Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

LỜI NGUYỀN - Truyện của Phương Lan

Lần nào cũng vậy, mỗi khi xe đò sắp tới Đà Lạt là lòng tôi lại nôn nao những cảm giác xao xuyến khó tả.  Nhất là lần này, không hiểu sao bỗng dưng tôi cảm thấy bồn chồn và hồi hộp một cách kỳ lạ… Có lẽ vì tôi sắp đi lấy chồng nên sẽ ít còn dịp trở về thăm lại chốn xưa, nơi đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm không thể quên.  Qua khỏi Định Quán, xe bắt đầu tăng tốc độgió ào ạt lùa qua cửa xe, mang theo không khí trong lành của miền cao nguyên, làm mọi người đều cảm thấy dễ chịu.  Trời mới vào thu nhưng hãy còn hơi hướm của mùa hè, hoa hồng, hoa tường vi vẫn đang nở rộ, và những hàng cây phong hai bên đường, lá vẫn chưa đổi màu.  Đã quá trưa, mặt trời ngay trên đỉnh đầu, chiếu những tia nắng ấm áp làm tan đi cái giá lạnh của miền rừng núi, tuy vậy nhưng cũng có vài người sửa soạn đem áo len ra mặc.  Xe qua khỏi Bảo Lộc đã lâu rồi, và bây giờ đang trên đường vào thị xã Đà Lạt.  Con đường này, đối với tôi quen thuộc lắm, tôi nhớ từng khúc quanh, con đường đất đỏ, từng khóm cây và những ngôi nhà hai bên đường dọc theo sườn đồi…
<!>
Một đặc điểm của Đà Lạt là đứng ở chỗ nào cũng nhìn thấy cảnh vật ở những cao độ khác nhau.  Phía trên dốc cao, nổi bật ngôi nhà thờ mái đỏ với cây thánh giá cao vút, in lên nền trời màu xanh lơ có vài cụm mây trắng trôi lang thang.  Dưới dốc là thung lũng bạt ngàn, nhà cửa mọc san sát, bên kia thung lũng là nghĩa trang của thành phố, nơi Quân đang yên nghỉ.  Phía xa, trên đỉnh một ngọn đồi cao nhất là tu viện Domaine De Marie của dòng nữ tu áo trắng, nơi mà Quỳnh Như, người bạn thân nhất của tôi đang ẩn mình tu tập, hiến dâng đời mình cho Chúa.
Quỳnh Như và tôi là bạn với nhau từ lúc còn nhỏ, học chung trường Couvent des Oiseaux.  Gia đình Như gốc gác ở đây, còn gia đình tôi từ Sài Gòn lên Đà Lạt lập nghiệp từ những năm đầu của thập niên 1960.  Hai gia đình ở gần nhau, chỉ cách một con đường ngắn.  Dạo đó, chúng tôi còn bé lắm, ngày chủ nhật thường theo cha mẹ đi nhà thờ, nhưng chúng tôi không vào bên trong đọc kinh, mà chỉ thích chơi đùa ở bên ngoài, nơi vườn hoa rất đẹp trong khuôn viên của nhà thờ.  Chúng tôi đuổi bắt bướm, hái hoa, hoặc đi lượm những quả thông rơi đầy trong vườn.  Những chiều tan học, chúng tôi thường tụ tập với lũ trẻ cùng tuổi, rủ nhau đi bắt dế, bẻ trộm trái cây, hoặc chơi những trò nhảy dây, bóng chuyền, hay trốn tìm…

Tôi hiếu động, tinh nghịch như con trai, còn Như thì nhu mì, hiền lành.  Mặc dù chỉ hơn tôi một tuổi, Như lúc nào cũng nhường nhịn tôi như một người chị, nên giữa chúng tôi không bao giờ xảy xa những chuyện cãi cọ, hoặc tranh dành.  Như và tôi cùng lớn lên ở đây, và Đà lạt đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của chúng tôi khi còn thơ ấu, cũng như khi lớn lên thành những thiếu nữ dậy thì.  Như đẹp lắm, dáng dấp mảnh mai, quí phái, đôi mắt trong suốt như nước hồ thu, khuôn mặt trái soan trắng nõn, và đôi môi mọng đỏ, nhìn là thấy mê.  Như đẹp một vẻ dịu dàng, mong manh như liễu, còn tôi thì khoẻ mạnh, nẩy nở như một thiếu nữ Tây phương, cả hai chúng tôi đều nổi tiếng là những hoa khôi của trường.  Chúng tôi đều không có chị em gái, nên coi nhau như chị em ruột, thân nhau tới độ dùng chung son phấn, mặc áo quần cùng mẫu thời trang, hay đi khiêu vũ, thích ca nhạc, và cùng mê những tài tử chiếu bóng… Ngay cả chuyện tình cảm, chúng tôi cũng không dấu giếm, Như và tôi thường đem những lá thơ tình của mình vào lớp cho nhau đọc, đến khi có bạn trai, chúng tôi cũng thường hẹn hò đi chơi chung.

Năm hai mươi tuổi, Như có người yêu là một bác sĩ y khoa mới ra trường tên Quân, người phương phi cao lớn, vui vẻ, bặt thiệp, và rất đẹp trai.  Quân giống như một thỏi nam châm thu hút sự chú ý của các cô gái mới lớn, anh chàng lại hay nịnh đầm và tính tình rất bay bướm.  Chúng tôi vẫn thường đi chơi chung, Như rất tế nhị trong cách đối xử, nên tôi luôn luôn thấy thoải mái và không hề có mặc cảm thừa thãi trong các cuộc đi chơi tay ba đó, còn Quân thì lúc nào cũng lịch sự, chiều chuộng cả hai.  Như thường tâm sự với tôi về tình yêu và những dự tính trong tương lai.  Hai người yêu nhau dòng dã hai năm mới quyết định làm đám cưới, và tôi được Như mời làm phù dâu.  Gia đình Như và gia đình Quân đều giàu có, nên đám cưới thật linh đình, cô dâu Quỳnh Như yêu kiều, tươi như hoa, e lệ đi bên chú rể đẹp trai, cùng tiến vào thờ trong tiếng vỗ tay vang dội của mọi người, ai cũng khen hai người thật xứng đôi, đúng là một cặp vợ chồng lý tưởng.
Cuộc hôn nhân tưởng rằng hạnh phúc đó, không kéo dài được bao lâu, chỉ ba năm sau ngày cưới, Quân đã ra người thiên cổ trong một tai nạn xe hơi thật rùng rợn.  Như tự cho mình là thủ phạm trong cái chết của Quân, vì đêm hôm cuối cùng trước khi xảy ra thảm trạng, hai người đã cãi nhau thật kịch liệt, và Quân đã giận dữ, đùng đùng lái xe bỏ đi và xảy ra tai nạn, chiếc xe lao xuống vực thẳm, bốc cháy và Quân chết tan xác.
Điên cuồng vì đau khổ và hối hận dày vò, Như thề nguyền sẽ suốt đời ở vậy, sám hối để chuộc tội với Quân, lúc đó Như mới hai mươi lăm tuổi.  Để thực hiện lời hứa, Như đã xin vào ở trong tu viện, quyết tâm xa lánh việc đời.  Sau vụ đó ít lâu, tôi cũng rời Đà Lạt, xin hoán chuyển về Sài Gòn để tiếp tục nghề dạy học.  Trước khi chia tay, chúng tôi hẹn gặp nhau một lần chót.  Như làm một bữa cơm tiễn biệt, nhìn thức ăn ê hề, tôi hỏi:
-         Chỉ có hai đứa mình, sao bồ làm nhiều đồ ăn dữ vậy?
-         Thì mai bồ đi xa, tôi phải làm tiệc tiễn hành chứ.
Như nói với giọng bình thường, nhưng khoé mắt hơi đỏ, tôi cũng nghẹn ngào, gượng cười:
-         Bồ làm như tôi là tráng sĩ Kinh Kha, ra đi không hẹn ngày về… Tôi có đi đâu, rồi cũng sẽ về thăm bồ, vì làm sao tôi có thể dứt khoát xa rời người bạn thân của tôi, và xa rời Đà Lạt là quê hương thứ hai của tôi được chứ?
-         Bồ nói đúng, chúng ta đã có với nhau quá nhiều kỷ niệm, tôi tin rằng bồ sẽ không quên được đâu.
Nói tới đây, Như ngưng lại, nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ, rồi mới buồn rầu tiếp tục:
-         Chúa đã sắp đặt cuộc đời của hai đứa mình có liên quan với nhau.  Chúng ta cùng lớn lên ở đây, là bạn thân của nhau hai mươi năm rồi, cùng chia xẻ mọi thứ, vui cũng như buồn… Quân chết đi là tôi mất tất cả, đời tôi chẳng còn vui thú gì nữa, tôi biết bồ cũng đau lòng lắm, phải không?
Tôi gật đầu, mặc dù trong thâm tôi nghĩ khác, cái chết của Quân có làm tôi bàng hoàng, xúc động thật đấy, nhưng chỉ một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đấy, không như Như đau khổ đến tuyệt vọng, có lẽ vì Như đã yêu quá sâu đậm người đàn ông duy nhất của đời nàng.  Nhìn Như giống như một cái xác không hồn, tôi thầm thương xót cho bạn.  Cá tính của chúng tôi từ thuở nhỏ vẫn không thay đổi, tôi luôn luôn hiếu thắng nhưng nông nổi, hễ thích cái gì thì tìm cách chiếm đoạt cho kỳ được, xong rồi lại chán, không giống như Như âm thầm nhưng sâu sắc.  Như sống về nội tâm nhiều hơn, tình cảm cũng kín đáo, không để lộ ra ngoài, đố ai có thể đoán được những ý nghĩ thầm kín trong đầu của cô nàng qua bộ mặt luôn luôn trầm lặng, khép kín.
Bữa ăn rất buồn, gần như không ai đụng đũa.  Lúc tiễn tôi ra cửa, Như cố gượng một nụ cười héo hon:
-         Đâu có ngờ cuộc đời của tôi lại trở thành thế này? tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần để chịu đựng.  Nhưng bồ đừng lo, tôi sẽ không tự tử đâu, vì tôi còn phải sám hối, còn nhiều việc phải làm trước khi nhắm mắt.
Tôi rùng mình, lời nói sao nghe như một lời nguyền… Tôi cúi mặt, tránh những tia nhìn quan sát toát ra từ cặp mắt rất buồn của Quỳnh Như lúc này trông giống như hai cái giếng sâu thăm thẳm, đầy bí hiểm khiến tôi rờn rợn. Tôi nắm lấy tay bạn một lúc rồi mới buông ra:  
-         Thôi chúng mình chia tay nghe!  Bồ ở lại mạnh giỏi, nhớ giữ gìn sức khoẻ. Thu xếp xong công việc, thế nào tôi cũng sẽ lên thăm bồ, đây với Sài Gòn đâu có bao xa?
Như gật đầu, giọng sũng nước mắt:
-         Bồ thì bỏ đi, Quân cũng đã chết, tôi cô đơn quá, chẳng còn ai để tâm sự, để an ủi… Làm sao tôi chịu đựng nổi đây?
-         Hy vọng thời gian sẽ hàn gắn vết thương cho bồ.  Thôi, tôi đi nhé?
-         Bồ cũng bảo trọng.  Như dặn với, khi tôi bước ra cửa, nhớ giữ liên lạc!
-         Ừ, tôi không quên đâu! Bồ vô nhà đi kẻo lạnh, sương xuống nhiều rồi đó.
Nhìn dáng Như thiểu não, lòng tôi bỗng man mác buồn và tôi thương bạn vô kể.  Giữ lời hứa, chúng tôi vẫn thường xuyên thơ từ cho nhau và mỗi năm một lần, tôi đi thăm Như, đã năm năm rồi, thành một thói quen.
Năm nay lên Đà Lạt, tôi đem tặng bạn một cái áo lạnh có cả khăn quàng màu tím nhạt thật đẹp, một gói nho khô và mấy cái băng nhạc.  Như mọi lần, Quỳnh Như chờ tôi ở phòng tiếp khách của tu viện.  Trông Như bây giờ khác xưa nhiều quá, mái tóc dài mượt mà khi xưa vẫn để xõa xuống vai, ôm lấy khuôn mặt trái soan trắng nõn, bây giờ được vén cao, che dấu dưới nếp mũ vải xám, Như mặc bộ đồ nữ tu cũng màu xám, cổ đeo một chuỗi hạt có cây thánh giá bằng bạc lủng lẳng ở trước ngực.  Tôi mỉm cười, nói đùa:
-         Chào sơ Therese Như! Sơ có khoẻ không? dạo này trông sơ gầy đi nhiều.
-         Đừng gọi tôi như thế.  Như vội vã nói, tôi chưa được ơn Chúa cứu rỗi, nên chưa được chấp nhận, tôi vẫn còn trong thời kỳ thử thách.
-         Trông bồ đạo mạo quá.  Ở tu viện đã lâu, sao không quyết định dứt khoát?
-         Tôi đã nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa, nhưng lòng trần còn vấn vương nhiều quá.  Mẹ bề trên cho tôi thêm một thời gian nữa để suy nghĩ cho chín chắn.
Như nói xong, thở dài:
-         Tuần trước, ba má tôi cũng tới thăm.  Tội nghiệp, ông bà đã già rồi và buồn bã hết sức, ông bà chỉ mong tôi sớm quyết định dứt khoát, và bảo tôi nếu không tu được thì trở lại cuộc đời của một người bình thường và đi lấy chồng…
-         Ông bà cụ kể cũng có lý.  Tôi nói, bồ mới ba mươi tuổi, còn trẻ lắm, lại đẹp nữa, sao không làm lại cuộc đời?
Như nói một cách nghiêm trang:
-         Bồ tính làm sao tôi có thể bước đi bước nữa khi lòng đã nguội lạnh và tôi vẫn chưa quên được Quân?  Tôi vào đây là để sám hối tội lỗi mình đã gây ra, chính tôi đã giết Quân, hôm đó nếu tôi không cãi nhau với Quân thì anh ấy đâu có giận dữ bỏ đi và lao xe xuống vực?  Vì tôi mà Quân đã chết, tôi không bao giờ quên được cảnh tượng đêm hôm đó, hãi hùng quá, nó sẽ ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời… Đã giết người thì phải đền tội, tuy pháp luật không bỏ tù, nhưng lương tâm tôi khong bao giờ tha thứ.
Như nói xong, nhắm mắt lại, khuôn mặt hằn lên những nét đau đớn không thể tả.  Thương bạn quá, tôi nắm chặt lấy tay Như an ủi, và để cho bạn quên đi những ám ảnh về một tội lỗi tưởng tượng, tôi cố xoay câu chuyện qua một hướng khác.  Đưa cho Như gói quà tặng, tôi nói:
-         Vào thu rồi, Đà Lạt bắt đầu lạnh rồi đấy.  Như xem cái áo này có đẹp không? tôi đã mất cả một buổi chiều để đi chọn cho bồ đó.  Mặc thử đi, ấm lắm.
Như mân mê mãi làn vải dạ mịn màng của cái áo măng tô màu tím nhạt, mắt nhìn lơ đãng vào khoảng không một lúc sau mới quay lại nói, giọng trầm hẳm xuống:
-         Màu này là màu Quân vẫn thích… Bồ còn nhớ không? xưa kia tôi cũng có một cái áo dài màu như thế, mặc vào, Quân khen không tiếc lời, thế là mấy hôm sau, bồ cũng bắt chước, may một cái áo y hệt.
Tôi nói hơi có vẻ ngượng:
-         Ừ, dạo đó tụi mình thích mặc giống nhau.
Như im lặng, nét mặt đăm chiêu như đang nghĩ ngợi, tôi vội vã nói sang chuyện khác, tôi hỏi Như về đời sống ở trong tu viện, Như đáp:
-         Trầm lặng và buồn, mỗi người hình như đều sống trong một thế giới riêng, chỉ trừ những lúc đọc kinh thì tất cả đều hướng về Chúa.
-         Mẹ bề trên thế nào?
-         Mẹ Maria là một người đáng kính, bà chăm sóc phần hồn cho tất cả các sơ và những người tập tu như tôi.
Như vừa nói vừa mở gói nho khô ra nếm vài hạt, khen ngon rồi rủ tôi ra vườn.  Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, Như hỏi tôi về gia đình, về công ăn việc làm của tôi.  Thong thả, tôi kể cho Như nghe về cha mẹ tôi, về vài người bạn cũ, về Sài Gòn với những biến động chính trị, những cuộc biểu tình… Như chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng mỉm cười.  Nhân một lúc thấy Như vui vẻ, tôi mới nói:
-         Hôm nay tôi tới cho bồ hay một tin vui của tôi, tôi sắp lập gia đình.
Đang đi, Như dừng ngay lại, nhìn tôi một lúc, sắc mặt không hề biến đổi, rồi lại tiếp tục đếm bước.  Tưởng Như chưa nghe rõ, tôi nhắc lại:
-         Tôi sắp lấy chồng, bồ ạ, bọn tôi định Noel năm nay sẽ làm đám cưới.
Bấy giờ Như mới nói:
-         Mừng cho bồ, hai người quen nhau lâu chưa?
-         Mới năm ngoái, tôi gặp Tường trong một buổi dạ vũ…
-         Tên anh chàng là Tường à? anh ta làm nghề gì vậy?
Tôi ngập ngừng:
-         Tường cũng là một… bác sĩ.
-         Cũng là bác sĩ?  Như lập lại, thế ông ta có biết Quân không?
Tôi lắc đầu:
-         Tường học ở bên Pháp và mới về nước.
-         Không, tôi muốn hỏi Tường có biết chuyện giữa bồ và Quân không?
Tôi lạnh toát người, có cảm tưởng như máu vừa đông lại trong huyết quản, lảo đảo vịn vào một thân cây để đứng vững, tôi hỏi không ra hơi:
-         Chuyện gì giữa tôi và Quân?
Như bỗng bật lên một tràng cười dài nghe lạnh mình, tiếng cười vừa mỉa mai vừa có vẻ chế diễu khiến tôi càng thêm nhột nhạt.  Dứt chuỗi cười, Như mới chậm rãi nói:
-         Thôi đi, đừng có vờ! bồ tưởng tôi không biết gì hay sao? Hai người có tình ý với nhau từ thuở vẫn đi chơi chung, dạo đó Quân và tôi chưa làm đám cưới.  Tính Quân vẫn hay lăng nhăng như vậy, chỉ thích bắt cá bằng cả hai tay.
Tôi nuốt nước bọt hai, ba lần, phải khó khăn lắm mới mở miệng được, tôi nói gần như thì thầm:
-         Bồ biết vậy sao còn lấy hắn?
Như thở dài:
-         Tại tôi lỡ yêu Quân rồi. Trong đời tôi chỉ yêu một lần thôi, và cũng tại Quân nữa, Quân nói với tôi bồ khiêu khích hắn trước, hắn thấy bồ dễ dãi nên tán tỉnh chơi, còn lấy làm vợ thì Quân chọn tôi.
Như nói và nhìn tôi với một vẻ thương hại.  Tôi đứng im như trời trồng, đầu cúi xuống, mặt nóng bừng một cảm giác vừa trơ trẽn, vừa xấu hổ, nhục nhã.  Không bút nào tả được tâm trạng của tôi lúc đó, tôi chỉ muốn độn thổ ngay tức khắc, ước gì mặt đất nứt ra, tôi sẽ chun ngay xuống đó… Như vẫn thong thả tiếp tục:
-         Quân đã thề thốt đủ thứ, vậy mà sau khi cưới tôi, hắn vẫn lén lút đi lại với bồ.  Chúa ơi! bồ có hiểu tôi đã đau lòng đến thế nào không? khi người bạn thân nhất của tôi đã phản tôi, cướp chồng của tôi…
-         !?!
-         Nhưng tôi biết tính bồ mau chán, hy vọng rồi thế nào bồ cũng buông Quân ra, và Quân sẽ thuộc về một mình tôi thôi.  Ai dè…
-         !?!
-         Quân nói hắn muốn ly dị tôi để cưới bồ.  Điều đó làm tôi đau đớn đến cùng cực, đêm hôm đó chúng tôi đã cãi nhau một trận dữ dội, tôi không tiếc lời thoá mạ Quân, vì vậy mà Quân đã giận dữ lái xe bỏ đi và xảy ra tai nạn.
Tới đây thì tôi không thể đứng vững được nữa, hai đầu gối tôi lỏng lẻo như chỉ chực sụm xuống.  Như phải dìu tôi ngồi xuống một băng ghế trong vườn, rồi mới tiếp tục câu chuyện còn dang dở.  Như nhìn thẳng vào mặt tôi, thong thả nói từng tiếng một:
-         Tôi nghĩ bồ cũng có một phần trách nhiệm trong cái chết của Quân, vì bồ là nguyên nhân của cuộc cãi vã.
Như ngưng lại một chút, lơ đãng nhìn lên trời cao.  Tôi run rẩy đưa tay quệt mồ hôi đang vã ra trên trán, mặc dù lúc đó trời lạnh, cảm thấy toàn thân rã rời như không còn một chút sức lực nào cả, phải cố gắng lắm, tôi mới mở miệng được, lắp bắp:
-         Tôi… tôi ư?
Như gật đầu, vẻ mặt vẫn không thay đổi, cô ta nhìn tôi quan sát một lúc, rồi mới lạnh lùng buông một câu nguyền rủa thật nhẹ nhàng, nhưng cũng thật là độc địa:
-         Phải, bồ tưởng rằng cứ bỏ đi xa là có thể trốn tránh được tội lỗi? đâu có dễ dàng như thế?  Tôi tin rằng rồi đây trong suốt cuộc đời còn lại của bồ, bồ sẽ bị hối hận dằn vặt vì những gì bồ đã gây ra cho tôi, người bạn thân nhất của bồ.  Tôi bây giờ còn sống, nhưng cũng chẳng khác gì đã chết.  Chỉ trừ khi bồ có can đảm giết tôi, bồ mới có thể xoá bỏ hết tang chứng của cái quá khứ tội lỗi của bồ.  Nhưng dù sống hay chết, tôi vẫn sẽ là một cái bóng ma ám ảnh bồ suốt đời.  Bồ sẽ không bao giờ có thể sung sướng, an tâm hưởng hạnh phúc được đâu, vì lương tâm của bồ sẽ không để yên cho bồ.

PHƯƠNG – LAN
( Trích trong tác phẩm Còn chờ một kiếp sau )

Không có nhận xét nào: