Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Chết Đi, Sống Lại ! - Thanh Mai

Bảo là em trai kế của tôi. Bảo rời Việt Nam từ năm 20 tuổi, có người yêu nhưng sau đó chia tay và sống cô độc với ... 1 con cá cảnh lòng tong nhỏ xíu. Bảo không thích du lịch và sinh hoạt ngoài trời, đi làm về chỉ ru rú trong phòng uống bia, ngắm con cá nhỏ bơi qua bơi lại trong cái hồ kính to tướng qua làn khói thuốc!  Sống như vậy sao không chán? Bảo cũng thấy bế tắc nên sau khi để dành được một ít tiền dã quyết định bỏ việc về lại Việt Nam sinh sống đổi không khí, nhân tiện ở chung và săn sóc cha già. Nhưng sống với cha một thời gian Bảo cảm thấy mất tự do nên nhờ bạn bè đứng tên mua một căn phòng nhỏ trên cư xá, dọn ra ở riêng, ăn tiêu dè xẻn hy vọng đến năm 62 tuổi lãnh tiền hưu non sống tiếp.<!>
Cơ duyên đưa đẩy Bảo quen với một cô gái trẻ tên Bình hiền lành và chịu thương chịu khó. Bình cũng giống tính Bảo chỉ thích ru rú trong nhà nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc chó. Bình săn sóc Bảo tận tình và hai người sống rất hạnh phúc với nhau cho đến nay cũng được 7 năm. Bình muốn có con nhưng Bảo từ chối vì nghĩ mình đã lớn tuổi sợ cảnh cha già con mọn. Bảo cũng không làm hôn thú với Bình vì...làm biếng.
Bảo thường hay bị đau nhức chân vì bịnh gout nhưng chẳng bao giờ đi khám bịnh, ai bày thuốc nào hay thì cứ mua uống. Đau thì uống thuốc, hết đau thì uống bia! Nhưng bịnh gout ngày càng nặng, năm ngoái qua Mỹ chơi 3 tháng mà bị đau chân sưng khớp cũng hơn 2 tháng nên về lại Việt Nam Bảo quyết định đi khám bệnh. Nào ngờ đúng với câu “Bói ra ma quét nhà ra rác”, họ nói ngoài bịnh gout Bảo còn bị bịnh viêm gan siêu vi C, nếu không chữa để lâu sẽ biến chứng qua sơ gan và ung thư. 

Sau 3 tháng uống thuốc trị bệnh gan kết quả thử máu cho thấy lành bệnh viêm gan siêu vi C nhưng bác sĩ đề nghị uống thêm 3 tháng cho chắc cú! Vì loại thuốc này hành người bệnh mất sức đề kháng và cơ thể rất mệt mỏi nên Bảo xin bác sĩ cho đi xét nghiệm lại tất cả trước khi quyết định uống thêm thuốc. Kết quả xét nghiệm chụp MRI là bản án tử hình cho thấy Bảo đang bị ung thư gan thời kỳ cuối, chỉ còn sống thêm vài tháng nữa! Tại sao bác sĩ không phát hiện ra bịnh ung thư gan ngay từ đầu trước khi mất thời gian chữa trị bệnh viêm gan siêu vi C? 

Không tin với nền y học của Việt Nam nên Bảo quay về Mỹ xin bảo hiểm y tế tiểu bang chữa bệnh và không ngờ Minnesota rất tốt đã cấp cho Bảo chẳng những bảo hiểm y tế mà còn cho cả tiền trợ cấp cho người lợi tức thấp. Chẳng bù nước Việt Nam thiên đường xã hội chủ nghĩa kiếm đủ mọi cách đè cả người nghèo bán trà đá đóng thuế lợi tức vì cho rằng ngành bán trà đá có lợi nhuận cao nhất thế giới lời từ 5000% cho đến 7000%. Phục thật!

Sau nhiều lần khám, thử máu và chụp MRI tại Mỹ, Bảo cũng bị định bệnh ung thư gan thời kỳ cuối. Bác sĩ chuyên môn về ung thư gan cho xem hình chụp cắt lá gan đã bị ung thư đến 3/4 và cả ống gan chính cũng bị ung thư. Tình trạng này không thể hoá trị vì sẽ chết ngay và nếu mổ cắt gan cũng bị ung thư trở lại. Để kéo dài sự sống sẽ cho Bảo uống thuốc nhưng thuốc này chỉ ngăn chận và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư chứ không giết được chúng. Và giá thuốc rất cao phải chờ bảo hiểm có cho phép hay không. Bác sĩ còn nói ông rất ngạc nhiên khi Bảo vẫn còn ăn uống bình thường.

Tôi hỏi bác sĩ:

- Bác sĩ nói là thuốc chỉ giúp kéo dài sự sống vậy có thể cho biết sống được thêm bao lâu không.

- Tuỳ tạng người thôi tôi không biết được.

Tôi trình bày:

- Vì em tôi còn bạn gái đã chung sống với nhau hơn 7 năm đang ở bên Việt Nam. Kỳ này em tôi bị bịnh nặng không biết sống chết ngày nào, xin bác sĩ viết cho tôi một lá thơ nói về bịnh tình của em tôi và thời gian sống còn lại để tôi mời cô ấy qua đây sống chung và săn sóc em tôi trong thời gian cuối của cuộc đời.

Ông bác sĩ  nói:

- Tôi sẽ viết là ông Bảo chỉ còn sống 3 tháng nữa!

Ông ấy đã viết một lá thơ vài dòng ngắn gọn rất hay khi thêm: “Hãy làm những gì có thể được cho bệnh nhân trong giai đoạn cuối ngắn ngủi này”.

Chúng tôi viết một lá thơ kèm theo để xin Bình qua Mỹ theo diện du lịch với những lý do trên và cũng để đem tro cốt của Bảo về quê hương sau khi mất, hy vọng hai lá thư sẽ khơi động được lòng nhân đạo của người phỏng vấn. Nhưng kết quả không như ý muốn Bình bị từ chối vì họ nghĩ là khi qua được Mỹ Bình sẽ không trở về quê hương. Hai người mỗi ngày  tiếp tục chỉ có thể nhìn nhau và nói chuyện qua FaceTime của IPhone thấy thương hết sức.

Hai ngày sau bảo hiểm chấp nhận loại thuốc bác sĩ đề nghị này và gởi về cho Bảo. Chúng tôi thấy giá tiền ghi trên hộp thuốc mà hết hồn vì đến 18 ngàn đô la một hộp. Mới thấy nước Mỹ quá tốt với người nghèo. Còn đi khám bệnh cũng không phải trả tiền nữa chứ. 

Loại thuốc này mỗi ngày chia ra uống hai viên trước khi ăn 1 tiếng hoặc sau khi ăn 2 tiếng. Khi lấy thuốc uống nên dùng bao tay hoặc phải rửa tay thật kỹ sau khi lấy thuốc. Còn nếu nhờ ai lấy giùm phải yêu cầu họ mang bao tay. Có phải trong thuốc có chất phóng xạ hay sao mà kỹ vậy không biết? Thuốc sẽ gây nên một số phản ứng phụ nhưng Bảo không bị gì cả. 

Nghe nhiều người bày vẽ Bảo ăn uống rất kỹ - không ăn đường, không ăn thịt đỏ nhất là thịt bò, thịt heo. Mỗi ngày xay trái cây uống như củ dền đỏ, táo đỏ và cà rốt, lá alovera. Ăn nhiều Broccoli, rau quả và uống nước chanh nóng, lá đu đủ và lá xả. Nói chung khi đã đến nước này thì ai bày gì theo nấy. Chỉ có ăn toàn gạo lức muối mè thì Bảo không ăn nổi sau 1 ngày nói là ăn kiểu này chết sớm hơn vì đói.

Có lẽ vì thuốc bác sĩ cho và cả những vị thuốc nam này không tác dụng với Bảo nên sau khi uống gần được một tháng, Bảo đi thử máu và chụp lại MRI thấy tế bào ung thư trong gan giảm bớt chút xíu nhưng nó lại lan vài đốm ra xương. Bác sĩ quyết định ngưng loại thuốc mắc tiền này và dùng phương pháp khác là truyền thuốc Idova thẳng vào trong mạch máu mỗi tháng 1 lần. 

Loại thuốc này hành hạ Bảo vật vờ khổ sở gần tháng trời như không ngủ được, không muốn ăn, rụng tóc, đau nhức. Bảo cố gắng ăn chút ít cho có sức nhưng ăn vào là bị sình bụng không tiêu, ngay cả uống nước cũng bị. Không biết do tác dụng thuốc hành hay gan đã đến lúc phát bệnh thêm. Lá gan của Bảo dạo này bị sưng và cứng thêm nên Bảo thường xuyên bị đau rêm rêm từ bụng cho đến vai.

Vì thuốc Idova chỉ truyền mỗi tháng một lần nên Bảo quyết định sau khi vào thuốc lần thứ hai sẽ bay về Việt Nam thăm Bình 3 tuần rồi qua lại Mỹ để chữa tiếp. Vé máy bay mua được chỉ cần bay 13 giờ về sân bay Seoul chờ thêm 3 giờ là bay về Cam Ranh. Không ai cản được lòng nhung nhớ người yêu của Bảo cả. Bảo nói rằng chỉ cần lên máy bay Bảo sẽ ăn rồi uống thuốc ngủ ngủ một lèo tới phi trường Seoul là xong. Bay về Việt Nam chỉ thêm có 5 giờ bay dễ ợt. Chúng tôi ai cũng bận bịu không đi theo Bảo về Việt Nam được. Lo lắm mà bó tay và bị thuyết phục bởi lòng tự tin của Bảo.

Lần vào thuốc thứ hai Bảo từ chối không chịu truyền vì thuốc hành quá và kết quả vừa thử máu cho thấy các chỉ số về ung thư tăng  rất cao. 

Trông Bảo tươi tỉnh hẳn ra chắc vì thuốc hết tác dụng và nỗi vui sắp gặp lại Bình. Bảo ăn và ngủ trở lại như bình thường. Hì hục đóng 2 thùng hành lý rất to mỗi thùng nặng đến 22 kg. Vì Bình thích ăn cá smelt nên một thùng toàn là cá smelt đông lạnh ông xã tôi mới đi vớt ở Ngũ Đại hồ về, tha hồ chiên và kho ăn quanh năm.

Tôi rất sợ cảnh chia tay nên hôm Bảo đi tôi vẫn đi làm. Nhưng sáng đó trước khi rời khỏi nhà tôi vào phòng Bảo chào từ giã. Thấy thằng em ốm nhom ốm nhách nằm đó mà thương quá! Có thể đây là lần cuối gặp em mình. Bảo về Việt Nam kỳ này không biết sống thêm bao lâu. Được làm chị em cùng trong bụng mẹ sinh ra phải là có duyên với nhau lắm. Ở chung nhau dưới một mái nhà từ nhỏ đến lớn biết bao là kỷ niệm cho đến khi trưởng thành thì như chim rời tổ mỗi người một cuộc sống, và mỗi người một phương trời cách biệt. Tính ra Bảo và tôi sống gần nhau chỉ có 20 năm, sau đó ít có cơ hội gặp nhau. Chỉ có năm ngoái Bảo qua Mỹ chơi 3 tháng và 4 tháng gần đây nhất Bảo qua ở chữa bệnh mới có cơ hội lại sống chung một mái nhà thôi. Nhưng tôi bận rộn chuyện đi làm và gia đình nên cũng không chăm sóc và nói chuyện với em mình nhiều. Bảo phần lớn nói chuyện với Bình qua Phone thôi.

Ông xã tôi rất tốt, đối xử với Bảo thân tình như em ruột, chịu khó chở Bảo đi bệnh viện, đi lên sở xã hội. Và một người cháu tên Cường kêu Bảo là Bác đón Bảo về những khi ông xã tôi bận đi làm. Cường là quân nhân bị giải ngũ vì nhiễm phóng xạ hư thận phải đi lọc máu mỗi tuần 3 lần, chúng tôi thường trêu là người bệnh chở người ốm. Còn một người chị dâu họ biết Bảo ăn kiêng thịt thà nên thường tiếp tế đồ chay...Ai cũng thương và lo cho Bảo.

Theo lộ trình thì máy bay Bảo sẽ rời Minnesota chiều 22 tháng năm và sau 13 tiếng bay sẽ đến phi trường Seoul lúc 3 giờ sáng Minnesota. Chờ hoài cũng không thấy Bảo nhắn tin cho đến cỡ 8:30 sáng tôi thấy Bảo gọi qua Viber, giọng nói yếu ớt không còn sinh khí:

- Em bị đau ở Seoul họ đưa vô bệnh viện cấp cứu và không cho lên máy bay về Việt Nam.

Tôi hoảng hốt hỏi ngay: 

- Cho chị tên nhà thương và số điện thoại.

- Em đau lưng quá. Chị Thanh chờ một chút.

Tôi nghe Bảo hỏi người ta và có người đánh tên bệnh viện vào cho tôi. Bảo tiếp tục rên:

- Em đau lưng quá. Mệt quá. 

- Chị không thể bay qua Korea ngay được. Chị sẽ gọi Bé ngay.

Bé là em gái kế của Bảo đang về Việt Nam chơi. May quá Bé bắt Phone và khi nghe tôi nói tình hình của Bảo em quyết định ngay:

- Bé sẽ mua vé bay qua Korea ngay. Chị Thanh cho Bé tên bệnh viện của anh Bảo đi.


Bé gọi ngay công ty bán vé du lịch mà Bé thường mua. Họ nói: 

- Còn 5 phút nữa là 9:00 pm công ty của em ngưng bán vé. May quá có 1 vé bay đi Seoul lúc 11 giờ từ phi trường Cam Ranh. Chị chạy ra đó ngay cho kịp giờ boarding. Giá vé 1 triệu 9, chưa tới 100 đô.

Bé vội vã thu xếp hành lý kêu taxi chạy ra phi trường Cam Ranh ngay. Tới nơi đáng lý trễ giờ lên máy bay nhưng lại thêm một chuyện may là một nhóm khách người Korea biểu tình đòi hãng máy bay phải xin lỗi nên chuyến bay này dời lại 2 tiếng. 

Trong khi chờ đợi Bé gọi Viber qua cho Bảo, Bình và tôi biết ngay để Bảo và chúng tôi yên tâm. Tôi hỏi:

- Bình có đi không?

- Bình không có passport Mỹ như Bé nên chưa đi được. Sáng mai Bình sẽ gọi công ty du lịch nhờ làm thủ tục đi sau. 

- Bé đi một mình lo cho Bảo được không?

- Được chứ. Chờ anh Bảo hơi khỏe Bé sẽ mua vé đưa anh Bảo về Việt Nam. Mua 3 ghế liên tiếp để ảnh nằm cho khỏe. 

Nhớ đem theo tiền trả tiền bệnh viện. Chị có gởi anh Bảo mấy ngàn đưa về trả nợ  Bé lấy tiền đó lo liệu thêm. Anh Bảo có đem về 2 thùng hàng trong đó có 1 thùng cá đông lạnh. Bé gặp anh Bảo nhớ chụp hình barcode ký gởi thùng hàng để chị nhờ người quen ở phi trường Cam Ranh lấy ra cho Bình.

(Sau này mới biết họ đã lấy hai thùng hàng của Bảo gởi lại phi trường Seoul cho Bảo chứ không chuyển về Cam Ranh mới rắc rối chứ)

Bé lanh lợi tháo vát nhưng chỉ 1 mình nơi xứ người tôi rất lo. Không biết tiếng Hàn, không quen biết ai. Tôi dặn Bé có gì tìm cộng đồng người Việt ở đó nhờ họ giúp đỡ.

Bé đến phi trường Seoul kêu tắc xi đi tìm bệnh viện Inha University mà Bảo cho trong Phone. Taxi chở chạy lòng vòng hơn 1 giờ đồng hồ mới tìm ra. Bệnh viện này chỉ cho thân nhân thăm người bệnh 20 phút hai lần mỗi ngày thôi. Bác sĩ và y tá ở đây gặp được Bé mừng rỡ như gặp được bà tiên vì họ cứu chữa cho một khách du lịch không thân nhân lỡ có chuyện gì biết đâu mà liên lạc. 

Bé cầm tay Bảo mà rớt nước mắt. Bảo nằm trên giường bệnh mặt mày hốc hác xanh rớt, cả người nối dây nhợ lòng thòng. Giọng Bảo vẫn yếu nhưng có vẻ đỡ hơn trước cho biết đã hết đau nhưng mệt lắm. Đang được chuyền đến bịch máu thứ 4. 

Bác sĩ kêu riêng Bé nói:

- Bà có biết là anh bà đang bị bệnh ung thư rất nặng không?

- Tôi nghe nói anh tôi đang bị ung thư chỉ còn sống thêm năm tháng nữa. Bây giờ đã được hai tháng rồi.

- Ông ấy chỉ còn sống thêm năm bảy ngày nữa thôi. 

Bé thảng thốt:

- Vậy sao? Bác sĩ giúp chúng tôi làm sao cho anh ấy khỏe được vài ngày để tôi có thể cùng anh ấy về Việt Nam để chết ở quê hương không? Anh rất muốn gặp vợ mình.          

- Chúng tôi sẽ cố gắng. Tí nữa bệnh viện sẽ đưa cho bà tư trang của Bảo đem theo khi người ta đưa anh ấy vào bệnh viện.

Vị bác sĩ này rất nhân hậu. Ông ta nói với Bé xong còn đến xoa bàn tay Bảo và dịu dàng nói:

- Bảo ơi! Chúng tôi sẽ cố hết sức giúp đỡ anh. Đừng lo.

Bảo không phải cùng dân tộc mà họ đối xử rất thân ái và tận tâm. Còn bác sĩ ở Việt Nam mình thì đa số cứ như ngồi chót vót trên ngôi cao coi bệnh nhân nghèo thấp hèn và chỉ có đồng tiền mới làm họ mỉm cười niềm nở đối xử.

Nhân viên bệnh viện đưa cho Bé một bịch ziploc trong đó có cái ví của Bảo. Về nhà Bé đếm được đúng y số tiền tôi đưa Bảo không mất đồng nào. Người Hàn đàng hoàng thật chứ gặp chuyện ở Việt Nam chắc không được trả lại đâu.

Tôi hỏi Bé:

- Anh Bảo có nói gặp nạn ở trên máy bay hay ở đâu không? 

- Ảnh xuống phi trường ngồi một lúc thì chóng mặt, ói mửa và xỉu luôn. Tỉnh dậy thấy nằm trong nhà thương.

- Lúc Bé gặp anh Bảo ảnh còn bị đau lưng không?

- Hết đau nhưng than quá mệt. Ảnh còn lo cho hai thùng hàng sợ hư mất thùng cá nữa đó, dặn Bé nhớ tìm.

Bé gặp Bảo và nói chuyện được một lúc thì hết giờ thăm bệnh về khách sạn gần đó. Đến chiều hôm đó tính ra mới rời khỏi Minnesota chưa tới 2 ngày thì Bảo đột ngột yếu đi, bệnh viện kêu Bé vào gặp Bảo gấp. Bảo vẫn còn tỉnh táo nhưng bụng thì chướng to lên như cái trống. Chân sưng và lạnh. Mắt cũng bị sưng húp. Bé hỏi:

- Ủa sao bụng anh Bảo to dữ vậy? Anh Bảo có bị đau không?

- Không biết tại sao nữa. Không thấy đau.

Khi bác sĩ đến nói tình trạng nguy kịch của Bảo và hỏi Bảo có muốn làm những biện pháp cấp cứu như hút bớt dịch và kích tim không thì Bảo lắc đầu, vừa cười vừa ký vào giấy. Bảo dần dần chìm vào hôn mê và ra đi rất thanh thản, êm ái. Không đau đớn như những người mất vì bịnh ung thư. Nghe nói khi bệnh nhân bị xuất huyết rất đau đớn la rống đến người nhà còn không chịu nổi.

Bình được Bé cho nhìn qua video và chia tay với Bảo lúc Bảo hấp hối và khóc như mưa như gió. Tội nghiệp hai người hết sức. Bảo vì nhớ thương Bình mà ráng vượt nửa vòng trái đất trở về không ngờ phải chết dọc đường dọc xá, cũng may còn được người thân là Bé bên cạnh chứ không chết tứ cố vô thân nơi xứ người xa lạ thì quá tội. Nghĩ lại như có sự can thiệp của đấng vô hình để Bé có thể đi ngay chuyến bay đêm đó đến gặp được anh mình đưa tiễn chặng đường cuối cùng!

Mọi chuyện sau đó diễn biến rất suông sẻ nhờ lòng tốt rất nhiều người. Tiền viện phí tất cả là 4,700 đô la nhưng ...nhờ Bé khóc và kể lễ thảm quá bệnh viện đã giảm cho 1 ngàn đô.  

Cô cháu của chúng tôi là Thảo rất lanh lợi gọi Sứ quán Mỹ để báo cho biết công dân của họ lâm nạn và qua đời ở nước ngoài. Mặc dù chúng tôi rất lo là nhằm hai ngày cuối tuần cộng với ngày lễ Memorial chắc không ai làm việc nhưng không ngờ họ vẫn có người trực để lo cho những trường hợp khẩn cấp. Nhân viên sứ quán đã rất nhiệt tình liên lạc với Thảo bên Mỹ, với Bé, với bệnh viện và nhà quàn bên Korea suốt 6 tiếng đồng hồ để giúp đỡ. Cuối cùng bà ấy nhờ đến giám đốc nhà quàn là Kim tới giúp đỡ lo cho Bé đủ thứ chuyện trong thời gian Bé ở đây. Quan trọng nữa là kiếm ra hai thùng hàng của Bảo và gởi thùng đựng cá vào phòng đông lạnh của phi trường cho khỏi hư.

Bảo được đưa đi thiêu và chỉ hai tiếng đồng hồ sau chỉ còn là một chút tro sẽ được Bé đưa về quê hương gặp vợ. Tưởng đến cảnh Bình tiễn người yêu bằng xương bằng thịt mà giờ đón về là hủ tro sao đau lòng quá!

Tôi nhớ hôm trước có hỏi Bảo muốn làm hậu sự như thế nào thì Bảo nói tỉnh bơ:

Thiêu xong rồi quăng em như con gà con vịt. Khỏi cần làm tang cho mắc công!

Chị cũng vậy! Nếu chết cũng thiêu rồi quăng tro bón cây. Không làm đám tang chỉ cần thông báo cho bạn bè bà con trên Facebook thôi!

Nhưng cũng tuỳ Bình muốn thờ cúng hoặc thả tro xuống biển thế nào cũng được! Chúng tôi thương và xem Bình như Bảo, sẽ thay Bảo lo cho Bình và tôn trọng ý kiến em ấy. 


Có ai ngờ được một người chết đi và một người sẽ sống lại đâu. Vậy mới kỳ lạ! 

Bảo vừa mới mất được nửa ngày thì Bé và tôi gọi Phone nói chuyện với nhau. Bé nói chắc linh hồn anh Bảo đang ngồi bên cạnh Bé chứ ảnh biết đi đâu ở xứ người. Hai chị em nói về đủ thứ chuyện trong đó có nhắc đến Cường là người cháu bị hư thận thường đón Bảo ở bệnh viện về như tôi đã nói ở trên. Thương cháu Cường quá vì đang từ một quân nhân trẻ trung khoẻ mạnh đầy nhiệt huyết khi không nhiễm phóng xạ trở thành một người bịnh phải đi lọc máu mỗi tuần 3 lần đến nổi cánh tay bị phồng sưng mấy cục to hơn cả trứng gà. Có vài lần đang lúc lọc máu cháu bị sốc gần chết nữa, nguy hiểm lắm. Cường không còn tương lai nếu không được thay thận sớm. Chờ đến nay đã hơn 4 năm rồi sao vẫn chưa thấy gì.

Mới vài tiếng sau thì có Phone gọi Thảo giữa đêm. Bình thường thấy số phone lạ nghĩ là quãng cáo ít ai bắt nhưng như có gì thôi thúc Thảo cầm Phone trả lời. Đầu dây bên kia cho biết anh ruột của Thảo là Cường đang có một quả thận thích hợp để thay ngay. Họ đã gọi cho Cường và cho mẹ của Cường nhưng không ai bắt máy. May quá nếu Thảo cũng không bắt Phone chắc Cường sẽ mất đi cơ hội này và không biết đến khi nào mới có lại cơ hội. Chắc linh hồn bác Bảo đã giúp trả công cho cháu!

Qua hôm sau Cường được máy bay riêng chở qua tiểu bang khác để ghép thận. Thảo cũng được đài thọ tiền vé máy bay và chỗ ở để theo săn sóc anh. Bác sĩ cho biết quả thận của một người rất trẻ khỏe và rất thích hợp với Cường, vừa ghép vào đã có màu hồng ngay. Cường không bị bịnh tiểu đường hy vọng quả thận mới sẽ sử dụng được rất lâu. Không biết ai đã vừa mất đi mạng sống để một phần bộ phận cơ thể của họ cứu mạng một người khác và đem lại nỗi vui mừng cho cả một gia đình. Tôi dặn Thảo hỏi bác sĩ về chủ nhân quả thận và gia đình của người ấy để cảm ơn. Nếu liên lạc được với gia đình ân nhân quá cố để họ biết được một phần của con họ còn hoạt động trên thế gian họ sẽ vui lắm! 

Ai rồi cũng sẽ từ giã cõi tạm! Trên thế gian này có rất nhiều chuyện tốt đẹp và tình người luôn gắn kết với nhau vượt qua không gian, màu da, tôn giáo. Mong rằng sự nhân bản sẽ luôn tồn tại và càng ngày càng lan toả để khắp trái đất đều là thiên đàng hạ giới!

Thanh Mai

Không có nhận xét nào: