Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Sài Gòn xưa: Chuyện ly cà phê 74 - Phạm Công Luận

Cà phê Sài Gòn
Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng có ít nhiều kỷ niệm xoay quanh ly cà phê, thức uống phổ biến ở thành phố này. Tôi cũng có một kỷ niệm nhỏ ở tuổi mười ba, khi lần đầu nếm mùi vị thơm đắng của nó. Năm 1974, tôi tham gia phong trào Hướng đạo ở lứa Thiếu sinh. Muốn giống như mọi hướng đạo sinh khác, tôi xin tiền má để sắm cho mình bộ đồ ka-ki. Về giày vớ, tôi nài nỉ thằng bạn có cha đi lính bán cho đôi bốt-đờ-sô, thêm một bình ton nước bằng nhựa xanh lá cây và cái ba lô có nẹp sắt sau lưng. Lúc đầu nó không chịu nhưng nói riết cũng thuận. Chiếc áo ka-ki là quan trọng nhất, cần vừa vặn thân hình mười ba tuổi đã bắt đầu nhổ giò của tôi. Tôi tự đi xe buýt ra chợ Dân Sinh ngoài quận Nhứt, mua được một bộ và đi tìm thợ may sửa lại cho vừa.
<!>
Ở dãy nhà phố đối diện ngõ Hàng Dương trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) ở Phú Nhuận có một tiệm may nhỏ, vắng khách. Tôi mang đồ đến đó vì thấy tiệm có vẻ bình dân, không lộng lẫy bày tủ kiếng như tiệm Lâm Hải gần bên, chắc là tiền công may sửa đồ không cao. Tiệm chỉ có một chị thợ may còn trẻ, có đôi mắt mí lót hiền lành với ánh nhìn hơi nghiêm. Chị có đứa con gái nhỏ mới hai tuổi, ngoan, hay ngồi chơi búp bê một mình bên máy may của mẹ.
Đó là những ngày mùa hè đáng nhớ. Chiến sự đang căng thẳng ở các tỉnh quanh Sài Gòn, trên báo chí luôn có thông tin về số người chết trận. Vì tiệm may này gần nhà, tôi thường tạt qua để xem chị đã sửa áo xong chưa. Thấy chị có vẻ kỹ lưỡng, tôi về nhà lục tủ lấy mấy cái áo của ông anh cho, mang ra sửa. Tính hay chuyện, tôi rề rà ngồi chơi và nghe thấu nhiều câu chuyện của chị. Chị cho xem hình một thanh niên còn trẻ trung, có gương mặt hiền và chất phác, là chồng của chị. Chị theo anh từ Sa Đéc lên Sài Gòn sinh sống khi mới cưới hai năm trước. Sau đó không lâu, anh vào lính. Chị tự xoay sở sinh con một mình, trong khi ở quê nhà còn cha già không ai chăm sóc. Cha con ngày càng khó gặp vì chiến cuộc ngày càng lan rộng, đi đứng đầy khó khăn.
Mỗi lần ghé tiệm tôi thấy chị thường uống cà phê phin. Cái bình thủy cũ xì trên bàn giữ nước nóng tốt lắm, chị bảo vậy. Chị khen cà phê bột ở tiệm Đồng Xương gần ngã tư Phú Nhuận pha uống rất ngon nhưng mắc quá. Tôi thấy phụ nữ uống cà phê nhìn lạ. Màu cà phê đen nhỏ từng giọt xuống đáy ly thủy tinh gợi một vẻ phong trần, hè phố tương phản với vẻ hiền lành, thùy mỵ của người thiếu phụ nhỏ nhắn bận quần lãnh Mỹ A, áo bà ba ngồi trước mặt tôi. Chị bỏ đường không nhiều, thường uống từng ngụm một. Có vài lần, giữa cử cà phê, chị khẽ hát mỗi một bài:
Thăm thẳm đường trường, tôi, người cô độc
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc
Đường sụt sùi qua mấy nẻo truông lầy
Cho cốc cà phê, cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay…
Giọng chị hơi giống giọng Trúc Mai trên ra-đi-ô, nghe xa xăm như giọng ca trong một dĩa hát cũ, u uẩn.
Một lần khác, khi tôi đến lấy áo, chị pha cho một ly sữa và cho ít cà phê vào. Hôm đó chị kể một câu chuyện nhỏ, rằng chị và anh học chung lớp ở trường trung học đệ nhị cấp ở quê nhà, cùng thi đậu Tú tài Một. Rớt tú tài Hai, anh nhập ngũ. Đám cưới diễn ra chóng vánh trước ngày anh lên đường, chị theo anh lên Sài Gòn thuê nhà rồi ở nhà đợi ngày sinh con. Kỷ niệm trước khi cưới của anh chị không có gì, ngoài những ngày sau đám cưới, anh rủ chị ra tiệm nước của thím Xẩm ngoài chợ gần nhà uống cà phê. Mỗi người ăn một cái bánh bao, nhưng uống chung một ly cà phê phin. Cà phê thơm quá, chị thích ngay dù phải quen dần vị ngọt đắng của nó. Khi anh lên đường, chị ở nhà sinh con và giữ thói quen uống thức uống rất “đàn ông” này. Khi hớp một ngụm nhỏ, chị thấy như dĩ vãng đẹp hiện về, trước mặt là khuôn mặt rắn rỏi, hiền lành, hơi “cù lần” của anh.
Về nhà, tôi hỏi ông anh về bài chị Dung thợ may đã hát. Anh nói đó là bài nhạc phổ thơ của một ông giáo lấy bút danh là Trường Anh ở Tây Ninh. Hồi anh còn dạy ở miệt Tây Ninh, xe đi từ Sài Gòn về phía tỉnh biên giới này đều đi qua vùng Cẩm Giang. Vùng này thời Pháp thuộc có một nhà tù giam chính trị phạm mà cậu Tư của chúng tôi từng bị nhốt ở đó. Mỗi khi xe đưa anh qua vùng Cẩm Giang trong tháng chín giữa mùa mưa, anh luôn nhớ bài hát đó, bài “Mưa đêm nay”. Những lúc đó, lòng da diết buồn khi nhìn về quê hương qua màn mưa. Trước 1975, con đường từ Sài Gòn lên thị xã Tây Ninh không an toàn, thỉnh thoảng xe bị nổ mìn chết nhiều người, thảm lắm. Mấy thầy giáo gốc Sài Gòn đi Tây Ninh cứ mỗi lần trở về trường sau nghỉ hè hay nghỉ Tết thường lâm râm khấn vái trong miệng đấng thiêng liêng tùy theo tôn giáo của mình, chỉ mong còn nguyên vẹn cho đến ngày được trở về nhà. Suốt mấy năm dạy học, anh an lành nhưng có lần, một quả pháo đã rớt trúng nhà trọ của anh ở khu Mít Một, mảnh pháo xén đứt góc ván gõ anh đang nằm ngủ, trong một đêm năm 1972.
Hết hè năm 1974, tôi nhập học trở lại. Tôi bỏ đi sinh hoạt hướng đạo ngày chủ nhật vì ba má tôi sợ bom rơi đạn lạc nguy hiểm, không cho đến chỗ đông người. Tôi không có việc gì để ghé tiệm may chị Dung nữa. Rồi một năm sau, cuộc sống thay đổi lớn, chiến tranh kết thúc. Tôi quên bẵng cái tiệm may nhỏ mà tôi lui tới nhiều lần suốt cả mùa hè đó.
Cà phê Sài Gòn
Hơn bốn mươi năm sau, ngày cuối tháng tư, trong cái quán tôi ngồi bỗng nhiên vẳng bên tai giai điệu buồn của bài hát “Mưa đêm nay”. Mùi cà phê thơm trong quán kéo tôi trở lại trong một chiều đầu mùa mưa ở Sài Gòn. Chị Dung, đứa con gái nhỏ của chị và gương mặt người trai trẻ hiền lành trong bức ảnh bỗng hiện lên mồn một trong ký ức của tôi.
Phạm Công Luận
Phạm Công Luận là tác giả của bộ sách “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” hiện đã xuất bản đến phần V. Từng trang sách về Sài Gòn của ông như chuyến du hành ngược dòng thời gian, đưa độc giả về những nẻo đường Sài Gòn xưa. Đọc sách của ông mới thấm thía rằng những câu chuyện về Sài Gòn xưa sẽ chẳng bao giờ cạn kiệt. Mời độc giả tìm đọc bộ sách tại đây.
Đăng lại từ Facebook Sài Gòn – Chuyện đời của phố

Không có nhận xét nào: