Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Chiêu Niệm Nguyễn Mạnh Côn. - Viên Linh

Không chơi với hủi là lầm. (N.M. C.)
Một buổi xế trưa, không còn nhớ trong tháng nào, vào khoảng năm '67, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn ghé thăm tôi tại tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật trên đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Nghệ Thuật do Mai Thảo đứng tên Chủ Nhiệm, tôi làm Tổng thư ký Tòa Soạn thay Thanh Nam, rút lui sau một thời gian ngắn (l). Anh Côn vừa từ báo Văn của anh Nguyễn Đình Vượng, ở cùng đuờng, trước chợ Thái Bình, đi bộ tới. Tôi đã mời anh cộng tác với Nghệ Thuật, dù trong thâm tâm biết rõ giữa Mai Thảo và Nguyễn Mạnh Côn có những khác biệt lớn: từ khác biệt con người, đời sống, cho đến khác biệt về quan niệm văn chương và sự dùng văn.Thấy anh hiện ra trước khung của tòa soạn, cặp kính cận dầy cộm, dáng người nhỏ bé, tay cầm một xấp bài vở, tôi rời khỏi bàn, kéo anh qua quán Hồng ở góc Phạm Ngũ Lão và Đề Thám.<!>
Trời Sài Gòn rực rỡ nắng, ngồi trong phòng nhìn ra, khung cửa ấy hiện lên như một tấm hình chụp với ống kính mở tối đa, phía sau sáng lòa, người trong hình chỉ còn là một khối bóng tối, phải định thần mới tương đối thấy rõ. Lúc này nhớ lại, tôi vẫn thấy anh Côn hiện ra trong ánh nắng hôm ấy. Phía sau anh là những chiếc xích lô đạp, những chiếc xe Honda, xe Vespa chạy qua, những cái bóng chạy vụt hai chiều. Làm nền cho dòng xe cộ ấy là một bức tường vôi màu vàng nhạt, chắn ngang con đường Phạm Ngũ Lão và khu nhà ga xe lửa Sài Gòn.
Anh em tới thăm, thường chỉ đến trước cửa, đứng đó, hiện lên trên phông hình quen thuộc của tôi, và tôi đứng dậy, nếu không kéo nhau qua quán cóc chị Năm, thì kéo qua quán Hồng của chàng Trung úy an ninh quân đội, cách đó vài ba căn. Tòa soạn Nghệ Thuật chỉ đủ chỗ kê ba cái bàn, bàn nhìn ra khung cửa là của tôi, bên trái tôi là bàn của ca sĩ Anh Ngọc, lúc ấy làm quản lý tờ báo. Bàn của Anh Ngọc nhìn thẳng vào phía tay mặt của Mai Thảo. Khoảng trống duy nhất của tòa soạn là trước bàn Mai Thảo và bàn tôi, cho nên chúng tôi thường tiếp bạn hữu ở ngoài quán. Ngày thường Mai Thảo thường đưa các anh Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Phạm Đình Chương hay Thanh Tâm Tuyền, Thanh Nam ra Hải Biên, đôi khi vào Tân Lạc Viên trong Chợ Lớn. Tôi không phải dân nhậu khề khà, nên chỉ ra mấy cái quán gần đó.
Đầu đề trò chuyện giữa anh Côn và tôi không chỉ ở phương diện nghề nghiệp mà còn về hai người cháu của anh, Nguyễn Nhật Duật và Nguyễn Đạt. Giữa thập niên '50, Duật là người bạn học thân nhất của tôi ở khóa hè Trung học Lê Quí Đôn, cũng như mấy năm đệ nhị cấp sau đó ở Hồ Ngọc Cẩn.
Hôm đó vừa ngồi xuống bàn, anh Côn lại hỏi thăm tôi về hai người cháu của anh. Hản anh đọc Nghệ Thuật thường xuyên, vẫn thấy bài phê bình sách của Duật hay thơ của Đạt. Hẳn anh ít về thăm ông anh ruột, từ khi ở Bắc vào vẫn sống trong ngôi nhà dưới bóng cây không xa Trường Đua Phú Thọ bao nhiêu, đó cũng là nơi ở của Duật và Đạt. Từ ngôi nhà này, qua đường Nguyễn Văn Thoai, qua khu rừng cao su, tới Ngã Tư Bảy Hiền, đi nũa tới Lăng Cha Cả, đi nữa xéo lên một tí tới Ngã Tư Phú Nhuận là tới nhà anh Côn trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh. Hai đứa hẳn cũng không tới thăm chú thím và hai cậu em con ông chú. Hoặc chỉ họa hoằn.
Tôi nói với anh Côn, tôi rất cảm kích về sụ tận tụy của Duật đối với bạn, người đã giúp tôi qua những bài phê bình sách viết thật nghiêm chỉnh. Tôi cũng ngỏ ý Nguyễn Đạt tuy tài hoa hơn, song hình như có phần hơi khinh bạc. Đăng thơ cho Đạt, tôi trả Đạt 500 đồng tiền nhuận bút, mà hắn chê ít. Bản thân tôi lúc mới vào nghề, từng gửi thơ đăng các báo, ít khi được trả nhuận bút. Tôi nói với anh: "Thơ nó rất hay, song nó có vẻ khinh bạc". Tôi nhớ anh cười nhẹ:
- "Còn có vẻ gì nữa!".
Lúc ấy, tôi đang có ý dịnh bỏ tờ Nghệ Thuật đế qua làm một tờ báo khác, song còn băn khoăn. Hỏi ý kiến anh, anh hỏi lại:
- "Tại sao cậu lại băn khoăn?"
Quen anh trước khi biết anh là chú của bạn tôi, nên sự xưng hô giữa anh và tôi không thay đổi.
Sự việc là tờ báo muốn mời tôi làm Thư ký Tòa soạn hiện đã ra được 8 số. Tình hình không khả quan nên ông chủ nhiệm muốn thay đổi Bộ Biên Tập. Nếu nhận lời, tuy là toàn quyền lập Bộ Biên Tập mới, song tôi vẫn phải giữ lại ba biên tập viên thường trực. Ba người đó theo tôi biết, trên ý thức chung, có thể cản trở sự điều hành tờ báo, vả lại, tôi phát biểu thay vì kể ra lý do:
- "Tôi không muốn chơi với hủi".
Anh Nguyễn Mạnh Côn lắc đầu. Từ tốn, chậm chạp, anh châm một điếu thuốc, uống một ngụm cam vắt. Tôi chờ đợi để nghe nơi anh một lời khuyên.
- "Cậu uống đi đã".
Tôi đã uống gần hết một chai Bierre Larue lớn có hình trái dứa.
Lời khuyên của anh Nguyễn Mạnh Côn, 30 năm nay, tôi vẫn còn nhớ như in. Không những ngay sau đó, áp dụng lời khuyên đó, tôi nhận làm tờ báo kia và biến nó thành tờ báo thành công trong 5 năm liền sau đó, mà bất cứ lúc nào ở trường hợp tương tự, tôi đều áp dụng lời khuyên của tác giả Sống Bằng Sự Nghiệp.
- "Phải chơi với hủi!".
Anh kể tôi nghe một vài chuyện, trong những chuyện đó, có chuyện anh nhận lời mời của Đại úy Ngô Quân để làm tờ Chỉ Đạo. Để điều hành một tờ báo của quân đội đến mức như anh Côn điều hành tờ Chỉ Đạo, thực hiện tờ Chỉ Đạo nhũng năm cuối thập niên '50, không phải ai cũng làm được.
- "Anh em chúng ta thuờng suy nghĩ theo kiểu Quân tử Tàu là không chơi với hủi. Suy nghĩ như vậy là lầm. Phải chơi với hủi".
Tôi nghe rất rõ, nên nlìn thẳng vào mắt anh, chờ được giải thích.
- "Chơi với hủi để biết những ai là hủi. Hủi là một bệnh hay lây; phải có can đảm mới chơi với hủi được. Nếu mình yếu, mình sẽ thành hủi luôn."
"Nhưng nếu mình mạnh, không những mình không lây hủi, mà còn ngăn được hủi, không cho nó lan tràn, tránh cho nhiều anh em khác khỏi bị hủi lây. Khi cậu biết đứa nào là hủi; cậu chỉ cho anh em, để tránh nó. Khi nhiều người biết một tên nào đó là hủi, thì nó sẽ bị cô lập, và hàng ngũ chúng ta sẽ dần dần bớt hủi đi.
"Cậu làm báo, hẳn cậu biết xã hội gọi bọn làm báo chúng ta là bọn hủi. Cho nên cậu hãy nghe tôi. Hãy chơi với hủi".
Tôi đã nghe lời anh Nguyễn Mạnh Côn suốt 30 năm nay. 
II.
Trong những nhà văn Việt Nam trưởng thành vào thời kháng Pháp, Nguyễn Mạnh Côn là người từng thực sự cầm súng. Anh ở trong tiểu đoàn đánh trận sông Lô năm 1947.
“Bốn ngày ba đêm không nghỉ, không chợp mắt. Nước khe, nước lạnh, hay nước vũng trâu đầm. Cơm, vài dúm gạo rang nhai cho thật kỹ với chút muối trắng (ai vớ được vài nhánh tỏi là người ấy có bữa thịnh soạn!) Bốn ngày ba đêm, chống lại tất cả mọi định luật về sinh lý, chúng tôi vượt 320 cây số, cộng thêm chín trận phục kích. Chúng tôi không đi bằng chân mà đi bằng óc. Chúng tôi mụ người trong sự cố gắng kinh khủng. Cố gắng vì yêu nước, vì thù giặc.” (ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ, trang 96-97, Nguyễn Đình Vượng xuất bản, 1958. Cuốn này đem dự thi Giải Văn Chương Toàn Quốc, nên ký Nguyễn Kiên Trung).
Trận sông Lô xẩy ra vào tháng 10, 1947, lúc ấy anh 27 tuổi, 6 tháng. Như thế, không biết anh đã nằm xuống bên một bàn đèn thuốc phiện từ lúc nào? Xem lại tiểu sử thấy anh sang Hương Cảng từ lúc 20 tuổi (2).
Như sự mô tả của họa sĩ Tạ Tỵ khi gặp anh vào khoảng 1955-56, thì anh có vẻ đã là người dính líu với Phù Dung từ rất nhiều năm rồi. Trong tám năm, từ một chiến sĩ cầm súng bắn vào pháo đỉnh L.S.T. của Pháp trên dòng sông Lô khoảng 10 cây số dưới bến Ðoan Hùng, tới nhà văn mân mê dọc tẩu trên căn gác gỗ Phú Nhuận, Nguyễn Mạnh Côn đã sống cuộc thăng trầm không những của chia cắt đất nước 1954, về phía người chiến bại, mà còn nổi trôi trong một thời thế mà bạn hóa thù vì chính kiến, những tâm huyết lăn vào việc cứu nước nhưng bị đánh bật khỏi hướng đi hoài vọng vì khác biệt đảng phái. “Lòng hỏi lòng, tôi thấy mình như con ngựa mệt mỏi theo lối mòn kháng chiến quanh co...” (in trên bìa ÐTTVLS.) Có lẽ anh đã cầm lấy dọc tẩu vào cái lúc thấy mình là “con ngựa mệt mỏi” và thấy “lối mòn kháng chiến quanh co,” cái lúc ấy hẳn là lúc Việt Minh truy kích đảng viên các Đảng phái quốc gia, nhất là Quốc Dân Đảng, vào năm 1947 đánh bạt họ qua Tầu?
Tới năm 1952, lúc 32 tuổi, anh "rời chiến khu Việt bắc về Hà Nội" (2). Nghĩa là "dinh tê", "về Tề", nghĩa là nói theo những người còn tiếp tục kháng chiến: theo Việt gian, theo Pháp. Rất có thể đây cũng là lúc anh đã hút, hay cầm lại chiếc que tiêm, nằm xuống bên ngọn đèn dầu lạc, buông xuôi sau một thời gian sống hào hùng, cam nhận sự thua cuộc, dạt vào bến bờ sương khói, nếu không là đã mơ màng biết từ tuổi 20, thời gian ở Hương Cảng.
Dù thế nào, Nguyễn Mạnh Côn vẫn theo sát các biến động của thời thế, sau khi về thành và sau khi vào Nam. Việt Cộng là kẻ thù của anh, anh theo dõi họ không ngừng. Con người, cuộc sống, sự suy nghĩ của anh không bao giờ xa chính trị. Ngay trên bìa cuốn ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ, trong không khí hưng phấn của Miền Nam Tự Do, anh viết: "Tôi linh cảm Việt Cộng lại đương nhầm, nhầm ở chỗ đánh giá anh em ta quá thấp."

Thật ra Chính quyền Quốc gia đánh giá các nhà văn, kể cả nhà văn Nguyễn Mạnh Côn quá thấp, còn Việt Cộng không nhầm, họ đánh giá anh rất cao: tên anh đứng đầu bản danh sách 44 nhà văn nhà thơ Miền Nam bị Hà Nội ra lệnh bắt giam ngay đợt đầu.
Lý luận của anh sắc bén, văn chương của anh là vũ khí, cộng sản không thể dùng lý luận với anh, họ dùng gông cùm. Mai Thảo viết: “...những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, từ Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử tới Hòa Bình Nghĩ Gì Làm Gì? đã là những lưỡi mác xung kích cực kỳ sắc nhọn phóng vào thành trì ý thức hệ cộng sản suốt hai mươi năm đấu tranh văn học giữa hai miền và là những tác phẩm chủ yếu của Văn Học Quốc Gia Việt Nam từ chia cắt Nam Bắc 1954 tới sụp đổ miền Nam 1975. Kích thước mỗi tác phẩm Nguyễn Mạnh Côn lớn lao ở đó. Mỗi tác phẩm anh là một trận đánh lớn, từ trận tuyến văn học chúng ta đánh tới kẻ thù. Trên cái nghĩa toàn phần của danh từ, anh là một danh tướng, một chiến sĩ cầm bút lẫy lừng của trận tuyến văn học miền Nam, niềm vinh dự chung của Miền Nam Văn Học." (Mai Thảo, Vĩnh Biệt Anh Nguyễn Mạnh Côn, Thời Tập, Washington, D.C., số 4, tháng 12-1979, trang 18).
III.
Cầm bản thảo của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trên tay, người đọc biết ngay tác giả những dòng chữ trước mắt là một người vô cùng thận trọng với chữ nghĩa. Anh viết ngay hàng, thẳng lối, rõ từng con chữ một, trang nào như trang nấy. Anh viết trên thếp giấy có kẻ dòng.
Không cần đếm, người ta có thể áng chừng không sai bao nhiêu, nếu trang trước anh viết được một nghìn chữ, thì trang sau cũng lối một nghìn chữ. Anh là người có thể biết rõ bài anh viết, khi in ra, nếu là cho một cuốn sách, sẽ in được bao nhiêu trang. Cũng bài ấy nếu đọc trên Đài Phát Thanh, sẽ được bao nhiêu phút. Những nét chữ gẫy gọn, những dòng chữ đều đặn, và chỗ nào chấm, chỗ nào chấm phẩy; chỗ nào chấm xuống dòng, vô cùng rõ rệt và chuẩn xác, về phương diện chính tả.
Ðọc văn anh, có thể mường tượng ra cách anh nói chuyện. Nguyễn Mạnh Côn là người khúc chiết, rành mạch, không ai có thể hiểu lầm câu văn anh, vì anh không viết ra những gì còn mơ hồ. Anh là nhà văn không thể nào làm thơ. Anh là nhà văn của luận thuyết và lý thuyết. Lý thuyết chứ không phải triết lý. Nếu anh có viết truyện tình, mà anh lại hay viết truyện tình, thì đó nhất định không phải là một truyện tình thơ mộng kiểu Nhất Linh hay Khái Hưng. Mà Nguyễn Mạnh Côn lại rất phục Nhất Linh và Khái ZHưng. "Đối với tôi, viết cũng như nói, là để trình bày một cảm nghĩ" (Quan niệm về Truyện Ngắn, trong những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta).
Tạp chí Chỉ Đạo do anh làm Chủ bút là một tờ báo khổ lớn, trang báo thường chia ra làm 2 cột; chỉ nhìn cách trình bày cũng biết được cá tính người trình bày. Không những cho tờ báo này, mà còn cho các sách của anh những năm sau. Nguyễn Mạnh Côn không những chọn kiểu chữ, anh còn chọn thân chữ, bát chữ, khoảng cách, chỗ nào to, chỗ nào nhỏ, chỗ nào chữ đứng. chỗ nào chữ nghiêng, chỗ nào số La Mã, chỗ nào số thường, rất kỹ. Bát chữ của Nguyễn Mạnh Côn đều khác với bát chữ của đa số. Anh có lối riêng làm cho trang sách rộng ra, và chữ nghĩa hiện lên nghiêm túc. Nhà văn nhà thơ nào cũng có cái nhìn mỹ thuật riêng cho các tác phẩm của mình, cái nhìn của anh Côn là cái nhìn graphique tuyệt đối hiếm hoi trong số các nhà văn Miền Nam. Sự có mặt của một người như thế trong làng văn làng báo miền Nam từ khoảng 1956 là một sự có mặt rõ nét, rõ hình tướng từ thể thất tới phong thái.
Phong thái nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là phong thái một nhà văn lập thuyết để cải tạo xã hội, và luôn luôn nhìn nhận sự yếu đuối, lầm lạc của mình. Anh muốn đem bản thân mình ra làm bài học cho lớp đi sau. Anh không phải là người có thể nói “Hãy theo gương tôi.” Anh là người vẫn nói: “Hãy tránh những lỗi lầm của tôi.”
Anh viết lời mở đầu cho một truyện của anh: “...tôi vẫn theo đuổi một ước vọng, là làm thế nào cho các bạn thanh niên hiện đại tin chắc rằng tuổi trẻ của chúng tôi chẳng có gì hơn tuổi trẻ của các bạn.”
Sau chia cắt Đất Nước 1954, nguyệt san Chỉ Đạo do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làmn chủ bút và những truyện ngắn, truyện vừa của anh đã xác định rất rõ một khuynh hướng cầm bút ở Miền Nam: chống Mác và chống Mác-xít. Anh chỉ đích danh những người này, không dùng lối ẩn dụ như - chẳng hạn - Vũ Khắc Khoan. Có thể từng là Việt Quốc và đại diện Việt Quốc - phe Quốc Gia - trong Quốc Hội Liên Hiệp năm 1946, Nguyễn Mạnh Côn đã trong khi viết văn, còn dùng văn. Nhưng ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ là một bản trần tình đau đớn thao thức không phải của riêng Nguyễn Mạnh Côn. Mà của chung cho lớp người yêu nước ở tuổi anh và hoàn cảnh anh. Cuốn sách đã được in lại nhiều lần.
Ngoài ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ, Nguyễn Mạnh Côn còn viết VIỆT MINH, NGƯƠI ĐI ĐÂU (1957), LẠC ĐƯỜNG VÀO LỊCH SỬ (1965), HÒA BìNH... LÀM GÌ, NGHĨ GÌ? (1969). Những tác phẩm có nguồn gốc thời thế, liên hệ tới các vận động chính trị, lịch sử đất nước đương thời.
Không sống với cộng sản, chỉ qua thăm Nga trở về, văn hào André Gide người Pháp, Nobel văn chương 1947, với ý thức của một trí thức, viết những lời cảnh tỉnh trong cuốn RETOUR DE L'U.R.S.S. (1936), và RETOUCHES À MON RETOUR DE L' U.R.S.S. (Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết, Nhuận Sắc Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết Của Tôi.) Nguyễn Mạnh Côn sống với Việt Minh, rồi từ bỏ Việt Cộng, anh đã làm như nhà văn Nam Tư Milovan Djilas, tác giả THE NEW CLASS (Giai Cấp Mới, 1957), cực lực phê bình cơ cấu và chủ thuyết cộng sản. Trong thời gian làm chủ bút tờ Chỉ Ðạo, anh đã trích dịch và thêm lời dẫn cuốn GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM của một tác giả Lỗ Ma Ni: C.V. Gheorgiu.
Những tác phẩm trên của anh làm người ta nghĩ đến những cuốn sách tương tự, của các nhà văn thế giới khác, chỉ xuất bản trước đó trong vòng nhiều lắm là mười năm, đều phơi bày những kiếp nhân sinh vắng bộ mặt người trong các xã hội Cộng Sản. DARKNESS AT NOON (Bóng Tối Giữa Trưa) của nhà văn Hung Gia Lợi Athur Koestler, xuất bản lần đầu năm 1941, (bản Việt ngữ in khoảng 1950); ANIMAL FARM (Trại Súc Vật)  và “1984” của nhà văn Anh theo và sau đó chống Xã Hội Chủ Nghĩa George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1946 (Ðỗ Khánh Hoan đã dịch ra Việt Ngữ) và cuốn sau năm 1949; DOCTOR ZHIVAGO của Boris Pasternak (Bác Sĩ Zhivago, Vĩnh Biệt Tình Em, bản Việt văn Nguyễn Hữu Hiệu), xuất bản lần đầu (Anh dịch) năm 1958; hay của một nhà văn Nga khác, Alexander Solzhenitsyn, cuốn ONE DAY IN THE LIFE OF IVAN DENISOVICH, xuất bản lần đầu năm 1963.
Nguyễn Mạnh Côn nằm trong dòng văn chương đó, trên mặt ý thức. Hẳn nhiên anh khác họ nơi văn phong. Nguyễn Mạnh Côn không có cái lãng đãng mơ mộng của André Gide hay Boris Pasternak, không có cái khôi hài của George Orwell, không có sự điềm tĩnh tượng đá của Athur Koestler, không có sự can đảm của Alexander Solzhenitsyn (anh tự nhận, xem phần dưới), anh gần với Milovan Djilas. Anh giảng giải viện dẫn nhiều. Sự giảng giải viện dẫn hẳn anh tin là vô cùng cần thiết. Nguyễn Mạnh Côn có mục đích rõ rệt khi cầm lấy cây bút, ngồi trước thếp giấy có kẻ dòng. Tôi còn nhớ anh viết trên thếp giấy màu vàng, đúng như thếp giấy gọi là legal size paper hiện nay ở Mỹ.

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mạnh Côn có nhiều mặt. Sau thời gian viết lại những kinh nghiệm thanh niên trong chiến dịch Sông Lô và giai đoạn liên hiệp với Cộng Sản, sau 1959, là năm chính phủ Ngô Ðình Diệm đặt các đảng phái Quốc Gia ra ngoài vòng pháp luật (dự luật 10/59),  Nguyễn Mạnh Côn viết KỲ HOA TỬ (1960), truyện BA NGƯỜI LÍNH NHẢY DÙ LÂM NẠN (1960). Anh chuyển qua lãnh vực khoa học giả tưởng, là lãnh vực cho tới giờ trong văn chương Việt Nam anh vẫn là người đầu tiên và duy nhất.
Mấy năm sau, anh viết TÌNH CAO THƯỢNG (1968) nói về dục tình một cách trực tiếp, hơn nữa lại dùng ngôi thứ nhất là nhân vật đàn bà qua hình thức một tập thư Ngọc viết cho Cường: “Vì, như em đã nói với anh, Tư Giỏn làm cho em hoàn toàn thỏa mãn. Cũng in hệt như đối với anh, lúc rung động của y lên đến tột độ thì rung động của em cũng lên đến tột độ...” (Tình Cao Thượng, trang 88) “... trong mọi cuộc giao hoan, chính người đàn ông mới là phương tiện!” (TCT, 104). Anh viết vẫn để giảng giải, không phải để giải trí, dù là viết về một vấn đề dễ sa vào chỗ tầm thường. 
IV.
VÀI DÒNG TIỂU SỬ

 Tấm hình căn cước của Nguyễn Mạnh Côn tôi có trong tay, phía sau chính anh nắn nót viết kiểu chữ in tên họ của mình. Tôi nghĩ hình chụp vào năm 1956, hay 57, trong quân phục, cổ áo có dấu chiếc lon đã được bóc ra, có lẽ là lon thiếu úy, hay trung úy. Anh là sĩ quan đồng hóa. Phía sau tấm hình viết: 15.3.1920. Hải Dương, Bắc Việt. (Hình như nhằm ngày 7 tháng 4 năm Canh Thân. Sinh quán làng Ðông Hy, phủ Ninh Giang). Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1975, anh được mới vào Hội Ðồng Giám Khảo Giải Văn Chương Toàn Quốc.
Thuở ấu thơ anh theo mẹ và cha, cách anh viết, “mẹ và cha,” không phải cha mẹ, đi khắp nơi trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, anh học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1940, anh vượt biên, tới mãi Hương Cảng. Không ai rõ lý do, song theo một bài anh viết mà tôi được đọc, thì anh Côn hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Theo một tài liệu khác, năm 19 tuổi anh có cộng tác với báo Ðông Pháp, năm 25 tuổi anh viết báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội (3).
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12-1945, anh rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ đây, cuốn Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử viết dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, có thể kể là một giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của anh, nếu không hoàn toàn giống, thì cũng rất gần với thực tế. Năm 1952, Nguyễn Mạnh Côn trở về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại thành phố biển này cho đến năm 1955 thì vào Nam. Tại Sài Gòn, trong khi viết văn, có lúc anh xuất bản một tờ tạp chí, lấy tên là Chính Văn, nhưng mệnh yểu. Miền Nam mất ngày 30 tháng 4, 1975, anh bị Hà Nội bắt vào đêm 2 tháng 4, 1976. Tên Nguyễn Mạnh Côn đứng đầu danh sách 44 người sẽ bị bắt cả sau đó.
Ðúng ba năm trong tù, anh công khai đòi trả tự do, lý luận với quản giáo trại tù Xuyên Mộc, rừng Sa Ác, tỉnh Bà Rịa: “Chính phủ nói là bắt tôi đi học tập ba năm, hôm nay là đúng hạn ba năm, tôi yêu cầu chính phủ trả tự do cho tôi.” Anh bị nhốt riêng từ đó.

Sau đó, Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực. Theo tin tức tôi được nghe, anh Nguyễn Mạnh Côn không định tuyệt thực để chết, anh tuyệt thực như một cách tranh đấu bất bạo động. Một nhóm anh em nhà văn trẻ, trong có người tự nhận là đàn em thân tín nhất của anh, nguyện với nhau sẽ sát cánh với anh trong cuộc tranh đấu này. Anh sẽ nhịn ăn, song không ai có thể nhịn uống, dù chỉ trong 24 giờ. Người anh em trẻ đó đã đi báo quản giáo chương trình tranh đấu của Nguyễn Mạnh Côn, và các nhân sự huynh đệ của anh trong cuộc tranh đấu. Tất cả bị cô lập. Nguyễn Mạnh Côn trút hơi thở cuối cùng tại trại tù này, vào ngày 1 tháng 6 năm 1979. Anh sống 59 năm 2 tháng 15 ngày.
V.
Tôi từng phỏng vấn Nguyễn Mạnh Côn ít ra là ba lần, các bài phỏng vấn này đều đã đăng trên các báo Nghệ Thuật, Khởi Hành, và Thời Tập, trước 1975 tại Sài Gòn. Đoạn sau đây đã đăng trên Thời Tập số tháng 4 năm 1974, đúng một năm trước ngày Sài Gòn thất thủ. (Bộ Thời Tập hiện có lưu trữ trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, chỉ thiểu số 1 và số 24, các số khác còn đủ).

VIÊN LINH: Nhà văn và Thời thế, trước vấn đề này, anh thấy vai trò của anh như thế nào?

NGUYỄN MẠNH CÔN: Tôi hèn, không có can đảm như Soljenitsyne. Hoặc giả tôi lười. Và già rồi, mặc dầu tôi hơn Soljenitsyne có mấy tuổi (LTS: Soljenitsyne là cách viết tiếng Pháp. tên ông này viết theo tiếng Anh là Solzhenitsyn.)

VIÊN LINH: Anh nghĩ gì về tin có giọt nước mắt trên pho tượng Maria?

NGUYỄN MẠNH CÔN: Trước những thảm cảnh ở Việt Nam đất còn có thể chảy máu huống chi đá chỉ chảy nước mà thôi. Các bạn có tin rằng ngoài Trung có pho tượng Phật khóc ra máu mắt không?

VIÊN LINH: Bài thơ anh thích nhất là bài thơ nào, của ai, có lý do nào chăng?

NGUYỄN MẠNH CÔN: Đó là đoạn đầu bài Kỳ Nữ của Đinh Hùng cho đến câu Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ. Và cả bài Thần Tụngcũng của Đinh Hùng. Bài Đời Tàn Ngõ Hẹp và đoạn giữa bài Dâng Tìnhcủa Vũ Hoàng Chương. Ngoại giả, thích từng câu thì Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm, Tần Cung Oán, ...

VIÊN LINH: Theo anh, sinh hoạt văn học nghệ thuật của ta có cần gì thêm không?

NGUYỄN MẠNH CÔN: Thế hệ 1955-1965 đã kiệt sức, tác phẩm nghèo về phẩm và về lượng, mà thế hệ tiếp nối chưa thấy đâu. Tôi nghĩ tình trạng này do ảnh hưởng của chiến tranh võ trang và chính trị trong vòng mấy năm nay đưa người ta vào thế thụ động. Không có gì để chọn lựa ngoài lập trường quốc gia, mà lập trường quốc gia thì chưa xác định được về giá trị tư tưởng. Người sống ngoài mặt trận thì viết về chiến đấu mãi cũng thấy ghê người, người sống trong thành phố thì ngơ ngác không biết viết gì ..Cho nên, ngoài sự trở về của những tài năng mới, tôi còn có ý nguyện rằng, một lập trường suy tư mới, bảo đảm được tự do cho thiên tài nhưng cũng bảo đảm được công bằng cho xã hội. Một lập trường như thế sẽ thành hình để thống nhất dắt nước. Viễn tượng mới sẽ vô cùng giàu có, và nghệ sĩ sẽ tha hồ sáng tác.

VIÊN LINH: Với tuổi anh, điều gì còn khiến anh buồn, điều gì khiến anh được vui?

NGUYỄN MẠNH CÔN: Tôi có ít điều buồn, đều không thể nói ra ở đây. Tôi sẽ vui, khi nào những nỗi buồn hiện nay châm dứt. Bạn có bao giờ nằm mơ thấy những người thân của mình bước lần tới bờ vực thẳm rồi, mà bạn há miệng cố kêu mà không thành tiếng hay không? 
Từ lúc vào đời hoạt động, mang tâm huyết thanh niên để phục vụ Tổ Quốc, cho đến khi gục ngã, lúc nào anh Nguyễn Mạnh Côn cũng bị phản bội. Có lịch sử nào của chúng ta, trong thế kỷ XX, không là một Lịch Sử Của Phản Bội?

Viên Linh
Little Saigon, Calif., 20/5/1998
(Nguồn: Khởi Hành số 20, Tháng 6-1998)
 Chú thích:
1. Tuần báo Nghệ Thuật ra đời năm 1965, sau khi một nhóm nhà văn gặp Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, lúc ấy là Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương (Thủ tướng), được ông Kỳ hỗ trợ. Buổi gặp mặt do cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương mà có. Phạm Đình Chương là bạn học cùng lớp với ông Kỳ và Lưu Kim Cương hồi ở Thanh Hóa. Có mặt Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Anh Ngọc, Thanh Nam. Do đó anh em phân công để Mai Thảo làm chủ nhiệm, Anh Ngọc làm Giám đốc Trị sự, Thanh Nam làm Tổng Thư ký (chỉ 6 số). Từ số 7 tới số 56, Viên Linh thay Thanh Nam.
2. Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Nguyễn Đông Ngạc thực hiện, Sóng xuất bản, Sài Gòn, 1974, trang 297.
3. Tuyển Tập Truyện Ngắn Việt Nam, Văn Hữu Á Châu xuất bản, Sài Gòn, 1963, trang 55.

Không có nhận xét nào: