đeo kính đập bàn, lớn tiếng đe, “Làm thơ chống chế độ. Liên lạc hoạt động gián điệp với nước ngoài. Âm mưu lật đổ nhà nước. Ba tội danh này, tội nào cũng đụng tới khung tử hình. Anh không đủ mạng để đền tội đâu.”
Anh giận dữ, la lớn, “Tử hình? Muốn tử hình, phải đưa tôi ra tòa. Các anh không có quyền hành sử bằng luật rừng.”
Một tốp công an lôi anh ra ngoài. Anh còn ngoái cổ, thách họ ra tòa.
Ra tòa. Anh tin, anh đủ sức tự bào chữa. Phải cố đòi ra tòa cho được. Không phải anh hy vọng ở tòa án của họ có một thứ gì khác. Nhưng ra tòa, anh tin anh có cơ hội. Cái cơ hội không bị thủ tiêu lặng lẽ.
Trở về căn phòng biệt giam, niềm tin lập tức biến mất. Bên ngoài nắng còn gay gắt, căn phòng vẫn tối mù mù. Nó giống như một thứ hầm mộ. Chui xuống đây, mọi tiếng động ngoài đời trở thành một âm hư xa lắc. Có thể một tối nào tùy thích, dăm ba tên tràn xuống. Họ có thể bắn anh, đâm anh, siết cổ, đè đổ thuốc độc. Một cái chết không gây tiếng động. Rồi lấp đất lại. Nơi đây sẽ là huyệt mộ của anh. Ai hay?
Qua vài lần thẩm vấn nữa, anh chợt hiểu. Ban thẩm vấn không phải đang điều tra. Họ tìm cách chụp mũ và cà khịa đủ thứ chuyện. Trong khi anh gân cổ tranh cãi bở hơi thì họ nhếch mép cười. Những lý luận, nguyên tắc, quy ước, luật lệ,… đều vô ích. Họ nghe anh như vịt nghe sấm. Óc họ đặc nên không còn nghe ra một lý lẽ nào khác. Hay anh đang nói với những người không cùng tiếng nói. Khi nhận ra điều này anh ngưng bặt. Lời nói bỗng vô ích. Trước mặt họ, anh đã là một người không tồn tại.
“… Tôi giựt giành đổ máu với tôi
Từng chữ một
Những tên cai ngục
Ngôn ngữ bất đồng.
Với thứ linh hồn quốc cấm,
Tôi tù tội chung thân…”
Một hai lần sau, anh dùng chính cách của họ để đối phó. Anh kể lể những chuyện trên trời dưới đất. Và uống trà, uống rất nhiều. Khi những cuộc thẩm vấn đã trở nên vô bổ thì họ ngưng.
Mỗi ngày qua. Mỗi tuần qua. Mỗi tháng qua. Hầm mộ tối tăm như cổ mộ. Thời gian ở đây như đọng lại. Không khí đặc quánh. Mọi tiếng động đã trở nên huyễn hoặc. Thế giới sinh động đang ở trên kia, loài người như ở một cõi xa xăm nào khác. Còn anh, mỗi ngày một đi sâu xuống địa huyệt. Chính anh, đã lâu lắm rồi anh cũng chưa nhìn thấy mình. Anh đưa tay sờ mặt, râu tóc lởm chởm, da sần sùi, mắt sâu hoắm, môi nứt nẻ. Anh tưởng tượng mình giống như những người tiền sử, tóc cứng chân trần. Một xác chết còn suy nghĩ. Một xác ướp. Một Pharaong đang sống lại không ai hay. Đôi khi ngẫm nghĩ anh lại tự trách, trước đây mình đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những việc không đâu. Anh đã làm gì trong lúc tự do? Hình như phần lớn anh chẳng làm gì cả. Anh không biết quý thời gian của chính mình. Bây giờ thì đã hết. Có lẽ anh sẽ kiệt sức và chết ở đây. Bốn bề vây hãm. Bỗng dưng anh rớt nước mắt. Những giọt nước mắt nóng hôi hổi. Anh tự hứa với lòng, sau này nếu ra khỏi, anh sẽ dùng thời gian còn lại để thở, thở cho hết cái thứ không khí thơm tho trong lành ngoài đời. Anh sẽ đi nhiều hơn, sẽ nhìn nhiều hơn. Anh chợt ngộ ra, được đứng tự do ở ngoài trời thôi, cũng đã là một ân sủng của Tạo Hóa. Nghĩ lại, đột nhiên anh tự giận chính mình.
Hình như đã lâu lắm, lâu lắm, anh có một thói quen: gõ tay lên tường. Sáng, trưa, chiều, tối. Rảnh, anh gõ. Thức, anh gõ. Nhớ ra, anh gõ.
“…Ta ngồi dậy
Và như một thói tật,
Gõ gõ hỏi han
Hai bên tường tả hữu.
Có ai không?
Không có ai sao?
Ta khắc khoải chờ nghe
Những tiếng động của người,
Tiếng động nào bất kể,
…
Bây giờ là mấy giờ?
Ta ước lượng thời gian
Như mò tìm một khe hở bất ngờ
Trên trường thành dằng dặc những thiên thu…”
Bốn bề vắng ngắt. Một sự im lặng đặc sệch. Bây giờ nỗi ao ước thèm nghe tiếng người lớn hơn tất cả. Anh khan giọng cất tiếng kêu, để lắng nghe tiếng của chính mình. Cổ anh nghẹn, âm thanh ú ớ trong cuống họng. Anh đằng hắng, lấy giọng, định đọc một câu thơ. Nhưng tiếng nói không phát được. Anh phát hoảng khi chợt nhớ, hèn chi, trong những truyện đường rừng, người ta hay mô tả những sơn nhân quên tiếng nói của mình.
Trại biệt giam 3C khá rộng, trại không dành riêng để nhốt chỉ mỗi một mình anh. Mãi về sau, anh nghiệm ra, người ta giam anh bằng bốn bức tường không khí. Cố cách ly anh với thế giới loài người. Không phải ngẫu nhiên mà họ lấy vôi sơn chồng chịt bốn bề. Không đọc được chữ. Không nghe tiếng người. Không tiếp xúc với ai. Họ không phải chỉ giam thân xác anh. Họ muốn cùm kín tư tưởng anh, triệt tiêu mọi cảm xúc. Anh như bị lưu đày ra giữa khoảng không vô tận, đầu óc chới với không tìm ra điểm tựa. Người ta khiến anh sống đời sống thực vật, không còn suy nghĩ. Mục đích cuối cùng để anh không thể làm thơ.
Mùa mưa tới. Anh ngửi mùi không khí ẩm ướt. Trên kia, tiếng trời đất chuyển động. Gió lồng lộng thổi. Và mưa, bắt đầu tí tách. Nửa đêm có tiếng ếch nhái, ễnh ương hòa lẫn tạo thành một bản trường ca bất tận. Anh ngồi bó gối, kiểu ngồi bất động như đã từng ngồi đây suốt cả trăm năm. Mấy lúc gần đây anh chợt liên tưởng đến cái chết. Khi chết, mình ở trong tư thế nào. Chết ngồi bó gối, hay xác bỏ cong queo. Suy nghĩ vẩn vơ, anh nhìn qua khe cửa, lũ gián, chuột lội mưa lốp ngốp bò vô.
“…Ta nhìn theo
Mấy con thằn lằn uể oải,
Lũ gián lào xào,
Con nhện bỏ trống lưới giăng xong,
Bầy chuột phóng chạy…”
Anh cầm que nghịch chơi, khều con gián. Con gián khựng mình lại, rồi quày quả quay đầu. Chặn đầu này nó quay hướng khác. Đường đi trăm ngã. Còn người? Sao lẩn quẩn có một sự lựa chọn. Chết trong này hay sống ở ngoài kia? Thậm chí anh không có tự do như một con gián.Tự nhiên ra vào qua khe cửa. Còn anh, mỗi ngày chờ đợi người ta mở cửa, như chờ đợi một điều gì mới mẻ, lớn lao
“…Bao giờ cửa mở?
Bao giờ?
Lịch sử dường như đã ngất lả
Sau những liên hồi vật vã điên cuồng…”
Mùa mưa dứt. Trời nổi gió. Anh áp tai xuống đất mà nghe gió quyện lên trời. Cuối năm, thời tiết thay đổi bất thường. Thân nhiệt anh tăng dần. Đầu nặng chịch, tay chân rã rời. Nửa đêm anh lên cơn sốt. Trong cơn mê sảng, anh nghe được còi tàu rúc về sáng. Tiếng rúc thê thiết như tiếng con thú trúng thương. Anh nhớ những con tàu quay đầu ra biển ngày xưa. Anh đứng trên boong, và vẫy. Trên bến, từng người tình trông theo chào biệt. Nhưng mà trong mơ, anh kêu lảm nhảm. Con tàu lướt sóng Trường Sa, rồi cất mình bay lên khỏi mặt nước. Anh ngước đầu nhìn. Đột nhiên con tàu rùng mình biến thành chiếc trực thăng. Ngó xuống dưới, “Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát,” Phá Tam Giang, Phá Tam Giang đây mà. Người tình áo trắng của anh đâu? “Chiếc trực thăng bay là mặt nước” Một tà áo lụa phất phơ. Anh cất tiếng kêu. Bóng trắng quay lại. Gương mặt thần chết với hai lỗ mắt sâu hoắm, giơ lưỡi hái, phá ra cười.
Có tiếng người đẩy then, mở ô cửa đưa cơm kêu vói. “Này, này. Dậy uống thuốc.” Anh lừ đừ chống tay, rồi ngã sập. Cơm chiều qua, anh bỏ. Cơm trưa nay, cộng với hai viên thuốc, còn nguyên.
Cả ngày hôm đó, anh nằm bất động. Lúc tỉnh, lúc mê, lúc mơ màng. Không lúc nào như lúc này, đầu óc anh dính chặt với cái chết. Chết bây giờ, dễ như lật một trang sách. Trang sách nào? Đời anh đã nghe qua biết bao tiếng lật những trang sách. Cái chết của những người lính. Của những người tù. Của bạn bè. Với anh là cái chết của một thi sĩ. Anh còn nhớ trong vở kịch Cuộc Chiến Thành Troy [1] của Jean Giraudoux [2] Màn cuối, khi quân lính tràn vào thành, kẻ chiến thắng giơ cao ngọn giáo đâm xuyên qua ngực người thi sĩ cuối cùng của thành Troy. “Thi sĩ thành Troy đã chết. Lời nói thuộc về thi sĩ Hy Lạp.” [3] Cái chết của người thi sĩ trong vở kịch trở thành một nỗi day dứt bây giờ đang chực nghiền nát anh. Định mệnh ư? Chẳng phải anh đã từng ước ao được chứng kiến cái chết của chính mình. Với ước mơ, mình không phải là thi sĩ cuối cùng phe thất thế. Cái chết của anh, ôi mong sao chỉ là sự ra đi.
“… Ra đi như một bình minh lạ
Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình.
Thi sĩ Bắc, Nam đều chết rạp.
Ba trăm năm lịch sử làm thinh…”
Những đêm liền anh mê sảng. Hồn phách lửng lơ ra vào giữa sống và chết.
Nếu chết đi. Anh đã quay lưng với cuộc sống. Như có lần anh đã quay đi. Nhưng mà ở phía nào? Trong cơn mơ anh loay hoay không định được hướng. Lòng anh nặng như núi. Hơi thở vẫn tự nhiên thổi vào hai buồng phổi. Tim vẫn đập, từng nhịp một như được điều khiển từ đâu. Có một điều gì đó khiến anh sống, vực anh nửa đêm đứng dậy.
“…Tháng tháng năm năm,
Lòng như núi nặng.
Ta đứng lên,
Đi tới đi lui
Trăm lượt nghìn lần
Như một hồn ma cổ đại
Trong hầm mộ muôn đời
Vì một đôi điều sinh thời chưa thỏa nguyện.
Ta cố nhớ giấc mơ
Nhưng rồi không nhớ được.
Ta nằm xuống,
Dỗ mình hãy cố ngủ,
Tập quen dần với giấc thiên thu.”
Cuối cùng, cái chết vẫn chưa đến. Cuộc sống vẫn thoi thóp chờ anh ở phía trước. Mà cái chết cũng chưa bỏ hẳn. Nó như đôi bạn đồng hành. Như chân phải, chân trái, đi song song mà rượt đuổi nhau. Như anh đã từng quay lưng với thực tại, với người yêu.
“…Sao đôi ta không cùng quay lưng đi
Đến với rừng xanh, với núi đỏ,
Vùi trọn giấc hoành môn,
Không buồn trở dậy nữa.
Đôi khi hạnh phúc ngợp trời cũng chỉ là một cái buông tay
Nhẹ nhàng không nghĩ ngợi.
Ờ, sao chẳng là cặp tình nhân thứ nhất trên trần gian
Sẵn sàng đổi bỏ cả vĩnh cửu,
Đạp vô thường đổ nát mà đi?
Ờ, sao chẳng ở lại đây luôn
Với rừng xanh, với núi đỏ,
Đơn độc tột cùng
Như con thú đã già,
Chọn lấy cho mình một cách sống,
Chọn lấy cho mình một cách chết?...”
Anh nghĩ đến Adam và Eva. Trước tình yêu, họ đã quyết định đổi bỏ cả cuộc sống vĩnh cửu, vô thường trong Địa Đàng. Sống u mê sao bằng chết trong tỉnh thức? Adam, Eva đã quyết định cho số phận của cả nhân loại. Con người từ đó đã thoát ra vòng kềm tỏa của Thượng Đế để tự định đoạt số phận của mình. Sống và Chết. Còn anh? Sao anh lại để số phận mình trong tay người khác?
Anh quyết định, anh phải sống. Anh còn nhiều việc phải làm. Những bài thơ chưa viết. Những bạn bè chưa gặp. Những cuộc tình chưa yêu…
Hôm đó là ngày thứ mấy? Anh cũng không nhớ ra. Điều đó, chẳng còn quan trọng nữa. Sau cơn bệnh, anh tỉnh hẳn. Anh thường ép đầu sát đất để hé mắt qua khe cửa. Một vệt đất sáng, tối, đậm, nhạt khác nhau giúp anh ước đoán thời khắc. Nó không làm anh thấy được thế giới bên ngoài, nhưng tâm anh thấy. Thần trí anh xuyên suốt qua bốn bức tường. Tư tưởng anh được tự do. Ký ức bay nhảy qua những miền không gian rộng mở. Anh còn nhớ, những đêm trăng trên ngọn Hoàng Liên Sơn đã làm anh bàng hoàng. Trăng đẹp lạ thường. Bóng rừng sáng rực dưới ánh sáng huyền hoặc của trời đất. Anh run rẩy trong sự xúc động choáng ngợp trước vẻ đẹp lớn lao dị thường này. Trong phút chốc anh nhận ra mình như con chim núi trong câu thơ “Nguyệt xuất kinh sơn điểu” của Vương Duy. Trên đầu anh, và dưới, dưới chân anh nữa, vũ trụ bao la đang ôm ấp. Hàng triệu triệu vì sao lấp lánh. Và cả anh. Mỗi con người ví như một thiên thạch, một hạt bụi nhỏ nhoi nào đó đang vận hành theo quỹ đạo trong trời đất, và ngay của chính mình. Hạt- bụi- anh, tình cờ mà ghé qua đây. Tạm trú trên đời. Sống thử kiếp người. Vinh nhục khổ đau, hay yêu thương thù hận rồi cũng qua đi. Cuộc du hành đang còn ở phía trước, kể cả sau cái chết.
“…Ta đến đây
Bờ bãi hỗn mang
Những di thể lên nấm lên rêu
Của những gì một thuở huy hoàng,
Làm khách tạm,
Những chiều hôm nhìn lửa nhớ tiền thân.
Nào phải chỉ đêm nay
Mà hằng đêm
Mà mãi mãi,
Ta ngồi, đầu đẫm trắng sao sa…
Nào phải chỉ đêm nay
Mà hằng đêm
Mà mãi mãi,
Lòng cời thao thức sáng âm u…
Hành giả ơi,
Gà lay tỉnh một mé rừng hư định…”
Rạng đông, trời đã dậy. Anh tưởng tượng mặt trời rải hồng trên bến cảng. Tiếng người xôn xao văng vẳng với gió sông. Anh bỗng vui vì anh còn sống. Ít nhất là tới hôm nay.
“…Trời dậy sáng
Như một lời nói mới.
Hồng loang đám ruộng xa, hồng lên khóm tre cao,
Mặt trời xao xuyến mọc…
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc?
Một ngày nữa xuống với đời ta,
Vui biết mấy
Và cũng buồn biết mấy.”
Anh nhìn những ngày “sống” trôi qua. Mỗi một ngày, mất một ngày. Mất vĩnh viễn. Không ai bắt giữ được từng giây, từng phút đang trôi qua. Trong không gian tù mù này, sự sống đang tuồn tuột vơi. Anh lắng nghe tiếng thở của mình. Ngày hao hụt.
Bây giờ, mỗi sáng anh ngồi dậy, nhìn qua khe cửa, đoán những bước chân đi tới. Anh tin, mình từ một nơi nào đó. Anh ở đây. Và chờ đợi. Tù ngục này, cũng là một điểm đến, một điểm dừng, một nơi phải đi qua. Một lúc nào đó cánh cửa này sẽ mở. Cho anh tiếp tục cuộc hành trình.
“…Đời ta sáng mượn ánh tàn dư
Đến từ một hành tinh đã tắt nghỉ.
Cánh cửa lớn lao nào
Mở ra và đóng lại
Nhanh thật nhanh,
Tưởng chừng không đóng mở.
Cánh cửa lớn lao nào
Mở ra và đóng lại
Kín như bưng,
Tưởng chừng không có cửa.
Cánh cửa này, ta cũng sẽ đi qua.”
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế…
“Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa. Nữa,…”
Tháng 7-15-2010
Chú thích: Những đoạn thơ chữ nghiêng trong bài này được trích từ Thơ Tuyển Tô Thùy Yên xuất bản năm 1994 tại USA. Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Tô Thùy Yên đã cho phép được trích dẫn. NTTA
1.Tên vở kịch “La guerre de Troie n'aurait pas lieu.”
2. Jean Giraudouxlà kịch tác gia của Pháp (1822-1944), nổi tiếng với những vở bi kịch chiến tranh như “La guerre de Troie n'aurait pas lieu”, Électre, Ondine, Sodom and Gomorrah
3.Le poète troien est mort. La parole est au poète grec.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét