Donald Rumsfeld từng hai lần làm bộ trưởng quốc phòng Mỹ
Việt Nam xuất hiện như thế nào trong hồi ký của các bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ?
Donald Rumsfeld
Donald Rumsfeld, nguyên bộ trưởng quốc phòng Mỹ (1975-77, và lần hai 2001-06), viết vài đoạn về Việt Nam trong hồi ký 'Known and Unknown: A Memoir' (2011).
<!>
Trích đoạn:
"Tháng 5/1966, Tiểu ban hạ viện về hoạt động nước ngoài và thông tin chính phủ của chúng tôi đi đến Việt Nam để tìm hiểu cáo buộc lãng phí và quản lý kém tiền dân đóng thuế của Tổ chức Phát triển Quốc tế (AID). Tôi xem chuyến đi cũng là dịp nói chuyện với quân đội không gặp rào cản, và lắng nghe lãnh đạo quân sự và ngoại giao ở Việt Nam trực tiếp.
...Tại Nam Việt Nam, các buổi thông tin chúng tôi nghe từ lãnh đạo quân sự, kể cả Tướng William Westmoreland, thật bi quan.
Chúng tôi chỉ nhận ít thông tin về nỗ lực xây dựng khả năng quân sự, chính trị và kinh tế của người Nam Việt Nam. Tôi nghĩ thật là dễ cho chính quyền ra lệnh quân đội Mỹ, chủ yếu từ người đi quân dịch, tới Việt Nam, nhưng khó hơn nhiều để huy động chuyên gia kinh tế hay ngoại giao có thể giúp người Việt phát triển khả năng họ cần có để tự sinh tồn.
Rõ là Chiến tranh Việt Nam là xung đột phi quy ước, mà quân đội Mỹ cũng như các nhân tố khác trong chính phủ không đủ tổ chức, đào tạo, nhận tiền, cũng chả đủ nhân viên để lo. Kẻ thù mà Mỹ đối đầu không cần phải thắng một trận với quân chúng tôi để sống sót, và họ chả bao giờ làm thế cả. Thực ra có lợi cho họ khi chả phải chiến đấu kiểu chúng tôi.
Họ sẽ phục kích quân Mỹ hôm thứ Hai, rồi quay đi làm đồng hôm thứ Ba. Họ lựa chọn giao chiến với quân lính khi phù hợp, nhưng thông thường thì tránh đối đầu trực diện, vì họ biết mình sẽ thua. Chiến lược của họ chỉ là cầm cự, khiến chiến tranh tổn phí đủ cho người Mỹ và các đồng minh rốt cuộc bỏ đi.
Ngoài ra, có vẻ chả mấy thành công trong khía cạnh ý thức hệ của xung đột. Việt Công chiến đấu vì một điều gì đó. HCM hứa hẹn người ủng hộ về tiến bộ kinh tế, còn Mỹ bị mô tả là chỉ hứa bom và đổ máu.
Dĩ nhiên nhân dân Việt Nam hẳn sẽ khá hơn nhiều khi không có chính thể Cộng sản đàn áp, có hệ thống kinh tế và chính trị tự do hơn. Nhưng chúng tôi và những người Việt chúng tôi ủng hộ chả phát triển được khả năng nói ra sự thật đó thuyết phục.
Y tá Mỹ chăm sóc thương binh trước khi phi cơ rời Tân Sơn Nhất những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ tháng 4/1975
Chúng tôi chiến đấu với những kẻ cách mạng ý thức hệ quyết tâm, không đầu hàng ý thức hệ Marxist, và tại bàn đàm phán thì không từ bỏ hy vọng cho một Việt Nam duy nhất, thống nhất dưới HCM.
Khi tăng quân Mỹ ở nước này, chúng tôi cũng tăng thêm số mục tiêu bị đánh, dẫn tới thêm thương vong, giảm thêm ủng hộ cho chiến tranh ở nhà.
Cách làm của Mỹ có vẻ rơi vào tay kẻ thù - tăng đánh bom, tăng quân Mỹ, mà không sao giúp cho các đồng minh Nam Việt Nam nhận thêm gánh nặng đánh nhau.
…Trong thời Nixon, tôi ủng hộ chính sách Việt Nam hóa, nhấn mạnh giúp người Việt tự lo việc của mình.
Ngay trong những ngày chót của chiến tranh, ít nhất vẫn còn khả năng là chúng tôi có thể kéo lại được chút ít từ nỗ lực này, giá như Quốc hội thông qua nguồn lực để hỗ trợ chính quyền Nam Việt Nam - đặc biệt là chi tiền cho lính của họ - trong thời gian dài hơn. Nhưng Quốc hội không sẵn lòng đi ngược lại tình cảm phản chiến trong đất nước."
Robert Gates
Phục vụ từ 2006 tới 2011, ông Robert Gates là bộ trưởng quốc phòng duy nhất trong lịch sử Mỹ được tân tổng thống (Barack Obama) yêu cầu tiếp tục ở lại sau khi đã phục vụ người tiền nhiệm (George W. Bush).
Ông Gates cũng là giám đốc CIA từ 1991 đến 1993. Ông ra mắt hồi ký 'From the Shadows: The Ultimate Insider's Story of Five Presidents and How They Won the Cold War', vào năm 1996.
Trong cuốn này, Robert Gates kể chuyện:
Ông Robert Gates cũng là giám đốc CIA từ 1991 đến 1993
"Khi Gerald Ford, phó tổng thống được bổ nhiệm đầu tiên, trở thành tổng thống ngày 9/8/1974, ông bị yếu thế vì không qua bầu cử và vì tha tội cho Richard Nixon.
Hoàn cảnh kém may mắn này lại càng tệ đi vì một Quốc hội đang tấn công đặc quyền và uy quyền Hành pháp (gồm cả CIA).
Tệ hơn nữa, tân Quốc hội bầu ra tháng 11/1974 (gọi là 'Quốc hội Watergate') nhanh chóng chống lại không chỉ uy quyền Hành pháp mà cả uy quyền của các nghị sĩ lãnh đạo ở quốc hội.
Thật không may, phần còn lại của thế giới - và đặc biệt là Liên Xô - nhận thấy sự hỗn độn và yếu thế của chúng tôi. Nếu người ta thiện chí lắm mà xem chính sách của Liên Xô giai đoạn đó là cơ hội đến tàn nhẫn, thì nhiều năm kế tiếp đã đem lại cho họ nhiều cơ hội, và họ giành lấy chúng tàn nhẫn.
Như thể định mệnh đòi hỏi Hoa Kỳ phải nhục nhã nặng nhất ở Việt Nam trước khi được thoát khỏi bi kịch này, tai họa đầu tiên chờ đợi Ford là ở Đông Dương. Đợt tấn công cuối cùng của Bắc Việt ở Campuchia bắt đầu ngày 1/1/1975. Một tuần sau, đợt tấn công cuối cùng ở Nam Việt Nam bắt đầu.
Ngày 10/4/1975, TT Ford yêu cầu Quốc hội chi 722 triệu đôla mua đạn dược cho chính quyền Sài Gòn. Yêu cầu bị bác thẳng tay. Thủ đô Phnom Penh của Campuchia rơi vào tay Khmer Đỏ ngày hôm sau, và Sài Gòn rơi vào tay quân Hà Nội chưa đầy ba tuần sau đó, ngày 29/4.
Liên Xô đến phút cuối vẫn một giọng. Họ từ chối liên lạc với Hà Nội để xin thời gian cho việc di tản người tị nạn có trật tự. Đại sứ Liên Xô ở Mỹ, Anatoliy Dobrynin, nói họ không thể giúp vì thái độ cứng rắn ở Bắc Việt. Đáp trả đe dọa của Kissinger, có vẻ như Liên Xô cũng giúp dàn xếp một khoảng dừng ngắn trong đợt tấn công cuối cùng, nhưng chỉ để cho phép di tản vội vã người Mỹ."
Đặng Tiểu Bình
Trong phần khác của sách, Robert Gates viết về diễn tiến liên quan chiến tranh Việt - Trung tháng 2/1979.
"Theo lời mời của tổng thống Carter đầu tháng 12/1978 trong giai đoạn cuối bàn bạc bình thường hóa, Đặng Tiểu Bình thăm Washington và Nhà Trắng từ 29 tới 31/1/1979.
Ông Đặng có một chuyện mà ông yêu cầu đặt ra cho tổng thống trong chỗ riêng tư lúc 5 giờ chiều ngày 30/1.
Với sự có mặt của phó tổng thống, ngoại trưởng Vance và Brzezinski, ông Đặng nói với Carter rằng Trung cộng định "kiềm chế tham vọng của người Việt và dạy cho chúng bài học hạn chế thích hợp".
Trung cộng chỉ có thể thấy được động viên nhờ phản ứng từ ông Carter đạo đức, người mà ngày hôm sau đã gặp riêng Đặng, tóm tắt các hậu quả có thể xảy ra cho hành động của Trung cộng, và chỉ khuyến khích kiềm chế.
Ngày 2/2, 48 giờ sau, CIA báo cáo cho Nhà Trắng rằng có 14 sư đoàn Trung cộng ở biên giới Việt Nam, và một đoàn quân thứ hai đang hướng về nam để chi viện. Ngày 18, các lực lượng này đi dọc về nam qua biên giới Việt Nam.
Số quân lính ban đầu khiến CIA lo ngại Trung cộng có thể quyết định tiến thẳng tới Hà Nội, đặc biệt vì Nhà Trắng - theo đúng kiểu của Nixon và Kissinger - giấu kín với CIA về bình phẩm của Đặng với tổng thống, Mondale, Vance và Brzezinski.
Xe tăng Liên Xô chế tạo tại bảo tàng ở HN. Moscow là đồng minh quân sự chủ chốt của HN sau 1975
Dẫu vậy, vài ngày đi qua, qua hệ thống của chúng tôi, chúng tôi thấy Việt Nam đối phó tốt và Trung cộng gặp vấn đề duy trì mệnh lệnh và triển khai, thiết bị của họ lạc hậu, và quân đội của Hà Nội là binh lính dày dạn kinh nghiệm so với Trung cộng. Chúng tôi đến giờ vẫn không rõ liệu Trung cộng có ý định đi xa hơn không (mặc dù Đặng nói với Carter là hành động sẽ chỉ hạn chế về quy mô và thời gian). Dẫu sao thì rốt cuộc họ dừng trong khoảng vài chục dặm của biên giới.
…Khi nguy hiểm dâng cao, phản ứng của Liên Xô chỉ tối thiểu. Một đợt "không vận" của Liên Xô cho Việt Nam bắt đầu ngày 22/2, bốn ngày sau khi "bài học" bắt đầu. Tuy nhiên trong hai tuần đầu tiên, chỉ có 10 chuyến bay, so với tại Ethiopia, trong ba tháng đầu tiên, cứ 20 phút lại có chuyến bay của Liên Xô hạ cánh.
"Cảnh báo" chính thức của Liên Xô cho Bắc Kinh vẫn duy trì sự mơ hồ tính toán về việc Liên Xô sẽ làm gì để đáp ứng cam kết hiệp định với Việt Nam nếu Trung cộng không rút quân. Nói chung, mặc dù hỗ trợ chính trị và tuyên truyền của Liên Xô mạnh mẽ, nỗ lực thực tế của họ chỉ khiêm tốn, tập trung giúp Việt Nam bên trong biên giới.
…Vào lúc Trung cộng rút quân, Việt Nam đã học bài học. Họ nhanh chóng tăng cường quan hệ an ninh và quân sự với Liên Xô. Trong nửa cuối tháng Ba, Việt Nam lần đầu cho phép tàu chiến Liên Xô dùng căn cứ do Mỹ xây ở Vịnh Cam Ranh. Đó là địa chỉ mà rốt cuộc sẽ là căn cứ hải ngoại lâu dài duy nhất của Liên Xô, không tính khối Warsaw…"
Thăm Việt Nam
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates tại đại học quốc gia Hà Nội ngày 11/10/2010
Năm 2014, Robert Gates lại ra hồi ký 'Duty: Memoirs of a Secretary at War'.Trong đó có đoạn ông viết về lần thăm Việt Nam năm 2010.
"Khi ở Hà Nội, tôi có bài nói chuyện ở đại học quốc gia Việt Nam. Nó khác hẳn mọi thứ mà tôi từng trải nghiệm.
Bài nói chỉ là tóm tắt bình thường về diễn tiến quan hệ quân sự Mỹ - Việt trong 15 năm qua.
Nhưng phản ứng dành cho tôi thật phi thường. Khi tôi vừa bước vào giảng đường, nhạc xập xình thật to, đèn chớp lóa, và khán giả - gồm nhiều sĩ quan trẻ và cả nhiều nữ sinh viên - vỗ tay, huýt sáo. Tôi biết cách duy nhất để tôi được tiếp đón như ngôi sao nhạc rock như vậy là vì mệnh lệnh của một chế độ độc tài."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét