RFI ngày 18-05-2019
Cuộc đọ sức thương mại Mỹ - Trung đột ngột trở nên gay gắt dĩ nhiên đã được các tuần báo hết sức chú ý. Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 18/05/2019 mở hồ sơ đặc biệt về cuộc tranh chấp này với hàng tựa ở trang bìa «Trung Quốc đấu với Mỹ: Một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới - China vs America: A new kind of cold war».
Phải nói là hồ sơ đặc biệt của The Economist rất súc tích, bao gồm 9 bài phân tích và mở đầu bằng một bài xã luận trong đó tuần báo Anh cho rằng vấn đề là làm thế nào để quản lý sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc đang trỗi dậy.<!>
Tờ báo giải thích: thương mại chỉ là một phần trong các vấn đề tranh chấp giữa hai cường quốc, trải rộng từ các linh kiện bán dẫn cho đến tàu ngầm, từ các bộ phim bom tấn cho đến thám hiểm mặt trăng. Trước đây, hai siêu cường đã tìm kiếm một hình thức giao dịch cả hai bên cùng có lợi, nhưng ngày nay, tình hình đã trở thành «tôi thắng thì anh phải thua».
Nói cách khác, hoặc là Trung Quốc bị đánh quỵ và sẽ phải tuân theo trật tự của Mỹ; hoặc là Mỹ phải khiêm tốn rút lui ra khỏi khu vực phía tây Thái Bình Dương. Có thể nói đây là một kiểu chiến tranh lạnh mới, trong đó hầu như sẽ không có kẻ chiến thắng.
Trong thời gian gần đây, theo tuần báo Anh, quan hệ giữa hai siêu cường đã trở nên tồi tệ. Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đang vươn lên vị trí hàng đầu bằng cách gian lận, đánh cắp công nghệ, cũng như bằng cách phô trương sức mạnh ở Biển Đông hay bắt nạt các nền dân chủ như Canada và Thụy Điển. Trung Quốc bị cáo buộc là mối đe dọa cho hòa bình thế giới
Về phần Trung Quốc, nước này đang bị kẹt giữa giấc mơ giành lại vị trí xứng đáng ở châu Á và nỗi lo sợ rằng nước Mỹ, vì mệt mỏi và ghen tị, không thể chấp nhận đà đi xuống của chính mình, sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mỹ muốn cô lập Trung Quốc nhưng không dễ
Đối với The Economist, nguy cơ thảm họa sắp diễn ra đang hiển hiện. Dưới thời các hoàng đế Kaiser, đế quốc Phổ đã lôi thế giới vào chiến tranh; Mỹ và Liên Xô trước đây như đã đùa với thảm họa nguyên tử. Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ ngừng xung đột, thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả do việc tăng trưởng chậm lại và các vấn đề tồn tại khác do sự thiếu hợp tác giữ hai nước lớn.
Mong muốn của Mỹ là cô lập được Trung Quốc như họ đã từng làm với Liên Xô trước đây. Vấn đề là vào thời điểm đó, giao thương Hoa Kỳ - Liên Xô là 2 tỷ đô la một năm, thì ngày nay, giao thương Mỹ - Trung Quốc cũng là 2 tỷ đô la, nhưng là một ngày! Bên cạnh đó, nền kinh tế của hầu hết đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu đều lệ thuộc vào việc buôn bán với Trung Quốc.
The Economist kết luận: Cả hai bên cần cảm thấy an toàn hơn, nhưng cũng phải học cách sống chung trong một thế giới không tin tưởng lẫn nhau lắm. Không nên nghĩ rằng đạt được điều đó sẽ dễ dàng hoặc nhanh chóng.
Tâm lý nghi kỵ Trung Quốc tăng cao tại Mỹ
Như nói ở trên, hồ sơ đặc biệt của The Economist về căng thẳng Mỹ-Trung phân tích hầu như mọi khía cạnh của cuộc đọ sức, từ kinh tế, thương mại, cho đến văn hóa, xã hội, và kể cả quân sự.
Bài «Nhìn từ Washington» chẳng hạn nêu bật đồng thuận trong chính giới Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc. Những cáo buộc theo đó Trung Quốc đã có những hành vi trộm cắp và làm gián điệp nhắm vào Mỹ đã làm cho dư luận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Một ví dụ cụ thể của thái độ nghi kỵ gia tăng được ghi nhận trong bài «Xuống nông trại: Tại sao Iowa là nơi Tập Cận Bình ưa thích ở Mỹ». Ngay tại bang nổi tiếng có cảm tình dành cho ông Tập Cận Bình, thái độ đối với Trung Quốc cũng đang thay đổi.
Ở chiều ngược lại, trong bài «Nhìn từ Bắc Kinh: Đồng sàng dị mộng», tuần báo Anh cho thấy là người Trung Quốc càng lúc càng cay đắng hơn đối với người Mỹ, nhiều quan chức đã tỏ thái độ thất vọng vì Donald Trump.
Một hậu quả được tuần báo Anh nêu bật trong bài «Thuyền chậm: Người Mỹ và Trung Quốc bình thường có dấu hiệu đang rời xa nhau». Trao đổi văn hóa và giáo dục Mỹ-Trung không còn khởi sắc như trong những năm trước đây…
Tham vọng quân sự của Bắc Kinh: Đẩy Mỹ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương
Lãnh vực quân sự dĩ nhiên cũng được chú ý. Trong bài có tựa đề rất lạ «Phát triển quân sự: Các khoảnh khắc Sputnik», The Economist không ngần ngại cảnh báo rằng «quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cần đến các quy tắc» để quản lý tốt các trường hợp đối đầu ngoài ý muốn.
Giải thích về tựa đề bài viết, tuần báo Anh nhắc lại rằng chính việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên quay quanh Trái đất, Sputnik 1 vào năm 1957 đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin ở người Mỹ, thúc đẩy nước này vươn lên mạnh mẽ thêm về quân sự để giành lại thế thượng phong. Hiện nay Mỹ cũng đang bị một cuộc khủng hoảng niềm tin trước đà trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nguyên nhân không còn là duy nhất một khoảnh khắc Sputnik mà là nhiều vụ nhỏ hơn liên tiếp.
Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng Quân Đội Mỹ. Trung Quốc đã thay thế kho vũ khí cũ kỹ của Liên Xô bằng các chiến đấu cơ và chiến hạm tiên tiến. Họ đã đầu tư vào các tên lửa chống hạm và các đội tàu ngầm để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào vùng biển Trung Quốc. Bắc Kinh cũng củng cố các hòn đảo nhỏ và rạn san hô trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bằng tên lửa, radar và phi đạo…
Và điểm nóng quân sự khẩn cấp nhất đối với Hoa Kỳ không còn là Đài Loan nữa. Báo cáo mới đây của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nêu rõ thái độ quan ngại của giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển quanh Trung Quốc, thậm chí ra hẳn bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên từ Nhật Bản lên đến Đài Loan.
Phi cơ và chiến hạm Mỹ thường xuyên sử dụng các quyền hợp pháp để vượt qua Biển Đông. Điểm đáng lo ngại là các phản ứng của Trung Quốc trước các hành động của Mỹ có thể leo thang một cách khó lường.
Kinh tế: Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Trump
Tuần báo Pháp Courrier International cũng dành hồ sơ chính cho tình hình Hoa Kỳ, với một câu hỏi rất khiêu khích làm tựa trang bìa: «Giả sử nước Mỹ trở thành xã hội chủ nghĩa thì sao?»
Tại Mỹ, chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm 2020 đã bắt đầu, và cánh tả Mỹ, do các gương mặt tiêu biểu như Alexandria Ocasio-Cortez và Bernie Sanders dẫn đầu, dường như đang khởi sắc trở lại. Tuần báo Pháp đã trích dịch các bài phân tích trên báo chí Anh Mỹ về vấn đề này.
Hồ sơ của Courrier International đặc biệt chú ý đến các động thái ngoại giao của Mỹ thời chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Lý thú nhất có lẽ là bài «Kinh tế, vũ khí hủy diệt hàng loạt» đăng trên nhật báo Mỹ Wall Street Journal, nhận thấy chính quyền Donald Trump dùng sức mạnh kinh tế của Mỹ để áp đặt quan điểm chính trị của Washington với các nước khác, không những với Trung Quốc, Venezuela đã đành, mà cả với các đồng minh. Theo tác giả bài báo, khi làm như vậy, Hoa Kỳ có thể thúc đẩy mọi người liên minh chống lại Mỹ.
Courrier International cũng trích dịch một bài viết khác về ngoại giao đăng trên tờ New York Times ghi nhận: «Bắc Triều Tiên, Iran, Venezuela: Trump nhân rộng các cuộc khủng hoảng». Tổng thống Mỹ đã liên tục khởi động các trận chiến ngoại giao chống lại một số chế độ trên hành tinh. Vấn đề là các hành động này không cho thấy một tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Trong số các hồ sơ nóng, có vấn đề Trung Đông với căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ và Iran. Trong bài «Trump trên đường chiến tranh với Iran», tạp chí Mỹ Foreign Policy, được Courrier International trích đăng, đã lo ngại rằng dưới ảnh hưởng của các cố vấn diều hâu đang bao quanh ông, cũng như thói quen dùng những lời lẽ hiếu thắng, tổng thống Mỹ có nguy cơ vô tình gây ra một cuộc chiến tàn khốc chống lại chế độ Iran.
Riêng về chính sách Bắc Triều Tiên của chính quyền Donald Trump, Courrier International đã trích dịch một bài viết trên tờ Kyunghyang Shinmun tại Seoul mang tựa đề lơ lửng «Chừng nào mà tên lửa của Bắc Triều Tiên không đe dọa Hoa Kỳ...». Tờ báo đã tỏ thái độ phẫn nộ trước điều được cho là quan điểm ích kỷ của Washington trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, chỉ nghĩ đến lợi ích của Mỹ mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét