Dương Hoài Linh - Người lính là một hình tượng đã có từ lâu trong văn học dân tộc Việt Nam suốt bốn nghìn năm. Một dân tộc suốt đời chỉ lo chống giặc ngoại xâm chắc chắn rằng phải có những chàng trai thật phi thường:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu
Thế nhưng người lính VNCH không hề được ca tụng như vậy. Biến cố 30/4/1975 và sự bôi nhọ khắc nghiệt của truyền thông "bên thắng cuộc" đã khiến hình ảnh người quân nhân VNCH trong mắt người dân Việt nam được tuyên truyền chỉ là hình ảnh của những người lính đánh thuê, một đám người ác ôn chuyên mổ bụng, moi gan đồng loại, những đám tàn quân thất trận tranh nhau tháo chạy, những kẻ chuyên đánh nhau vì tiền...?
<!>
Nổi bật, át đi tất cả là hình ảnh anh giải phóng quân, anh "bộ đội Cụ Hồ" ngân vang, lung linh trong các bài giảng văn dưới mái trường XHCN trên khắp đất nước Việt Nam:
Anh đi xuôi ngược tung hoành.
Bước dài như gió lay thành chuyển non.
Mái chèo một chiếc xuồng con.
Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương.
Truyền thông trong tay, quyền lực trong tay muốn nhét vào đầu trẻ em điều gì chẳng được. Một loạt các seri phim về anh giải phóng quân được các đội chiếu bóng lưu động phục vụ đến các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh trong thời kỳ đói ăn, đói mặc, đói văn hóa... một loạt các bài thơ, văn xuôi, nhạc... của các văn nghệ sĩ coi trọng các giải thưởng Hồ Chí Minh hơn hiện thực đã khiến đại đa số người dân tin rằng anh bộ đội thật sự "xông xáo tung hoành ngang dọc... Mạnh hơn tất cả đạn bom... "Anh thật sự" đi dân nhớ, ở dân thương"?
Mãi cho đến sau này, sự thật trần trụi ấy mới được Dương Thu Hương, Bảo Ninh... vạch rõ. Các anh cũng chỉ là những cỗ máy được nhét vào một thứ chủ nghĩa, để rồi cầm súng bắn về trước mà không biết bắn vào cái gì. Có khi bắn nhầm lẫn nhau vì một con voọc, có khi đào ngũ rồi chết thảm trên đường Trường Sơn, có khi suốt những năm tháng ở rừng chỉ làm một công việc là đóng hòm cho đồng đội. Có những đơn vị chỉ qua một chiến dịch là bị nướng sạch, chỉ còn vài ba người, vài hôm sau là được bổ xung cơ số toàn lính mười tám, đôi mươi. Sự thật không giống thơ ca. Sự thật là các anh bộ đội bị đẩy vào Nam từ các miền quê nghèo đầy rẫy một thứ văn hóa quái đản, manh nha từ các cuộc cải cách ruộng đất... với sự kèn cựa, đấu tố... để rồi tung những đứa con "đứt ruột đẻ đau" vào tay những kẻ tôn thờ một chủ nghĩa ảo vọng. Sau đó mãi mãi đánh mất tuổi hai mươi.
Ở phía kia, những người lính VNCH dù không chói ngời trên trang sách học trò nhưng hình ảnh các anh là chân thực không khoa trương. Nó hiện lên đơn sơ nhưng thật xúc động:
Mẹ đưa con tới trại vào quân trường Đà Lạt
Hai mươi mốt năm gươm đàn đại bác
Mười ba xuân, bắp muối khoai mì
Mẹ dõi theo từng bước con đi
Con "ra trại" mười tháng sau mẹ về chín suối.
Tiễn linh cữu mẹ đi lần cuối
Con khóc vùi như mới tuổi mười ba
Ngậm ngùi đếm giọt mưa sa.
Bi kịch của đất nước, của dân tộc đã đẩy người lính VNCH vào bi kịch của cá nhân và gia đình. Hai mươi mốt năm đời lính, mười ba năm tù cải tạo vẫn không hề lấy đi của họ cái chí khí của đời trai "dặm ngàn da ngựa", thân thể mang đầy thương tích ở chiến trường, vẫn miệt mài bám lấy đơn vị chiến đấu, tiếp tục quyết tâm đi trên khắp nẻo đường quê hương, từ miền rừng núi, qua Kon Tum, Tân Cảnh, Hạ Lào, rồi ra duyên hải miền Trung. Và tiếp tục xuôi ngược lặn lội khắp vùng đồng bằng Hậu Giang, Cà Mau, Năm Căn:
Trung đội ta những thằng giữ đất
Từ Qui Nhơn, Phù Cát, Phù Ly
Qua Tam Quan qua rừng An Lão
Từ Kỳ Sơn. Phước Lý, An Khê
(Trung đội, thơ Trần Hoài Thu)
Hoặc có khi âm vang nỗi nhớ thương trên các địa danh quen thuộc:
Tôi qua Phù Cũ, Bồng Sơn
An Cữu, An Khê, Tân Dân, Tuy Phước
Nhớ cây đa chiếc cầu trong văn Võ Phiến
Thương những người bỏ xứ xa hương
Nhớ vầng trăng trên xóm Gò Găng
Bà mẹ nhớ con mắt mù kết nón
Và những đêm sao trên đồi Bánh Ích
Cho tôi cố tìm đôi mắt người yêu
Nhớ những chuyến xe xuôi ngược sáng chiều
Ai trong ấy, cứ cắn hoài sợi tóc
(Sợi tóc nhớ nhung, thơ Trần Hoài Thư)
Thơ văn của người lính VNCH không có sự lên gân ,giả tạo. Nó là kết tinh của những chiêm nghiệm đời lính, nói với chính bản thân mình không vì mục đích tuyên truyền. Chính vì vậy lời thơ của họ hào hùng, sảng khoái nhưng đầy tính nhân bản, không phô trương:
"Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra ngàn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”
Cao Tần.
Cái chất nhân bản, yêu thương con người ấy hiện lên trong thơ thật tự nhiên bởi nhà thơ cũng là người lính. Những đêm hành quân, những ngày tiếp viện, những mất mát đau thương trước sự bi thảm của chiến tranh được miêu tả một cách bình dị:
Ta về giành lại quê em
Giành lại quận đường đêm nay đổ nát
Giành lại ngôi trường lời ca tiếng hát
Nhưng ta không giành em gái yêu thương
Ta bồng em lên nước mắt rưng rưng
Em nằm ngủ sao người em lạnh quá
Chiếc áo của em loang dần máu đỏ
Cô giáo trường làng bị bắn sau lưng
Ta đã về bầy chim nhỏ tang thương
Chúng ủ rũ như lòng ta ủ rũ
Lũ bé quì bên xác người cô trẻ
Ðặt chùm hoa mếu máo gọi cô về
Cô không về cô bỏ dạy cô đi
Cô bỏ chúng con, cô về xứ khác
Ta cắn bầm môi, em ơi, ta khóc
Em không về em cũng bỏ thanh xuân
Em bé quê ơi cho ta nhành bông
Một nhành bông quì vàng như màu áo
Ta đặt lên em. Trống trường ảo não
Như những hồi mặc niệm em tôi
(Ðêm tiếp cứu quận Tuy Phước, Bình Ðịnh, thơ Trần Hoài Thư)
Đọc những dòng chữ ấy tim ta rướm máu, mắt bỗng thấy cay. Ta bỗng thấy hiện lên tất cả những gì gọi là sự phi nghĩa của chiến tranh. Nó khác với những lời kêu gọi "máu van trả máu đầu van trả đầu" vốn thường thấy trong thơ văn của những người Cộng sản.
Bởi thực chất người lính VNCH không hề "khát máu". Họ có đầy đủ những nỗi sợ hãi chiến tranh của một con người bình thường. Nhưng cũng có cả dũng khí của một "quân nhân". Họ không chiến đấu vì một điều không có thực mà chính là vì những điều rất đời thường.
Ðất anh ở và rừng anh thở
Sớm anh đi chiều lại trở về
Rừng vi vút những đêm gió thổi
Bóng anh chìm với bóng hư vô
Ðôi khi đứng bên triền đá dựng
Anh hoang mang sợ núi đẻ mình
Có khi thấy con chồn con cáo
Anh giật mình lòng thoáng hãi kinh
Anh đi qua rừng cao quá đỗi
Anh đi về rừng quá đỗi cao
Anh thấy rồi, anh: con sâu gạo
Nằm rung rinh trong đám lá rì rào
Và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
Núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
Núi ngó anh và anh ngó núi
Núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu
Ðất anh ở và rừng anh thở
Quá lâu ngày nên thấy hoang mang
Anh sống dở và anh chết dở
Giữa núi rừng cao ngất ngàn năm
(Thơ: Ở trong rừng lâu ngày - Phạm Cao Hoàng)
Có lẻ vì những điều ấy mà hình ảnh họ mãi mãi không chết. Mặc cho sự tuyên truyền của một nền văn học đề cao sự dối trá, có những người thanh niên như Dũng Phi Hổ và những người bạn vẫn lấy hình ảnh họ làm biểu tượng, dù rằng thế hệ này lớn lên khi những người lính VNCH đã lùi sâu vào lịch sử. Không thể nói là họ dại dột. Mỗi con người có quyền chọn cho mình một biểu tượng. Những người lính miền Nam của nước Mỹ chẳng phải đã được vinh danh cho dẫu thất bại? Hơn nữa sự giải giáp của họ lại đáng ghi vào sử sách khi tránh cho quê hương những giọt máu phải đổ xuống vô ích. Khi hai kẻ chơi cờ đã bắt tay nhau, thì không thể gọi một trong những quân cờ là người chiến thắng hay thất bại. Lịch sử sẽ ghi công người lính VNCH vì họ đã không làm gì sai. Lý tưởng mà họ cầm súng để bảo vệ, để hy sinh giờ đây đang sáng ngời trên khắp địa cầu. Tính nhân bản mà họ thể hiện cũng là những giá trị bất hủ thuộc về lương tâm con người.
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét