Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

BA TÔI - Vũ Thị Minh Phượng

Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mỗi năm chỉ cách có vài hôm với ngày "vinh danh" Đấng Từ Phụ bên Mỹ. Cá nhân tôi, một QGNT, khi hồi tưởng trong nhớ thuơng, nuối tiếc những kỷ niệm về Ba mình, không thể không nghe trào dâng những ngậm ngùi nhớ đến những hy sinh mà Cha (và Mẹ) chúng tôi đã trang trải trên quê huơng trong những ngày khốn khó. Hơn hai mươi năm cuộc chiến tranh chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản từ phương bắc đã tạo nên bao nhiêu là mồ chôn tập thể, nước mắt thành sông, chảy hoài trong hoài niệm của những người trong cuộc ... Bao nhiêu người đã mang án QGNT khi cha đền nợ nước từ lúc còn rất nhỏ, có khi chưa lọt lòng Mẹ. Tôi là một trong những người may mắn hơn, đã có những kỷ niệm thật tuyệt vời với Ba tôi, dù chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi!!!<!>


Khi Ba chết, năm 1964, tôi chỉ mới vừa qua sinh nhật 5 tuổi, còn đang học mẫu giáo trường Hòa Bình, SG. Ngày người ta mang xác Ba về, anh chị em tôi đang cùng nhau "tập tuồng" ca hát trên lầu. Bác Chí trong CXHQ ( Nguyễn Hữu Chí, khóa 3) là nguòi đã đến và báo tin cho Má tôi. Tôi nhớ lúc ấy Má tôi đang bệnh, rất yếu và khi nghe tin, đã ngất xỉu, không ai lay dậy nổi. Chị em tôi thì ngơ ngác, ngạc nhiên vì tự dưng thấy Bà Dì tôi (dì của Ba tôi, em Bà Nội, đang đến thăm và ở chơi vài ngày để phụ chăm sóc Má tôi) khóc bù lu và bảo mấy chị em im hết, dẹp hết chuyện đàn ca hát xướng đi, rồi Bà ngồi thụp lên giường, khóc lên thật to, điều tôi chưa bao giờ thấy ở một người lớn nào trước đó.

Sau đó thì nhà lúc nào cũng đầy người, bao nhiêu người tôi không còn nhớ rõ nữa ... và không khí thật lạ lùng, chỉ nghe tiếng người nói thì thầm, nghiêm trang, và tiếng khóc nỉ non ai oán ... Tôi nhớ là đã không vui và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ba nằm im lìm như ngủ trong bộ quân phục màu xanh, nhưng người Ba tím bầm - lạnh cóng. Tôi đã chạy đến, lay Ba tôi dậy và kêu:" Ba ơi, dậy chơi với tụi con, dậy bồng Má đi, Má xỉu rồi kìa!" Rồi khi thấy Ba tôi không nói gì, tôi đã dơ cả hai tay ôm mặt Ba, lúc ấy tôi mới thấy mặt Ba lạnh thật lạnh, và có dấu bầm tím trên trán. Tôi chưa kịp hỏi gì thêm nữa thì có ai đó đã xồng xộc lôi tôi ra khỏi Ba, la lối om sòm và nói rằng tôi không được tới gần Ba nữa. Tôi tủi thân hết sức và đã khóc, không phải vì bị kéo mạnh đau tay, mà vì lần đầu tiên, tôi thấy Ba không còn ngồi dậy để ôn tồn phân xử và ôm tôi vào lòng để vỗ về tôi như xưa. Tôi đã cảm nhận được nỗi hụt hẫng, mất mát lớn lao trong đời khi thấy Ba tôi nằm im, không cựa quậy, không trả lời vui vẻ với tôi, như bao lần trước đó....Tôi cũng nhớ là không vui chút nào khi thấy bác Đoàn Ngọc Bích và bác Lương Thanh Tùng (bạn thân của Ba tôi) cứ bồng Má tôi lên phòng trên vì má tôi cứ xỉu lên xỉu xuống. Tôi chỉ nghĩ giản dị là chuyện bồng Má tôi chỉ có Ba tôi mới được cái hân hạnh đó! 

Ba, trong trí nhớ của tôi được lồng trong tiếng cười thật dòn, và nụ cười rạng rỡ. Ba tôi hay đi "công tác" nhiều hơn các bạn đồng khóa, vì Má tôi kể ba tôi hình như thích đời giang hồ, phiêu lưu trời biển, và cũng không biết sợ gian truân, nguy hiểm là gì. Không những không sợ, Ba tôi lại còn hay cười thật tươi và nói rằng Ba tôi có Phật độ, đi đâu cũng không sợ chết hết! Má tôi kể Ba hay căn dặn là nếu có qua chơi và nói chuyện vui với bà tư lệnh Hồ Tấn Quyền, (Bác Quyền khóa 1, Ba tôi khóa 2) thì cứ tha hồ nói, nhưng không được xin xỏ cho Ba tôi ở hậu cứ vì có quen biết, qua lại. Những lần Ba tôi về, nhà rộn vang tiếng cười. Những ngày có Ba là những ngày chúng tôi được đi Cấp, đi xi nê thả dàn vì Ba tôi rất hào hứng, thích thú trong việc dạy con học hay chở con đi chơi. Khi ở hậu cứ, vừa về đến nhà, nhiều khi chiều tối, người cũng hân hoan rủ rê cả nhà đi chơi chung, khi thì cuốc bộ ra bến Bạch Đằng để ăn mía ghim, đậu phọng luộc, khi thì ngừời dồn cả nhà gồm năm anh chị em tôi, Má tôi và chị người làm trong chiếc xe traction để chạy tuốt về Bình Đông thăm bà con, hay ra Vũng Tàu để hóng mát từ chiều đến tối mịt mới về ... Anh chị em tôi luôn luôn hồ hởi hưởng ứng, vỗ tay và nhảy tưng tưng mỗi khi Ba tôi hỏi đứa nào muốn đi chơi! Và trên đường trở về nhà, có khi trời mưa vần vũ, sấm sét, tôi nhắm mắt, bịt tai, sợ đến ngây người, nhưng khi nhìn lên thấy Ba tôi vẫn điềm tĩnh cầm vô lăng lái xe, tôi lại thấy được bảo bọc, được chở che, và thuờng ngủ thiếp đi trong cảm giác thật bình an, hạnh phúc... 

Từ nhỏ tôi đã nghe về huyền thoại "đôi mắt và nụ cười" của Ba tôi đã làm "chết" bao nhiêu cô, nhất là vì Ba tôi có máu khôi hài, rất có duyên khi nói chuyện với mọi người! Mỗi người nhớ và kể về ba tôi một kiểu, nào là Ba tôi rất thuơng người, hằng tháng ba tôi dành ra tiền và thì giờ để mua từng bao gạo ngon, và nước mắm ngon rồi tự chở đến tận nhà những người bà con khốn khó để biếu tặng với sự trân trọng, thăm hỏi ân cần chứ không sai lính đi biếu như thuờng thấy thời đó ... Những người thuộc hạ thì kể là Ba tôi luôn rộng rãi chia sẻ mỗi khi họ thiếu thốn, trong bất cứ trường hợp nào. Sau khi ba tôi chết, độ vài tháng thì có một chú lính đến nhà, vái bàn thờ mà khóc như mưa sau khi đặt lên bàn thờ số tiền chú được Ba tôi cho mượn từ lâu ... Khi lớn hơn một chút, chị em tôi tò mò tìm đọc những lá thư "tình" của Ba Má tôi gửi cho nhau trong những khi Ba tôi đi công tác xa... Má tôi thì viết thư rất mộc mạc, đơn giản, kể chuyện đứa này mọc răng, đứa kia mới biết lật, biết bò, và về những người thân của cả đại gia đình, ai bệnh , ai cần giúp đỡ v.v.., nhưng luôn hàm rõ sự mến thuơng, kính trọng những câu như "phải có anh thì đỡ biết mấy, con nó nhớ anh lắm v.v...". Thơ Ba tôi thì thật nồng nàn, tha thiết, với nét chữ lả lướt, đẹp như lấy từ những quyển sách cũ tôi được xem hồi nhỏ. Người bày tỏ sự nhớ thuơng vợ con từng ngày, thăm hỏi sự học hành tiến bộ của anh chị tôi lúc mới vào tiểu học, những sinh hoạt bình thuờng như chúng tôi có biết ăn một mình chưa, có đi được chưa, biết đếm số, làm tính nhân chưa... nhưng cũng không thiếu những câu chuyện về những người cộng sự, những chú lính Ba tôi thuơng mến, gọi là "mấy đứa nó!". Ba tôi cũng thường tả chân nhiều chi tiết về cảnh vật, và những người Ba gặp trong những chuyến đi đó....Chúng tôi đã say sưa đọc thư Ba Má viết cho nhau và hình dung ra sự thuơng yêu, ân cần, ưu ái của Ba tôi đến từng đứa con trong nhà và những nhận định và bàn bạc với Má tôi về tính khí từng đứa một, mà đến giờ, tôi mới thấy người đã hiểu rõ từng đứa, dù không ở với chúng tôi hằng ngày như Má tôi ngày ấy ... 

Có một lần, chị tôi hình như đang học lớp nhất (lớp 5 bây giờ), và tôi học lớp tư, (lớp 2 bây giờ), trong lúc tò mò lục thư và hình cũ (cả ngàn lá thư), chúng tôi thấy một lá thư đã mở, nhưng còn trong phong bì màu hồng, bên ngoài ghi: "Đại úy của lòng em!". Chị tôi là người phán: "chắc là "bồ" Ba rồi!", thế là tụi tôi nín thở, chụm đầu vào, nao nức xem cho bằng được! Sự tò mò hồi hộp càng tăng thêm vì nỗi thắc mắc là tại sao Má tôi lại cất kỹ lá thư, lẫn chung với những thư riêng của hai người như vậy. Tôi không nhớ rõ hết từng chi tiết của lá thư, nhưng nhớ rất rõ câu mở đầu như sau: " Đại úy của lòng em , Đến lúc này em hy vọng Đại úy đã có đủ địa để lo cho gia đình và không cần em phải trả lại số tiền em mượn hôm trước!" Câu này mấy chục năm rồi tôi còn nhớ rất rõ..." Toàn thư thì đại khái là chú lính đó mượn tiền Ba tôi và xin khất lại vì chưa có đủ tiền trả! Tôi nhớ lúc đọc đến đó, chị em tôi lăn ra cười như nắc nẻ vì thấy rõ là mình đã nghi oan cho Ba tôi và vì cách viết bông đùa, bỡn cợt thật vui của chú lính ấy. 

Ba tôi hay giúp đỡ, vui chơi với lính, không phân biệt giai cấp. Nhưng không phải người dễ dãi với mọi thứ! Ba tôi nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ba nhất định không chịu luồn cúi kẻ trên hay nhận bất cứ món quà cáp nào từ những người làm dưới quyền. Má tôi nói Ba tôi ghét nhất chuyện tham nhũng, hối lộ, lấy công làm tư...và kể là Ba tôi dặn, hết sức nghiêm nghị, quyết liệt rằng khi Ba tôi không có ở nhà, Má tôi không được nhận bất cứ quà của ai cho Ba tôi, dù họ có năn nỉ đến đâu cũng vậy. 

Ba tôi như thế đó, hào sảng, rộng rãi, phóng khoáng, thanh liêm và thật nhân từ. Người rất kỵ chuyện sát sinh. Má tôi kể có lần Ba tôi chăm chú sửa xe, Má tôi ngồi kế bên để làm "thợ vịn" (Ba Má tôi thân và thuơng nhau đến độ hễ Ba tôi làm gì, Má tôi cũng đứng kế bên để đưa những đồ nghề, hay đưa cho Ba tôi ly nước, lau mồ hôi, v.v...). Thấy có đàn kiến lửa bò từ tường lên trên mình Ba tôi, Má tôi hoảng hốt và vì sợ kiến cắn Ba tôi, Má tôi lấy tay phủi, gạt và làm chết một số mấy con kiến đó. Ba tôi hỏi Má tôi: "Em làm gì vậy?" Má tôi bảo "Kiến sắp cắn anh! Chắc cắn anh rồi! " Ba tôi dịu dàng, từ tốn nói: "Nếu kiến cắn anh thì có sao? Anh đâu có chết đâu sao em lại giết bao nhiêu mạng kiến?" Từ đó trở đi Má tôi đã giữ kỹ lời tự nguyện không giết bất cứ một con vật nào, dù bé tí teo như con kiến...




Đối với chúng tôi thì Ba tôi là biểu tượng của sự nhiệt thành, trẻ trung, hiếu học, tìm tòi, khai phá! Bất cứ môn học gì Ba tôi cũng muốn thử qua một lần cho biết! Tôi nhớ Ba tôi hay dạy tụi tôi học bài, làm toán và vẽ hình đủ loại. Người cũng thuờng đánh đàn guitar, và luôn hát hò, huýt sáo những bản quân hành thật hùng hồn. Tôi mê và nhớ rõ điệu nhạc của bài xuất quân từ đó! Người dạy tôi vẽ vịt bằng một nét, không nhấc bút lên một lần nào. Tôi vẽ được Ba khen, khoái chí, vẽ khắp nhà, khắp nơi, cả ngàn con vịt! Sau này nhìn lại những dấu tích "hội họa" thưở ấu thơ, tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt tươi cười, ánh mắt hiền hòa, ngời sáng thuơng yêu của Ba tôi khi thấy tôi vẽ vịt, vẽ công chúa, hoàng tử có vương miện đủ màu! Sau khi đi tu nghiệp bên Mỹ về, cuối năm 1963, Ba tôi có "tậu" một đôi "ba te"(roller blades). Người tập đi trong nhà và tụi tôi lúc nhúc chạy theo, lấy đũa chặn dưới đất cho Ba tôi vấp té, bò lăn bò càn, để tụi tôi lại có dịp nằm lăn bên Ba và cười thét lên khi Ba tôi chọc léc từng đứa...đó là những khoảnh khắc vui vầy, ấm êm, hạnh phúc nhất với Ba tôi, mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ như mới xảy ra hôm qua...

Khi Ba tôi được ở hậu cứ thì gia đình tôi là "thiên đàng hạnh phúc" vì mỗi sáng Ba phụ Má tôi tự nướng bánh mì, trét bơ cho tụi tôi ăn trước khi đi làm. Má tôi hay làm đồ ăn thật ngon cho Ba tôi ăn, nhưng Ba tôi không chịu ăn một mình những món Má tôi làm riêng cho Ba tôi (Má tôi nói là để cho Ba "lấy lại sức" sau những ngày công tác khổ cực) mà luôn đút hết đứa này đến đứa khác những món ngon, vật lạ. Tôi nhớ có lần Má tôi nhăn mặt và nói Ba làm tụi tôi hư, nhưng Ba tôi chỉ cười thật hiền và nói Má tôi được gần tụi tôi mỗi ngày, còn Ba tôi lâu lâu mới được, nên Ba tôi muốn được huởng niềm vui cho con ăn! Giờ ăn có Ba trong gia đình tôi là vui như Tết vì Ba tôi đùa giỡn, chọc ghẹo từng đứa, cùng là dầm và trộn trứng với cơm, hay thổi cho nguội bớt những muỗng canh nóng cho tụi tôi ăn không bị phỏng lưỡi...Rồi Ba tôi hôn từng đứa trước khi đi làm, dặn tụi tôi phải giỏi và nghe lời Má! Chiều đón Ba về, cha con chúng tôi ồn ào như vỡ chợ vì đứa nào cũng muốn "dựa hơi" Ba tôi nên cả đám tụi tôi chạy ra đón Ba, tranh nhau đòi Ba hôn, Ba bồng. Thuờng thì Ba tôi trao chiếc nón cho anh tôi đội, xong Ba "biểu dương sức mạnh" bằng cách cõng trên lưng thằng em trai thua tôi một tuổi, và đằng trước thì bồng đứa em út gái. Chị tôi và tôi đeo chặt hai chân Ba tôi. Anh Chánh chỉ được đội nón Ba và lẽo đẽo đi theo vì anh lớn nhất và vì ...hết chỗ để đeo! Sau đó thì Ba tôi bước lên lầu để "trình diện" Má tôi, mà bước từng 2 bậc thang một lúc, trong khi mang trên mình 4 đứa con! Thủ tục chào đón Ba về của gia đình tôi kiểu "khỉ đeo cây" có lẽ có một không hai! Tối trước khi đi ngủ, Ba tôi lại cũng vui vẻ cùng Má tôi đánh răng, rửa tay chân tụi tôi cho sạch rồi bồng từng đứa vô giường Ba Má để nghe Ba tôi kể chuyện "đời xưa"! Vui đùa với chúng tôi xong Ba Má tôi cẩn thận ém mùng cho từng cái nôi, cái giường nhỏ của mỗi đứa và âu yếm hôn chúng tôi trước khi chúng tôi ngủ...Cũng vì vậy mà khi Ba tôi mất, bao nhiêu người cứ chắc lưỡi, lắc đầu tiếc và thuơng cho Má và tụi tôi đã mất đi nguồn hạnh phúc hiếm có trên đời...



Tôi cũng mê nghe Má tôi và những người thân trong họ kể về thời "kháng chiến chống Pháp" của ba tôi, vào thập niên 40, trước khi Ba tôi đi Hàng Hải và cuối cùng là vào HQ để phục vụ cho Tổ Quốc đến ngày đền nợ nước. Tuy được nhiều ưu đãi vì là một học sinh xuất sắc trong trường thời niên thiếu, Ba tôi đã phẫn uất vô cùng khi thấy sự ngựơc đãi của người dân đen trong xã hội VN thời Pháp thuộc, và vì thế đã từng đi theo "tiếng gọi non sông" và gia nhập hàng ngũ Việt Minh ngày đó, hăng say với lý tưởng đấu tranh cho tự do cho dân tộc, như nhà văn Nhất Linh trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn lúc ấy...Nhưng nhiều việc kinh khủng đã xảy ra khiến Ba tôi nhận ra được bộ mặt phản dân tộc, tàn ác của những người từng gọi Ba tôi là "đồng chí" và Ba tôi đã suýt chết đôi lần vì bị họ trở mặt, chỉ điểm để Ba tôi bị Tây bắt. Cuối cùng Người đã phải xuống tóc, đi tu ba năm để lánh nạn và xóa đi những giây mơ rễ má với đám người phản dân, hại nước đó ...

Chuyện Ba tôi đi tu cũng có một số tình tiết khá ly kỳ như sau : Lúc Ba tôi còn nhỏ, khoảng chừng 14-15 tuổi, bà Nội tôi bệnh nặng, gần chết, Ba tôi hết lòng tận tụy săn sóc cho Bà tôi nhưng thấy tình trạng Bà tôi ngày càng thêm nặng, người đã cầu và hứa với Phật là nếu Bà tôi qua được cơn bệnh ngặt nghèo này, Ba tôi sẽ đi tu 3 năm! Sau khi Bà tôi hết bệnh, Ba tôi hí hửng kể Bà tôi nghe chuyện "giao hẹn" với Phật. Bà tôi giật mình bảo Ba tôi không thể khấn ẩu như vậy được và bằng mọi cách phải giữ lời nguyện khi có dịp sau này, nhưng không được đi tu liền vì Bà tôi cần có cháu nối dõi tông đường (Ba tôi là con trai độc nhất lúc bấy giờ)! Ba tôi vâng dạ và sau này khi bị "Tây bố", truy nã đến cùng bởi người cộng sự chỉ điểm, Ba tôi đã nghe lời Bà và thay tên , đổi họ, xuống tóc đi tu để lánh nạn cũng như để hoàn thành lời khấn lúc còn nhỏ!

Không biết vì Ba tôi học và thấm nhuần tư tưởng Đạo Phật lúc còn nhỏ khi tự nghiên cứu hay khi ở trong chùa , hay vì người cảm nhận được sự giải phóng phụ nữ, sự bình đẳng, nhân quyền là tối yếu hay sao mà người đã vô cùng tôn trọng Má tôi, gần như tuyệt đối! Má tôi kể dù làm "lớn", và học cao hơn má tôi rất nhiều, Ba tôi luôn tôn trọng tất cả những ý kiến, nhận định của Má tôi, nhất là trong việc tiêu xài và nuôi dạy con cái ... Ba tôi tốt nghiệp ngành Hàng Hải trường Đại Học Phú Thọ, có đi tàu Hàng Hải một vài lần rồi khi Hải Quân mở khóa 2, người đã ghi danh theo học, vì nghĩ là vào quân đội mới thật sự là hiến thân cho đất nước, và vẫn có thể tiếp tục theo đuổi mộng hải hồ, lênh đênh trên sông nước, mặc dù lương bên Hàng Hải cao hơn và , đương nhiên, ít nguy hiểm hơn nhiều... Má tôi thì thất học vì nhà nghèo, không có được một ngày đến trường; Má tôi chỉ học lóm của ông thầy trong xóm lúc nhỏ, và sau khi làm vợ Ba tôi thì Ba tôi đã dạy Má tôi từ đọc, viết đến làm toán. Thế nhưng Ba tôi luôn đưa hết tiền lương cho Má tôi quản thủ và mỗi khi cần gì, người rất "lịch sự, trân trọng" hỏi xin Má tôi, và luôn cám ơn Má tôi đã một tay quán xuyến con cái, chăm sóc mọi điều lúc Ba tôi vắng nhà. Thời đó, trong khi có những cặp vợ chồng còn trẻ hơn nhưng không dám đi song đôi, Ba tôi lại cứ choàng vai, nắm tay Má tôi đi nghinh ngông ngoài phố mỗi khi có dịp. Má tôi có lo, sợ người ta cười thì Ba tôi càng cười to hơn và nói là những người cổ lổ sĩ đó mình không cần phải quan tâm đến...Má tôi kể mỗi khi Má tôi đau, Ba tôi tự tay nấu cháo, và đem lên đút cho Má tôi ăn, dù có người làm trong nhà, vì Ba tôi bảo mỗi khi Ba tôi bệnh, Má tôi săn sóc Ba tôi ra sao thì Ba tôi cũng có bổn phận phải chăm sóc Má tôi lại y như vậy , trừ khi Ba tôi không có ở nhà vì công tác xa...

"Người như Ba con sao không sống lâu để vợ nhờ, con hưởng!" là câu nói mà tôi hay nghe được từ nhỏ cho đến giờ mỗi khi gặp lại các bạn của Ba Má tôi trong cư xá hồi đó... Ngày Lễ Cha, tôi không được cầm tay Ba tôi, không được nghe và nhìn thấy Ba tôi cười, và chưa từng được làm một chiếc bánh để Ba tôi ăn (Má tôi hay nói phải còn Ba, chắc Ba vui lắm khi được ăn bánh con làm, vì Ba tôi thích nhất bánh bông lan!) nhưng dường như Ba tôi vẫn phảng phất đâu đây bên tôi, trong gió, trong mây, trong những giọt suơng trên cỏ cây xanh mướt, trong khói hương trầm man mác mỗi sáng lúc niệm Phật, tĩnh tâm ... Tôi ước gì tôi có thể nói "Ba ơi, con thuơng Ba lắm!", nhưng tôi biết, và tin là người đã siêu thoát tự lâu rồi. Chỉ là, Ba tôi mãi sống trong lòng tôi, bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Người cha tuyệt vời trong tâm tưởng, và tinh thần, anh linh người đã chở che tôi qua bao giông bão cuộc đời, cho tôi vững tin về mình, mỗi khi tôi hồi tưởng lại về những lời Ba tôi đã nói với tôi, trong tình thuơng, và sự chấp nhận, cảm thông thiêng liêng, vĩnh cửu.




6/2012
Võ thị Minh Phượng

Không có nhận xét nào: